Gian Nan “cuộc Chiến” Bảo Vệ Rừng ở Tây Nguyên - Công An Nhân Dân

  • Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng đã được giao khoán
  • “Lâm tặc” lại phá rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô
  • Lợi dụng dịch bệnh, lâm tặc chặt phá rừng rất... "bài bản"

Khó có gì gian khổ hơn cảnh băng rừng vượt núi vào mùa mưa ở Tây Nguyên. Vắt rừng, muỗi đói cùng hàng loạt yếu tố bất lợi luôn là những rào cản khiến con người chùn bước nếu không có quyết tâm cao. Lâm tặc thì luôn biết lợi dụng điều này.

cuocchien 1.jpg -0
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ khai thác gỗ ở xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà.

Chúng tận dụng tối đa thời điểm mưa gió, di chuyển khó khăn để khai thác bất hợp pháp các cây gỗ quý hiếm còn sót lại trên những cánh rừng già. Nam Tây Nguyên mùa mưa, mùa của những trận chiến bảo vệ những cây gỗ cổ thụ xảy ra cam go, quyết liệt hơn.

Khi tới cửa rừng, để vào hiện trường các vụ khai thác lâm sản trái pháp luật chỉ còn cách duy nhất là đi bộ. Nhiều vụ việc có khi phải mất nửa ngày trời lực lượng chức năng mới tiếp cận được khu vực xuất hiện lâm tặc.

Giữa mênh mông núi rừng, đèo cao vực sâu, đường đi trơn trượt và đầy rẫy những hiểm nguy, tiếp cận được hiện trường đã là việc khó, để bắt giữ được lâm tặc giữa chốn hoang vu này lại càng gian nan gấp bội.

Sau gần nửa ngày di chuyển, khi mưa rừng ngày càng nặng hạt thì lực lượng chức năng cũng đã tiếp cận được hiện trường của vụ khai thác gỗ trái pháp luật tại vùng giáp ranh 3 huyện Lâm Hà, Đam Rông và Lạc Dương. Sau phút hội ý, tính toán các phương án tối ưu để bắt nhóm lâm tặc này, các “mũi tấn công” gồm Công an, kiểm lâm, bảo vệ rừng... đồng loạt bao vây tạo thành thế gọng kìm siết chặn dần hiện trường.

Với bản chất manh động, lâm tặc sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện nhằm nhanh chân tẩu thoát. Do đó, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều được quán triệt luôn phải sát cánh bên nhau trong quá trình truy bắt để đề phòng lâm tặc bất ngờ tấn công khi bị lực lượng chức năng truy đuổi vào đường cùng.

Bất chấp địa hình hiểm trở, mưa gió trơn trượt, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng và lực lượng chức năng đã phối hợp rất nhịp nhàng. Trong vụ việc này đã vây bắt được 3 đối tượng cùng toàn bộ máy móc và tang vật liên quan.

Tại hiện trường, tổ công tác xác định các đối tượng đã cưa hạ được 9 cây gỗ dổi, 1 cây huỳnh đàn và 1 cây gỗ hoa lý.

Tất cả được xẻ thành 101 hộp với tổng khối lượng gần 38m3. Đây là vụ khai thác gỗ trái pháp luật lớn nhất từ đầu năm 2021 tới nay được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Từ lời khai của 3 đối tượng ban đầu, lực lượng Công an đã mở rộng điều tra, khởi tố 14 bị can về tội vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản.

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc liên quan đến phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật xảy ra tại các địa phương mà Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với lực lượng chức năng ở cơ sở triệt phá trong thời gian qua.

Khi giá trị các loại gỗ quý trên thị trường ngày càng tăng cao thì lâm tặc cũng hoạt động tinh vi, liều lĩnh hơn. Những cuộc chiến dai dẳng trong rừng sâu Nam Tây Nguyên giữa lực lượng chức năng và lâm tặc chưa bao giờ có hồi kết.

Đã có những cán bộ, chiến sĩ Công an bị thương trong lúc truy bắt lâm tặc giữa chốn “thâm sơn cùng cốc” nhưng khi vết thương đã lành các anh lại xung phong lên đường phá án.

Thượng tá Lê Mai Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh cho biết, các vụ phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật xảy ra trên địa bàn ngày càng phức tạp. Công tác đấu tranh với loại tội phạm này cũng gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, lâm tặc thường cử người theo dõi lực lượng chức năng, nếu không có những phương án chu đáo, bất ngờ thì rất khó bắt giữ được các đối tượng. Hơn nữa, địa điểm xảy ra các vụ phá rừng, khai thác gỗ phần lớn ở những khu vực rừng núi hiểm trở, công tác khám nghiệm hiện trường, thu giữ tang vật mất rất nhiều thời gian, công sức. Không ít vụ án có sự tham gia của nhiều đối tượng nên việc lấy lời khai gặp khó khăn, phức tạp.

“Thực tế cho thấy, để triệt phá những vụ khai thác gỗ quý hiếm, điều kiện đầu tiên của các cán bộ, chiến sĩ là phải rèn luyện sức khỏe, thể chất dẻo dai để leo đèo, lội suối, vượt qua được địa hình rừng núi phức tạp!..”, Thượng tá Lê Mai Sơn cho biết.

Với quyết tâm bảo vệ tốt “lá phổi xanh” cho Tây Nguyên, từ đầu năm tới nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi do dịch bệnh, mưa gió nhưng mỗi khi nhận được tin báo từ cơ sở, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an Lâm Đồng đã kịp thời chỉ đạo, phân công cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm “đánh án phá rừng” tham gia truy bắt, điều tra các đối tượng vi phạm. Từ đầu năm 2021 tới nay, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế ở Lâm Đồng đã phát hiện, điều tra xử lý 40 vụ, 69 bị can vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân rừng ở tỉnh này bị xâm hại chủ yếu là do giá đất tăng mạnh, các loại gỗ quý hiếm có giá trị cao trên thị trường làm nảy sinh lòng tham của nhiều người.

Để rừng bị phá, gỗ bị khai thác bất hợp pháp còn phải nói đến dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách còn mỏng, địa bàn quản lý rộng, ranh giới các loại rừng còn chưa rõ ràng nên hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng của các lực lượng chức năng chưa cao.

Để chấn chỉnh những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều chính sách nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng ở Lâm Đồng vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững.

Từ khóa » Các Loại Gỗ Quý Của Rừng Tây Nguyên Là