Giang Thanh - Tống Mỹ Linh: Hai Lựa Chọn Và Hai Kết Cục

  • Tống Mỹ Linh: 40 tuổi phát hiện ung thư, sống thọ 106 tuổi
  • Tống Mỹ Linh - Tình yêu thuở học đường và khát vọng quyền lực

Cuộc hôn nhân của Tưởng-Tống, Mao-Giang đều có "Ba điều thỏa thuận".

Tống Mỹ Linh là người vợ thứ tư của Tưởng Giới Thạch, sau khi tuyên bố cắt đứt với ba bà vợ, cuộc hôn nhân với Tống Mỹ Linh là cuộc hôn nhân chính đáng. Hôn lễ của Tưởng-Tống cử hành tháng 12/1927 tại một khách sạn hào hoa ở Thượng Hải có hơn một nghìn người tham dự. Sau khi kết hôn Tống Mỹ Linh luôn ở bên cạnh Tưởng Giới Thạch trong mọi hoạt động.

Trước khi lấy Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh cũng có yêu một người bạn cùng học ở Mỹ tên là Lưu Kỷ Văn. Khi Tưởng Giới Thạch ngỏ ý cầu hôn tuy Tống Mỹ Linh không thích Tưởng Giới Thạch vì đã qua ba lần kết hôn nhưng lại thích quyền lực và địa vị của Tưởng.

Đối với Tưởng không những thích sắc đẹp của Tống Mỹ Linh mà còn thích mối quan hệ mật thiết của gia đình họ Tống với nước Mỹ. Mặt khác, với con mắt của nhà chính trị nếu lấy được Tống Mỹ Linh vừa có thể tăng cường được mối quan hệ với Mỹ lại vừa trở thành "anh em cọc chèo" với Tôn Trung Sơn, càng tăng thêm hình tượng Tưởng là người kế thừa sự nghiệp của ông ấy.
Giang Thanh và Tống Mỹ Linh lúc cuối đời.

Vì vậy cuộc hôn nhân Tưởng-Tống trên thực tế là cuộc hôn nhân chính trị, mọi người gọi cuộc hôn nhân của Tưởng Trung Chính** và Tống Mỹ Linh là cuộc hôn nhân "Trung - Mỹ".

Giang Thanh là vợ thứ ba của Mao Trạch Đông.

Sự kết hợp giữa Giang Thanh và Mao Trạch Đông không trống giong cờ mở như cuộc hôn nhân của Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch mà tiến hành lặng lẽ ở Diên An vào tháng 11/1938, họ có mời bạn bè đến dự nhưng phạm vi rất hạn hẹp.

Trước khi Giang Thanh lấy Mao Trạch Đông bà đã qua ba lần kết hôn: Người chồng thứ nhất là Hoàng Kính, tiếp đến là Đường Nạp rồi đến Trương Mẫn và đều ở Thượng Hải. Các cuộc hôn nhân phong ba của Giang Thanh một thời chấn động Thượng Hải.

Cuộc hôn nhân của Tưởng - Tống và Mao - Giang có một sự trùng hợp kỳ lạ, đó là đều có "ba điều thỏa thuận".

"Ba điều thỏa thuận" của Tưởng - Tống là do Tống Mỹ Linh đưa ra:

- Để hai người có cùng một tín ngưỡng tôn giáo Tưởng Giới Thạch phải chịu lễ rửa tội để trở thành tín đồ đạo Cơ Đốc.

- Tống Mỹ Linh sẽ không sinh đẻ để giữ gìn dáng người và để có nhiều sức phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng Trung Quốc.

- Tống Mỹ Linh không gánh vác các chức vụ trong chính phủ, không tham gia chính thức các cuộc hội nghị cấp cao, bà chỉ là một thư ký riêng cho Tưởng Giới Thạch.

"Ba điều thỏa thuận" của Mao - Giang không phải do Giang Thanh cũng không phải do Mao trạch Đông đưa ra mà do Bộ chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra:

- Mối quan hệ vợ chồng giữa Mao Trạch Đông và Hạ Tử Trân còn chưa chính thức chấm dứt nên vẫn gọi là đồng chí Giang Thanh mà không gọi là phu nhân Mao Trạch Đông.

- Đồng chí Giang Thanh có trách nhiệm chăm sóc về sinh hoạt, ăn ở và sức khỏe của đồng chí Mao Trạch Đông, từ nay về sau ai cũng không có quyền đòi hỏi trung ương Đảng những yêu cầu tương tự.

- Đồng chí Giang Thanh chỉ làm công việc sự vụ và công việc cá nhân của đồng chí Mao Trạch Đông, trong vòng 20 năm cấm không được đảm nhiệm bất cứ chức vụ gì trong Đảng, không được tham dự và tham gia các cuộc sinh hoạt chính trị, nhân sự của Đảng.

"Ba điều thỏa thuận" của Tưởng - Tống và Mao - Giang không hẹn mà gặp đều là vấn đề sinh hoạt chính trị của các phu nhân sau khi kết hôn. Tống Mỹ Linh chủ động đưa ra vấn đề bà không tham gia chức vụ trong chính phủ mà chỉ đảm nhiệm công tác thư ký riêng cho Tưởng Giới Thạch, bà nói thế nào thì sau này làm đúng như thế. Giang Thanh thì lại khác, Bộ chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã biết rõ tham vọng chính trị rất lớn của người phụ nữ này cho nên đưa ra biện pháp để hạn chế và sự thực đã chứng minh "thỏa thuận" này có nhiều điều biết trước.

