Giáo án ôn Tập Ngữ Văn 8 Bài: Văn Bản "Nhớ Rừng" - Kenhgiaovien

Ngày soạn: …/…/…

Ngày dạy: …/…/…

ÔN TẬP VỀ VĂN BẢN “NHỚ RỪNG”

I. MỤC TIÊU

  1. Kiến thức

Củng cố khắc sâu kiến thức về văn bản Nhớ rừng mà các em đã được học thông qua các hệ thống câu hỏi và các phiếu học tập để ôn luyện…

  1. Năng lực

Năng lực chung

- Năng lực tự chủ và tự học: Tìm kiếm thông tin, đọc sách giáo khoa, quan sát tranh ảnh để hiểu về văn bản đã học

- Năng lực giao tiếp và hợp tác: Thảo luận nhóm để thực hiện phiếu học tập, hợp tác giải quyết vấn đề để hiểu về văn bản đã học.

- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Năng lực trình bày và trao đổi thông tin trước lớp.

Năng lực riêng biệt

- Năng lực thu thập thông tin liên quan đến văn bản Nhớ rừng.

- Năng lực trình bày suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân về văn bản Nhớ rừng.

- Năng lực hợp tác khi trao đổi, thảo luận về thành tựu nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa bài thơ.

- Năng lực phân chia bố cục văn bản.

  1. Về phẩm chất

- Chăm chỉ: Có ý thức vận dụng kiến thức, kĩ năng học được ở nhà trường, trong sách báo và từ các nguồn tin cậy khác vào học tập và đời sống hằng ngày.

- Trách nhiệm: Có ý thức tham gia thảo luận nhóm để thống nhất vấn đề. Xây dựng thái độ hòa nhã khi tham gia làm việc nhóm. Có trách nhiệm trong việc trình bày lắng nghe và phản biện.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

- Giáo viên: Giáo án, sách giáo khoa, phiếu học tập.

- Học sinh: Thiết bị học tập cần thiết

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

KHỞI ĐỘNGa. Mục tiêu: Tạo tâm thế và định hướng chú ý cho HS; tạo vấn đề vào chủ đề.b. Nội dung hoạt động: HS trả lời câu hỏi.c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời/chia sẻ của HS bằng ngôn ngữd. Tổ chức thực hiện:

- GV tổ chức cho HS thi đọc thuộc lòng bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ.

- HS thực hiện nhiệm vụ.

- GV dẫn vào bài học.

HỆ THỐNG LẠI KIẾN THỨC: Ôn tập kiến thức VB Nhớ rừnga. Mục tiêu: Hệ thống lại và nắm vững những nội dung chính của VB Nhớ rừng.b. Nội dung hoạt động: HS thảo luận, trả lời câu hỏi được phân công.c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.d. Tổ chức thực hiện:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

NV1:

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ

- GV yêu cầu HS đọc lại kiến thức về tác giả, tác phẩm trong SGK để nhắc lại trước lớp.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ

- HS thực hiện nhiệm vụ.

Bước 3: Báo cáo kết quả

- GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét.

Bước 4: Nhận xét, đánh giá

- GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.

NV2:

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ

- GV chia lớp thành các nhóm, yêu cầu các nhóm thảo luận:

+ Nhóm 1: Con hổ ở vườn bách thú

+ Nhóm 2: Nỗi nhớ tiếc quá khứ của hổ - Nỗi nhớ thời oanh liệt

+ Nhóm 3: Nỗi nhớ tiếc quá khứ của hổ - Nhớ những khoảnh khắc đẹp

+ Nhóm 4: Niềm khao khát giấc mộng ngàn của hổ

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ

- Các nhóm thực hiện nhiệm vụ. GV hỗ trợ khi cần thiết.

Bước 3: Báo cáo kết quả

- GV mời đại diện các nhóm trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét.

Bước 4: Nhận xét, đánh giá

- GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.

NV3:

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ

- GV yêu cầu HS thảo luận theo cặp, tổng kết về nghệ thuật và nội dung của văn bản.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ

- HS thực hiện nhiệm vụ.

Bước 3: Báo cáo kết quả

- GV mời một số HS trình bày kết quả trước lớp, yêu cầu cả lớp lắng nghe, nhận xét.

Bước 4: Nhận xét, đánh giá

- GV nhận xét, đánh giá, chốt kiến thức.

I. Nhắc lại kiến thức về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

- Thế Lữ (1907–1989), tên thật là Nguyễn Thứ Lễ.

- Quê: Bắc Ninh.

- Ông là nhà thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ mới chặng đầu (1932 – 1935).

