Giáo án ôn Tập Ngữ Văn 6 Cánh Diều Bài: Lượm

Ngày soạn: …/…/…

Ngày dạy: …/…/…

ÔN TẬP: LƯỢM

I. MỤC TIÊU

  1. Kiến thức

- Củng cố, khắc sâu kiến thức về văn bản Lượm.

  1. Năng lực

Năng lực chung

- Năng lực tự chủ và tự học: Tìm kiếm thông tin, đọc sách giáo khoa, quan sát tranh ảnh để hiểu về văn bản đã học

- Năng lực giao tiếp và hợp tác: Thảo luận nhóm để thực hiện phiếu học tập, hợp tác giải quyết vấn đề để hiểu về văn bản đã học.

- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Năng lực trình bày và trao đổi thông tin trước lớp.

Năng lực đặc thù

- Năng lực thu thập thông tin liên quan đến văn bản Lượm.

- Năng lực trình bày suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân về văn bản Lượm.

- Năng lực hợp tác khi trao đổi, thảo luận về thành tựu nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa của văn bản.

- Năng lực phân tích, so sánh đặc điểm nghệ thuật của bài thơ với các văn bản khác có cùng chủ đề.

  1. Phẩm chất:

- Chăm chỉ: Có ý thức vận dụng kiến thức, kĩ năng học được ở nhà trường, trong sách báo và từ các nguồn tin cậy khác vào học tập và đời sống hằng ngày.

- Trách nhiệm: Có ý thức tham gia thảo luận nhóm để thống nhất vấn đề. Xây dựng thái độ hòa nhã khi tham gia làm việc nhóm. Có trách nhiệm trong việc trình bày lắng nghe và phản biện.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

- Học liệu: Ngữ liệu/ Sách giáo khoa, phiếu học tập.

- Thiết bị: Máy tính, máy chiếu.

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

  1. KHỞI ĐỘNG
  2. Mục tiêu: Tạo tâm thế và định hướng chú ý cho HS; tạo vấn đề vào chủ đề.
  3. Nội dung: HS trả lời câu hỏi.
  4. Sản phẩm: Câu trả lời/chia sẻ của HS bằng ngôn ngữ.
  5. Tổ chức hoạt động:

- GV tổ chức trò chơi: Theo dòng lịch sử

GV yêu cầu lớp chia thành 4 nhóm, với mỗi câu hỏi của GV, nhóm nào có đáp án nhanh nhất và chính xác nhất sẽ giành chiến thắng.

  1. Một thiếu nhi và cũng là một danh tướng nhà Trần, vì không được dự Hội nghị Bình Than đã bóp nát quả cam, về nhà chiêu binh mãi mã đi đánh giặc, lập được nhiều công lớn; hi sinh trên chiến trường.
  2. Tên thật là Lê Hữu Trọng, là Việt kiều tại Thái Lan, tham gia hoạt động cách mạng từ khi lên 10 tuổi. Trong một buổi mít tinh tại Sài Gòn), để bảo vệ đồng chí của mình, anh đã bắn chết mật thám Le Grand. Bị bắt và bị thực dân Pháp kết án tử hình khi mới 17 tuổi.
  3. Người dân tộc Nùng, tên thật là Nông Văn Dền, làm liên lạc cho cách mạng. Trong một lần phát hiện quân Pháp bao vây cơ sở của cách mạng, anh đã đánh lạc hướng chúng và hi sinh khi mới 14 tuổi.
  4. Sinh năm 1933, quê tại Bà Rịa, là liên lạc viên sau đó là đội viên Đội công an xung phong Đất Đỏ. Bị bắt, đày ra Côn Đảo và bị giặc Pháp bí mật xử tử năm 1952.

(Đáp án: 1. Trần Quốc Toản

  1. Lý Tự Trọng
  2. Kim Đồng
  3. Võ Thị Sáu)

- HS chơi trò chơi.

- GV dẫn vào bài học.

  1. HỆ THỐNG LẠI KIẾN THỨC: Ôn tập văn bản Lượm
  2. Mục tiêu: Hệ thống lại và nắm vững những nội dung chính của VB Lượm.
  3. Nội dung: HS thảo luận, trả lời câu hỏi được phân công.
  4. Sản phẩm: Câu trả lời của HS.
  5. Tổ chức thực hiện:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

NV1:

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ

- GV yêu cầu HS nhắc lại những nét chính về tác giả, tác phẩm.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ

- HS chuẩn bị trả lời câu hỏi.

