Gian Nan Chống “cát Tặc” - Công An Tỉnh Vĩnh Long

Khai thác cát trái phép và tình trạng sạt lỡ đang là nỗi ám ảnh thường trực của nhiều người dân sinh sống trên các cù lao, ven sông lớn tại các huyện Long Hồ, Vũng Liêm và Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Mặc dù, lực lượng Công an đã triển khai nhiều giải pháp, quyết tâm đấu tranh có hiệu quả với các hành vi khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, do lợi nhuận thu được quá lớn, khiến các đối tượng khai thác cát trái phép bất chấp quy định của pháp luật để hoạt động.

Hậu quả của "cát tặc" gây ra là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống của người dân, ảnh hưởng đến môi trường và nguồn tài nguyên khoáng sản. Thực trạng cát tặc đáng báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải cùng nhau vào cuộc quyết liệt hơn nữa trước khi quá muộn.

Mãnh vườn cây ăn trái rộng hơn 2 ngàn mét vuông của gia đình ông Phan Văn Hải, ngụ ấp An Long, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đã đỗ sập xuống sông một phần, giờ đây còn lại rất ít và hiện thiếu đất canh tác. Trước năm 2010, gia đình ông Hải cũng thuộc diện khá giả ở địa phương nhờ lợi nhuận thu hoạch từ vườn cây ăn trái, nhưng những năm trở lại đây, gia đình này luôn thiếu trước hụt sau, vợ và 2 con trai của ông đã bỏ quê lên Sài Gòn làm ăn sinh sống, bởi sạt lở đất đã 3 lần "nhấn chìm" căn nhà và ăn sâu vào khu vườn của ông.

Sạt lở đất một phần là do thiên nhiên nhưng phần lớn nguyên nhân chính là do con người, từ việc khai thác cát sông quá mức dẫn đến làm thay đổi kết cấu địa chất, lòng dẫn nước bị đào sâu, thay đổi dòng chảy gây sạt lở nghiêm trọng.

Ông Phan Văn Hải – Người dân xã An Bình, huyện Long Hồ tâm sự: Thường ông bà xưa có câu an cư mới lập nghiệp mà đất đai giờ cứ sạt lở hoài vậy thì không bao giờ lập nghiệp nỗi hết. Tình hình vậy hoài chắc sống không nỗi, vì mỗi ngày cứ lỡ lỡ hoài. Không biết dời nhà vô đây có yên không nữa hay là năm sau phải tiếp tục dời nhà đi nữa.

Những đám lục bình tươi tốt ven sông Tiền, thuộc địa phận xã An Bình, huyện Long Hồ, trước đây là một phần đất có thể làm được một sân bóng đá mini. Theo những người dân nơi đây cho biết, hiện sạt lở đã lấy đi của họ phần đất có chiều dài hơn 30 mét tính đến thời điểm này.

Những ký ức ngày mà tài sản vốn quý nhất của gia đình đỗ sập xuống sông, người dân tay lắm chân bùn này vẫn còn nhớ như in.

Ông Phạm Văn Đan – Người dân xã An Bình, huyện Long Hồ chia sẽ: Hồi đó gần mảnh vườn tôi có một cái nhà tường, buổi chiều đó nó đỗ sập xuống sông hên là chạy ra kịp, chứ buổi tối là chết hết rồi. Mong cơ quan chức năng ra luật cho thiệt mạnh làm cho xáng cạp không xuống đây cạp nữa, nếu không là nguyên ấp An Hòa này ngập hết.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Lượm – Người dân xã An Bình, huyện Long Hồ, cũng nói: Trước đây, mỗi năm tôi thu hoạch từ cây ăn trái khoảng 100 triệu nhưng giờ chỉ khoảng 20 triệu thôi. Và nếu tình trạng xáng lấy đất như thời gian gần đây thì có khả năng 1, 2 năm nữa bà con ở đây di tản xuống bè hết vì nhà xuống sông hết rồi tiền nữa đâu mà cất.

Những bờ kè tạm thời, đối với người dân sống vùng ven cù lao cũng là rất yên tâm, bởi không phải nơi nào cũng được gia cố bờ kè chống sạt lở như vậy. Tuy nhiên, những bao cát nhỏ dùng làm "lá chắn" thì không thể sử dụng được lâu, vì vậy những người dân nơi đây tiếp tục thấp thởm lo lắng, khi mà tình trạng khai thác cát ngày càng nhiều và biến tướng thì nguy cơ sạt lở đất sẽ ập đến bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Hữu Phước – Chủ tịch xã An Bình, huyện Long Hồ cho biết: Tình trạng khai thác cát thời gian qua trên địa bàn vẫn thường xuyên diễn ra, ngành chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn. Đối với gốc độ của địa phương cũng như những hộ dân sống cặp sông Tiền và sông Cổ Chiên thì rất mong các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra để làm sao cho việc khai thác cát, tài nguyên khoáng sản của quốc gia đi đúng vào quy định của pháp luật. Tránh trường hợp các phương tiện khai thác cát trái phép làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và thất thoát ngân sách Nhà nước.

