Người thầy, nhà Toán học xuất sắc Với tấm bằng đỏ Đại học tổng hợp Toán tại Minsk (Liên Xô), thầy Nguyễn Văn Mậu nhận công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và được phân công giảng dạy khối Phổ thông Chuyên Toán để bồi dưỡng học sinh giỏi. Sau 5 năm, nhiều học sinh của thầy đã đoạt giải cao trong các kỳ thi Toán quốc tế, như Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu... Dù biên chế thuộc khối Chuyên Toán với khối lượng giờ giảng khá lớn nhưng thầy vẫn dành thời gian để sinh hoạt học thuật với Bộ môn Giải tích của Khoa Toán - Cơ, nơi có các chuyên gia đầu ngành về Giải tích của nước nhà. Ước mơ cháy bỏng của thầy lúc ấy là được nghiên cứu chuyên ngành Toán về các bài toán của lý thuyết tích phân kỳ dị. Sau một thời gian ngắn, thầy Nguyễn Văn Mậu đã có những công trình được đăng tải trên các tạp chí Toán học hàng đầu Liên Xô. Thầy là giảng viên trẻ đầu tiên bảo vệ thành công xuất sắc luận án Phó Tiến sĩ Toán học theo chế độ đặc cách ở trong nước (không có người hướng dẫn khoa học). Cho đến nay, các thế hệ thầy trò Trường ĐHKHTN luôn tự hào khi nhắc đến GS.TSKH. NGND. Nguyễn Văn Mậu - một nhà khoa học xuất sắc, một người thầy tận tụy, tâm huyết. Dù gánh nặng công việc quản lý nhưng thầy vẫn dành thời gian giảng dạy cho các lớp Cử nhân Khoa học Tài năng, các lớp Sau đại học. Thầy đã hướng dẫn trên 10 học trò bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và hàng trăm Thạc sĩ, nhiều người đã và đang giữ các trọng trách trong cả nước. Bên cạnh những công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế, thầy còn là tác giả và đồng tác giả hàng chục cuốn sách chuyên khảo và sách giáo khoa về Toán. Một seminar khoa học do thầy chủ trì đã hoạt động đều đặn suốt 30 năm qua vào thứ Năm hàng tuần tại Trường ĐHKHTN, phần nào nói lên uy tín khoa học của thầy trong cộng đồng những người làm toán và dạy Toán Việt Nam. GS.TSKH.NGND. Nguyễn Văn Mậu từng là Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Chủ tịch Hội Toán học Hà Nội. Với cương vị Chủ tịch Hội Toán học Hà Nội, Giáo sư có những đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo THPT Chuyên của thành phố Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước. Với những cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước, GS. Nguyễn Văn Mậu đã được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, và các huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Người quản lý tài năng, quyết đoán Sau khi hoàn thành việc bảo vệ luận án Tiến sĩ (nay gọi là Tiến sĩ Khoa học) tại Ba Lan, năm 1990, thầy trở lại trường giảng dạy và đồng thời lần lượt đảm nhận các cương vị: Chủ nhiệm bộ môn Toán Giải tích, Khoa Toán - Cơ - Tin học (1991); Phó hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy (1995); Hiệu trưởng (1998). Trong cương vị nào, thầy cũng có những đóng góp đáng trân trọng. Đặc biệt, trong 10 năm giữ trọng trách đứng đầu Trường ĐHKHTN, nhờ tài năng, sáng tạo và quyết đoán của thầy, Trường ĐHKHTN đã xây dựng được nền tảng vững chắc cùng bước phát triển nhanh và bền vững. Thầy trở thành Hiệu trưởng trong giai đoạn Trường ĐHKHTN đứng trước hàng loạt khó khăn thách thức to lớn: cơ sở vật chất xuống cấp ở mức báo động, đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu thiếu hụt lực lượng bổ sung kế cận. Công việc đầu tiên của tân Hiệu trưởng Nguyễn Văn Mậu là tổ chức và kiện toàn bộ máy lãnh đạo. GS.TS. Mai Trọng