Giáo Dục Một Số Kỹ Năng Xã Hội Cần Thiết để Chuẩn Bị Cho Trẻ Mẫu ...
Có thể bạn quan tâm
Kĩ năng xã hội của trẻ Mẫu giáo là một dạng hành động của trẻ nhằm thực hiện các mối quan hệ với mọi người xung quanh trên cơ sở nắm vững phương thức thực hiện và sự vận dụng tri thức, kinh nghiệm xã hội phù hợp với điều kiện hoàn cảnh giúp trẻ giao tiếp, tương tác, thích nghi với trường lớp, cộng đồng gần gũi.
Như chúng ta biết, các hoạt động của trẻ ở trường mầm non là trẻ được học mà chơi và chơi mà học rất thoải mái. Trẻ từ lớp mẫu giáo bước vào lớp Một là thực hiện một quá trình chuyển đổi giai đoạn từ hoạt động chủ đạo là chơi sang hoạt động học. Khó khăn lớn nhất trẻ gặp phải không phải là quá trình trẻ học vần, học số, làm tính mà chính là học cách hoà nhập với môi trường mới, hoạt động mới, quá trình tuân thủ các nền nếp học tập.
Để thấy rõ được sự cần thiết của việc chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1 chúng ta cần nhận thấy rõ sự khác biệt về các hoạt động giữa trẻ Mẫu giáo 5 tuổi và học sinh Tiểu học về hoạt động chủ đạo, môi trường hoạt động và các mối quan hệ.
Tiêu chí | Cấp bậc | |
Học ở trường mầm non | Học ở lớp Tiểu học | |
Hoạt động chủ đạo | Hoạt động vui chơi: Mang tính chất thoải mái, tự nguyện, không bắt buộc và không cần cố gắng để đạt kết quả. Việc học của trẻ được thiết kế dưới hình thức học mà chơi, chơi mà học Thông qua giờ học trẻ được chơi nhằm giúp trẻ lĩnh hội được những mục tiêu bài học đưa ra. | Hoạt động học tập: Mang tính chất bắt buộc có tổ chức chặt chẽ, có kế hoạch và có mục đích rõ ràng để đạt tới. Học sinh phải có sự tập trung chú ý cao trong một thời gian tương đối dài. Hệ thần kinh căng thẳng hơn với sự kiên trì, ý chí cao. Cùng với sự linh hoạt mềm dẻo trong tư duy của trẻ. |
Môi trường hoạt động | Trường học, lớp học được xây dựng như một gia đình. | Trường học với những qui tắc nghiêm khắc giữa giáo viên và học sinh. |
Các mối quan hệ | Quan hệ giữa cô với trẻ là quan hệ “Cô là mẹ và các cháu là con”. | Quan hệ giữa cô và trẻ là quan hệ thầy trò. |
Quan hệ giữa trẻ với trẻ là quan hệ bạn bè cùng chơi. | Quan hệ giữa trẻ với trẻ là quan hệ bạn bè cùng học. |
* Để chuẩn bị cho trẻ thích nghi tốt từ trường mầm non lên Tiểu học chúng ta cần giáo dục một số kỹ năng xã hội cho trẻ như sau:
– Giáo dục kỹ năng tự tin vào bản thân
Đối với nhiều đứa trẻ nhút nhát, việc chúng ta nói trẻ “nhút nhát” hay “lo lắng” hay “không dám” làm gì đó, chỉ khiến trẻ thêm mất tự tin. Vì vậy chúng ta cần dạy trẻ cách tự tin mạnh dạn trước đám đông như:
+ Chuẩn bị tâm lý cho trẻ giúp trẻ tự tin mạnh dạn.
+ Để trẻ được vui chơi với những trẻ khác.
+ Tạo cho trẻ cảm giác tin tưởng.
+ Nói trước với mọi người về sự nhút nhát của bé.
+ Luôn để trẻ được thoải mái.
Khi trẻ đã tự tin vào bản thân thì trẻ sẽ có ý thức tốt về bản thân và trẻ biết tự giới thiệu về bản thân, sở thích, ước mơ (Tôi là ai? Lớn lên tôi sẽ thể làm gì? Tôi có sở thích gì?…).
