Giáo Dục Và Đào Tạo Trong Công Cuộc Phát Triển Nguồn Nhân Lực Chất ...

Những vấn đề đặt ra trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Với đặc điểm là một quốc gia đa dân tộc với 53 dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14,4% dân số cả nước. Vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi với khoảng 70% diện tích đất liền có vị trí địa lý đặc biệt, địa hình đa dạng, phức tạp, mạng lưới giao thông không thuận lợi; hầu hết là những vùng có xuất phát điểm thấp trong cả nước, một số nơi được đánh giá là địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn nên đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn.

Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế, xã hội miền núi, khẳng định “Phải có chính sách và tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc miền núi vươn lên mạnh mẽ, phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, coi trọng đào tạo cán bộ người dân tộc”. Trong những năm vừa qua, nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS, miền núi được ban hành và thực hiện. Trong đó, phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi được chú trọng. Song song với việc ban hành nhiều chính sách ưu tiên cho người dạy và người học là việc tăng cường đầu tư, xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục vùng DTTS, miền núi. Trong đó, phải kể đến là sự phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng giáo dục của hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông dân tộc nội trú và dự bị đại học dân tộc. Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể nhưng nguồn nhân lực ở vùng DTTS, miền núi vẫn được đánh giá là: còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng ở cả ba mặt thể lực, trí lực và tâm lực vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Về mặt thể lực, đa số đồng bào DTTS có chiều cao, cân nặng nhỏ bé hơn mức trung bình của cả nước kém xa mức trung bình về thể chất của người dân trên thế giới. Nguyên nhân là do những thiếu thốn trong chế độ dinh dưỡng, hậu quả của những thủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết... và đặc điểm trong lao động sản xuất: trẻ em người dân tộc thiểu số phải phụ giúp công việc gia đình từ sớm, gùi, vác nặng...

Về mặt trí lực, nguồn nhân lực ở vùng DTTS, miền núi đã từng bước được cải thiện do các chính sách ưu đãi trong giáo dục để thu hút trẻ em tới trường và theo học các cấp, bậc học cao hơn. Song chất l­ượng giáo dục ở vùng DTTS, miền núi nhìn chung còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, tình trạng l­­ưu ban, bỏ học tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn. Nguyên nhân một phần là do ch­­ương trình, sách giáo khoa ch­­ưa phù hợp với học sinh dân tộc, một phần không nhỏ khác là do trường, lớp ở xa nhà, đi lại khó khăn; thời tiết khắc nghiệt; hoàn cảnh gia đình nghèo túng; trẻ em phải giúp việc gia đình từ khá sớm; ảnh hưởng của một số luật tục như tảo hôn, lễ hội, du canh, du cư ... đã tác động tới quá trình theo học liên tục của các em.

Về mặt tâm lực, do đặc điểm địa hình xa xôi, cách trở; điều kiện sống ít giao thiệp với bên ngoài và khó khăn về mặt ngôn ngữ nên phần đa trẻ em DTTS, miền núi chưa có nhiều kỹ năng sống trong môi trường hiện đại cần hợp tác, trao đổi...

Thực trạng này thể hiện rõ trình độ dân trí còn thấp và đang trở thành rào cản rất lớn trong việc nâng cao năng suất lao động, thu hẹp cơ hội chuyển đổi hoặc tìm kiếm việc làm. Rộng hơn nữa, nó sẽ gây khó khăn trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Về mặt xã hội, nguồn nhân lực với trình độ thấp sẽ kéo theo tình trạng nghèo đói, bệnh tật và tiềm ẩn các nguy cơ về tệ nạn xã hội.

Vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ để thay đổi điều kiện sống của người dân vùng DTTS, miền núi thì tăng cường đầu tư cho giáo dục đào tạo chính là giải pháp đột phá, then chốt, bền vững để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho vùng, đặc biệt cần phải xây dựng một nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao để là những người tiên phong, là ngọn cờ của đồng bào DTTS trong quá trình đổi mới.

Những giải pháp cơ bản của ngành Giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS, miền núi

Thực hiện Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định: phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vùng dân tộc và miền núi là một trong ba khâu đột phá chiến lược vừa mang tính cấp bách vừa cho lâu dài, trọng tâm là đổi mới cơ bản công tác giáo dục và đào tạo, dạy nghề cho vùng nhằm đẩy mạnh và tạo chuyển biến rõ nét về giáo dục đào tạo; nâng cao dân trí, trình độ tay nghề, từng bước hình thành đội ngũ lao động lành nghề đáp ứng yêu cầu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội trong vùng và sự nghiệp đổi mới đất nước. Để làm tốt các nội dung trên, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao trình độ học vấn phổ thông

Trọng tâm là: Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học, mở rộng quy mô hợp lý, đầu tư chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp học đáp ứng yêu cầu huy động học sinh trong độ tuổi;

Tiếp tục thực hiện Đề án củng cố phát triển mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú; quy hoạch và phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú một cách hợp lý để tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương trong thời kỳ đổi mới; xây dựng đề án củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường dự bị đại học nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS, miền núi;

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao trình độ văn hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách phát triển giáo dục giữa các vùng, miền, thực hiện công bằng giáo dục cho vùng dân tộc, miền núi, chú trọng tới học sinh dân tộc đặc biệt ít người; làm tốt công tác hướng nghiệp và dạy nghề, thực hiện phân luồng học sinh từ trung học cơ sở.

Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kỹ thuật

Hỗ trợ đầu tư đồng bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng dạy nghề theo các nghề trọng điểm được quy hoạch của các trường cao đẳng, trung cấp trong Vùng và để hình thành các trường nghề chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của các ngành công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực ưu tiên phát triển và nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng DTTS, miền núi.

Phát triển và hỗ trợ đầu tư cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp ở các huyện vùng dân tộc và miền núi; triển khai có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trong đó ưu tiên dạy nghề cho người dân tộc thiểu số.

Ba là, tăng cường đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có chất lượng

Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đào tạo đại học theo hình thức cử tuyển, đào tạo theo nhu cầu sử dụng, đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học cho đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cho vùng.

Nâng cao chất lượng tuyển sinh học sinh vào các trường phổ thông dân tộc nội trú, dự bị đại học và hệ cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Bốn là, tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp cho vùng DTTS, miền núi

Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục vùng DTTS, miền núi đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo giảng viên, giáo viên cho từng trình độ, từng chuyên ngành, từng cấp học đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và nâng cao chất lượng để thực hiện nhiệm vụ đổi mới toàn diện giáo dục đại học.

Năm là, thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu tiên đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng DTTS, miền núi và các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu tiên, miễn, giảm học phí, học bổng, hỗ trợ chi phí học tập, chính sách đối với trẻ mầm non; tín dụng cho học sinh, sinh viên và các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa những bất cập đối với chính sách hiện có; nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù phù hợp với học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng DTTS, miền núi.

Phát huy nguồn lực con người, nguồn lực lớn nhất, quí báu nhất trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá là sự nghiệp quan trọng của toàn Đảng, toàn dân. Đất nước chỉ thực sự phồn vinh, thịnh vượng khi tiềm năng con người được toả sáng. Để phát triển thành công sự nghiệp kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và của vùng dân tộc và miền núi nói riêng thì việc phát triển nguồn nhân lực bền vững là một nhiệm vụ có tính bắt buộc và có vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa » Việc Mở Rộng Quy Mô Giáo Dục Và đào Tạo ở Nước Ta Cần Phải Thực Hiện Trên Cơ Sở Nào