Giấy Tờ Tuỳ Thân Mất Giá Trị Vì ép Dẻo

Nhanh và... tiện

Tiếng rao ép dẻo, ép lụa, ép cứng giấy tờ vang lên trên khắp các hang cùng ngõ hẻm từ thành thị đến các vùng thôn quê hẻo lánh. Chỉ cần bỏ ra 5 đến 10 nghìn đồng và vài phút chờ đợi, giấy chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe... đã được phủ lớp plastic vừa dày vừa dẻo.

Ngồi đợi ép 6 loại giấy tờ quan trọng bên gốc cây xà cừ của đường Láng, chị Nguyễn Như Quỳnh (Đống Đa - Hà Nội) chia sẻ: "Những giấy tờ quan trọng này chẳng may mà hỏng xin cấp lại thì rất tốn công sức, thời gian và phiền hà nên mình muốn giữ gìn cẩn thận. Thấy mọi người bảo ép lụa sẽ giữ được lâu hơn nên tôi cũng ép, chi ra một ít tiền mà bảo quản lâu dài được những giấy tờ quan trọng thì cũng xứng đáng".

Không giống các chị em thường để giấy tờ trong túi xách, cánh mày râu hay mang theo giấy tờ trong ví, nhét trong túi quần, túi áo. Vì thế, chúng rất dễ nhàu nát, hư hỏng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến rất nhiều đàn ông muốn làm "mềm hóa" tất cả các loại giấy tờ.

Bắt chuyện với anh Nguyễn Văn Hưng, quê gốc ở Hà Nam, người có thâm niên ép các loại giấy tờ ở đất Hà Thành này ba năm, được biết: Nhu cầu ép dẻo của người dân thành phố cao hơn rất nhiều ở nông thôn. Có những hôm, mới 3h chiều mà anh đã ép được cho gần 50 người.

Anh này cũng tiết lộ: Đây được coi là một nghề dễ kiếm ăn nhất của những người lao động tỉnh ngoài vào Hà Nội. Bởi chỉ cần bỏ ra 5- 6 triệu mua cái máy ép là đã có một phương tiện kiếm cơm trong nhiều năm mà ít khi phải sửa chữa. Cũng chính vì làm ăn được nên nhiều người vốn đi ve chai, đồng nát cũng chuyển sang làm nghề này.

Rủi ro bất ngờ

Trao đổi với Trung tá Vũ Quang đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an quận Tây Hồ được biết: Những loại giấy tờ chỉ có in dấu mực thì người dân có thể ép dẻo nhưng đối với những giấy tờ có dập dấu nổi như chứng minh thư, bằng lái xe... thì khi ép dẻo, ép lụa sẽ làm mất giá trị pháp lý của loại giấy tờ đó.

Tuy các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều thông báo tới nhân dân về việc ép dẻo, ép lụa làm mất giá trị của chứng minh nhân dân nhưng vẫn gặp rất nhiều trường hợp như vậy trong quá trình thực hiện các hoạt động quản lý hành chính.

Với những trường hợp này Đội nhắc nhở, hướng dẫn thủ tục xin cấp lại chứng minh nhân dân cho họ

Mong muốn được gìn giữ giấy tờ lâu hơn nhưng đôi khi lại mang lại những phiền toái không đáng có. Đưa tấm thẻ sinh viên bị biến dạng, gấp thành nhiều nếp, khó khăn lắm mới đọc được một vài dòng chữ in trên tấm thẻ, Nguyễn Thị Hải, sinh viên trường ĐH Thủy Lợi hối hận vì đã cùng nhóm bạn đi ép lụa.

Cô cho biết sau khi đưa tấm thẻ qua máy ép lúc kéo ra chiếc thẻ đã nhăn nhúm. Rất bực mình nhưng không biết làm cách nào, Hải đành ngậm ngùi làm đơn xin cấp lại thẻ sinh viên.

Một số người gặp tai họa khi thuê ép làm hỏng mất các giấy tờ quan trọng. Một số khác gặp rắc rối khi những giấy tờ quan trọng được mang đi ép cẩn thận lại phản tác dụng.

Chị Nguyễn Thị Nhạn ở Bắc Ninh là một trường hợp điển hình. Trong những ngày cuối cùng chuẩn bị cho việc đi xuất khẩu lao động chị mang chiếc chứng minh thư được ép lụa rất cẩn thận để làm thủ tục xuất cảnh thì bị yêu cầu làm lại chứng minh thư.

Lúc này chị mới biết, chứng minh thư đã ép dẻo không có giá trị pháp lý. Gấp quá, chị không thể làm lại ngay được nên đành phải bỏ qua mất cơ hội mà chị và gia đình phải chờ đợi từ rất lâu.

Cũng nói về những phiền toái của việc ép lụa, ép dẻo các loại giấy tờ, một chiến sỹ công an phường Thụy Khuê, Tây Hồ chia sẻ: Trong quá trình công tác anh đã gặp rất nhiều trường hợp người xuất trình giấy chứng minh thư được ép dẻo, anh đã phải khuyên người dân đi làm lại chứng minh thư.

Lý giải nguyên nhân, chiến sỹ này cho biết: Trong quá trình cán ép máy ép đã làm mất, mờ đi các dấu nổi giáp lai ở ảnh nhận dạng, hay khi bóc lớp Plastic ở một số loại giấy tờ như bằng lái xe thì đã bóc mất luôn cả ký hiệu bảo mật, hoặc khi ép để lọt các bọt khí vào, từ những chỗ đó theo thời gian làm ố mốc các loại giấy tờ không thể luận ra chữ hay nhìn rõ ảnh của chủ sở hữu. Đây là những nguyên nhân chính làm mất đi giá trị pháp lý của các loại giấy tờ.

Như vậy ép lụa, ép dẻo chứng minh thư nhân dân và một số loại giấy tờ khác tuy không tốn kém về kinh tế nhưng lại gây ra rất nhiều phiền toái cho người sử dụng giấy tờ đã qua dịch vụ này.

Có một cách hữu hiệu để bảo vệ giấy tờ đó là đặt một tấm nhựa cứng (thường là tấm card nhựa sim điện thoại) cùng với giấy chứng minh thư nhân dân trong ví, sẽ không bị gãy gập, nhầu nát. Với sáng kiến này, nhiều giấy tờ sẽ không bị cong, hỏng khi để trong ví.

Từ khóa » Có Nên ép Dẻo Bằng đại Học