Bước 3: Báo cáo kết quả

- GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét.

Bước 4: Nhận xét, đánh giá

- GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.

NV2:

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ

- GV chia lớp thành 3 nhóm, yêu cầu các nhóm thảo luận, trả lời câu hỏi:

+ Nhóm 1: Lượm và chủ thể trữ tình gặp nhau trong hoàn cảnh nào? Chân dung của Lượm hiện lên như thế nào?

+ Nhóm 2: Nêu hoàn cảnh và hành động của Lượm trong chuyến liên lạc cuối cùng. Hình ảnh Lượm “nằm trên lúa”, “tay nắm chặt bông” gợi cho em suy nghĩ gì?

+ Nhóm 3: Theo em, tại sao tác giả miêu tả lại hình ảnh Lượm ở hai khổ thơ cuối? Tác giả có tình cảm như thế nào đối với Lượm?

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ

- Các nhóm thực hiện nhiệm vụ. GV hỗ trợ khi cần thiết.

Bước 3: Báo cáo kết quả

- GV mời đại diện các nhóm trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, trao đổi.

Bước 4: Nhận xét, đánh giá

- GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.

NV3:

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ

- GV yêu cầu HS tổng kết về nội dung, ý nghĩa, nghệ thuật của văn bản.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ

- HS thực hiện nhiệm vụ.

Bước 3: Báo cáo kết quả

- GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét.

Bước 4: Nhận xét, đánh giá

- GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành) – (1920- 2002), Thừa Thiên Huế.

- Là nhà cách mạng, nhà thơ lớn của thơ ca hiện đại VN.

2. Tác phẩm

- Sáng tác 1949 trích trong “ Việt Bắc”

- Thể thơ: 4 chữ

- PTBĐ: Biểu cảm kết hợp tự sự, miêu tả.

- Bố cục:

§ Phần 1 (5 khổ thơ đầu): Hình ảnh Lượm trong cuộc gặp gỡ.

§ Phần 2 (Tiếp đến Lượm ơi, còn không?): Câu chuyện về chuyến liên lạc cuối cùng cùng sự hi sinh của Lượm.

§ Phần 3 (Còn lại): Hình ảnh Lượm còn sống mãi.

II. Đọc – hiểu văn bản

1. Hình ảnh Lượm trong cuộc gặp gỡ

a. Hoàn cảnh gặp gỡ

- Xưng hô: chú – cháu, thể hiện tình cảm thân thiết, trìu mến của những người chiến sĩ.

- Hoàn cảnh cuộc gặp gỡ: Tác giả từ Hà Nội vào Huế công tác.

- Nghệ thuật hoán dụ: "Ngày Huế đổ máu".

 Gợi sự kiện lịch sử: bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (1947).

b. Chân dung chú bé Lượm

- Hình dáng: loắt choắt, nhỏ nhắn.

- Trang phục: Cái xắc xinh xinh, ca lô đội lệch  đặc biệt, tiêu biểu.

- Tính cách: Nghịch ngợm yêu đời.

- Cử chỉ: nhanh nhẹn, tinh nghịch.

- Lời nói: tự nhiên, chân thật .

 Lượm hồn nhiên, vui tươi, say mê tham gia kháng chiến, yêu thích hoạt động cách mạng.

- Nghệ thuật: quan sát, hồi tưởng, tưởng tượng, so sánh, từ ngữ gợi tả, từ láy, nhịp thơ nhanh.

2. Chuyến đi liên lạc cuối cùng và sự hi sinh của Lượm

* Chuyến đi liên lạc cuối cùng:

- Hoàn cảnh đưa thư: nguy hiểm, cấp bách.

- Mặt trận: nguy hiểm, ác liệt

- Hành động của Lượm: vụt qua mặt trận  thể hiện hành động nhanh, dứt khoát, thái độ bất chấp hiểm nguy, đặt nhiệm vụ và đất nước lên trên tính mạng.

* Sự hi sinh của Lượm:

- Khi tác giả nhận tin: cảm xúc đột ngột, bất ngờ, thể hiện sự ngỡ ngàng, xót xa trước sự ra đi của Lượm.

- Hình ảnh ra đi của Lượm:

+ "nằm trên lúa"  Gợi đi sự thanh thản, nhẹ nhàng.