Giang Thanh và Tổng thống Mỹ Nixon năm 1972.

Tổng thống Mỹ thời đó là Nixơn đều có tiếp xúc với Tống Mỹ Linh và Giang Thanh, ông so sánh hai người như sau:

"Tưởng phu nhân có giáo dưỡng, ăn mặc hợp thời, rất có phong độ và nữ tính nhưng lại là một người phụ nữ mạnh mẽ.

Giang Thanh không có một chút khôi hài nào, hoàn toàn không có đặc điểm của phụ nữ, là một người khó phân biệt giới tính, bà ta là kiểu mẫu một phụ nữ cuồng nhiệt".

Năm 1953 Nixơn lúc đó là Phó tổng thống Mỹ hội đàm với Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, Tống Mỹ Linh làm phiên dịch. Ấn tượng của ông như sau: "Tưởng phu nhân không phải là một phiên dịch bình thường, trí tuệ, sức thuyết phục và tài năng của Tưởng phu nhân đủ để bà trở thành một nhà lãnh đạo.

Sự đoan trang kiều diễm của Tưởng phu nhân hoặc nhiều hoặc ít làm loãng đi hình tượng lạnh lùng của ông Tưởng".

Năm 1972, Tổng thống Nixơn thăm Trung Quốc, khi hội đàm với Mao Trạch Đông, ấn tượng của ông về Giang Thanh như sau:

"Bà ấy sắp xếp cho cuộc đến thăm của tôi một tiết mục tuyên truyền văn hóa. Chúng tôi ngồi cùng nhau, bà ấy không hề có một chút ấm áp nhiệt tình của ông Mao cũng như không có sự nhanh nhẹn của ông Chu (Thủ tướng Chu Ân Lai). Bà ấy có vẻ căng thẳng, thậm chí trên trán lấm tấm mồ hôi. Câu nói đầu tiên biểu hiện thái độ khiêu khích làm cho người ta khó chịu. Bà ấy hỏi tôi: 'Sao bây giờ ông mới đến Trung Quốc?'".

*

Mao Trạch Đông ít hơn Tưởng Giới Thạch 6 tuổi. Khi về già Tưởng Giới Thạch bị bệnh viêm tiền liệt tuyến. Tháng 3/1972 ông phải làm phẫu thuật nhưng không ngờ bệnh trở thành mãn tính và luôn hành hạ ông và từ đó sức khỏe mỗi ngày một yếu.

Mao Trạch Đông về già cũng bị bệnh nhưng ông ta không đến bệnh viện và được bảo mật nghiêm khắc với bên ngoài. Giang Thanh thường nói trước mọi người: "Tôi báo cho mọi người một tin vui: Mao chủ tịch vô cùng khỏe mạnh". Thế là quần chúng lại cao hô: "Kính chúc Mao chủ tịch vạn thọ vô cương!".

Những năm cuối đời cuộc sống của Tưởng Giới Thạch rất tốt, Tống Mỹ Linh luôn chăm sóc ông chu đáo, con cháu quây quần xung quanh, gia đình hòa thuận.
Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch.

Dã tâm chính trị của Giang Thanh lên cao. Sau khi ông Mao già yếu bà ta cấu kết với Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Diêu Văn Nguyên muốn chiếm đoạt mọi quyền lực của Đảng và Nhà nước. Hồi đó Trung Quốc gọi liên kết này là "Bè lũ bốn tên".

Ngày 5/4/1975 Tưởng Giới Thạch mất ở Đài Bắc, thọ 88 tuổi.

Một năm sau, ngày 9/9/1976 Mao Trạch Đông mất tại Bắc Kinh, thọ 83 tuổi.

Sau khi Tưởng Giới Thạch mất, con trai Tưởng Kinh Quốc kế nhiệm làm Chủ tịch Đảng quốc dân, không lâu sau được cử làm Tổng thống "Trung Hoa dân quốc".

Tống Mỹ Linh là người hiểu biết thời cuộc, sau khi Tưởng giới Thạch mất, bà viện cớ có bệnh, ngày 17/9/1975 bà sang định cư lâu dài ở Mỹ. Tuy bà có ảnh hưởng sâu sắc mấy chục năm với Quốc dân Đảng, bà hoàn toàn có thể ở lại Đài Loan để "buông rèm chấp chính". Nếu là Giang Thanh bà ta nhất định sẽ làm thế, nhưng Tống Mỹ Linh là người thông minh, bà sang Mỹ ở một nơi phong cảnh đẹp đẽ sống an nhàn tuổi già.

Bà mất ngày 23/10/2003 ở Mỹ, thọ 106 tuổi.

Sau khi Mao Trạch Đông mất, Giang Thanh mưu toan giành lấy quyền lực tối cao. Bà ta muốn làm Chủ tịch nước, Vương Hồng Văn làm Ủy viên trưởng Hội đồng nhân dân, Trương Xuân Kiều làm Thủ tướng nhưng ý đồ của Giang Thanh bị tan vỡ.

Ngày 6/10/1976 Giang Thanh và "bè lũ bốn tên" bị bắt, từ đấy bà ta phải ngồi trong song sắt nhà giam. Ngày 14/5/1991 bà ta tự sát trong nhà giam, kết thúc cuộc đời của mình ở tuổi 77. Sự tự sát của Giang Thanh vẽ nên dấu chấm hết một con người đầy tham vọng.

Từ khóa » Hình ảnh Giang Thanh Vợ Mao Trạch đông