Giám đốc Trung Tâm HCDC Nguyễn Trí Dũng Và 6 Bài Học Kinh ...

* Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết một số kết quả nổi bật công tác phòng chống dịch COVID – 19 tại TPHCM trong thời gian qua?

- Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng: Như chúng ta đã biết, từ 1/2020, TPHCM là nơi phát hiện 2 ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam (bệnh nhân số 1 và 2, nhập cảnh từ Trung Quốc). Ngay khi dịch bệnh xuất hiện, TP triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 với quyết tâm cao trong phát hiện, xét nghiệm chẩn đoán, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch.

Sau 1 năm (tính đến ngày 30/12/2020), số ca COVID-19 xác định tại TP là 147 ca. Trong đó, có 21 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 4 ca lây nhiễm trong khu cách ly. Từ 147 ca mắc, đã có 12.084 người được truy vết và làm xét nghiệm (tương ứng 1/82) và 8.343 người được đưa cách ly tập trung (tương ứng 1/57).

Có thể thấy, với sự quyết tâm cao độ và nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị của TP, bước đầu có thể nhận định tất cả các chuỗi lây nhiễm tại TP đã được kiểm soát. Đáng chú ý là, ngành y tế TP đã kịp thời khoanh vùng dập tắt 2 ổ dịch lớn. Đó là ổ dịch tại quán Buddha (Quận 2) với 19 ca mắc (18 người tại TPHCM và 1 người ở Đồng Nai). Thứ hai là ổ dịch liên quan đến khu cách ly của tiếp viên Vietnam Airline với 16 ca mắc, trong đó có 4 ca bệnh lây nhiễm ra cộng đồng.

Gần đây nhất, trong đợt giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, TPHCM đã phát hiện 35 trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, bao gồm 9 nhân viên làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa tại Sân bay Tân Sơn Nhất và 26 người khác có liên quan đến nhóm nhân viên bốc xếp tại sân bay. Từ trường hợp chỉ điểm bệnh nhân đầu tiên trong chùm ca bệnh này, các hoạt động giám sát được mở rộng hơn để lần tìm các ca nhiễm chưa phát hiện, tiến hành truy vết khoanh vùng nhanh chóng các trường hợp tiếp xúc để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, giúp người dân TP được đón Tết an toàn. Để có được kết quả này, ngay từ ngày 1/2/2021, toàn bộ tập thể HCDC đã thống nhất đồng ý sẽ không nghỉ Tết, không ăn Tết ở quê, có mặt ở TPHCM để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

* Từ thực tiễn công tác phòng chống dịch COVID – 19, chúng ta có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm nào trong công tác phòng dịch bệnh?

- Có 6 bài học kinh nghiệm chúng tôi đã đúc kết từ thực tiễn công tác phòng chống dịch COVID – 19 tại TP. Đó là luôn giữ thế chủ động; đánh giá đúng nguy cơ, đáp ứng phù hợp; chiến lược xét nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin – nền tảng vững chắc cho kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm; phòng thủ vững chắc cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện tốt công tác truyền thông; sức mạnh đến từ phối hợp đồng bộ “Y tế - ban ngành - tổ chức chính trị xã hội - cộng đồng”.

TPHCM là trung tâm về nhiều mặt của cả nước, đầu mối giao thông trong nước và quốc tế nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là rất cao. Vì vậy, việc chủ động trong quá trình phòng chống dịch COVID – 19 giúp chúng ta ngăn chặn, phát hiện, xử lý các ca bệnh, nguồn lây nhiễm. Thời gian qua, ngành y tế đã chủ động triển khai sớm các hoạt động giám sát; chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống dịch bệnh ở cộng đồng. Cùng với đó là huấn luyện, cập nhật thường xuyên, rút kinh nghiệm từng giai đoạn. TP cũng đã chủ động triển khai các khu cách ly kiểm dịch và bệnh viện điều trị COVID- 19.Toàn TP có 58 khu cách ly tập trung, trong đó có 3 khu cách ly quân đội; 22 khu cách ly khách sạn; 9 bệnh viện và 24 khu cách ly của quận, huyện. Cùng với đó là Bệnh viện Dã chiến Củ Chi 300 giường và Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ 600 giường đã được triển khai kịp thời.

