Giảng Dạy Phát âm - Các Nguyên âm Tiếng Anh Và đọc Sao Cho đúng

Khi giảng dạy phát âm, nhiều người lầm tưởng phải học với giáo viên người bản ngữ mới phát âm đúng được. Tuy nhiên, giáo viên người Việt lại có một ưu thế độc nhất mà người bản ngữ không thể làm được. Đó chính là khả năng hướng dẫn học viên cách đặt lưỡi, vị trí môi răng và đẩy hơi như thế nào để phát âm được đúng các âm đó. Ngoài ra, trong tiếng Anh có một vài âm khá giống với tiếng Việt và chỉ cần liên hệ qua cách đọc các âm này trong tiếng Việt sẽ giúp học viên phát âm dễ hơn và nhớ lâu hơn.

Contents

Giáo viên người Việt hay người nước ngoài dạy phát âm tốt hơn?

Trong rất nhiều nghiên cứu khác nhau về khả năng học của một người, khái niệm Cognitivism (thuyết nhận thức) khẳng định rằng người học nhớ bài tốt hơn nhờ liên hệ bài học với những kiến thức cũ đã có (Schunk, 2012; Cognitive Theories of Learning, n.d.). Từ đó cho thấy, khả năng liên hệ những âm khó trong tiếng Anh với những âm “nghe giống giống” trong tiếng Việt giúp học viên, đặc biệt là những bạn phát âm sai nhiều, nhớ các âm của tiếng Anh tốt hơn do các liên kết nơ-ron trong não được hình thành một cách chặt chẽ hơn.

Giải thích khẩu hình các nguyên âm đơn và cách liên hệ sang tiếng Việt

Sau đây là những kiến thức tổng quan giải thích khẩu hình của các nguyên âm trong bảng IPA một cách đơn giản nhất mà không quá học thuật, kèm theo là một vài gợi ý về cách liên hệ các âm này với tiếng Việt.

/iː/

Khẩu hình: Nhe răng ra cười và đọc to chữ “i” trong tiếng Việt, miệng và hai bên má căng

Lưu ý: Không há rộng miệng, âm này không giống chữ “i” trong tiếng Việt mà phải nhe răng ra khi đọc mới đúng, môi căng

Ví dụ: sheep, beach, eat, see, teacher

Lỗi thường gặp: đọc sai chữ “beach” thành “bíd”, “teacher” thành “tích trờ”

/ɪ/

Khẩu hình: thả lỏng miệng lưỡi và đọc chữ “ià” trong tiếng Việt

Lưu ý: Không há rộng miệng hay chu miệng, cơ mặt thả lỏng

Ví dụ: ship, river, listen, swim

Lỗi thường gặp: đọc sai chữ “swim” thành “squiim”, (chữ i trong tiếng việt), shíp, lís sần (thêm dấu sắc của tiếng Việt vào âm).

/ʊ/

Khẩu hình: miệng chu nhẹ và đọc to chữ “ừa” trong tiếng Việt.

Lưu ý: không chu miệng quá nhiều như chữ “u” trong tiếng Việt

Ví dụ: good, book, would

Lỗi thường gặp: đọc sai chữ “good” thành “gúd”, chữ “book” thành “búc”

/uː/

Khẩu hình: chu miệng chữ u và đọc chữ “u” trong tiếng Việt

Lưu ý: khá giống chữ “u” trong tiếng Việt nhưng chu miệng giống như đang huýt sáo hơn

Ví dụ: too, group, blue

Lỗi thường gặp: không chu miệng kịp khi nói nhanh

/e/

Khẩu hình: miệng mở vừa, đọc to chữ “e” trong tiếng Việt nhưng đọc ngắn và nhanh hơn dưới 1 giây

Lưu ý: há miệng nhẹ chứ không bè miệng ngang như chữ “e” trong tiếng Việt

Ví dụ: bed, red, many, again

Lỗi thường gặp: thêm dấu sắc vào âm như “béd, réd”

