GÌN GIỮ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA TRÒ CHƠI DÂN ...
Có thể bạn quan tâm
Trong kho tàng văn hoá dân gian, trò chơi dân gian có một vị trí khá quan trọng tạo nên diện mạo văn hoá truyền thống dân tộc, là bản thông điệp giàu sức chuyển tải các giá trị nhân bản, nhân văn, giàu ý nghĩa về tín ngưỡng và văn hóa.
Trò chơi dân gian là một loại hình nghệ thuật được hình thành từ xa xưa và phát triển theo thời gian. Xuất phát từ cuộc sống của người dân lao động “một nắng hai sương”, vốn dĩ chỉ quay quanh làng xã, họ cần có một cách thức, phương tiện giải trí trong cuộc sống thường ngày hay qua các lễ hội nhằm xua tan nổi vất vả cực nhọc.
Trò chơi dân gian cuốn hút mọi người bởi cách chơi đơn giản không cầu kỳ, tốn kém nên có thể chơi ở mọi lúc, mọi nơi. Hơn thế, trò chơi dân gian thường diễn ra ngoài trời, trong khung cảnh thiên nhiên nên rất tốt cho sức khoẻ con người. Thường thì những trò chơi hay gắn liền với những câu đồng dao, ca dao, tục ngữ… nên dễ nhớ, dễ thuộc. Với những ưu thế đó, dần dần, trò chơi dân gian đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong sự tồn tại và phát triển của con người Việt Nam. Đó không chỉ là phương tiện thư giản, giải trí bổ ích sau những lúc lao động mệt mỏi mà còn được xem là một hình thức giáo dục đơn giản, giúp hình thành nhân cách cũng như phát triển thể chất cho mọi người. Trò chơi dân gian là kho tàng cung cấp nội dung và phương pháp giáo dục cho trẻ em “không thầy, không sách” tương đối rõ ràng và đầy đủ hơn cả. Trò chơi cũng lắm hình thức và mang nhiều nội dung khác nhau như vận động, học tập, mô phỏng hay sáng tạo. Cả kho tàng phong phú ấy là phương tiện giáo dục trí, đức, thể, mỹ cho mọi người.
Trước hết, trò chơi dân gian là một cách rèn luyện thân thể để người chơi mạnh khỏe, hoạt bát, khéo tay, nhanh mắt. Chẳng hạn như trò chơi rồng rắn lên mây, nếu bọn trẻ hát xong câu cuối “xin khúc đuôi, tha hồ thầy đuổi” lập tức đứa trẻ làm “đuôi” (đứng sau cùng) phải chạy thật nhanh, nếu chạy chậm sẽ bị “thầy” tóm lấy, sau đó có thể bị thay người khác hoặc lại phải làm “thầy” để đuổi những kẻ khác. Trò nhảy dây, trồng nụ trồng hoa, nhảy lò cò… có nhiều nấc chơi nho nhỏ, từ bàn 1, bàn 2… đến bàn 10 (nhảy lò cò), từ 1 nụ, 1 hoa, 2 nụ, một hoa… đến 8 hoa (trồng nụ trồng hoa)… trẻ phải vượt qua dần từng nấc, hết nấc này mới đến nấc sau. Các trò chơi đó đòi hỏi trẻ phải dai sức, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và khéo léo để tiến dần từng nấc đến cuối cuộc chơi. Nhiều người ví trò chơi trồng nụ trồng hoa là môn thể thao nhảy cao không xà. Mới đầu, nhảy qua một hai bàn chân dựng đứng thì dễ, đến khi cả bốn bàn chân, bốn nắm tay của cả hai trẻ chồng lên cao thì có lẽ đã đến sáu bảy mươi phân, nhảy qua không chạm quả là không phải dễ.
