Giáo án Ngữ Văn 7: Bài Quan Hệ Từ

Ngày soạn: Ngày dạy: Tiết :

Tiếng việt QUAN HỆ TỪ I. MỤC TIÊU BÀI HỌC Sau bài học, HS có khả năng: 1. Kiến thức - Nắm được khái niệm quan hệ từ. - Nhận biết được quan hệ từ. - Việc sử dụng quan hệ từ trong giao tiếp và tạo lập văn bản nói và viết để tạo liên kết giữa các đơn vị ngôn ngữ. 2. Kĩ năng Nhận biết quan hệ từ trong văn bản nói và viết. Sử dụng quan hệ từ phù hợp với yêu cầu giao tiếp. 3. Định hướng phát triển năng lực - Năng lực giải quyết vấn đề, sáng tạo, hợp tác, tự quản bản thân. - Năng lực giao tiếp, thưởng thức văn học. - Năng lực riêng: + Chỉ ra được mục đích sử dụng từ loại: quan hệ từ trong câu, đoạn văn, văn bản. + Lí giải, phân tích được đặc điểm hình thức, chức năng của từ loại quan hệ từ. +Xác định câu văn đúng hoặc sai (do có hoặc không sử dụng quan hệ từ). + Nhận xét được cách sử dụng các từ loại trong câu văn, đoạn văn, văn bản. + Tạo lập được một số câu, đoạn văn có sử dụng các quan hệ từ theo yêu cầu. 4. Thái độ Ý thức sử dụng quan hệ từ có hiệu quả, tạo cho lời nói và câu văn gợi hình, gợi cảm. Tích hợp kĩ năng sống - Ra quyết định: lựa chọn cách sử dụng các loại quan hệ từ theo những mục đích giao tiếp cụ thể của bản thân. - Giao tiếp: Trình bày suy nghĩ, ý tưởng, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về cách dùng các quan hệ từ. Tích hợp giáo dục đạo đức: - Biết yêu quí và trân trọng tiếng Việt. - Tự lập, tự tin, tự chủ trong công việc, có trách nhiệm với bản thân, có tinh thần vượt khó. II. CHUẨN BỊ CỦA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH 1. Giáo viên: + Nghiên cứu SGK, SBT, SGV, chuẩn kiến thức kĩ năng, tư liệu tham khảo. + Chuẩn bị kế hoạch dạy học, thiết bị, phương tiện dạy học, Cuốn Từ vựng ngữ nghĩa Tiếng việt. 2. Học sinh: + Đọc kĩ SGK, tài liệu liên quan. + Soạn bài. III. PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC - Phương pháp: Quy nạp, hợp tác nhóm, thực hành có hướng dẫn cách tạo lập một văn bản chính xác... - Kĩ thuật dạy học: + Đặt câu hỏi, phân tích các tình huống mẫu để nhận ra quan hệ từ và giá trị, tác dụng của việc sử dụng quan hệ từ phù hợp với tình huống giao tiếp. + Động não: Suy nghĩ, phân tích các ví dụ để rút ra những bài học thiết thực về cách sử dụng quan hệ từ phù hợp với tình huống giao tiếp. + Thực hành có hướng dẫn sử dụng quan hệ từ theo những tình huống cụ thể. IV. TỔ CHỨC DẠY VÀ HỌC: 1. Ổn định tổ chức (1’) 2. Kiểm tra bài cũ (Kiểm tra 15’) ĐỀ BÀI Câu 1 (3.0 đ) : Nêu những sắc thái biểu cảm của từ Hán Việt? Lấy VD cho mỗi loại? Câu 2 (3.0 đ) : Phân loại các từ ghép Hán Việt sau: thiên địa, thi nhân, nhật nguyệt, mục đồng, giang sơn, ái quốc. Câu 3 (4.0 đ) : Đặt câu với mỗi từ Hán Việt sau: bô lão, băng hà, thi nhân, phu nhân. Hướng dẫn chấm bài Câu Nội dung cần đạt Điểm 1 (3 đ) Sắc thái trang trọng thể hiện thái độ tôn kính: phu nhân 1.0 Sắc thái tao nhã, tránh gây cảm giác thô tục, ghê sợ: giải phẫu. 1.0 Sắc thái cổ, phù hợp với bầu không khí xã hội xưa: bô lão, phò mã. 1.0 2 (3đ) - Từ ghép đẳng lập: thiên địa, nhật nguyệt, giang sơn. 1.5 - Từ ghép chính phụ: thi nhân, mục đồng, ái quốc. 1.5 3 (4 đ) Với mỗi từ Hán Việt học sinh đặt một câu đúng ngữ pháp, đảm bảo nội dung, GV cho 1 điểm. 4.0 Tổng 10 3. Bài mới (35’) HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG - Mục tiêu: tạo tình huống/vấn đề học tập nhằm huy động kiến thức, kinh nghiệm hiện có của học sinh và nhu cầu tìm hiểu kiến thức mới liên quan đến tình huống/vấn đề học tập - Phương pháp: vấn đáp - Thời gian: 3 phút - GV dẫn dắt: Để câu văn được liên kết, chúng ta có cần phải tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa các bộ phận của câu, đoạn văn với nhau. Vậy người ta sẽ dùng từ loại nào đây? Đó chính là quan hệ từ. Vậy thế nào là quan hệ từ, cách sử dụng quan hệ từ như thế nào cho phù hợp? Bài học hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quan hệ từ và sử dụng quan hệ từ cho linh hoạt. HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC - Mục tiêu: Trang bị cho học sinh những kiến thức mới liên quan đến tình huống/ vấn đề nêu ra ở hoạt động khởi động - Phương pháp: Diễn giảng, thảo luận nhóm, trò chơi, tình huống có vấn đề - Thời gian: 25 phút Hoạt động của giáo viên và học sinh Nội dung bài học Hoạt động 1: Hướng dẫn học sinh tìm hiểu thế nào là quan hệ từ. I. Thế nào là quan hệ từ 1. Phân tích ngữ liệu - Bước 1: GV yêu cầu HS đọc các ví dụ trong SGK. - GV yêu cầu HS thảo luận nhóm, mỗi nhóm làm 1 ví dụ và trả lời các câu hỏi: + Dựa vào kiến thức đã học hãy xác định các quan hệ từ trong các câu trên? + Các quan hệ từ nói trên liên kết những từ ngữ hay những câu nào với nhau? + Hãy phân tích và nêu ý nghĩa của mỗi quan hệ từ? - Các nhóm lần lượt phân tích các ví dụ, xác định ý nghĩa của mỗi quan hệ từ, đại diện báo cáo, nhóm khác bổ sung. - GV nhận xét và chuẩn kiến thức

