Giáo Sư Việt được Pháp Phong Hàm Hạng Nhất Khi 37 Tuổi - VnExpress

  • Mới nhất
  • Thời sự
  • Góc nhìn
  • Thế giới
  • Video
  • Podcasts
  • Kinh doanh
  • Bất động sản
  • Khoa học
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Số hóa
  • Xe
  • Ý kiến
  • Tâm sự
  • Tất cả
  • Trở lại Giáo dục
  • Giáo dục
  • Tin tức
Thứ tư, 26/7/2017, 11:14 (GMT+7) Giáo sư Việt được Pháp phong hàm hạng nhất khi 37 tuổi

Giữ kỷ lục thí sinh Việt nhỏ tuổi nhất giành HCV Olympic Toán quốc tế, Nguyễn Tiến Dũng được phong giáo sư hạng nhất năm 2007, khi 37 tuổi.

Sinh năm 1970, giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) vào năm 1985 ở tuổi 15, cho đến nay Nguyễn Tiến Dũng vẫn là học sinh Việt Nam nhỏ tuổi nhất đạt thành tích này.

Nguyễn Tiến Dũng sớm nổi danh khi bắt đầu vào lớp chuyên toán A0 của Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Theo GS Nguyễn Văn Mậu, sức làm toán của chàng trai gốc Hà Nội này nổi bật so với các bạn cùng lứa. Từ lớp 10-11, anh đã đọc cả sách toán cao cấp về lý thuyết số, giải tích, đại số. Năm 1985, khi đang học lớp 11, anh đỗ đầu kỳ thi chọn đội tuyển IMO và cùng 5 bạn khác tham dự IMO lần thứ 26 tại Phần Lan.

Năm đó lúc quá cảnh ở Matxcova, khi được hỏi về triển vọng của đội tuyển, thầy Đoàn Quỳnh, Phó đoàn Việt Nam, khẳng định “năm nay chắc chắn có vàng”. Và đúng là Tiến Dũng đã đoạt huy chương vàng với số điểm 35/42.

thi-sinh-viet-nho-tuoi-nhat-gianh-giai-vang-olympic-toan-quoc-te

Nguyễn Tiến Dũng (thứ hai từ phải sang) và các bạn năm 1985.

Năm 1986, Nguyễn Tiến Dũng sang Liên Xô học ở khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp Lomonosov. Cuối năm 2 đầu năm 3, anh chọn thầy hướng dẫn là giáo sư A.T. Fomenko. Đến những năm cuối đại học, anh Dũng đã có 4 bài báo khoa học (trong đó có 2 bài viết chung với thầy hướng dẫn) đăng ở tạp chí toán có uy tín của Liên Xô cũ là Russian Math. Surveys, Adv. Soviet Math.

Tốt nghiệp cử nhân, anh làm việc tại Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết ở Trieste, Italy. Năm 1994, ở tuổi 24, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học tại Đại học Strasbourg. Sau đó có một thời gian anh làm việc tại Montpellier, Pháp, trước khi chuyển về làm giáo sư chính thức tại Đại học Toulouse, Pháp.

Năm 2007, Nguyễn Tiến Dũng được Ủy ban Quốc gia về đại học của Pháp (CNU) phong hàm giáo sư hạng nhất, khi mới 37 tuổi. Năm 2015, anh được CNU phong hàm giáo sư hạng đặc biệt.

GS Dũng làm việc trong nhiều lĩnh vực của toán học gồm: Hình học vi phân, hình học simpletic và hình học Poisson, lý thuyết ergodic và hệ động lực, vật lý toán, phương pháp toán trong tài chính, lý thuyết độ phức tạp… Đến nay, anh đã có hơn 50 bài báo khoa học và một cuốn sách chuyên khảo (dài hơn 300 trang, viết chung với Jean-Paul Dufour).

Cách làm toán của GS Dũng rất đặc biệt. Khi gặp vấn đề, anh thường không cầm bút ngay mà suy nghĩ rất lâu. Lúc bắt đầu cầm phấn và cầm bút thì tuôn ra cả dòng lý luận, gần như là đi đến lời giải hoàn chỉnh. Phong cách này cũng được anh áp dụng khi đánh cờ. Trong khi dân chơi cờ nghiệp dư chỉ tính 1-2 nước và đi rất nhanh (trong các ván cờ chớp 5 phút) thì anh có thể bỏ ra 3 phút suy nghĩ, nhưng sau đó đi ào ào theo kịch bản định liệu trước để chiến thắng.

thi-sinh-viet-nho-tuoi-nhat-gianh-giai-vang-olympic-toan-quoc-te-1

GS Nguyễn Tiến Dũng được Ủy ban Quốc gia về đại học của Pháp phong hàm giáo sư hạng đặc biệt năm 2015.

Sức làm việc của GS Dũng khiến đồng nghiệp nể phục vì vừa nhanh, vừa khỏe. Sau vài đêm, anh có thể dịch xong một cuốn sách khoảng 200 trang hay hoàn thành bản thảo của một Newletter gần trăm trang chỉ trong một buổi tối.

Gần đây nhất, trong đợt công tác 6 tháng ở Thượng Hải (Trung Quốc), anh hoàn thành 5 bài báo khoa học (có một bài viết chung với Tudor Ratiu; một bài viết chung với Tudor Ratiu và Christophe Wacheux), có bài gần 50 trang. Trong khi đó, một nghiên cứu sinh được cho là thành công nếu 3 năm có thể hoàn thành 3 bài báo khoa học.

Vốn thẳng tính, Nguyễn Tiến Dũng luôn góp ý không nể nang. Ý kiến của anh về các vấn đề như đánh giá tổng quan về nền toán học Việt Nam, sách giáo khoa, chương trình giáo dục tổng thể... luôn được giới chuyên môn đánh giá cao. Trang web cá nhân của anh thu hút nhiều người đọc với những chủ đề tranh luận sôi nổi, bổ ích.

Ngoài toán, GS Dũng còn nghiên cứu về tin học, khoa học máy tính, làm chuyên gia phân tích chứng khoán cho một công ty trong nước. Năm 2015, anh cùng GS Hà Huy Khoái, GS Đỗ Đức Thái và một số người bạn khác lập ra “Tủ sách Sputnik” nhằm đem lại sách tốt nhất, có tính sư phạm và giáo dục cao nhất cho học sinh.

Đến nay, "Tủ sách Sputnik" đã in ra được gần 40 đầu sách, cả toán học và văn học. Các cuốn sách của Sputnik được độc giả đánh giá cao về chất lượng, một số được tái bản lần đầu.

Rời Việt Nam hơn 30 năm, nhập quốc tịch Pháp năm 2005, GS Dũng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam và có nhiều hoạt động hướng về đất nước. Anh viết giới thiệu hoặc trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam. Ngôi nhà của anh là tụ điểm văn hoá lý tưởng cho các lưu học sinh Việt Nam ở thành phố Toulouse.

Mỗi năm, GS Dũng đều dành thời gian về thăm người thân, tổ chức hội nghị, hội thảo và các buổi nói chuyện toán học dành cho đại chúng. Những buổi nói chuyện cùng với "Tủ sách Sputnik" góp phần không nhỏ trong việc nuôi dưỡng tình yêu toán học nói riêng, tình yêu khoa học nói chung, nâng cao văn hóa đọc trong giới trẻ.

TS Trần Nam DũngĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM

Trở lại Giáo dụcTrở lại Giáo dục Copy link thành công ×

Từ khóa » Nguyễn Tiến Dũng Ueb