Gián: Vật Truyền Bệnh Hay Dược Liệu Quý? | Báo Dân Trí

Tòa soạn giới thiệu bài viết của TS.BS Trần Bá Thoại, chuyên gia về Nội tiết và Chuyển hóa, về vấn đề này:

Các nhà khoa học Trung Quốc lại còn khẳng định từ gián họ đã chế xuất ra những loại thuốc có khả năng làm lành vết thương, chữa bệnh dạ dày, tăng cường miến dịch… cho hàng triệu bệnh nhân trong nước và dự án nuôi gián độc đáo này là "đột phá về khoa học và công nghệ" nên đã xứng đáng giành giải thưởng quốc gia về khoa học!.

Gián: Vật truyền bệnh hay dược liệu quý? - 1

Gián: côn trùng “quái kiệt” !

Gián: côn trùng “quái kiệt” ! Gián: côn trùng “quái kiệt” ! Gián là côn trùng có cánh màng ôm kín lưng, bộ Orthoptera, họ Blattodea, bao gồm gián, dế, cào cào, mối… Có đến 4.600 loại gián, trong đó chỉ khoảng 30 loài liên quan đến môi trường sống của người. Các loại gián nhà thường gặp là gián Mỹ (Periplaneta americana), gián Úc (Periplaneta australasiae), gián Đức (Blattella germanica), gián phương Đông (Blatta orientalis), gián có băng vàng (Supella longipalpa)…

Gián xuất hiện từ 320 triệu năm trước, và là một trong số những loài côn trùng sống sót từ nguyên thủy. Ngoài nguồn gốc cổ xưa, gián cũng là côn trùng rất đặc biệt: có thể sống trong nhiều môi trường khắc nghiệt khác nhau từ hàn đến nhiệt đới, chạy rất nhanh (so với kích cở người là 210 dặm/giờ), nhịn thở giỏi, có thể mọc chân lại khi bị gãy đứt, có thể sống cả tuần khi mất đầu, có thể sử dụng nhiều dạng thức ăn, có thể chịu đựng nhiều loại chất độc, thuốc trừ sâu….

Vì có những khả năng sống độc đáo như thế, người phương Tây gọi gián là côn trùng không thể giết (indestructible, impossible to kill), và người Hoa gọi gián là “tiểu cường” (xiao qiang), anh hùng tí hon!

Các nhà nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Thượng Hải đã phân tích trình tự gen của gián Mỹ, cho thấy chúng có một bộ gen (genome) khổng lồ giúp cho gián có những khả năng siêu việt.

Theo GenomeWeb, bộ gen của gián có đến 21.336 gen, trong đó đến 95% là gen mã hóa sinh tổng hợp protein đặc biệt giúp gián có khả năng tồn tại trong môi trường khắc nghiệt hiện đại.

Ví dụ, con gián có hơn 1000 gen mã hóa cho các thụ thể hóa học giúp chúng điều hướng môi trường, bao gồm 154 thụ thể khứu giác (gấp đôi loài bò sát và côn trùng khác) giúp gián nhận ra mùi thức ăn, 522 thụ thể vị giác giúp đánh giá vị thức ăn chất độc, nhiều gen mã hóa cho các enzyme phân hủy hay kháng lại thuốc trừ sâu…

Gián: vật lây truyền bệnh nguy hiểm

Gián nhà là loại côn trùng có hại cho sức khỏe, mầm lây bệnh cho con người. Gián thường sống nơi ẩm thấp, tối tăm, bẩn thỉu. Chúng vừa ăn vừa nôn mửa những thức ăn mà chúng đã tiêu hóa một phần và đào thải phân khắp nơi. Các chất bài tiết từ gián gây ra mùi hôi khó chịu có thể gây dị ứng và là nguồn gốc của các mầm bệnh truyền nhiễm.

Y học đã xác định rõ nhiều loại mầm bệnh nguy hiểm được gián lan truyền như: Campylobacter spp., Vibro Cholera, E. coli, Salmonella spp., Shigella spp., Staphylococcus spp., Streptococcus spp. Toxoplasma gondii, Entero virus, Polio virus ..... Gián cũng là trung gian lây nhiễm các bệnh ký sinh trùng như amibe, giardia, giun, sán Hymenolepis nana và Hymenolepis diminuta… Năm 2006, Lemos và cs, Brasil, đã phân lập 13 loài nấm từ bề mặt của loài gián Mỹ thông thường sống trong bệnh viện.

Gián có là nguồn dược liệu không?

Từ lâu, Trung y đã sử dụng gián để làm thuốc chữa trị khoảng gần ba chục căn bệnh khác nhau của con người, như mụn nhọt, ăn khó tiêu, đau dạ dày, bệnh tim… Giáo sư Liu Yusheng, ĐH Nông nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội côn trùng tỉnh Sơn Đông, nhận định: "Gián là một loại thuốc kỳ diệu", "Nó có thể chữa trị một số bệnh và giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn nhiều loại thuốc khác".

Cũng theo Giáo sư Liu, một loại kem làm từ gián được sử dụng rộng rãi trong một số bệnh viện Trung Quốc để điều trị bỏng và ở Hàn Quốc để làm mặt nạ thẩm mỹ. Trong khi đó, một xi-rô được phát minh bởi một công ty dược phẩm ở Tứ Xuyên được dùng làm thuốc chữa trị viêm dạ dày ruột, loét tá tràng và lao phổi.