2. Văn bản

a. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, thể loại:

- Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ: sáng tác năm 1934, in trong tập “Mấy vần thơ”

- Thể thơ: Tự do

b. Đọc, chú thích, bố cục:

+ Đoạn 1+4: con hổ ở trong cũi sắt.

+ Đoạn 2+3: con hổ trong chốn giang sơn hùng vĩ.

+ Đoạn 5: Khao khát giấc mộng ngàn.

II. Kiến thức trọng tâm

1. Con hổ ở vườn bách thú

- Gậm: động từ, dùng răng, miệng mà ăn dần, cắn dần từng chút một cách chậm chạp.

 Sự gặm nhấm đầy uất ức và bất lực của con hổ khi bị mất tự do.

- “Khối căm hờn” gợi cho ta có cảm giác như trông thấy sự căm hờn có hình khối rõ ràng. Căm hờn, uất ức vì bị mất tự do.

- Gậm: ĐT, Khối: danh từ

- Gậm = ngậm; Khối = mối  mức độ biểu cảm kém đi.

- Tư thế nằm: Tình thế buông xuôi bất lực, ngày đêm gậm nhấm nỗi căm hờn.

- Nghệ thuật: đối lập giọng điệu chán chường, sử dụng ĐT mạnh, danh từ hóa tính từ.

- Hoàn cảnh: bị giam cầm trong cũi sắt.

- Tâm trạng: uất ức, sự buông xuôi, bất lực.

- Khi bị nhốt, hổ tỏ thái độ:

+ Khinh ghét con người gọi họ là lũ “ngạo mạn, ngẩn ngơ”.

+ Nỗi nhục bị biến thành trò chơi lạ mắt tầm thường (Giương mắt bé giễu…)

+ Bất bình vì bị ở chung cùng “bọn gấu dở hơi, cặp báo vô tư lự”.

- Hổ có tâm trạng như vậy vì: hổ là chúa sơn lâm, chúa tể của muôn loài, giờ bị xem thường như những kẻ thấp kém địa vị, song quan trọng hơn nó đau xót cho lũ gấu, báo không biết được nỗi nhục nhằn tù hãm.

2. Nỗi nhớ tiếc quá khứ của hổ - Nỗi nhớ thời oanh liệt

- Hổ nhớ tới những ngày oanh liệt trong chốn giang sơn hùng vĩ của nó.

- Cảnh lâm sơn: Bóng cả, cây già, tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi, khúc trường ca dữ dội…

- Nhận xét cách dùng từ ngữ: Điệp từ “với”, các động từ chỉ đặc điểm của hành động “gào, thét”, những DT, TT phong phú  Cảnh đại ngàn xưa kia lớn lao, phi thường, mạnh mẽ và hoang vu, bí ẩn.

- Hình ảnh chúa tể hiện lên: “Bước chân... cả muôn loài”.

 Tư thế dõng dạc, đường hoàng, oai phong, lẫm liệt với tâm trạng hài lòng.

- Từ “quắc” là động từ, cực tả ánh mắt dữ dội đủ sức chế ngự muôn loài của chúa sơn lâm.

- Nhận xét nghệ thuật:

+ So sánh: tấm thân của chúa sơn lâm với sóng biển (liên tưởng độc đáo và rất đẹp) làm nổi bật vẻ đẹp và sức mạnh của con hổ

+ Sử dụng các từ ngữ gợi tả hình dáng.

+ Nhịp thơ ngắn, uyển chuyển, giọng điệu hùng tráng, dữ dội.

3. Nỗi nhớ tiếc quá khứ của hổ - Nhớ những khoảnh khắc đẹp

- Con hổ nhớ lại những kỉ niệm:

Những đêm vàng bên bờ ......

Ngày mưa chuyển bốn …

Bình minh cây xanh nắng .....

Những chiều lênh láng máu...

- Đoạn 3: có thể coi như một bộ tranh tứ bình đẹp lộng lẫy. Bối cảnh là cảnh núi rừng hùng vĩ, tráng lệ với con hổ uy nghi làm chúa tể.

+ Đó là cảnh “đêm vàng bên bờ suối” hết sức diễm ảo với hình ảnh con hổ “say mồi đứng tan” đầy lãng mạn, diễm ảo.

+ Đó là cảnh “ngày mưa chuyển…” với hình ảnh con hổ mang dáng dấp đế vương đang yên lặng ngắm giang sơn của mình.

+ Đó là cảnh “bình minh cây xanh nắng gội” tưng bừng, chan hòa ánh sáng, rộn rã tiếng chim đang ca hát cho chúa sơn lâm ngủ.

