Giật Mình đọc Lại Nguyễn Hàm Ninh - Báo Đà Nẵng

Lúc còn là một học sinh trung học tôi từng biết đến Nguyễn Hàm Ninh qua bài “Năm con sông quê hương” của nhà thơ Xuân Hoàng: Vùng Thanh Thủy vẫn nguyên hòn lèn Bảng/ Nguyễn Hàm Ninh dẫn bạn đến bình văn. Kể từ đó, tôi tò mò muốn biết Nguyễn Hàm Ninh là người thế nào? Bạn ông gồm những ai? Tài văn thơ của ông ra sao?

Lục tìm những tư liệu thời nhà Nguyễn, tôi được biết: ông tự Thuận Chi, hiệu Tĩnh Trai, sinh năm 1808, mất năm 1867, người làng Phù Hóa, sau dời sang làng Trung Thuần, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (nay là làng Trung Thuần, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch). Ông đỗ tú tài năm 21 tuổi, đỗ Giải nguyên năm 23 tuổi; từng dạy Quốc tử giám, làm tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), được bổ Lang trung bộ Lễ, Án sát tỉnh Khánh Hòa…   

Những năm cuối đời, ông cáo quan về quê hưởng thú thanh nhàn. Do tính khí cương trực nên quãng đời làm quan của ông không mấy suôn sẻ, thăng giáng nhiều lần. Ông là bạn thân của Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm… Tác phẩm của ông gồm: Tĩnh trai thi sao (chữ Hán) và bài Phản Thúc ước (chữ Nôm). Trước đây, tôi chưa có điều kiện nghiền ngẫm văn thơ của ông. Giờ ngồi thư thả đọc lại ông…

Có nhiều giai thoại về Nguyễn Hàm Ninh, trong đó nổi tiếng nhất là giai thoại liên quan đến vua Tự Đức. Một hôm, vua Tự Đức mở tiệc chiêu đãi. Lúc nhà vua đang ăn thì bỗng kêu lên: “Trẫm cắn phải lưỡi đau quá! Các khanh hãy làm thơ vịnh về sự cố này nhưng cấm không được nhắc đến hai từ lưỡi và răng. Ai làm hay trẫm sẽ ban thưởng”. Nghe nhà vua nói vậy, các quan văn võ có mặt trong bữa tiệc đều cố vắt óc suy nghĩ... Một lát sau, Nguyễn Hàm Ninh đứng dậy, xin phép  đọc bài thơ ông vừa viết xong:

Sinh ngã chi sơ, nhĩ vị sinh; Nhĩ sinh vi hậu, ngã vi huynh. Đồng thời cộng hưởng trân cam vị; Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình.

Dịch thơ:

Ta ra đời trước, chú chưa sinh; Chú phận làm em, ta làm anh. Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng chung hưởng; Cốt nhục mà sao nỡ dứt tình.

Nguyễn Hàm Ninh vừa đọc xong bài thơ,  vua Tự Đức mặt đỏ bừng bừng, phán rằng: “Thơ rất hay, trẫm thưởng cho nhà ngươi mỗi câu một lạng vàng. Nhưng ý thơ rất ác nên nhà ngươi phải chịu phạt, mỗi câu một roi!”. Mẩu giai thoại này phần nào đã thể hiện tài năng, khí phách của Nguyễn Hàm Ninh. Ông đã ngầm ám chỉ cả việc vua Tự Đức ra lệnh giết chết thái tử Hồng Bảo là anh cùng cha khác mẹ, dám chạm đến chỗ “húy” của nhà vua trước mặt bá quan văn võ.

Thời cáo quan về quê, ông dựng một ngôi nhà cỏ dưới chân núi, gọi là Cừ khê thảo đường (Ngôi nhà cỏ ở khe Cừ): Khai song thanh hiểu khan vân khí/ Xuất quách tà dương tiện điểu hoàn (Sáng sớm mở cửa đã thấy mây khói/ Bóng chiều vừa tắt ngoài thành chim liền bay về). Nói là giấu mình nơi núi non khe suối để tìm lấy sự an nhàn (Ẩn cốc thê khâu tự tại nhàn) nhưng tâm ông đâu có nhàn. Cái bọn quan lại ở địa phương ông thời ấy vừa dốt nát, vừa hống hách làm ông hết sức căm ghét. Ông viết bài  Phản Thúc ước, thẳng thắn vạch trần bộ mặt thật của bọn chúng… Đồng tiền lượng bạc há riêng ai, trang nọ tờ kia, mưu tự tệ lại tìm đường mà chấy (chiếm đoạt)… Mỡ dân rán đã đầy xanh/ Da đất quét vừa chật đạy. Bọn chúng cậy quyền, cậy thế kết bè, kết đảng tìm đủ mọi cách đục khoét của dân. Bút pháp của Nguyễn Hàm Ninh hết sức linh hoạt. Với vua Tự Đức sính chữ nghĩa, ông dùng cách nói bóng gió. Nhưng với Phản Thúc ước “vì muốn con trẻ đàn bà nghe được rõ” nên ông đã chọn cách viết “nôm na pha mấy giọng nhà quê”. Bởi thế mà Phản Thúc ước của giải nguyên Nguyễn Hàm Ninh lan truyền bằng miệng khá rộng rãi trong dân chúng thời ấy.