Trò chơi dân gian giúp trẻ nâng cao nhận thức, hay nói cách khác giúp trí tuệ phát triển, giáo dục tính ganh đua trong sáng, trung thực, vị tha. Nhiều trò chơi dân gian chính là những bài dạy trẻ làm toán cộng hay toán trừ như trò chơi ô làng giúp trẻ rèn luyện kỹ năng tính toán, tính nhẩm về chia, trừ, quan sát chiều ngược, chiều xuôi để động nảo một cách tự lực, bởi người chơi muốn thắng phải tính rải quân như thế nào để cuối cùng thu được nhiều quân của đối phương về mình. Đánh chuyền là một trò chơi tương tự như bài tập đếm từ 1 - 10 của trẻ, chúng nhóm các nhóm theo trật tự cao dần lên và cộng lại trong phạm vi 10, bắt đầu từ bàn 1, sau đó nhóm đôi...
Nhìn chung, quy ước trò chơi dân gian đơn giản nhưng đòi hỏi vận động có mạnh, có nhẹ, tạo hào hứng liên tục gay cấn, sôi động. Khi chơi các trò chơi dân gian, trẻ phải phối hợp nhiều vận động khiến cho tất cả các giác quan và nhờ đó mà trí tuệ phát triển. Những trẻ chơi một cách hăng hái, hoạt động nổi bật trong khi chơi thường là những người thông minh, tháo vát và biết tổ chức cuộc sống.
Trò chơi dân gian giúp trẻ có tính tập thể, dễ hoà đồng. Một ưu thế của trò chơi dân gian chính là ở chổ đa số các trò chơi có thể dung nạp tất cả những ai muốn chơi, ít trò chơi dân gian quy định số người chơi nhất định, vì vậy ít ai phải đứng chờ hoặc bị loại ra ngoài cuộc. Chẳng hạn như trò chơi bịt mắt bắt dê, mỗi khi có một người vào thêm, vòng chỉ rộng ra thêm một chút chứ trò chơi không thay đổi. Còn trò rồng rắn lên mây thì khi thêm một người “cái đuôi” sẽ dài ra một chút chứ mọi người đều được chơi, được chạy như nhau. Những trò chi chi chành chành, trốn tìm, trồng nụ trồng hoa, nhảy dây… cũng tương tự như vậy. Chơi chung với nhau sẽ giúp trẻ phát triển tinh thần cộng đồng, biết nhường nhịn, “biết mình, biết người”, đó cũng là môi trường để trẻ giao lưu, chia sẻ niềm vui và kinh nghiệm. Trong những cuộc chơi chung đó, tinh thần tập thể sẽ được giáo dục một cách tự nhiên. Trong khi chơi, mọi trẻ đều bình đẳng như nhau, nếu trẻ nào ích kỉ, chơi ác, chèn lấn các bạn khác sẽ bị tập thể phê phán, loại trừ bằng cách không hưởng ứng cho chơi chung, nếu còn muốn chơi với các bạn, tất nhiên trẻ phải tự sửa đổi để hoà đồng.
Trong trò chơi dân gian, mỗi người chơi đều ý thức được vai trò của mình trong tập thể, vì vậy cố gắng thể hiện mình trong cuộc chơi không có nghĩa là khẳng định cá nhân mà là thể hiện sức mạnh của tập thể, là tăng tính cộng đồng. Trò chơi như những chất keo kết dính những tình bạn trong sáng, ngây thơ giữa lũ trẻ với nhau. Đây cũng chính là sự khác biệt giữa trò chơi dân gian với nhiều trò chơi hiện nay của trẻ.