+ Đó là hình ảnh chúa sơn lâm đang khao khát chờ đợi bóng đêm để mặc sức tung hoành nơi vương quốc rộng lớn, đầy bí ẩn của mình.

- Biện pháp nghệ thuật:

+ Điệp từ “ta” thể hiện khí phách ngang tàng làm chủ.

+ Điệp từ “nào đâu, đâu những” câu cảm thán, câu hỏi tu từ cuối bài diễn tả nỗi nhớ tiếc qúa khứ khôn nguôi.

+ Hình ảnh ẩn dụ “đêm vàng”: đêm trăng sáng mọi vật như được nhuốm màu vàng, ánh trăng như tan chảy trong không gian.

 Diễn tả thấm thía nỗi nuối tiếcquá khứ vàng son.

4. Niềm khao khát giấc mộng ngàn của hổ

- Tâm trạng uất hận, ghét vì có sự đối lập giữa cảnh hiện tại và cảnh trong quá khứ.

 Bộc lộ trực tiếp nỗi tiếc nhớ cuộc sống chân thật, tự do. Đó là một bi kịch lớn.

 Thể hiện khát vọng được sống chân thật cuộc sống của mình, trong xứ sở của mình. Đó là khát vọng giải phóng, khát vọng tự do.

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

- Cảm hứng lãng mạn phong phú, mãnh liệt.

- Sử dụng hệ thống hình ảnh thơ giàu chất tạo hình: mang đường nét, hình khối, màu sắc rõ ràng.

- Ngôn ngữ, nhạc điệu, tiết tấu cực kì phong phú, rõ ràng, gợi cảm.

2. Nội dung

Nhớ rừng của Thế Lữ mượn lời con hổ bị nhốt ở vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt bằng những vần thơ tràn đầy cảm xúc lãng mạn. Bài thơ đã khơi gợi lòng yêu nước thầm kín của người dân mất nước thuở ấy.

  1. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP
  2. a. Mục tiêu: HS khái quát lại nội dung bài học thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập.
  3. b. Nội dung hoạt động: HS thảo luận, hoàn thành phiếu học tập.
  4. c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của các câu hỏi, bài tập.
  5. d. Tổ chức thực hiện:

- NV1: GV phát phiếu học tập cho HS, yêu cầu HS tự hoàn thành BT.

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1

Câu 1. Năm sinh năm mất của Thế Lữ là…

· A. 1907 - 1988

· B. 1907 - 1989

· C. 1905 - 1998

· D. 1905 - 1990

Câu 2. Quê gốc của nhà thơ Thế Lữ ở…

· A. Hải Phòng

· B. Hà Nội

· C. Bắc Ninh

· D. Bắc Giang

Câu 3. Thế Lữ có vị trí như thế nào trong phong trào Thơ mới?

· A. Là cầu nối giữa thơ cũ và Thơ mới.

· B. Là người cuối cùng ra nhập hàng ngũ Thơ mới.

· C. Là người ngăn cản sự phát triển của Thơ mới.

· D. Là người tiêu biểu người cắm ngọn cờ cho phong trào Thơ mới.

Câu 4. Bài thơ Nhớ rừng được sáng tác vào khoảng thời gian nào?

· A. Trước năm 1930.

· B. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

· C. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

· D. Trong kháng chiến chống đế quốc Mĩ.

Câu 5. Bài thơ sử dụng phương thức biểu đạt chính là

· A. Tự sự

· B. Miêu tả

· C. Biểu cảm

· D. Thuyết minh

Câu 6. Khổ thơ 1 và 4 thể hiện tâm trạng nào của con hổ khi ở trong vờn bách thú?

· A. Tuyệt vọng, buồn bã

· B. Uất hận, chán chường, bất lực

· C. Buồn bã, hi vọng một ngày được thoát khỏi thực tại

· D. Đau đớn, tuyệt vọng

Câu 7. Biện pháp tu từ nào sau đây không được tác giả sử dụng trong bài?

· A. So sánh

· B. Nhân hoá

· C. Hoán dụ

· D. Điệp từ

Câu 8. Việc xây dựng hai cảnh tượng đối lập nhau trong bài thơ: cảnh vườn bách thú tù túng và cảnh rừng xanh tự do nhằm mục đích gì?

· A. Để gây ấn tượng, tạo sự hấp dẫn cho người đọc.

· B. Sử dụng nghệ thuật tương phản, xây dựng hai hình ảnh đối lập để làm nổi bật tình cảnh và tâm trạng của chúa sơn lâm.

· C. Nhằm mục đích thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ của người đọc đối với hoàn cảnh của con hổ.