- Bước 2: GV đặt câu hỏi: Từ việc phân tích ví dụ em hãy cho biết các từ “của, như, bởi … nên, nhưng” được dùng để làm gì? - HS suy nghĩ trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. Nhận xét, kết luận: những từ dùng liên kết từ ngữ, cụm từ, vế câu … và dùng để biểu thị các quan hệ so sánh, nhân quả … -> quan hệ từ. - Bước 3: GV đặt câu hỏi kết luận vấn đề: Vậy thế nào là quan hệ từ? - HS suy nghĩ trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. - Bước 4: GV yêu cầu HS đọc ghi nhớ - HS đọc. GV nhấn mạnh kiến thức - Bước 5: GV đưa thêm ví dụ Cho biết có mấy cách hiểu đối với câu: Đây là thư Lan? - HS trả lời. GV bổ sung: 3 cách hiểu: + Đây là thư của Lan. + Đây là thư do Lan viết. + Đây là thư gửi cho Lan (đâu phải gửi cho tôi nên tôi không nhận). - GV rút ra kết luận: Việc dùng hay không dùng quan hệ từ đều có liên quan đến ý nghĩa của câu. Vì vậy, không thể lược bỏ quan hệ từ một cách tuỳ tiện. Vậy sử dụng quan hệ từ như thế nào?

a. Của: liên kết những từ ngữ “chúng tôi cũng chẳng có nhiều” với "đồ chơi": nối định ngữ với trung tâm. -> Chỉ quan hệ sở hữu. b. “Như”: nối bổ ngữ với trung tâm -> Chỉ quan hệ so sánh. c. Bởi … nên: nối hai vế của câu ghép chính phụ. -> Chỉ quan hệ nguyên nhân kết quả. d. Nhưng: nối 2 câu -> Quan hệ tương phản.

=> Các quan hệ từ: của, như, … dùng để liên kết từ ngữ, cụm từ, vế câu, câu với câu.

- Được dùng để biểu thị các ý nghĩa quan hệ sở hữu, so sánh, nhân quả, tương phản 2. Ghi nhớ 1: sgk Hoạt động 2: Hướng dẫn học sinh tìm hiểu cách sử dụng quan hệ từ. II. Sử dụng quan hệ từ - Bước 1: GV yêu cầu HS đọc các VD và trả lời câu hỏi: + Trong các câu trên, câu nào bắt buộc phải có quan hệ từ? Câu nào không bắt buộc phải có? + Vì sao các câu b, d, g, h bắt buộc phải có quan hệ từ? Các câu a, c, e, i không bắt buộc phải có quan hệ từ? - HS trả lời. GV chuẩn kiến thức

- Bước 2: GV yêu cầu HS: Tìm quan hệ từ có thể dùng thành cặp với các quan hệ từ sau đây: Nếu …, vì …, tuy …, hễ …, sở dĩ …? - HS trả lời. GV chuẩn kiến thức

- Bước 3: GV yêu cầu HS: Đặt câu với các quan hệ từ vừa tìm được? - HS làm vào vở. GV gọi 2 HS lên bảng đặt câu - GV nhận xét và bổ sung

- Bước 4: GV yêu cầu HS: Em có nhận xét gì về các quan hệ từ: nếu... thì; tuy... nhưng…? Trả lời cá nhân.