Ngoài việc giáo dục cho trẻ có ý thức tốt về bản thân thì chúng ta cần tạo điều kiện cho trẻ sẵn sàng tham gia vào các hoạt động. Giáo dục trẻ biết nói to, rõ ràng, biết diễn đạt cho người khác hiểu. Vì vậy chúng ta cần dạy cho trẻ biết làm một số việc tự phục vụ bản thân (Đi vệ sinh, mặc quần áo, biết tự phục vụ trong ăn uống…).
– Giáo dục và rèn luyện cho trẻ kĩ năng biết tự bảo vệ bản thân
+ Trẻ có kĩ năng bảo vệ bản thân sẽ biết làm thế nào để tránh xa những mối nguy hiểm hoặc khám phá thế giới trong phạm vi an toàn. Với nhu cầu vui chơi giải trí hiện nay, đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị thất lạc xảy ra nơi công cộng.
+ Trường hợp khi bị lạc đường thì chúng ta cần làm gì để trẻ biết cách xử lý tốt?
Chúng ta nên giúp trẻ có những kiến thức ứng xử cần thiết khi bị lạc như: Khi bị lạc con phải bình tĩnh, đứng yên tại chỗ, không khóc. Tìm người đáng tin cậy giúp đỡ như chú công an, chú bảo vệ, cô bán hàng. Cha mẹ nên dạy con ghi nhớ tên, số điện thoại của ba, mẹ, địa chỉ gia đình. Tuy nhiên khi trẻ đang hoảng sợ chưa chắc trẻ đã nhớ chính xác những thông tin này, vì thế tốt hơn hết nên cho trẻ mang theo mảnh giấy ghi thông tin liên lạc của bố mẹ trong trường hợp khẩn cấp.
Ngoài số điện thoại của ba mẹ ra cần cho trẻ học thêm một số điện thoại khẩn cấp như: 113 (cảnh sát), 114 (cứu hỏa), 115 (cấp cứu).. để sử dụng trong những tình huống xấu xảy ra.
– Ngoài ra cần giáo dục trẻ tránh xa những vật, nơi nguy hiểm: Ao hồ, sông suối, ổ điện, bếp gas, nước nóng…
+ Trường hợp khi được người lạ mặt cho quà bánh và dẫn con đi con sẽ làm gì?
Dạy cho trẻ không nên nhận quà bánh của người lạ và không đi theo khi chưa được ba mẹ cho phép. Không mở cửa cho người lạ vào nhà.
– Việc rèn luyện kĩ năng tuân thủ các quy định cho trẻ vào lớp 1 cần thiết hay không? Vì Sao?
Việc rèn luyện kĩ năng tuân thủ các quy định cho trẻ vào lớp 1 là rất cần thiết, vì: Ở trường mầm non, các “hoạt động học” thường được tổ chức thông qua trò chơi, các nội dung học được thiết kế ẩn trong đó và không đặt mục đích vào kết quả nên việc học của trẻ trở nên nhẹ nhàng. Khi vào lớp 1 trong một môi trường khác hẳn, trẻ sẽ được cô giáo rèn vào nề nếp, phải tuân thủ kỷ luật học tập, phải ngồi yên, phải tập trung chú ý, phải thực hiện các yêu cầu của bài học…
Chính vì thế cần rèn luyện cho trẻ biết chú ý lắng nghe người khác nói và làm theo hướng dẫn. Tập cho trẻ có thói quen cất đồ dùng đúng nơi quy định. Thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuân thủ luật giao thông và tuân thủ quy định nơi công cộng. Biết phân biệt được hành động đúng, sai.
– Khi tham gia vào hoạt động vui chơi nhóm trưởng có nhiệm vụ như thế nào?
Khi tham gia vào hoạt động vui chơi ở trường mầm non trẻ phải biết tuân thủ quy định của nhóm chơi là: Trước khi chơi là phải chọn nhóm trưởng, các thành viên trong nhóm phải thực hiện nhiệm vụ mà nhóm trưởng giao, chia sẻ hợp tác và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao để cùng tạo ra sản phẩm của nhóm chơi. Khi chơi xong phải dọn dẹp đồ chơi đúng nơi quy định.
– Khi đi trên xe gắn máy các con sẽ làm gì?