Trò chơi dân gian dành cho trẻ không chỉ góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kỹ năng làm việc sinh hoạt theo nhóm mà còn giúp các em luyện khả năng ứng xử văn hóa không sa vào những trò chơi games trực tuyến bạo lực vô bổ đang tràn lan hay các trò chơi hiện đại như kiếm, súng bằng nhựa gây nguy hiểm và các tệ nạn xã hội khác
Nếu đa phần trò chơi dân gian của trẻ em có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi thì phần lớn trò chơi dân gian của người lớn thường diễn ra trong các lễ hội làng, ngày tết cổ truyền, diễn ra ở sân đình hay bãi đất trống rộng lớn trong làng. Đây chính là nơi phổ cập những giá trị truyền thống cộng đồng, nơi giao lưu tình cảm làng xóm quê hương; là dịp để các thế hệ đua tài, đua sức và qua đó tạo nên mối cộng cảm, đoàn kết bền chặt, tạo ra nền tự hào chính đáng về những giá trị văn hoá và sáng tạo văn hoá của những vùng, miền, đất nước. Trong các buổi hội làng, tham gia vào những trò chơi dân gian là một cơ hội để nhắc nhở con người về gìn giữ thuần phong mỹ tục. Những trò chơi như đua thuyền, đấu vật, bơi chãi là dịp để mỗi người dân giao lưu, đoàn kết, học hỏi kinh nghiệm và thể hiện tài nghệ sông nước của mình. Những dịp hội làng cũng là cơ hội cho các đôi nam thanh, nữ tú được mặc sức tự do phóng khoáng thả mình theo các trò chơi. Họ có thể đánh đu cùng nhau mà không ngần ngại sự va chạm về cơ thể. Họ có thể lăn lộn tranh cù mà nhiều khi mãi chơi để lộ ra cả những nơi kín đáo nhất. Chính trò chơi dân gian đã làm cho con người xích lại gần nhau hơn; giải tỏa các ấm ức, tháo bỏ những ràng buộc và những nguyên tắc cứng nhắc.
Những năm 1970 trở về trước, trò chơi dân gian đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc vào thể chất và tinh thần, vào việc hun đúc tâm hồn và tính cách con người Việt Nam. Thế nhưng, những năm gần đây, quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, công nghệ thông tin phát triển thì những ưu điểm ấy của những trò chơi dân gian ít cơ hội để phát triển. Khi đi qua các khu vực quanh trường học hay các khu dân cư lớn, điều dễ nhận thấy là các hàng trò chơi điện tử mọc lên như nấm và phần đông người chơi là các em nhỏ. Quá trình đô thị hoá đã làm thay đổi, không gian, môi trường sinh hoạt vui chơi của trẻ. Bên cạnh đó, chương trình học quá tải làm cho trẻ thiếu thời gian vui chơi. Chính những điều đó đã phần nào lý giải vì sao trẻ em ở các đô thị ngày càng ít chơi, thậm chí không biết đến những trò chơi dân gian. Giờ ra chơi là khoảng thời gian giúp trẻ em thư giãn sau những tiết học căng thẳng, mệt mỏi, do đó nhu cầu vận động là điều không thể thiếu ở lứa tuổi này. Nhưng dạo qua một số trường xem con trẻ chơi gì ở khoảng thời gian này thì rất nhiều em nữ khi được hỏi không biết thế nào là chơi chuyền, trồng nụ trồng hoa và cũng không thấy mấy em nam trả lời được chơi trò chơi đánh khăng, đánh đáo, bắn bi... mà thay vào đó là chơi cờ carô, quan toà xử án, đọc truyện tranh, đọc báo hoặc tán gẫu. Nhiều em cho rằng giờ ra chơi quá ngắn và sân trường hơi chật, các em không thể chơi được những trò mình thích như đá cầu, nhảy ngựa, cướp cờ… nên các em chỉ còn cách ngồi đọc truyện tranh Nhật Bản. Khi ở nhà thì các em nhỏ thường chơi trong nhà với các đồ chơi mua sẵn, xem ti vi, đến quán internet lướt game, hoặc được cha mẹ đưa đi công viên, nhà thiếu nhi… Đó là các em nhỏ ở đô thị còn các em nhỏ ở vùng nông thôn thì sao? Nay đi về về vùng nông thôn chúng ta không còn chứng kiến cảnh những đứa trẻ tụm năm, tụm ba chơi đánh bi, chơi ô làng nữa.