+ “Tay nắm chặt bông”, "Hồn bay giữa đồng"  Lượm đã hóa thân vào quê hương đất nước

 Thể hiện sự dũng cảm, gan dạ, hăng hái, không sợ hi sinh nguy hiểm, quyết hoàn thành nhiệm vụ.

3. Hình ảnh Lượm hi sinh

- Lượm đang đưa thư qua cánh đồng lúa. Chú bé đã hi sinh vẻ vang, oanh liệt.

- Hai khổ thơ cuối tái hiện hình ảnh Lượm nhanh nhẹn vui tươi hồn nhiên yêu đời.

4. Tình cảm nhà thơ với Lượm

- Thể hiện qua cách xưng hô: tình cảm, thân thiết, ruột thịt.

- Khi nghe tin Lượm hi sinh: sự xúc động đến nghẹn ngào, sững sờ trước tin hi sinh đột ngột của Lượm.

- Thân tình, trân trọng, cảm phục, coi Lượm như một người bạn chiến đấu, hình ảnh Lượm như đẹp hơn, lớn lên.

III. Tổng kết bài học

1. Nội dung

- Hình tượng của bé Lượm trong kỉ niệm của tác giả : Hồn nhiên, vô tư, vui tươi, yêu đời, say mê với công việc kháng chiến và câu chuyện cảm động về sự hi sinh anh dũng của Lượm

- Ý nghĩa: Bài thơ khắc họa hình ảnh một chú bé hồn nhiên, dũng cảm hi sinh vì nhiệm vụ kháng chiến. Đó là một hình tượng cao đẹp trong thơ Tố Hữu. Đồng thời bài thơ đã thể hiện chân thực tình cảm mến thương và cảm phục của tác giả dành cho chú bé Lượm nói riêng và những em bé yêu nước nói chung.

2. Nghệ thuật

- Sử dụng thể thơ 4 chữ đậm chất dân gian, phù hợp với lối kể chuyện.

- Sử dụng nhiều từ láy có giá trị gợi hình và giàu âm điệu.

- Cách ngắt các dòng thơ đặc biệt.

- Kết cấu đầu cuối tương ứng.

  1. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP – VẬN DỤNG
  2. a. Mục tiêu: HS khái quát lại nội dung bài học thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập.
  3. b. Nội dung: HS thảo luận, hoàn thành phiếu học tập
  4. c. Sản phẩm: Câu trả lời của các câu hỏi, bài tập.
  5. d. Tổ chức thực hiện:

NV1: - GV phát đề cho HS, yêu cầu HS tự hoàn thành BT.

ĐỀ LUYỆN TẬP SỐ 1

Câu 1: Tác giả của bài thơ Lượm là ai?

A. Tô Hoài

B. Tế Hanh

C. Tố Hữu

D. Xuân Quỳnh

Câu 2: Những yếu tố nghệ thuật nào có tác dụng trong việc thể hiện hình ảnh Lượm trong hai khổ thơ đầu?

A. Sử dụng nhiều từ láy gợi hình, gợi cảm

B. Thể thơ bốn chữ giàu âm điệu

C. Biện pháp so sánh

D. Tất cả đều đúng

Câu 3: Bài thơ Lượm được sáng tác vào thời gian nào:

A. Trước Cách Mạng Tháng Tám

B. Trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp

C. Khi đất nước hòa bình thống nhất

D. Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ

Câu 4: Bài thơ Lượm được làm theo thể thơ nào?

A. Bốn chữ.
B. Sáu chữ.
C. Năm chữ.
D. Bảy chữ.

Câu 5: Bài thơ Lượm được kể bằng lời của ai?

A. Nhân vật Lượm

B. Người chú

C. Người bạn

D. Người mẹ của Lượm

Câu 6: Chú bé trong bài thơ làm công việc gì?

A. Du kích.

B. Dân công.

C. Liên lạc.

D. Bộ đội.

Câu 7: Vẻ đẹp của chú bé Lượm trong bài thơ thể hiện ở khổ thơ thứ hai và thứ ba là vẻ đẹp:

A. rắn rỏi, cương nghị

B. hiền lành, dễ thương

C. hoạt bát, hồn nhiên

D. khỏe mạnh, cứng cáp

Câu 8: Ý nghĩa của khổ thơ sau là gì?

