Giám đốc Thẩm Là Gì? - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Giám đốc thẩm là gì?
  • Căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
  • Chủ thể kháng nghị giám đốc thẩm?
  • Thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm?

Trong thực tế, chúng ta bắt gặp rất nhiều vụ án oan, án sai. Có thể thấy, không phải trong bất cứ trường hợp nào, bản án hay quyết định của Tòa án cũng hoàn toàn đúng và phù hợp với quy định của pháp luật.

Để đảm bảo việc xét xử khách quan, đúng pháp luật, bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của các đương sự thì các đương sự có thể đề nghị giám đốc thẩm giúp lật lại vụ án. Vậy Giám đốc thẩm là gì? chắc hẳn được rất nhiều bạn đọc quan tâm. Bài viết dưới đây của Luật Hoàng Phi xin giải đáp một số thắc mắc của quý vị qua việc tìm hiểu Giám đốc thẩm là gì?

Giám đốc thẩm là gì?

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 – theo quy định tại điều 325 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Giám đốc thẩm là gì chắc hẳn là câu hỏi được bạn đọc quan tâm và tìm hiểu. Qua trích dẫn trên đây, có thể thấy, giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt, xét lại các bản án đã có hiệu lực pháp luật chứ không phải xét xử lại các bản án, quyết định đó.

+ Theo nguyên tắc thực hiện hai cấp xét xử được pháp luật Việt Nam ghi nhận tại Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Hai cấp xét xử gồm xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Hai cấp này với vai trò xét xử các vụ việc hay bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật khi có đơn khởi kiện hay kháng cáo, kháng nghị.

+ Còn giám đốc thẩm là thủ tục xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

– Giám đốc thẩm được áp dụng khi bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

+ Về nguyên tắc những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì sẽ được đưa ra thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.

+ Tuy nhiên trong một số trường hợp mặc dù bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng lại không đúng với bản chất vụ việc của pháp luật. Trong trường hợp này nếu đưa bản án, quyết định đó ra thi hành thì sẽ gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

+ Do vậy nếu bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện không đúng với bản chất sự việc hay có những vi phạm, sai lầm nghiêm trọng về pháp luật gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của đương sự thì cần đặt ra thủ tục xét lại bản án, quyết định đó và điều này là hoàn toàn hợp lý.

– Chủ thể làm phát sinh thủ tục giám đốc thẩm chỉ có một số người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

+ Khác với các cấp xét xử dân sự, người có quyền, lợi ích liên quan có thể làm đơn hay thực hiện thủ tục kháng cáo để bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi chưa được đảm bảo.

+ Nhưng ở giám đốc thẩm họ không có quyền kháng cáo nữa mà chỉ có thể thông báo với các cơ quan có thẩm quyền để họ thực hiện thủ tục kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

+ Chỉ có những người quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 mới có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

– Thủ tục giám đốc thẩm không mở công khai và phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp (khoản 1 Điều 338 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Ngoài việc hiểu Giám đốc thẩm là gì, bài viết đưa ra căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để bạn đọc nắm được.

Tại Điều 326 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 quy định các căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo đó, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

– Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

– Có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

– Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Chủ thể kháng nghị giám đốc thẩm?

Bên cạnh việc tìm hiểu Giám đốc thẩm là gì việc xác định chủ thể kháng nghị cũng rất quan trọng. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Điều 331 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015, gồm:

– Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao và của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết (trừ Quyết định của HĐTPTANDTC).

– Chánh án TA quân sự trung ương, Viện trưởng VKS quân sự trung ương có quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TA quân sự cấp quân khu và khu vực.

– Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm?

– Nếu kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

– Nếu kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án chết mà cần minh oan cho họ.

Trên đây, Luật Hoàng Phi đã mang tới cho Quý khách hàng những thông tin cần thiết liên quan tới chủ đề Giám đốc thẩm là gì?

Nếu Quý khách hàng có bất cứ thắc mắc gì đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn 1900 6557 để được tư vấn và hỗ trợ.

Trân trọng cảm ơn!

Từ khóa » Giám đốc Thẩm Nghĩa Là Gì