Mặc dù ẩn mình trong khe núi, nhưng vốn tính phóng khoáng, lãng mạn nên thỉnh thoảng ông lại vào kinh đô Huế thăm cảnh cũ người xưa. Những chuyến viếng thăm ấy đã gợi hứng cho ông viết một số bài thơ tình mà đến Cao Bá Quát - một người vốn nổi tiếng khó tính về thơ, cũng phải khen rằng: “Cao bộ Trung Đường, phủ thị chư tử” (Thơ hay như của thời Trung Đường, vượt hẳn các nhà khác); tài thơ như Tùng Thiện Vương cũng phải nể phục (theo Lương An, tạp chí Sông Hương, số 10 -  năm 2010).

Một trong những bài thơ tình của ông khiến tôi phải giật mình là bài Ức mai: 

Lâm đường tạc dạ sóc phong xuy Tiểu các thanh hàn độc tọa trì Địch lý quan sơn sầu cựu khúc Thủy biên ly lạc nhận tiền kỳ Hương nam tuyết bắc vô phương tấn Nguyệt địa vân giai hữu mộng ti Dục bả tân từ viễn tương tặng Mỹ nhân uyển tại thủy chi my

Phỏng dịch:

Đêm qua, gió bấc thì thào Một mình gác nhỏ lạnh vào thấu xương Vẳng nghe tiếng sáo mà thương Bờ sông, thuở ấy vẫn thường bên nhau Hương nam, tuyết bắc còn đâu Trăng sân, mây biếc… mộng sầu biệt ly Xa xôi muốn gởi thơ đi Bên hồ người ngọc tức thì hiện ra!

Nhà thơ Lương An cho biết: Bài thơ này được Nguyễn Hàm Ninh sáng tác khi công chúa Mai Am - người mà ông thầm yêu trộm nhớ đã lấy Thân Trọng Dị - một vị quan to trong triều. Trở lại Phủ Tùng Thiện Vương, không còn bóng dáng người đẹp, ông cảm thấy vô cùng trống trải. Xuyên suốt bài thơ là nỗi thương nhớ công chúa Mai Am. Ngay cái tiêu đề Ức mai cũng nói lên điều đó. Bài thơ này đã được công chúa Mai Am trân trọng đưa vào Diệu Liên thi tập của mình.

Có lần, vào tiết thanh minh, nhà thơ Miên Thẩm ra Quảng Bình tìm thăm Nguyễn Hàm Ninh. Hai ông cùng đàm đạo văn chương thế sự. Trong câu chuyện, Miên Thẩm báo tin cho ông biết: “Tàu Tây dương đang ngấp nghé ngoài biển Đông, chuẩn bị tấn công xâm lược nước ta”. Nguyễn Hàm Ninh bèn rủ bạn cùng trèo lên một ngọn núi khá cao ở Lệ Sơn (thuộc xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) để nhìn ra biển Đông. Đứng trên đỉnh núi, Nguyễn Hàm Ninh phóng bút làm ngay bài thơ rồi dõng dạc đọc cho bạn nghe:

Cổ thú yên thâm túc vũ dư, Nham hoa vô tế nhiễu khâm cư. Thiên phong vãn chiếu liên bình lục, Vạn lý phù vân quyển thái hư. Nam quốc sơn hà chung bất động, Tây nhung kỹ lãng dục hà như? Tự văn cửu bệ cần thôi cốc, Nhật vọng Cam Tuyền tấu tiệp thư.                          (Lệ Sơn xuân vọng)

Cụ Nguyễn Tú phỏng dịch:

Mưa xong, đồn cũ khói sương sa Hoa núi bao quanh thân áo ta Ráng chiếu ngàn non xuyên cỏ nội Mây bay muôn dặm suốt trời tà. Núi sông nước Việt không lay chuyển Giặc cỏ phương Tây muốn cướp a? Nghe nói Chín Tầng đà cử tướng Hằng mong thắng trận báo tin ra.

Sự khẳng định: Nam quốc sơn hà chung bất động  như một lời thề bất tử, một niềm tin sắt đá của toàn dân tộc mỗi khi có giặc ngoại xâm.

Mai Văn Hoan

Từ khóa » Bài Thơ Răng Và Lưỡi