- Bước 5: GV đặt câu hỏi kết luận vấn đề: Qua phân tích em hãy cho biết cần sử dụng quan hệ từ như thế nào? - HS trả lời. GV chuẩn kiến thức - Bước 6: GV yêu cầu HS đọc ghi nhớ số2. - HS đọc. GV kết luận bằng ghi nhớ 2 và nhấn mạnh: không tuỳ tiện dùng hay không dùng …. 1. Phân tích ngữ liệu (SGK-97)

- Câu bắt buộc phải có qua hệ từ: b, d, g, h. - Câu không bắt buộc: a, c, e, i.

 Các câu b, d, g, h phải có quan hệ từ vì nếu không có quan hệ từ thì câu văn sẽ đổi nghĩa hoặc không rõ nghĩa. - Các câu a, c, e, i không bắt buộc phải có quan hệ từ vì nghĩa của câu không đổi.

- Cặp quan hệ từ tương ứng: nếu…thì, vì … nên, tuy… nhưng, hễ …thì, sở dĩ… là vì.

-> Quan hệ từ nếu… thì, tuy … nhưng, vì …. nên được dùng thành cặp.

2. Ghi nhớ 2: (sgk).

HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP - Mục tiêu: hoàn thiện kiến thức vừa chiếm lĩnh được; rèn luyện kĩ năng áp dụng kiến thức mới để giải quyết các tình huống/vấn đề trong học tập. - Phương pháp: Vấn đáp - Thời gian: 15 phút Bài tập 1,2,3 - GV yêu cầu lớp chia thành 3 nhóm. Yêu cầu HS thảo luận nhóm (3’) để hoàn thành 3 bài tập. - Mỗi nhóm làm 1 bài tập, hết thời gian, các nhóm báo cáo. - GV nhận xét, đưa ra đáp án như bảng chính.

III. Luyện tập Bài tập 1 Của, như, với, mà, nhưng, còn. Bài tập 2 với, và, với, với, nếu thì, và. Bài tập 3 - Câu đúng: b, d, g, i, k, l. - Câu sai: a, c, e, h. Bài tập 4 - GV yêu cầu cả lớp đọc, xác định yêu cầu bài 4. GV hướng dẫn HS viết tại lớp. - Gọi 2 HS lên bảng viết. Dưới lớp hoàn thành nhận xét, sửa lỗi. Mẫu: “ Lớp 7A có nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng các bạn rất ham học và có ý thức vươn lên. Ai cũng mong mình học giỏi thành tài để làm vẻ vang cho gia đình và quê hương, đất nước. Ngạn ngữ có câu: “ Sự học là chìa khoá mở mọi kho tàng”. Bởi vậy chúng ta phải thi đua học tập thật tốt…” Bài tập 4 Viết đoạn văn ngắn. Tôi và Lan cùng học một lớp. Tuy chúng tôi cùng tuổi nhưng Lan lớn hơn tôi hẳn một cái đầu …

Bài tập 5 - GV yêu cầu HS học đề bài: Phân biệt hai câu có quan hệ từ “nhưng” sau đây? - HS thảo luận nhóm và xét xem nội dung 2 câu giống hay khác? Cách diễn đạt Bài tập 5 Nội dung giống nhau nhưng sắc thái biểu cảm khác nhau: a tỏ ý khen, b tỏ ý chê. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG - Mục tiêu: phát hiện các tình huống thực tiễn và vận dụng được các kiến thức, kĩ năng trong cuộc sống tương tự tình huống/vấn đề đã học. - Phương pháp: Vấn đáp - Thời gian: 5p GV yêu cầu HS làm phiếu bài tập: Bài 1: Tìm quan hệ từ trong đoạn văn sau: “Vào đêm trước ngày khai trường của con, mẹ không ngủ được. Một ngày kia, còn xa lắm, ngày đó con sẽ biết thế nào là không ngủ được. Còn bây giờ giấc ngủ đến với con dễ dàng như uống một li sữa, ăn một cái kẹo. Gương mặt thanh thoát của con tựa nghiêng trên gối mềm, đôi môi hé mở và thỉnh thoảng chúm lại như đang mút kẹo”. ( Trích Cổng trường mở ra – Lí Lan) HS hoàn thành cá nhân. GV đưa ra đáp án: Vào, của, còn, với, như, và.

HOẠT ĐỘNG TÌM TÒI, MỞ RỘNG - Mục tiêu: tìm tòi, mở rộng thêm những gì đã được học, dần hình thành nhu cầu học tập suốt đời. - Phương pháp: thực hành có hướng dẫn - GV nêu yêu cầu: Hãy viết một đoạn văn ngắn, chủ đề trường học và chỉ ra các quan hệ từ được sử dụng trong đoạn văn 4. Hướng dẫn HS về nhà (2’) * Học bài cũ - Thuộc ghi nhớ, lấy VD. - Xác định quan hệ từ trong văn bản: Mẹ tôi. * Học bài mới: Chuẩn bị bài: Luyện tập cách làm văn bản biểu cảm.

Từ khóa » Giáo án Bài Quan Hệ Từ Lớp 5