Giảm Thuế Môi Trường Xăng Dầu: Đã đủ Tác động Tích Cực đến Nền ...

CPI sẽ giảm 0,16%

Sáng 6/7, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết nhất trí giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong Biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ, cụ thể: Xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/ lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/1 lít xuống mức sàn là 500 đồng/1 lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/1 lít xuống mức sàn 300 đồng/1 lít; dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/1 lít là mức giá sàn trong khung thuế suất.

Người tiêu dùng mua xăng trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Hải Linh
Người tiêu dùng mua xăng trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Hải Linh

Đồng thời, thống nhất thời hạn áp dụng Nghị quyết là ngày 11/7/2022, để kịp cho kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo (vào ngày 15/7/2022). Như vậy, ít nhất, trong kỳ điều hành ngày tới đây, giá xăng sẽ được giảm 1.000 đồng/lít, giá dầu giảm 500 đồng/lít nhờ nghị quyết này.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nếu sản lượng xăng dầu tiêu thụ vẫn giữ như hiện nay và chính sách được áp dụng ngay, ước giảm thu ngân sách từ thuế BVMT khoảng 7.000 tỷ đồng. Cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường đang áp dụng (trước đó thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được giảm 50% từ ngày 1/4), tổng thu ngân sách sẽ giảm 32.538 tỷ đồng năm nay.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần (giá xăng tăng 13 lần và giảm 4 lần, trong đó có 2 lần giảm sau khi thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15).

Xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, nên sự biến động giá xăng dầu sẽ tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng dầu không phân biệt đối tượng áp dụng sẽ hỗ trợ nền kinh tế và người dân.

Tính chung trong tháng 4/2022, việc điều chỉnh giảm mức thuế BVMT với xăng, dầu, mỡ nhờn đã làm giá xăng dầu giảm 0,59% so với tháng 3/2022 và từ đó làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung giảm 0,06 điểm phần trăm theo đánh giá của Tổng cục Thống kê.

Còn theo tính toán, áp dụng việc giảm thuế BVMT ở mức kịch khung như biểu quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì ước tác động của giải pháp giảm sắc thuế này sẽ góp phần giảm chỉ số CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,16%.

Doanh nghiệp, người dân được hưởng trực tiếp

Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp bày tỏ rất hoan nghênh khi Bộ Tài chính đã sớm đưa ra kiến nghị giảm các loại thuế trong giá xăng dầu, đồng cảm với DN. Hiện nay, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 40% trong cơ cấu giá thành vận tải hàng không; từ 35 - 40% giá thành vận tải đối với các dịch vụ xe container, xe tải nặng và khoảng 25% đối với các loại xe khác. Theo ông Hiệp, nếu thuế bảo vệ môi trường giảm 1.000 đồng/lít thì chi phí của DN vận tải sẽ giảm tương đương khoảng 5%.

Dù vậy, theo các DN, việc giảm thuế BVMT xăng dầu chưa thể khiến giá hàng hóa giảm ngay mà chỉ giảm bớt áp lực cho DN. Do trước đó áp lực tăng giá thành sản phẩm nhưng DN vẫn cố gắng gìm giữ giá bán ở mức phù hợp nhất với đối tác.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu

Tính đến nay, giá xăng đã tăng hơn 50% so với cuối năm 2021. Hiện giá xăng A95 đã ở ngưỡng 32.760 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng ở mức rất cao, 29.610 đồng/lít, là mối lo, khó khăn trong điều hành giá những tháng cuối năm. Vì thế, “việc điều hành giá 6 tháng cuối năm rất cần lưu ý tới giá xăng dầu, để đảm bảo mục tiêu CPI dưới 4%" - PGS.TS Trần Hoàng Ngân chia sẻ.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp dịu bớt phần nào áp lực giá cả nhưng nhà chức trách có thể cân nhắc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT (VAT) hoặc thuế nhập khẩu.

Chẳng hạn, thuế tiêu thụ đặc biệt đang thu là 10%, khi giá dầu ở mức 50 USD một thùng, mức thuế DN phải trả là 5 USD. Và khi giá dầu vọt lên 100 USD một thùng, thuế suất DN phải đóng tăng gấp đôi, 10 USD. "Tức là giá dầu càng tăng thì thuế thu càng đắt, đây là điểm bất hợp lý" - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nói.