Nhuận, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Long, PGS.TS. Trần Huy Hổ, được mời làm Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và công tác hành chính, cơ sở vật chất. GS.TS Nguyễn Trọng Uyển, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ được Đại hội Đảng bộ Trường ĐHKHTN bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy. Sau quá trình bàn bạc công khai, dân chủ, bộ máy điều hành khối phòng ban, các khoa và trung tâm nghiên cứu được củng cố và kiện toàn để đáp ứng với yêu cầu xây dựng và phát triển trong giai đoạn mới. Chỉ sau 3 năm nhiệm kỳ Hiệu trưởng đầu tiên (1998-2003) của GS. Nguyễn Văn Mậu, cơ sở vật chất của Trường ĐHKHTN đã thay đổi căn bản. Nâng cấp nhà T1, xây mới các nhà T2, T4, T5, nhà lớp học chuyên đề, nhà học 4 tầng cho khối THPT Chuyên tại Mễ Trì, nhà học 4 tầng tại cơ sở 19 Lê Thánh Tông. Quang cảnh tại 334 Nguyễn Trãi và 19 Lê Thánh Tông được trở lại đúng với môi trường sư phạm vốn có trước đây, đồng thời đổi mới, nâng cấp trang bị cho phòng học, phòng làm việc, phòng thí nghiệm. Đặc biệt, những quyết sách đúng đắn của lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, mà đứng đầu là GS. Nguyễn Văn Mậu đã gỡ bỏ được tình trạng khủng hoảng cận kề về lực lượng cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc ổn định đào tạo sinh viên đại trà, đào tạo học sinh chuyên, Trường mở hệ đào tạo Cử nhân Khoa học tài năng, thu hút nhiều học sinh đoạt các giải quốc gia, quốc tế. Tỷ lệ số lượng sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh được duy trì hợp lý đối với một trường khoa học cơ bản đầu ngành của đất nước. Với lực lượng hùng hậu cán bộ khoa học, công tác hội nhập của Trường có những bước phát triển đột phá. Trường tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế, triển khai những lớp liên kết đào tạo với các trường đại học phương Tây. Sinh viên nhận được nhiều học bổng để được đi học tiếp tại nước ngoài, trong đó có Trường Bách khoa Paris danh tiếng và được đánh giá là những sinh viên xuất sắc. Uy tín của Trường ĐKHTN, ĐHQGHN được thừa nhận không chỉ ở trong nước mà cả trong khu vực và quốc tế. Với những thành tích đạt được, Trường ĐHKHTN là một trong số ít các trường đại học của Việt Nam và là trường đại học thành viên đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000) và Huân chương Độc lập hạng Nhất năm (2001). Vinh dự này thuộc về tập thể thầy và trò, mà công lớn thuộc về Hiệu trưởng Nguyễn Văn Mậu. GS.TSKH.NGND. Nguyễn Văn Mậu: - Năm 1973: Tốt nghiệp loại Giỏi Đại học tổng hợp Toán tại Minsk (Liên Xô), nhận công tác tại Khoa Toán - Cơ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - Năm 1981: được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. - Năm 1989: bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học tại Ba Lan sau 4 năm làm thực tập sinh cao cấp. - Năm 1990-1995: giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và được biên chế chính thức về Bộ môn Giải tích của Khoa Toán - Cơ - Tin học. Đầu những năm 90, Thầy đã nhiều lần được cử dẫn đầu các đội tuyển thi Toán Olympic quốc tế. Thầy được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Bộ môn Giải tích và Bí thư Chi bộ Khoa Toán - Cơ - Tin học. - Năm 1995: được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội kiêm Bí thư Đảng ủy Nhà trường. - Năm 1996: được Nhà nước phong học hàm Giáo sư. - Năm 1998-2008: Nguyễn Văn Mậu làm Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. |
|