Chúng ta cần giáo dục trẻ tuân thủ luật giao thông: Khi đi bộ phải đi đúng phần đường quy định dành cho người đi bộ (vỉa hè) và biết đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không chơi dưới lòng đường, biết được tác dụng các đèn giao thông trên đường phố…Do đó người lớn cần thường xuyên nhắc nhở và làm gương cho trẻ noi theo.
– Khi đến nơi công cộng (bệnh viện, cơ quan…) với ba mẹ các con sẽ như thế nào?
Trẻ nhỏ rất hiếu động vì thế chúng ta cần dạy trẻ tuân thủ một số quy định nơi công cộng là không nói to, làm ồn, chen lấn chỗ đông người, không vứt rác bừa bãi, đậu đỗ xe đúng nơi quy định.
Ngoài ra cần dạy cho trẻ biết phân biệt được hành động đúng, sai: Chấp hành tốt luật giao thông, không vượt đèn đỏ khi qua các ngã tư đường phố. Bỏ rác đúng nơi quy định, biết chào hỏi khi có khách đến lớp, đến nhà.
* Dạy trẻ biết hợp tác, chia sẻ với mọi người xung quanh
+ Chúng ta cần giáo dục trẻ chơi hòa thuận với bạn là chơi cùng bạn, không giành đồ chơi, không đánh bạn.
+ Dạy trẻ khi thấy bạn không có đồ chơi thì con hãy chia đồ chơi của mình cho bạn chơi, khi thấy bạn khóc thì lại an ủi bạn, khi thấy bạn làm không xong thì mình lại giúp bạn…
Trẻ Mẫu giáo 5 tuổi tham quan trường Tiểu học Tràm Chim 1
Vì vậy việc giáo dục mộtt số kỹ năng xã hội cần thiết cho trẻ Mẫu giáo 5 tuổi vào lớp Một giáo viên và phụ huynh cần nắm chắc một số kỹ năng khi giáo dục trẻ như giáo dục trẻ tự tin vào bản thân; biết tuân thủ các quy định; biết tự bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh; biết hợp tác, phối hợp, chia sẻ với mọi người xung quanh nhằm giúp trẻ ý thức tốt về bản thân, tạo điều kiện cho trẻ sẵn sàng tham gia vào các hoạt động, biết nói to, rõ ràng, biết diễn đạt cho người khác hiểu, tự phục vụ bản thân. Đồng thời giúp trẻ hoà nhập với môi trường mới, hoạt động mới, quá trình tuân thủ các nền nếp học tập mới khi vào lớp Một.
Trần Thị Thúy Kiều
Từ khóa » Những Kỹ Năng Xã Hội Cho Trẻ Mầm Non
-
4 Kỹ Năng Xã Hội Cho Trẻ Mầm Non Như Thế Nào? - American Skills
-
7 Kỹ Năng Xã Hội Quan Trọng Trẻ Cần Có - E2 Blog
-
Những Kỹ Năng Xã Hội Cần Chú Trọng ở Trẻ Mầm Non | Little People
-
Các Kỹ Năng Xã Hội Cho Bé Phát Triển Toàn Diện Cảm Xúc, Nhận ...
-
Những Kỹ Năng Xã Hội Cho Trẻ Cha Mẹ Nên Dạy Con Từ Sớm | ISSP
-
TOP 11 Kỹ Năng Sống Cho Trẻ Mầm Non Thiết Yếu Giúp Bé Phát Triển ...
-
10 Kỹ Năng Xã Hội Bố Mẹ Cần Rèn Luyện Cho Trẻ - KidsOnline
-
6 Kỹ Năng Xã Hội Quan Trọng Nhất Thiết Phải Dạy Cho Con - Hello Bacsi
-
Phát Triển Tình Cảm, Kỹ Năng Xã Hội Cho Trẻ Mầm Non - Báo Đồng Nai
-
10 KỸ NĂNG XÃ HỘI NÊN DẠY CON TỪ BÉ
-
Các Nhóm Kỹ Năng Sống Cho Trẻ Mầm Non
-
"Giáo Dục Tình Cảm Kỹ Năng Xã Hội" Trẻ MN: Thước đo Nào Kiểm Tra ...
-
Kỹ Năng Sống Cho Trẻ Mầm Non: Dạy Trẻ Kỹ Năng Giao Tiếp Với ông Bà ...
-
Những Kỹ Năng Cần Trang Bị Cho Trẻ Trước Khi đi Học Mầm Non