Để phòng chống dịch bệnh COVID – 19, chúng tôi cũng tập trung đánh giá đúng nguy cơ để có giải pháp phù hợp. Chủ động kiểm soát nguồn lây nhiễm từ người nhập cảnh, trong khu cách ly; giám sát các trường hợp sau cách ly tập trung; giám sát bệnh nhân xuất viện. Đồng thời thực hiện giám sát ca viêm hô hấp không có yếu tố dịch tễ và giám sát nhóm nguy cơ cao (nhân viên y tế, người làm công tác điều tra, truy vết F1, F2 khi có ca F0). Vừa qua, để kiểm soát chuỗi lây nhiễm tại Sân bay Tân Sơn Nhất, TP áp dụng theo đúng phương châm truy vết thần tốc, khống chế nhanh thông qua các biện pháp điều tra, mở rộng phạm vi tiếp xúc và đặc biệt là mở rộng xét nghiệm cả về không gian và thời gian.

Cũng nhận thấy rằng chiến lược xét nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai hiệu quả. Đây là nền tảng vững chắc cho kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm. Cùng với giám sát lấy mẫu COVID-19 trong cộng đồng, việc xét nghiệm ca nghi ngờ; người tiếp xúc để nhanh chóng kiểm soát chuỗi lây nhiễm; xét nghiệm nhóm nguy cơ cao để đánh giá các nguy cơ, điều chỉnh biên pháp đáp ứng. Tổng số mẫu xét nghiệm (tất cả đối tượng) tại TPHCM được thực hiện năm 2020 là 222.340 mẫu.

Cùng với những kinh nghiệm trên, ngành y tế TP đã xác định phải phòng thủ vững chắc cơ sở khám chữa bệnh bằng cách giám sát, phát hiện sớm kiểm soát nhiễm khuẩn, lây nhiễm. Bên cạnh đó là thực hiện tốt công tác truyền thông, đặc biệt với dịch COVID – 19 là dịch bệnh mới xuất hiện nên việc truyền thông sẽ giúp mọi người cung cấp đầy đủ các thông tin về dịch COVID-19. Truyền thông để mọi người tham gia truy vết tiếp xúc; đồng thời điều chỉnh thái độ, hành vi cho phù hợp.

Bài học cuối cùng là sức mạnh đến từ phối hợp đồng bộ “Y tế - Ban ngành - tổ chức chính trị xã hội - cộng đồng”. Rõ ràng để phòng chống dịch bệnh thành công cần sự phối hợp cơ quan chức năng; sự hợp tác hỗ trợ của người dân. Riêng đối với người dân trong thời điểm này cần thực hiện tốt quy tắc 5K: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế" để giữ an toàn cho mình và công đồng trước đại dịch COVID-19.

Nhân viên y tế thực hiện khử khuẩn tại một khu dân cư. Nhân viên y tế thực hiện khử khuẩn tại một khu dân cư.

* Từ những kinh nghiệm trên, thời gian tới HCDC sẽ triển khai các giải pháp gì nhằm thực hiện tối công tác phòng chống dịch COVID-19?

- Trong năm nay, TP tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch – vừa phát triển kinh tế”. Để thực hiện mục tiêu này, công tác dự phòng của HCDC là phát huy sự chủ động, nắm chắc tình huống. Thực hiện kế hoạch hành động từ đầu năm. Thực hiện các chỉ tiêu hoạt động thường xuyên song song với duy trì đội ngũ sẵn sàng chống dịch COVID - 19. Cùng với đó là duy trì các hoạt động giám sát, đánh giá nguy cơ để có thể đáp ứng phù hợp trong từng tình huống. Chúng tôi cũng luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu xét nghiệm; sẵn sàng cho các tình huống lấy mẫu diện rộng phục vụ điều tra – truy vết – khống chế dịch. Cùng với tăng cường giám sát bằng xét nghiệm đối với các nhóm nguy cơ là đa dạng hóa các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tổ chức giám sát các nhóm đối tượng nguy cơ tại cộng đồng và trong các cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức phân luồng và thực hiện khai báo y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng thu dung đầy đủ, kịp thời các trường hợp mắc COVID -19 bùng phát trong cộng đồng, trong mọi tình huống... Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần quyết tâm, đồng tâm, tận tâm để phòng chống dịch COVID – 19 một cách hiệu quả.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Từ khóa » Viết Tắt Hcdc Là Gì