· D. Nhằm mục đích chế giễu, thương hại cho con vật nổi tiếng hung tợn.

Câu 9. Dòng nào nói đúng về bút pháp lãng mạn của bài thơ Nhớ rừng?

· A. Lấy tâm trạng con hổ để nói về tâm trạng con người.

· B. Miêu tả cái cao cả, phi thường.

· C. Không hòa nhập với thế giới tầm thường, vô nghĩa.

· D. Nhớ tiếc quá khứ.

Câu 10. Bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ được sáng tác theo thể thơ gì và với giọng điệu như thế nào?

· A. Thể thơ tự do và với giọng điệu nhẹ nhàng, du dương.

· B. Thể thơ tám chữ và với giọng điệu thiết tha, hùng tráng.

· C. Thể thơ thất ngôn bát cú và với giọng điệu bi ai, sầu thảm.

· D. Thể thơ tứ tuyệt và với giọng thơ sầu thảm, thống thiết.

Câu 11. Câu “Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua” thuộc kiểu câu nào?

· A. Câu trần thuật

· B. Câu cầu khiến

· C. Câu nghi vấn

· D. Câu cảm thán

Câu 12. Vì sao con hổ lại bực bội và chán ghét cảnh sông ở vườn bách thú?

· A. Vì đây là một cuộc sống tù ngục mất tự do.

· B. Vì dưới con mắt của chúa sơn lâm, những thứ ở đây đều nhỏ bé, tầm thường, giả tạo, thấp hèn.

· C. Vì ở đây không xứng với vị thế và sức mạnh của nó, nó không chấp nhận sống chung với những cái phàm tục.

· D. Tất cả đều đúng.

Câu 13. Nhận xét nào nói đúng nhất những cảnh tượng được miêu tả đặc sắc trong bài thơ Nhớ rừng?

· A. Cảnh núi rừng hùng vĩ, khoáng đạt và bí hiểm.

· B. Cảnh vườn bách thú tù túng, tầm thường, giả dối.

· C. Cảnh đại ngàn bao la rộng lớn.

· D. Gồm cả 2 ý A và B.

· E. Gồm cả 2 ý B và C

Câu 14. Nội dung của bài thơ là…

· A. Mượn lời của con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả sâu săc nỗi chán ghét thực tại tầm thường.

· B. Niềm khát khao tự do mãnh liệt.

· C. Biểu lộ lòng yêu nước thầm kín của người dân mất nước.

· D. Tất cả đều đúng.

- GV chữa nhanh đáp án.

- NV2: GV phát phiếu học tập số 2 cho HS, yêu cầu HS làm việc theo bàn, hoàn thành BT.

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 2

Câu 1. Có ý kiến cho rằng: “Bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ (Ngữ văn 8, tập 2) tràn đầy cảm xúc lãng mạn”. Em hãy cho biết cảm xúc lãng mạn được thể hiện trong bài thơ như thế nào?

Câu 2. Nhận xét về đoạn tứ bình trong bài thơ Nhớ rừng, có ý kiến cho rằng: “Đây là đoạn tuyệt bút. Cả bốn bức tứ bình đều là những chân dung tự hoạ khác nhau của con hổ nhưng đã khái quát trọn vẹn về cái “thời oanh liệt” của chúa sơn lâm”.

Phân tích đoạn thơ tứ bình trong bài Nhớ rừng để làm rõ điều đó.

Câu 3. Nêu nghệ thuật của bài thơ Nhớ rừng.

Câu 4. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh có nhận xét về thơ của Thế Lữ: “Đọc đôi bài, nhất là bài “Nhớ rừng”, ta tưởng chừng như thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thé Lữ như một thế tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được.”

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Theo em, “đội quân Việt ngữ” mà Hoài Thanh nói đến gồm những yếu tố gì?

Gợi ý đáp án:

Câu 1. Cảm xúc lãng mạn trong bài thơ Nhớ rừng được thể hiện ở các khía cạnh: - Hướng về thế giới mộng tưởng lớn lao, phi thường, tráng lệ bằng cảm xúc trào dâng mãnh liệt. Thế giới ấy hoàn toàn đối lập với thực tại tầm thường, giả dối. Trong bài thơ, thế giới mộng tưởng chính là cảnh thiên nhiên hùng vì và sự oai hùng của chúa sơn lâm.

- Diễn tả thấm thía nỗi đau trong tinh thần bi tráng, uất ức, xót xa của hòm thiêng khi xa cơ lỡ vận.

Câu 2.

