Giám Sát Hành Trình Là Gì? Khi Nào Phải Lắp Thiết Bị GSHT?

Giám sát hành trình là gì? Khi nào phải lắp thiết bị GSHT? Hiện nay Việt Nam là quốc gia đang phát triển, do đó, số lượng xe ô tô hay các dòng xe tải xuất hiện ngày càng nhiều. Vậy bạn sẽ làm gì để có thể giám sát xe của mình nhanh chóng và dễ dàng nhất? Một trong các biện pháp để giám sát xe là lắp thiết bị giám sát hành trình. Vậy giám sát hành trình là gì? Khi nào phải lắp thiết bị giám sát hành trình? Quý khách hàng có thể tham khảo bài viết tư vấn dưới đây của Luật Minh Gia.

Mục lục bài viết

  • 1. Giám sát hành trình là gì?
    1. 1.1 * Tính năng của thiết bị GSHT:
  • 2. Yêu cầu tối thiểu đối với thiết bị GSHT
  • 3. Quy định các loại phương tiện vận tải bắt buộc phải có giám sát hành trình:
  • 4. Chế tài xử phạt đối với hành vi không lắp thiết bị GSHT
    1. 4.1 * Phạt tiền (điểm đ khoản 6)
    2. 4.2 * Tước quyền sử dụng phù hiệu (điểm a khoản 10)
    3. 4.3 * Biện pháp khắc phục hậu quả (điểm h khoản 11)

1. Giám sát hành trình là gì?

Giám sát hành trình là thiết bị có chức năng giám sát toàn bộ hành trình di chuyển của chiếc xe, xác định vị trí của xe, giám sát toàn bộ hành trình di chuyển của xe bằng công nghệ định vị GPS

* Tính năng của thiết bị GSHT:

- Tính năng thông báo trạng thái hoạt động của xe: tự kiểm tra và thông báo trạng thái hoạt động: tín hiệu GPS, tín hiệu GSM, khả năng kết nối máy chủ, tình trạng bộ nhớ lưu trữ dữ liệu,…

- Tính năng đối với lái xe: ghi nhận thay đổi tài xế lái xe: ghi lại chính xác thời gian, tọa độ đăng nhập, đăng xuất của lái xe qua đầu đọc thẻ RFID; Cảnh báo đối với lái xe chạy quá tốc độ, cảnh báo vượt mức thời gian lái xe liên tục cho phép…

- Tính năng ghi và lưu trữ dữ liệu trên thiết bị: hành trình xe chạy, tốc độ vận hành, thông tin lái xe, thông tin về số lần, thời gian dừng đỗ xe.

- Tính năng truyền dữ liệu về máy chủ: đảm bảo khả năng ghi nhận và truyền lại đầy đủ dữ liệu về trung tâm ngay cả trong trường hợp mất kết nối với máy chủ do gián đoạn đường truyền.

- Phần mềm quản lý đảm bảo tính năng giám sát trực tuyến: hiển thị vị trí, thông tin, tốc độ của xe, thời gian dừng đỗ, thông tin lái xe, thời gian lái xe liên tục… thông báo trạng thái hoạt động của thiết bị GSHT; tính năng quản lý và khai thác dữ liệu: truy cập, tìm kiếm, lập bảng biểu, thống kê, báo cáo,…

2. Yêu cầu tối thiểu đối với thiết bị GSHT

Tại khoản 2, khoản 3 Điều 12 Nghị Định 10/2020/NĐ-CP năm 2020 quy định về Thiết bị giám sát hành trình như sau:

- Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.

- Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu sau đây:

+ Lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm: Hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam);

+ Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) để thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; an ninh, trật tự; thuế.

3. Quy định các loại phương tiện vận tải bắt buộc phải có giám sát hành trình:

Theo quy định tại khoản 1 điều 12 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP nêu trên, các loại phương tiện vận tải phải lắp thiết bị GSHT:

- Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách;

- Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa;

- Xe trung chuyển.

Đồng thời tại khoản 4, khoản 5 điều 12 Nghị định nêu trên có quy định:

Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo cung cấp được các thông tin theo quy định tại điểm a khoản 3 của Điều này

Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe kinh doanh vận tải không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô. Trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe phải sử dụng thẻ nhận dạng lái xe của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe và đăng xuất khi kết thúc lái xe để làm cơ sở xác định thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày.

4. Chế tài xử phạt đối với hành vi không lắp thiết bị GSHT

Căn cứ theo quy định tại điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP năm 2019, chủ phương tiện nếu không lắp thiết bị GSHT sẽ phải chịu mức xử phạt hành chính như sau:

* Phạt tiền (điểm đ khoản 6)

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện hành vi vi phạm sau đây:

Sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với hình thức kinh doanh vận tải có quy định phương tiện phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô

* Tước quyền sử dụng phù hiệu (điểm a khoản 10)

Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 6 Điều này, ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

Bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 tháng đến 03 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm

* Biện pháp khắc phục hậu quả (điểm h khoản 11)

Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 6 Điều này, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả :

Buộc phải lắp đặt camera, dây an toàn, đồng hồ tính tiền cước, thiết bị in hóa đơn, thiết bị giám sát hành trình trên xe theo đúng quy định;

Từ khóa » Thiết Bị Gsht