Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình Bị Lừa? - Báo Tuổi Trẻ

buIxJQVS.jpgPhóng to
Lá thư viết tay của Trần Thị Ánh gửi ông Mạc Kim Tôn và "bút phê" của ông Tôn gửi các đơn vị chuyên môn trong sở
TT - Chuyện ông Mạc Kim Tôn - đại biểu Quốc hội, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Thái Bình - bị nghi ngờ dính dáng tới vụ án lừa đảo của Trần Thị Ánh đang là vấn đề mà người dân Thái Bình rất quan tâm. Phân trần với dư luận, ông Tôn nói mình đã bị học trò cũ... lừa. Liệu có phải như vậy?

Dự án “ma”

Ngay sau khi Trần Thị Ánh (tên thường gọi là Hà, sinh 1967) bị Công an Thái Bình bắt tạm giam, dù đang họp Quốc hội tại Hà Nội, ông Mạc Kim Tôn đã trở về Thái Bình và tìm đến phân trần với một số lãnh đạo địa phương.

Theo ông Tôn, Trần Thị Ánh trước là học sinh của ông ở Trường PTTH Nam Kiến Xương (nay là Trường THPT Nguyễn Du, Kiến Xương, Thái Bình). Gặp lại ông Tôn, Ánh tự giới thiệu làm việc tại một ban quản lý dự án viện trợ nằm trong UBND tỉnh.

Ánh khoe đang có một dự án của Chính phủ thực hiện thông qua UBND tỉnh để trang cấp máy vi tính cho các trường học. Trong những lần tiếp xúc, Ánh còn nhiều lần để lộ bản thân có quan hệ mật thiết với một số vị lãnh đạo ở cơ quan trung ương và địa phương.

Tháng 1-2006, trong cuộc họp của lãnh đạo Sở GD-ĐT, giám đốc Mạc Kim Tôn thông báo có người học trò cũ làm ở Ban dự án của UBND tỉnh và đang thực hiện dự án trang cấp máy tính, thiết bị cho sở cũng như các trường học trong tỉnh.

Tất cả vỏn vẹn chỉ có vậy. Phó giám đốc thường trực Sở GD-ĐT Thái Bình Trần Thị Huệ cho biết sau thông báo này, bà không được bàn bạc, trao đổi gì về việc triển khai dự án, không biết dự án trang bị máy tính cho trường nào, tổng giá trị dự án bao nhiêu, các bước thực hiện ra sao…

Là phó giám đốc sở kiêm phụ trách Trung tâm Tin học và ngoại ngữ, ông Trần Văn Điền cũng không biết gì hơn bà Huệ. Từ việc lên danh sách 20 trường học thụ hưởng “dự án” đến việc ký hợp đồng mua 267 máy vi tính của Công ty Kiên Cường

(7 triệu đồng/bộ máy), đều do ông Mạc Kim Tôn giao trực tiếp cho một số người, trong đó có ông Hoàng Đức Hoạt, cấp phó của ông Điền.

Theo xác minh của Tuổi Trẻ tại UBND tỉnh Thái Bình, trên thực tế không có một dự án trang cấp máy vi tính nào của Chính phủ thực hiện thông qua UBND tỉnh. Đặc biệt, Trần Thị Ánh cũng không phải là cán bộ ban dự án thuộc UBND tỉnh như đã tự giới thiệu.

Trần Thị Ánh đã thuyết phục ông Mạc Kim Tôn tham gia vào một dự án “ma” bằng việc ký hợp đồng mua chịu 267 máy tính của Công ty Kiên Cường. Với hợp đồng này, Ánh được doanh nghiệp “lại quả” 1 triệu đồng/bộ máy (giá bán trên giấy tờ là

7 triệu đồng/bộ) để giữ quan hệ làm ăn lâu dài với “cán bộ dự án”.

Tới khi đưa máy xuống giao cho các trường học, Ánh lại được một số trường “bồi dưỡng” vì đã có “công” đưa trường họ vào danh sách thụ hưởng dự án. Ngoài ra, tin tưởng vào sự giới thiệu của giám đốc Sở GD-ĐT về “cán bộ dự án” Trần Thị Ánh,

17 trường học ở tỉnh này đã đồng ý thanh toán hóa đơn GTGT khống của hàng chục bộ máy tính. Ánh đã bị khởi tố về hai tội lừa đảo và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Bị hại hay đồng phạm?

Theo phó giám đốc Sở GD-ĐT Trần Văn Điền, mặc dù không được phân công thực hiện dự án của Trần Thị Ánh, nhưng ông Điền cũng từng được giám đốc chỉ đạo phải ký một số văn bản giấy tờ thuộc dự án. “Khoảng tháng

3-2006, anh Nguyễn Thanh Thi (trưởng phòng hành chính tổng hợp của Sở GD-ĐT) đưa lên trình tôi ký công văn tiếp nhận hơn 200 bộ máy tính” - ông Điền trình bày. Ký theo ý kiến của giám đốc, nhưng ông Điền cũng nói rõ “không được biết sau đó việc triển khai thế nào”.

