LTS:Tiếp nối loạt bài viết "Đối thoại kiều bào trí thức", Pháp luật TP.HCM xin thuật lại những chia sẻ của Giáo sư-Nhạc sĩ (GS-NS) Đặng Ngọc Long - tên tuổi quen thuộc trong giới âm nhạc mang lại niềm tự hào cho hàng ngàn kiều bào Việt Nam tại Đức nói riêng và hàng triệu người Việt Nam nói chung.
GS-NS Đặng Ngọc Long là một nhà nghiên cứu âm nhạc, một nghệ sĩ tài ba, một thầy giáo với đông đảo học trò “tây lẫn ta”, và hơn hết là người nghệ sĩ mang trên mình nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế cao quý.
Trò chuyện đầu năm với Pháp luật TP.HCM, GS-NS Đặng Ngọc Long chia sẻ hành trình âm nhạc – điện ảnh của bản thân, cùng với những nhìn nhận cá nhân về những hạn chế của nền âm nhạc Việt trong quá trình vươn ra thế giới.
+ Phóng viên: Là một trong những nghệ sĩ gạo cội về guitar của Thế giới nhưng điều đáng chú ý, là ông dường như không “khẳng định tên tuổi” bằng những sản phẩm mang tính “Tây” mà rất đậm chất “Ta”. Các tác phẩm của ông sáng tác dựa vào nguồn chất liệu rất Việt Nam, mà rất hiếm nhạc sĩ Việt Nam làm được. Thưa giáo sư, nguồn cảm hứng nào và động lực nào thôi thúc ông làm được những điều quý giá như vậy?
. GS-NS. Đặng Ngọc Long: Đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới, trong chương trình biểu diễn của tôi lúc nào cũng có một vài bài dân ca Việt Nam do tôi chuyển soạn hoặc sáng tác. Sau các buổi biểu diễn, khán giả thường giao lưu với tôi và đặt câu hỏi về các tác phẩm do tôi sáng tác. Đa phần họ nói nhạc của tôi nghe rất lạ tai và lấy làm thích thú được làm quen với một dòng nhạc mới của Việt Nam.
Tôi sống ở Đức đã lâu nhưng nỗi nhớ quê hương không bao giờ cạn. Tôi cũng suy nghĩ rằng tìm một hướng đi riêng cho mình mà gắn bó với quê hương, ví dụ trường phái hòa hợp Á – Âu. Bởi vậy tôi đã có những năm tháng làm việc say mê không ngừng và không biết mệt mỏi.
+ Là một người theo đuổi giấc mơ âm nhạc thế giới bằng chất liệu dân tộc Việt Nam; đồng thời lại xây dựng sự nghiệp ở đất khách, ông đã gặp phải những trở ngại nào; và ông vượt qua điều ấy như thế nào?
. Trên thế giới nhiều trường phái âm nhạc phát triển, nhiều nhạc sĩ thể nghiệm phong cách riêng của mình nên sự hòa nhập vào điều chung về cảm xúc là rất khó. Âm nhạc của tôi họ chỉ thấy lạ thôi chứ chưa quen, vì các quãng ngũ cung Việt Nam và các cách mở rộng, phát triển hòa âm khúc thức của tôi họ chưa quen. Bởi vậy đầu tiên họ chưa chấp nhận.
Nhưng dần dần thông qua biểu diễn, giảng dạy và các hội thảo, tôi đã chiếm được cảm tình và sự ủng hộ của giới chuyên nghiệp. Họ lấy nhạc của tôi biểu diễn, giảng dạy cho học trò.
Đặc biệt nhiều tác phẩm của tôi đã được đưa vào làm bài thi bắt buộc cho các cuộc thi quốc tế tại Berlin. Đó là một ví dụ điển hình cho thấy họ dần cảm thấy yêu thích và trân trọng các sản phẩm âm hưởng Việt. Từ đây, các thí sinh thế giới muốn trải nghiệm thử sức mình đều phải luyện tập, tìm hiểu tác phẩm pha trộn chất liệu dân ca Việt Nam của tôi để tham dự cuộc thi. Đó là nguồn gốc giúp lan tỏa âm nhạc Việt Nam đi khắp năm châu.