/æ/

Khẩu hình: miệng há rộng chữ “A” và đọc to chữ “e”, thấy lưỡi bè rộng ra là đúng

Lưu ý: phải há miệng rộng xuống nếu không sẽ đọc thành âm /e/

Ví dụ: cat, bat, man, camera

Lỗi thường gặp: đọc sai âm /æ/ thành âm /e/, như trong từ “batman” đọc thành “bed men”

/ə/

Khẩu hình: miệng há nhẹ, lưỡi thả lỏng và đọc chữ “ơ” trong tiếng Việt

Lưu ý: âm này chỉ xuất hiện ở âm không được nhấn của từ nên thường đọc rất nhẹ

Ví dụ: teacher, mother, the, nation

Lỗi thường gặp: hay thêm âm /r/ vào cuối từ

/ʌ/

Khẩu hình: miệng há rộng và đọc to chữ “ơ” trong tiếng Việt

Lưu ý: âm này chỉ xuất hiện ở trọng âm của từ nên cần đọc to, rõ

Ví dụ: uncle, nourish, run, flood, come

Lỗi thường gặp: hay đọc sai thành /ɔː/ hoặc /ʊə/ như trong từ “come” hoặc “nourish”

/ɜː/

Khẩu hình: miệng mở vừa, lưỡi căng, hơi cong vào trong và đọc to chữ “ơ” trong tiếng Việt

Lưu ý: âm này luôn xuất hiện cùng âm /r/ phía sau (giọng Mỹ) nên khi tập đọc có thể tập cho cong lưỡi chữ /r/ và đọc to chữ “ơ”

Ví dụ: shirt, her, word, further

Lỗi thường gặp: quên cong lưỡi chữ /r/ trong các từ như “bird” thì đọc thành “bớd”

/ʌ/

Khẩu hình: miệng hơi há rộng, khuôn miệng tròn chữ “ô” và đọc to chữ “o” trong tiếng Việt

Lưu ý: âm này khác chữ “o” trong tiếng Việt ở chỗ miệng tròn chữ “ô” hơn, còn chữ “o” trong tiếng Việt thì miệng thả lỏng

Ví dụ: law, door, saw, fork

Lỗi thường gặp: một số từ không có âm /r/ cuối như “law” mà học viên vẫn thêm âm /r/

/ɑː/

Khẩu hình: miệng há rộng hơi A hơi O, lưỡi đưa vào trong, đọc to chữ “àh”, âm hơi căng và kéo dài một chút

Lưu ý: không giống chữ “a” trong tiếng Việt vì miệng hơi hơi tròn

Ví dụ: hot, job, shot

Lỗi thường gặp: hay thêm giấu sắc vào chữ “o” của tiếng việt như hót, jób

/ɒ/

Khẩu hình: miệng há rộng chữ A và đọc chữ “o” trong tiếng Việt, âm ngắn và nhẹ

Lưu ý: âm này chỉ có trong giọng Anh-Anh, nên những bạn nào dạy theo sách giọng Mỹ hoặc học trò muốn tập giọng Mỹ có thể bỏ qua âm này

Ví dụ: dog, often, want

Lỗi thường gặp: đọc sai âm này thành âm /ɔ/ hoặc /ɑ/

Kết luận:

Trong thực tế khi nghe người bản ngữ nói, các nguyên âm trong bảng IPA sẽ thay đổi thuộc vào từng vùng miền mà họ sinh sống. Tuy nhiên việc biết cách đọc đúng từng âm sẽ giúp học viên của bạn sửa được accent tiếng Việt tốt hơn vì họ thấy được sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt là ở những điểm nào. Chúc các bạn thành công

📚 Chia sẻ của Ms. Lê Trần Ngọc Thảo – TESOL Trainer tại Simple English

Từ khóa » Book Phát âm Như Thế Nào