Tới khoảng tháng 5-2006, ông Thi lại đưa lên trình ông Điền ký bản hợp đồng kinh tế với Công ty cổ phần đầu tư và chuyển giao công nghệ ASP tại Hà Nội để mua 45 máy vi tính, 20 máy vi tính xách tay và 20 máy chiếu. Ông Điền từ chối ký với lý do không phải chủ tài khoản và không đủ tư cách pháp nhân.

Tuy nhiên, sau khi được giải thích hợp đồng chỉ có giá trị “tạo thuận lợi cho việc vận chuyển máy” và đã có ý kiến chỉ đạo của giám đốc Mạc Kim Tôn (thông qua truyền đạt của ông Nguyễn Thanh Thi) nên ông Điền đã buộc phải ký. Ông Điền đã báo cáo toàn bộ việc này với cơ quan điều tra.

Trong quá trình xác minh, phóng viên Tuổi Trẻ cũng đã thu được một bản viết tay lá thư do Trần Thị Ánh gửi giám đốc Sở GD-ĐT Mạc Kim Tôn đề nghị ông chỉ đạo các bộ phận chuyên môn của sở giúp Ánh hoàn tất thủ tục thanh toán.

Sau khi nhận thư, ông Tôn đã “bút phê” ngay phía dưới lá thư với nội dung: “Kính chuyển đồng chí Điền (phó giám đốc), đồng chí Khánh (trưởng phòng kế hoạch - tài chính Nguyễn Quang Khánh), đồng chí Thi (trưởng phòng hành chính - tổng hợp Nguyễn Thanh Thi).

Căn cứ vào quyết định phân phối hàng viện trợ máy tính cho ngành của Chính phủ và UBND tỉnh, căn cứ vào biên bản bàn giao máy tại các cơ sở trong ngành, các đồng chí làm giấy xác nhận để ban quản lý dự án làm thủ tục thanh toán với tổ chức viện trợ”.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, đây là một chứng cứ rất quan trọng cho thấy ông giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình đã dính líu khá sâu vào vụ việc lừa đảo của Trần Thị Ánh.

Hậu quả vụ này là rất nghiêm trọng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Duy Việt nói:

- Hiện ông Mạc Kim Tôn chưa có báo cáo gì cụ thể vì bận họp Quốc hội nhưng cách đây hơn một tuần ông Tôn có về Thái Bình, lên gặp tôi và nói rằng mình bị lừa. Sở GD-ĐT cũng có bản giải trình nhưng đây chỉ là thông tin ban đầu, vì việc này sở cũng không nắm được đầy đủ.

* Hiện nay cơ quan công an vẫn chưa tiếp xúc, làm việc lần nào với ông Mạc Kim Tôn?

- Công an đã có tiến hành điều tra bước đầu, nhưng chính thức làm việc với ông Tôn thì chưa. Trong luật đã qui định muốn triệu tập đại biểu QH thì phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH.

* Thưa ông, được biết khi tiếp xúc với ông Mạc Kim Tôn, Trần Thị Ánh giới thiệu bản thân là người của ban dự án thuộc UBND tỉnh và đang triển khai một dự án viện trợ từ Chính phủ thông qua UBND tỉnh cho Sở GD-ĐT?

- Tôi khẳng định hai điều. Thứ nhất, Ánh giới thiệu lúc là người của Văn phòng UBND tỉnh, lúc là người của Văn phòng Tỉnh ủy - điều đó là không có, Ánh không phải là người các cơ quan này. Thứ hai, UBND tỉnh không có dự án tin học nào như vậy dành cho Sở GD-ĐT.

* Thực hiện một dự án lớn như vậy mà giữa giám đốc sở và chủ tịch tỉnh không trao đổi với nhau?

- Đấy là lỗi của ông Tôn. Lỗi ấy sau này cơ quan pháp luật sẽ làm rõ, kết luận.

* Quá trình tìm hiểu sự việc, báo chí có nhận được tin khi thực hiện “dự án”, Trần Thị Ánh đã biếu, tặng máy vi tính cho một số lãnh đạo địa phương và Sở GD-ĐT. Ông có biết việc đó không?

- Tôi không biết, về phần tôi khẳng định là không có. Tôi có biết cô ta đâu mà được biếu?

* Theo ông, lỗi lớn nhất của giám đốc Sở GD-ĐT Mạc Kim Tôn ở đây là gì?

- Là lỗi gì, sau này cơ quan điều tra sẽ làm rõ. Nhưng rõ ràng hậu quả gây ra sau vụ này là rất nghiêm trọng. Đến nay, ít nhất cơ quan chức năng xác định ông Tôn có vi phạm: hợp đồng kinh tế ông Tôn ký là hợp đồng không có thật (vì không có dự án nào như vậy từ UBND tỉnh - PV), đáng lưu ý là ông Tôn đã thực hiện “dự án” trong khi không có nguồn vốn.

Từ khóa » Nguyễn Viết Hiển Giám đốc Sở Giáo Dục Thái Bình