Đồng tình, theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, trong 6 tháng đầu năm lạm phát bình quân đã đạt 2,44% so với cùng kỳ. Tuy chưa ở mức cao nhưng đã chiếm trên một nửa so với mục tiêu lạm phát trong khoảng 4% được Quốc hội đặt ra.

Qua số liệu thống kê cho thấy, trong 11 nhóm hàng tính CPI thì có đến 9 nhóm hàng có chỉ số CPI tăng. Trong 9 nhóm hàng đó thì chỉ số CPI của nhóm nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,62%.

Nguyên nhân cơ bản gây nên lạm phát bình quân 2,44%, đó là giá xăng dầu tăng liên tục và đứng ở mức cao. Giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm; giá gas tăng 25,92%, làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm. Như vậy, có thể thấy chỉ tính xăng dầu và gas đã đóng góp vào chỉ tiêu lạm phát là trên 2,25 điểm phần trăm.

“Tất nhiên chúng ta cũng phải lưu tâm tới chuyện hụt thu ngân sách, tuy nhiên, giảm thuế trong xăng dầu lúc này cũng khả thi khi Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô tăng và tình hình thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 khả quan. Thu NSNN hoàn thành 66% dự toán pháp lệnh, ngân sách thặng dư gần 220.000 tỷ đồng- VCCI nhấn mạnh.

Theo tính toán, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay với xăng RON95 là 10%, tại chu kỳ tính giá ngày 21/6, số thuế được tính vào giá tương đương 2.373 đồng/lít. Nếu giảm 50% mức thuế, có thể giảm được khoảng 1.100 đồng/lít. Thuế VAT với xăng chiếm tỉ trọng 10%, tương đương 2.988 đồng/lít. Trường hợp giảm 50% mức thuế, số tiền thuế có thể giảm là gần 1.500 đồng/lít.

Như vậy với riêng hai sắc thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt, nếu giảm tới 50% thì giá xăng có thể giảm 2.000 - 2.600 đồng/lít và dầu có thể giảm 2.000 đồng/lít. Cộng thêm mức thuế BVT đang được đề xuất giảm ở mức kịch khung, giá xăng sẽ được giảm 3.000 - 4.000 đồng/lít, dầu giảm ở mức khoảng 2.500 đồng/lít (dầu không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt).

Bộ Tài chính cho biết, đã chủ động các phương án khác đối với chính sách thuế như đang nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền giảm thêm một số loại thuế như nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT…Về thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và DN về Dự thảo Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), trong đó dự kiến giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng từ mức 20% xuống 12%.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, DN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn neo ở mức cao, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị định để ban hành và kịp thời đưa vào áp dụng trước khi tiếp tục trình Quốc hội các đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT như dự kiến của Chính phủ.

"Trước đây, một trong những lý do áp thuế tiêu thụ đặc biệt trên xăng là vì đây là mặt hàng chỉ dùng cho các thiết bị như ôtô, xe gắn máy thuộc sở hữu của những người có thu nhập cao trong xã hội. Tuy nhiên, đến nay việc duy trì thuế này trên xăng không còn hợp lý. Do vậy nên bỏ càng sớm càng tốt chứ không phải giảm. Với các loại thuế khác như VAT... cũng cần xem xét giảm sâu." - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân"Song song với các giải pháp thuế, cần kiểm soát tốt nguồn cung xăng dầu trên thị trường, tránh tình trạng đầu cơ, lũng đoạn giá, "tát nước theo mưa" tăng giá ồ ạt... Các cơ quan hữu quan cần xử lý nghiêm tình trạng tự ý tăng giá, tin đồn gây ảnh hưởng đến thị trường giá cả…Chính phủ cần triển khai nhanh hơn gói tài khóa và tiền tệ, giúp tăng tổng cung, giảm cú sốc cung - cầu hiện tại." - PGS. TS Trần Hoàng Ngân

Từ khóa » Thuế Môi Trường Xăng Dầu Hiện Nay