Giàn Gừa - Di Tích Thiên Nhiên Hiếm Có

Những thân gừa, nhánh gừa to lớn, tán rộng, đan xen nhau chằng chịt, tạo thành một "Giàn Gừa" khổng lồ tại ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Đây có lẽ là Giàn Gừa có một không hai tại Việt Nam. Nơi đây từng là cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân dân Cần Thơ. Ngày 7-4-2013, Giàn Gừa vừa được UBND TP Cần Thơ xếp hạng là Di tích lịch sử cấp thành phố.

Trăm năm huyền thoại

Có 2 lối đi đến Di tích lịch sử Giàn Gừa: một là đi theo hướng lộ Vòng Cung trên địa bàn xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, qua phà đến xã Nhơn Nghĩa rồi hỏi thăm đường đi; hai là đi từ Cần Thơ về Hậu Giang, rẽ vào quốc lộ 61B (đường đi Vị Thanh), đến gần chân cầu Rạch Sung, quẹo trái, có bảng chỉ dẫn đường vào di tích. Dù con đường làng đã được tráng nhựa nhưng do hẹp nên xe 4 bánh không vào được, phương tiện di chuyển đến di tích chủ yếu là xe gắn máy.

Giàn gừa trước đây có diện tích rất lớn nhưng do sự tàn phá của bom đạn chiến tranh và sự tác động của môi trường nên hiện nay chỉ còn khoảng 2.700 m2. Đến di tích Giàn Gừa, khách tham quan cảm thấy ngạc nhiên, choáng ngợp trước một giàn gừa nguyên sinh vững chắc, với nhiều cây, nhiều nhánh đan xen, quyện chặt vào nhau như một tấm lưới khổng lồ. Có những cành gừa còn in hằn vết tích chiến tranh với những vết đứt, vết loang lổ do bom đạn. Tuy nhiên, với sức sống mãnh liệt, những cành gừa ấy vẫn đâm chồi, nảy lộc và vươn mình tỏa rợp bóng mát. Những cành gừa uốn lượn, ngoằn nghoèo đan vào nhau trên không trung, trên mặt đất trông giống như những con trăn, con rắn khổng lồ. Dưới những tán cây rộng, rợp bóng mát, mọi người cảm thấy thoải mái, yên bình bởi không khí nơi đây rất mát mẻ, trong lành.

Bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ, Di tích Giàn Gừa còn là nơi có nhiều huyền thoại, gắn liền với lịch sử khai hoang mở cõi của nhà Nguyễn và lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân địa phương. Bên trong khu di tích có đền thờ Bác Hồ và một ngôi miếu nhỏ thờ Bà Thượng động Cố Hỉ.

Theo truyền thuyết mà một số người lớn tuổi của tộc họ Nguyễn ở xã Nhơn Nghĩa kể lại: vào giữa thế kỷ XIX (năm Đinh Tỵ, 1857), nhiều nhóm người từ sông Tiền di cư đến làng Nhơn Nghĩa khai hoang, trong đó có ông Cả và một số người thuộc kiến họ Nguyễn. Do đất đai nơi đây màu mỡ, phì nhiêu nên việc khai hoang thuận lợi, đất đai của kiến họ Nguyễn ngày càng được mở rộng. Từ đó, nhiều người gọi ông Cả là ông Cả Nguyễn. Một hôm, vùng này xảy ra hỏa hoạn khiến giàn gừa bị cháy. Ở làng xuất hiện nhiều dịch bệnh, nhiều con cháu ông Cả Nguyễn bị bệnh chết.

Thầy Bảy ở núi Châu Đốc, An Giang làm nghề bốc thuốc Nam đến chữa bệnh cho dân làng và khuyên mọi người nên trồng lại cây gừa. Sau khi cây gừa được trồng lại, dịch bệnh, tai ương không còn hoành hành, cuộc sống người dân được bình yên. Về sau, mỗi khi gặp khó khăn, trắc trở trong cuộc sống, người ta đến đây cầu nguyện ngày càng đông. Con cháu họ Nguyễn liền dựng ngôi miếu thờ Bà Thượng động Cố Hỉ và lấy ngày 28 tháng 2 âm lịch hằng năm là ngày Vía, để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Chứng tích đấu tranh chống giặc ngoại xâm

Những thân, cành đan xen nhau chằng chịt, tạo thành một giàn gừa khổng lồ hiếm có.

Từ những năm đầu chống thực dân Pháp, một số đồng chí cán bộ, đảng viên đã đến giàn gừa hoạt động dưới nhiều hình thức.Trong đó, có thầy Bảy làm nghề bốc thuốc nam. Thông qua việc bốc thuốc chữa bệnh, nắm bắt được tâm tư, tình cảm của bà con nơi đây, thầy Bảy dần dần tạo được niềm tin trong quần chúng và thiết lập cơ sở cách mạng tại giàn gừa.