Địa bàn mà đối tượng khai thác cát trái phép thường là những đoạn sông rộng, xa bờ nên các đối tượng luôn tìm mọi cách đối phó với lực lượng chức năng như thuê người giám sát lực lượng làm nhiệm vụ, giám sát phương tiện tuần tra, cá biệt, một số đối tượng còn tính được khoảng thời gian từ khi Công an phát hiện đến địa điểm khai thác, để dừng việc khai thác cát và di chuyển phương tiện sang địa bàn giáp ranh, sang thủy phận tỉnh bạn để không bị bắt giữ, xử lý; chỉ khai thác trái phép với số lượng dưới 50 khối để khi bị bắt giữ chỉ xử lý hành chính, rồi sau đó tiếp tục hợp đồng thuê người khác khai thác để không bị xử lý hình sự do tái phạm; Vĩnh Long giáp nhiều tỉnh, với nhiều con sông lớn, công tác phối hợp các tỉnh, các ngành chưa đồng bộ, lợi nhuận từ khai thác cát rất lớn nhưng quy định của pháp luật trong xử lý chưa đủ mạnh để răn đe nên tình hình vẫn còn phức tạp.

Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản, lực lượng Công an tập trung đẩy mạnh công tác vận động phong trào quần chúng, phát huy vai trò của các tổ tự quản, sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhân dân trong phòng, chống khai thác cát trái phép. Đã thành lập và ra mắt các mô hình Đội dân phòng đường thủy để hỗ trợ cùng Công an địa phương trong phòng chống và đấu tranh với bọn cát tặc. Thành phần tham gia là những người hành nghề đánh bắt thủy sản, những người dân sống ven sông, hình thức hoạt động trên tinh thần tự nguyện nhưng hiệu quả rất cao do họ có cùng chung ý chí và quyết tâm sát cánh với lực lượng Công an truy bắt bọn cát tặc để bảo về tài nguyên khoáng sản quốc gia đồng thời cũng là để bảo vệ tài sản của chính gia đình họ.

Với quyết tâm giữ bình yên sông nước, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do tình trạng khai thác cát trái phép gây ra, " Võ quýt dày có móng tay nhọn", lực lượng Công an các cấp luôn có những giải pháp hiệu quả, phù hợp để đấu tranh với các loại tội phạm nói chung, tội phạm về môi trường nói riêng như: phối hợp chặt chẽ các lực lượng, tuần tra mật phục, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ,…đồng thời đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của quần chúng trong phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm về môi trường nhất là hành vi khai thác cát trái phép.

Đồng chí Trung tá Lê Văn Thuận – Tổ trưởng tổ công tác, Công an huyện Vũng Liêm, cho biết thêm: Thời gian mà cát tặc đi làm không nói trước được, không đều nên ngoài lực lượng Công an nắm được thì cũng có người dân cung cấp thông tin. Hiện nay thì có một số phương tiện sau khi bị bắt, mình nhớ phương tiện đó luôn nhưng sau đó thì phương tiện này lại đổi chủ tên họ khác để gây khó khăn trong công tác quản lý, xử lý của cơ quan chức năng.

Một trong những nguyên nhân mà các đối tượng khai thác cát trái phép dù bị xử lý quyết liệt vẫn tái phạm, đó chính là nhu cầu về cát hiện nay quá lớn. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 321 phương tiện khai thác cát trái phép, so với cùng kỳ năm 2018 phát hiện nhiều hơn 198 trường hợp, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 3 tỷ đồng. Dù công tác phát hiện xử lý tăng cao nhưng tình hình khai thác cát vẫn còn diễn biến phức tạp, do nhiều nguyên nhân như: vì lợi nhuận, điều kiện địa bàn rộng, giáp ranh nhiều tỉnh, nhiều huyện, khó khăn về lực lượng, phương tiện công tác, bất cập trong việc cấp phép khai thác, trong xử lý vi phạm ,việc quản lý phương tiện, tang vật vi phạm ...

Để chỉ đạo lực lượng Công an các cấp trong công tác đấu tranh, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, Đại tá Huỳnh Thanh Mộng – Phó giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Thời gian tới phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tham gia, mà nồng cốt là lực lượng Cảnh sát môi trường; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của cơ quan, tổ chức; Nâng cao hiệu quả nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát môi trường; Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát môi trường trong việc đấu tranh, xử lý việc khai thác khoáng sản; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm trên các tuyến, khu vực có địa bàn trọng điểm về khai thác khoáng sản.

Cuộc chiến chống cát tặc trong thời gian tới vẫn còn rất cam go, do nguồn nguyên liệu này ngày càng khan hiếm, lợi nhuận sẽ tăng cao, cát tặc sẽ tiếp tục hoành hành. Chính vì thế, cần phải có sự quan tâm chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo thực hiện.

Các đơn vị chức năng tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp thành lập các tổ liên ngành, trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị để đảm bảo phục vụ tốt công tác tuần tra và truy bắt cát tặc. Chấn chỉnh việc cấp phép và quản lý khai thác cát đúng quy định. Đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định xử lý vi phạm trên lĩnh vực khai tác cát đủ sức răn đe để phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với nạn cát tặc.

Trong muôn trùng khó khăn, thử thách, cam go ấy nhưng để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia, bảo vệ môi trường, cuộc sống người dân, trả lại sự bình yên cho các tuyến sông; Cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Vĩnh Long nói chung và lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, quyết liệt đấu tranh với tất cả hành vi vi phạm pháp luật dù là nhỏ nhất, manh động nhất.

Hoàng Thân – Hoài Việt

Từ khóa » Cục Cảnh Sát Môi Trường Bắt Cát Tặc