Người Hoa cũng dùng gián làm thức ăn, như các loại côn trùng khác. Gián thường được chế biến bằng cách rán hai lần trong dầu nóng sao cho con gián có “vỏ thì giòn, ướt bên trong". Món gián chiên rán này làm thức ăn với cơm hay mì đều được..

Ở Phương Tây, vấn đề kháng kháng sinh đang làm đau đầu các nhà y, dược học. Năm 2010, hai nhà sinh học Simon Lee và Naveed Kahn, ĐH Đại học Nottingham, Anh, cho thêm vào môi trường cấy chất chiết từ cơ thể gián vi khuẩn vẫn mọc bình thường; nhưng khi cho chất chiết từ não bộ và các dây thần kinh vào gần như tất cả vi khuẩn gây hại đều chết, và họ kết luận trong hệ thần kinh trung ương của gián có chất tiêu diệt vi khuẩn.

Sau đó, vài nhà khoa học khác khẳng định trong hệ thần kinh trung ương của gián Mỹ có sản xuất kháng sinh tự nhiên có thể tiêu diệt vi khuẩn thường gây tử vong cho người, như Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) và các chủng Escherichia coli độc hại.

Năm 2016, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phân giải trình tự một tinh thể protein ở bụng (midgut) của gián Diploptera punctate, loài gián duy nhất bơm “sữa” có chứa những tinh thể protein để nuôi con, và kết luận rằng, sữa gián (cockroach milk) này có giá trị dinh dưỡng gấp bốn lần sữa bò và có thể là chìa khóa để nuôi dân số thế giới ngày càng tăng trong tương lai.

Đôi điều bàn luận

* Về sinh thái học, gián cũng là loài côn trùng có ích. Theo Giáo sư Srini Kambhampati, Trưởng khoa Sinh, ĐH Texas, Mỹ, thì gián ăn những chất hữu cơ đang bị phân hủy, chứa nhiều nitơ. Sau đó chúng giải phóng nitơ qua phân. Nitơ này xâm nhập vào đất và cây lấy chúng để phục vụ cho quá trình sinh trưởng tạo thành vòng tuần hoàn sống. Gián tuyệt chủng sẽ gây rối loạn sinh thái với các khu rừng và sinh vật phụ thuộc, kể cả con người!

* Về dinh dưỡng học, dù “sữa gián” giá trị dinh dưỡng gấp bốn sũa bò, nhưng “vắt sữa gián” là bất khả thi. Do đó, các nhà khoa học của Viện Sinh học Tế bào gốc và Y học tái sinh Ấn Độ đang nghiên cứu phỏng sinh học ghép gen “sữa gián” cho trâu bò để có loại sữa chất lượng cao hơn.

* Về y dược học, hiện nay nuôi gián đang bùng nổ ở Trung Quốc khi họ đang tìm kiếm những loại thuốc mới rẻ hơn cho lượng dân số khổng lồ. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần lưu ý: (1) một là dược lực học tức khả năng tác dụng của loại thuốc. Những bài thuốc có chiết xuất từ gián thường có tác dụng giúp tăng trưởng mô, nhanh lành vết thương, vết loét, nâng cao thể trạng…như dạng thực phẩm chức năng.

Về tính kháng khuẩn của chiết xuất não gián, Simon Lee và Naveed Kahn, hai nhà khoa học đưa ra ý kiến não gián có chất kháng sinh cũng nhắc nhở: “Kháng sinh từ não gián là chuyện tương lai”, “Còn quá sớm để đi đến hiệu thuốc kiếm thuốc điều trị nhiễm trùng từ con gián”, và “ Hôm nay, gián vẫn còn là côn trùng lây truyền bệnh vô cùng nguy hiểm”.

Và (2) hai là liều lượng và tác dụng phụ. Y học phương Đông có giá trị lâu đời vì thường dựa vào những kinh nghiệm hơn là những nghiên cứu thực tế. Hơn nữa, việc sử dung dược liệu không tinh chiết ra dược chất cần thiết sẽ có nguy cơ tác dụng phụ cao. Ví dụ dùng mai mực (ô tặc cốt) hoặc vỏ sò (mẫu lệ ) trong điều trị viêm loét dạ dày thực chất là dùng vôi tôi (Ca (OH)2), một chất kiềm, để trung hòa acid HCl của dạ dày, ngày nay ít cơ sở y tế nào dùng nữa.

* Theo tôi, nuôi gián công nghiệp đại trà có trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ là một thông tin rất hay, cần tham khảo khi chúng ta đang tiến hành thực hiện nông nghiệp 4.0. Nhưng về dược học, một loại thuốc sử dụng trên con người cần hết sức lưu ý: dược chất gì ? (quân, thần, tá, sứ), liều lượng thế nào?, liệu trình, thời lượng ra sao? trước khi chọn lựa.

Hơn nữa, vì gián là côn trùng “tiểu cường” sinh sản rất nhanh, xâm lấn mạnh, nên ở Trung Quốc người ta phải nuôi gián công nghiệp số lượng lớn trong các “bunker” cách ly hoàn toàn, tránh gián thoát ra xâm nhập vào môi trường; và những con gián ở đây mới “vệ sinh”, không mang mầm bệnh nguy hiểm.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Từ khóa » Con Gián đất Trị Bệnh Gì