- Khái quát:

+ Đoạn thơ hay, cấu trúc tứ bình: bốn cảnh, cảnh nào cũng có núi rừng hùng vĩ làm nền để hình ảnh hổ được nổi bật. Bức chân dung tự họa khác nhau: chân dung hổ trong bốn cảnh ở bốn thời điểm được vẽ lại bằng kỉ niệm, bằng hồi ức của chính nó. Thời oanh liệt: thời tự do, tung hoành, thống trị đại ngàn của chúa tể rừng xanh.

+ Đoạn thơ thứ ba, nằm trong chuỗi hồi ức về quá khứ oai hùng, mỗi cảnh gồm hai câu thơ, câu trước tả cảnh rừng, câu sau là chân dung của hổ trên nền thiên nhiên kì vĩ.

- Phân tích, chứng minh:

+ Cảnh đêm trăng đẹp, thơ mộng, huyền ảo. Hổ như một thi sĩ lãng mạn thưởng thức cái đẹp bên dòng suối.

+ Cảnh ngày mưa ào ạt, dữ dọi. Hổ vừa như bậc quân vương uy nghi, bình tĩnh, ung dung trước mọi sự biến động, vừa giống một nhà hiền triết thâm trần lặng ngắm đất trời thay đổi sau mưa bão.

+ Cảnh bình minh tươi đẹp, rực rỡ. Hổ như một đế vương hưởng lạc thú, say giấc nồng giữa khúc ca của muôn loài.

+ Cảnh hoàng hôn đỏ rực màu máu. Hổ như một bạo chúa rừng già, tàn bạo đang giành lấy quyền lực làm chủ bóng tối, làm chủ vũ trụ.

 Bộ tranh tứ bình đẹp tái hiện quá khứ huy hoàng, tự do với cảnh núi rừng hoang sơ, thơ mộng, kì vĩ, hổ hiện lên với tư thế lẫm liệt kiêu hùng, đầy uy lực.

- Tổng hợp, đánh giá:

+ Khẳng định ý kiến ở đề bài là chính xác. Đoạn tứ bình là đoạn tuyệt bút, hay nhất của bài thơ, là bức chân dung tự họa của nhân vật trữ tình trong bốn thời điểm đã khái quát được một thời quá khứ oanh liệt, tự do, huy hoàng của chúa tể rừng xanh.

+ Đoạn thơ mượn lời tâm sự của con hổ để diễn tả kín đáo tâm trạng và khát vọng của con người: Tâm trạng của nhà thơ lãng mạn, thân tù hãm nhưng tâm hồn vẫn nhớ thời hoàng kim của tự do, do đó bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường. Đó cũng là tâm trạng của người dân Việt Nam mất nước, nhớ tiếc khôn nguôi một “thời oanh liệt” của lịch sử dân tộc.

+ Đoạn thơ góp phần khơi sâu cảm hứng chủ đạo của toàn bài: mượn lời con hổ bị nhốt ở vườn bách thú để diễn tả niềm khao khát tự do mãnh liệt và tâm sự yêu nước của con người trong những ngày mất nước.

Câu 3. Nghệ thuật trong bài thơ Nhớ rừng:

- Hình ảnh thơ giàu chất tạo hình, thơ mộng, hùng vĩ, lãng mạn.

- Hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng:

+ Con hổ trong vườn bách thú

+ Cảnh rừng già hoang vu – thế giới rộng lớn, khoáng đạt, tự do >< hình ảnh chiếc cũi sắt – cuộc sống tù hãm, chật hẹp.

 Nói lên tâm sự một cách kín đáo, sâu sắc.

+ Ngôn ngữ giàu nhạc điệu (cách ngắt nhịp linh hoạt, đan xen câu ngắn, câu dài).

+ Giọng thơ đa dạng và nhất quán: u uất, dằn vặt; say sưa, tha thiết, hùng tráng.

Câu 4.

- Giải thích cách diễn đạt hình ảnh của Hoài Thanh:

+ “tưởng chừng thấy chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường”: cảm xúc sôi trào, mãnh liệt chi phối câu chữ trong bài thơ của Thế Lữ  đặc điểm tiêu biểu của bút pháp thơ lãng mạn và cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sự lôi cuốn mạnh mẽ của bài thơ Nhớ rừng.

+ “Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được”: tài năng của Thế Lữ trong việc sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt) một cách chủ động, linh hoạt, phong phú, chính xác, biểu đạt hiệu quả nội dung của bài thơ.

+ “Đội quân Việt ngữ”: từ ngữ, hình ảnh thơ, cấu trúc ngữ pháp, thể thơ, giọng điệu, tính nhạc trong bài thơ.

Từ khóa » Nho Rung Giao An