Sau năm 1954, Mỹ -Diệm lật lọng không thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, khủng bố, đàn áp các phong trào cách mạng, ráo riết thực hiện chính sách "tố Cộng, diệt Cộng", lê máy chém đi khắp miền Nam… Lúc bấy giờ, giàn gừa với vị trí giáp nhiều kênh rạch chằng chịt, xung quanh nhiều lau sậy, là địa điểm an toàn để hoạt động cách mạng của cán bộ địa phương. Nơi đây còn là địa điểm hoạt động của Biệt động thị trấn Cái Răng do đồng chí Tám Thạt chỉ huy vào năm 1956-1957.

Giàn gừa được chọn là địa điểm mở lớp đào tạo, huấn luyện đội "biệt động mật" để cung cấp cho các cơ sở nội thành hoạt động, do đồng chí Nguyễn Việt Dũng- Thị đội trưởng Thị xã Cần Thơ- phụ trách. Khi đội "biệt động mật" đi vào hoạt động đã đưa các phong trào đấu tranh lên một bước mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng vũ trang tấn công vào nội ô.

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, lực lượng Thành đội Cần Thơ đã chọn giàn gừa là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược. Từ đây theo con rạch Bà Thợ, bộ đội chuyển vũ khí ra vàm Rạch Sung, vàm Bà Hiệp đến sông Cần Thơ để tấn công vào cơ quan đầu não vùng IV chiến thuật của Mỹ- ngụy tại TP Cần Thơ.

Giàn gừa còn là nơi diễn ra nhiều cuộc hội họp triển khai kế hoạch, Nghị quyết, chỉ thị của Khu ủy, Tỉnh ủy và một số ban ngành của TP Cần Thơ, góp phần làm nên thành công của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Những tấm lòng

Hằng năm, Di tích Giàn Gừa thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan. Đã có rất nhiều người thành tâm đóng góp để Ban quản lý Di tích có kinh phí sửa sang, tu bổ di tích và tổ chức các lễ cúng lớn trong năm. Ông Nguyễn Văn Lý, nguyên thiếu tá công an, Trưởng Ban quản lý Di tích Giàn Gừa, cho biết: "Số tiền đóng góp của bà con, du khách được sử dụng công khai, minh bạch, có thủ quỹ, có sổ sách thu chi rõ ràng. Tiền còn dư, Ban quản lý gửi tiết kiệm để sau này góp phần xây dựng, mở rộng di tích".

Du khách nghỉ ngơi dưới bóng mát của giàn gừa.

Những năm gần đây, khu di tích đẹp hơn, khang trang hơn vì có hàng rào kiên cố bao quanh, có tượng 2 con lân lớn và tượng Hắc Hổ, Bạch Hổ, có nhiều bàn ghế đá để khách nghỉ chân… Tất cả đều được thực hiện từ sự đóng góp của bà con trong họ, du khách thập phương và những mạnh thường quân. Trong đó, tiêu biểu là gia đình ông Võ Văn Sấm, vốn là con cháu họ Nguyễn ở Phong Điền, hiện chủ doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Thương mại Thép Việt Sấm. Trong nhiều năm qua, gia đình ông Sấm đã tài trợ rất nhiều cho việc tu bổ, nâng cấp Di tích Giàn Gừa. Hằng năm, vào các ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 hoặc ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, ông Võ Văn Sấm đều hỗ trợ kinh phí, tặng quà cho các buổi họp mặt của cựu chiến binh, những gia đình có công với cách mạng ngay tại giàn gừa. Đặc biệt, vợ chồng ông Sấm đã cam kết với huyện Phong Điền sẽ mua hơn 5.000 m2 đất hiến tặng cho Di tích Giàn Gừa để phục vụ việc xây dựng và mở rộng di tích này. Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Điền và ông Võ Văn Sấm, hiện ông Sấm đã mua được 2.371 m2 đất ở sát khu di tích và đang làm thủ tục hiến tặng cho Ban quản lý Di tích.

Số lượt khách đến tham quan di tích ngày càng đông. Chỉ tính trong dịp lễ Vía Bà Thượng động Cố Hỉ vào ngày 28-2 âm lịch năm nay, Ban quản lý Di tích ước lượng có khoảng 8.000 lượt khách. Giàn gừa lại vừa được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp thành phố nên việc nâng cấp, mở rộng Di tích để đáp ứng tốt số lượng khách tham quan là nhu cầu cần thiết. Ông Võ Văn Sấm, cho biết: "Nếu sau này thành phố cho phép nâng cấp, mở rộng Di tích Giàn Gừa, gia đình tôi sẽ nhiệt tình đóng góp kinh phí cùng địa phương để xây dựng Di tích ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn. Là con cháu họ Nguyễn, gia đình tôi chỉ mong góp chút sức để góp phần xây dựng quê hương, đất nước".

* * *

Giàn gừa là một thắng cảnh đẹp gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Phong Điền, là cái nôi cách mạng với truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân dân Cần Thơ. Đây còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt… Do đó, Di tích lịch sử Giàn Gừa cần được giữa gìn, bảo tồn và phát huy hơn nữa.

Bài, ảnh: LỆ THU

Từ khóa » đường đi Giàn Gừa