Giang Thị Kim Cúc: Nữ "chiến Binh" Nhặt Rác Xuyên Việt - Tạp Chí Đẹp

“Hành động nhặt rác có ý nghĩa giống như một món quà tri ân những nơi mình ở và đi qua. Đây là một dấu ấn đẹp thể hiện sự mang ơn người dân, mang ơn khung cảnh đó đã cho chúng ta tận hưởng những gì trong lành và tốt đẹp nhất.” Đó chính là những chia sẻ chân tình của chị Giang Thị Kim Cúc (31 tuổi), thành viên của tổ chức Trashpackers (Người đi nhặt rác). Chị được nhiều người gọi là “nữ chiến binh” vì tinh thần hết lòng tham gia những hoạt động nhặt rác khắp mọi miền đất nước để bảo vệ môi trường.

Giang Thị Kim Cúc – một trong những Trashpacker tại VN đầu tiên của cộng đồng Trashpacker thế giới.

Hai chị em cùng bắt tay nhau nhặt rác khắp Việt Nam 

Hiện đang làm công việc kinh doanh bất động sản tại TP. HCM nhưng Kim Cúc dành nhiều thời gian kêu gọi bạn bè cùng chung tay dọn rác ở nhiều nơi. “Trong một chuyến đi Brunei vào năm ngoái, mình vô tình gặp gỡ được anh Tijmen Sissing, người sáng lập cộng đồng Trashpackers. Anh đã chia sẻ về những câu chuyện nhặt rác, bảo vệ môi trường tại hơn 42 quốc gia trên thế giới. Chính vì câu chuyện cảm hứng của anh đã tạo động lực, thôi thúc bản thân Cúc phải làm và phải hành động bảo vệ môi trường Việt Nam”, Cúc chia sẻ.

Sau chuyến đi đó, Kim Cúc cùng với chị gái của mình là Kim Yến đã cùng nhau bắt đầu hành trình nhặt rác và nhân rộng phong trào này trải dài khắp đất nước (Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Phan Thiết, Bình Phước, TP. HCM…) vì một ước mơ xóa tên Việt Nam ra khỏi danh sách những quốc gia xả rác nhiều nhất thế giới.

Hiện tại, Kim Cúc cùng chị gái của mình đã cùng nhau nhặt rác hơn 17 tỉnh thành khắp đất nước.

Thời gian qua, sau khi khởi xướng và kêu gọi mọi người cùng chung tay dọn sạch rác, Kim Cúc đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, đồng hành đến từ nhiều tình nguyện viên trong và ngoài nước.

Một trong những dự án thành công của chị chính là dọn sạch dòng suối Lộc Ninh (chợ Lộc Ninh, thị trấn Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đang ô nhiễm nghiêm trọng trong suốt một tuần lễ. Kim Cúc chia sẻ: “Bản thân tôi cực kỳ ghét rác mà đoạn suối ấy lại ô nhiễm kinh khủng nên tôi chờ đợi từ lâu, hễ thấy cơ hội là xắn tay áo làm ngay”.

Ban đầu, Kim Cúc và Kim Yến nhận được sự hưởng ứng của vài chục người cùng dọn rác trên bờ vàc khu vực xung quanh. Tuy nhiên, sau khi Kim Cúc quyết định sẽ lội xuống kênh để nhặt rác trực tiếp thì mọi người dân đều ngán ngẫm và bỏ về. “Lúc đó, bản thân tôi thật sự rất buồn. Nhưng rồi suy nghĩ nếu mình không làm thì ai sẽ làm”, Kim Cúc cho biết. Vượt qua nỗi sợ hãi bởi cảm giác bẩn thỉu, mùi hôi hám, rác thì đủ loại từ túi nilông đến xác động vật, bơm kim tiêm, mảnh chai,… hai chị em và vài tình nguyện viên đã xắn tay, cùng nhau trả lại hiện trạng ban đầu cho dòng suối.

“Khi nhìn thấy đàn cá con bơi lội thỏa thích dưới làn suối trong xanh, tôi rất vui khi công sức bỏ ra có giá trị, bảo vệ được phần nào môi trường”, Kim Cúc hào hứng chia sẻ.

Hình ảnh con suối ở chợ Lộc Ninh (Bình Phước) trước và sau khi dọn rác.

Không những vậy, sau khi dọn sạch con suối, nhóm Trashpacker còn tiến hành vẽ các bức tranh tường bắt mắt, sinh động trên dãy bờ kè dưới hông chợ. Theo lời Kim Cúc, những bức tranh này có nội dung tuyên truyền ý thức giảm sử dụng túi nhựa, bảo vệ môi trường. “Các em học sinh ở gần đó hễ thấy ai chuẩn bị vứt rác xuống suối là liền la làng lên. Có hôm các em thấy một người ném một bịch rác xuống liền nhất quyết bắt xuống nhặt lên”, Cúc cho biết.

Bị miệt thì vì… mê nhặt rác

Với quan niệm: “Ngày hôm nay mình không làm thì khi nào mình mới làm?”, Kim Cúc và Trashpackers đã để lại những dấu chân đẹp mỗi nơi mà họ tới dọn rác. “Đến giờ rác ở đâu mình cũng nhặt. Điều khiến tụi mình buồn là nhiều người còn buông ra những lời lẽ miệt thị việc tụi mình đang làm”, Kim Cúc bộc bạch.

Ở nhiều nơi các chị đi qua, nhiều người nói họ là “mấy con khùng”, không có công ăn chuyện làm. Có người lại bảo chị sống ảo. Người nói mấy chị làm màu, làm thì ít mà khoe mẽ thì nhiều… Trước những lời miệt thị như thế, Kim Cúc luôn bỏ ngoài tai và chỉ biết hết mình vì những hoạt động nhặt rác. “Bản thân mình không quan tâm mọi người nghĩ như thế nào về chuyện nhặt rác của mình. Cúc chỉ mong một điều là mỗi người giảm sử dụng nhựa, đừng nên xả rác bừa bãi. Hãy yêu môi trường nhiều hơn!”, Kim Cúc hạnh phúc kể.

Kim Cúc cùng với Hoa hậu H’Hen Niê tham gia nhặt rác tại Đắk Lắk.

“Chiến binh rác” nói thêm: “Không chỉ dừng lại ở việc nhặt rác hay vớt rác lên mà phải hiểu và làm việc bằng cả trái tim thì mới có thể lan tỏa được ý nghĩa cốt lõi của việc bảo vệ môi trường. Tất cả những lời nói sẽ đều vô nghĩa nếu như mình ngồi không mà phải hành động thì mới có ý nghĩa truyền đi thông điệp về ý thức bảo vệ môi trường”.

Ngoài ra, Kim Cúc còn tham gia nhiều buổi talkshow, trò chuyện với sinh viên, học sinh khắp nơi để tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ những việc rất nhỏ như: hạn chế sử dụng nhựa, không xả rác bừa bãi,… “Những em học sinh, sinh viên mới chính là người thật sự quan trọng trong việc bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp”, Kim Cúc nhấn mạnh.

Đối với Kim Cúc, những em học sinh, sinh viên chính là “truyền nhân” tiếp tục đồng hành và lan toả các hoạt động vì môi trường.

Cháy hết mình và sẵn sàng tham gia các hoạt động vì môi trường, những việc làm của Kim Cúc và cộng đồng Trashpackers đang góp phần lan tỏa, truyền đi thông điệp tích cực, đầy ý nghĩa về vấn đề bảo vệ môi trường và cuộc sống.

Từ khóa » Tieu Su Giang Thi Kim Cuc