Cháu nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa

Hồn bay giữa đồng…

A. Tâm hồn Lượm hòa vào hương lúa, đồng quê.

B. Tâm hồn Lượm ngát thơm như hương lúa.

C. Quê hương ôm ấp Lượm vào lòng.

D. Tất cả đều đúng.

Câu 9: Trong bài thơ Lượm, tác giả sử dụng phương thức biểu đạt nào?

A. Miêu tả, tự sự, biểu cảm

B. Tự sự, biểu cảm

C. Miêu tả, tự sự

D. Biểu cảm

Câu 10: Những câu, khổ thơ có cấu tạo đặc biệt (Ra thế/Lượm ơi!...; Thôi rồi, Lượm ơi!) thể hiện cảm xúc gì ở người chú?

A. Sự hồi hộp, lo lắng.

B. Sự bàng hoàng, xót xa.

C. Sự ngạc nhiên, bất ngờ.

D. Sự đau đớn, sửng sốt đến lặng người.

- NV2: GV phát đề, cho HS thảo luận theo nhóm nhỏ, hoàn thành BT.

ĐỀ LUYỆN TẬP SỐ 2

Câu 1. Hình ảnh Lượm trong đoạn thơ từ khổ thứ hai đến khổ thứ năm đã được miêu tả như thế nào qua cái nhìn của người kể (trang phục, hình dáng, cử chỉ, lời nói)? Sự miêu tả đã làm nổi bật ở hình ảnh Lượm những nét gì đáng yêu đáng mến?

Các yếu tố nghệ thuật như từ láy, vần, nhịp, so sánh trong đoạn thơ đã có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện hình ảnh Lượm?

Câu 2. Trong bài thơ, người kể chuyện đã gọi Lượm bằng nhiều từ xưng hô khác nhau. Em hãy tìm những từ ấy và phân tích tác dụng của sự thay đổi cách gọi này đối với việc biểu hiện thái độ, quan hệ tình cảm của tác giả đối với Lượm.

Câu 3. Trong bài thơ, tác giả đã kết hợp miêu tả với kể chuyện và biểu hiện cảm xúc. Hãy làm rõ nhận xét này.

Câu 4. Viết một đoạn văn nêu suy nghĩ của em về hình ảnh nhân vật Lượm.

- GV mời một số HS trình bày bài làm, sau đó chốt đáp án.

Gợi ý đáp án:

Câu 1. - Hình ảnh Lượm từ khổ thơ 2 đến khổ 5 được miêu tả:

+ Hình dáng: loắt choắt, chân thoăn thoắt.

+ Trang phục: xắc xinh xinh, ca lô đội lệch.

+ Hoạt động: đầu nghênh nghênh, mồm huýt sáo vang, nhảy trên đường.

+ Lời nói tự nhiên, chân thật, lễ phép: Cháu đi liên lạc / Vui lắm chú à, Ở đồn Mang Cá / thích hơn ở nhà.

- Các yếu tố nghệ thuật như từ láy (loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh), vần (loắt choắt – thoăn thoắt, vang – vàng…), nhịp thơ nhanh cùng các hình ảnh so sánh (như con chim chích…) đã làm cho hình ảnh Lượm trở nên vui vẻ, hồn nhiên và luôn say mê với công việc làm liên lạc của mình.

Câu 2. - Trong bài thơ, người kể chuyện đã gọi Lượm bằng nhiều từ xưng hô khác nhau: cháu, chú bé, Lượm, chú đồng chí nhỏ.

 Thể hiện quan hệ nhiều chiều: vừa là chú cháu, vừa là đồng chí.

- Đoạn thơ sau cùng, tác giả gọi Lượm là “chú bé” vì lúc này Lượm đã trở thành người anh hùng trong lòng mọi người, là chiến sĩ nhỏ hi sinh vì quê hương, đất nước.

Câu 3. Trong bài thơ, tác giả đã kết hợp miêu tả với kể chuyện và biểu hiện cảm xúc. Tác giả khắc họa hình ảnh chú bé Lượm từ ngoại hình đến cử chỉ, lời nói. Cùng với đó, tác giả kể lại câu chuyện về Lượm từ lần đầu gặp mặt cho tới khi nhận được tin Lượm hi sinh. Từ câu chuyện ấy, tác giả thể hiện cảm xúc yêu mến, xót xa, trân trọng đối với chú bé liên lạc này.

Từ khóa » Giáo án Bài Lượm Lớp 6 Tập 2