Quả thật, một số trò chơi hiện đại cũng có tác dụng tốt để phát triển tâm, sinh lí của trẻ em, nhưng ngược lại, cũng có rất nhiều trò chơi nguy hiểm như: trò đốt pháo diêm, bắn súng phun lửa, súng bắn đạn nhựa hay những trò game bạo lực trên mạng. Các trò chơi này kích động tính hiếu chiến của trẻ dẫn đến những hành vi xấu, ảnh hưởng không tốt đến sự hình thành nhân cách. Sự phát triển của mạng internet ở nước ta trong thời gian qua là một tín hiệu vui, nhưng việc trẻ em tiếp xúc với nó khi còn quá sớm, lại chỉ biết những thứ tiêu cực là vấn đề đáng báo động. Việc ngồi lâu trên máy tính còn làm cho các em có thể mắc các bệnh về mắt, bệnh béo phì, hoang tưởng… Một số bậc phụ huynh rất lo ngại trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, trẻ em sẽ bị biến thành những chú gà công nghiệp. Các trò chơi hiện đại thường không khơi dậy trong trẻ những cảm nhận trong trẻo hồn nhiên như nhiều trò chơi dân gian xưa.
Nhìn chung, quá trình hội nhập và phát triển, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa và sự ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp của nhiều trào lưu văn hóa mới cùng với sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường đã dẫn tới những sự đổi thay mang tính tiêu cực của các trò chơi dân gian của các dân tộc. Đặc biệt, giá trị của các trò chơi đang có nguy cơ mai một, biến mất hay biến tướng một cách bất thường và nhanh chóng, thay thế vào đó là các trò chơi mới được du nhập không phù hợp với văn hóa, thể chất của con người Việt Nam.
Trước thực trạng đó, chúng tôi xin nêu một vài ý kiến có tính định hướng chung trong công tác bảo tồn, khôi phục và phát triển về trò chơi dân gian như sau:
Trước hết, các tổ chức, đoàn thể chức năng cần có chủ trương, hoạt động thiết thực hơn nữa để khôi phục lại những hoạt động văn hoá truyền thống này bằng các biện pháp như truyên truyền, giáo dục cho quần chúng nhân dân hiểu về ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo lưu những trò chơi dân gian.
Thứ hai, cần tiến hành nhanh chóng việc tổng điều tra hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể trên toàn quốc, trong đó có việc điều tra, thống kê các trò chơi dân gian tiêu biểu của từng vùng, miền nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho việc quản lý và có những chính sách bảo tồn, phát triển và đưa trò chơi dân gian vào trong đời sống hàng ngày của người dân.
Đối với trò chơi dân gian trẻ em thì lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc “kéo” trẻ em trở về với trò chơi dân gian chính là cha mẹ, ông bà, anh chị... Họ là những người gắn bó máu thịt, nhất là trong giai đoạn trẻ sinh ra, lớn lên, tìm hiểu thế giới xung quanh. Các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian để dạy và cùng chơi với các con những trò chơi phù hợp với lứa tuổi của các em.
Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường, thầy cô giáo, các anh chị đoàn viên thanh niên - những người được coi là các anh chị phụ trách của các em trong nhà trường và trên địa bàn cư trú cũng rất quan trọng trong việc đưa trò chơi dân gian vào cuộc sống hàng ngày. Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai phong trào “Trường học thân thiện” là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, các trường học muốn khôi phục lại những trò chơi dân gian và hướng các em tham gia chơi là một điều rất khó, do đó, chúng ta cần tăng cường hơn nữa và có thể chọn lọc một số trò chơi dân gian để đưa vào các giờ thể dục, giải lao trong các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tuỳ theo từng lứa tuổi của các em. Ngoài việc đưa trò chơi dân gian vào các giờ ra chơi, tiết thể dục thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có một hình thức nào đó, ví dụ như đưa trò chơi dân gian vào trong chương trình giáo dục công dân ở bậc tiểu học để góp phần giáo dục học sinh một cách toàn diện hơn.
Mặt khác, chúng ta cũng có thể đưa trò chơi dân gian dành cho người lớn vào những dịp lễ hội của làng xã và các dịp lễ hội lớn để thiêng hoá các anh hùng dân tộc, khơi nguồn hào khí núi sông đất nước và nâng cao lòng tự hào của dân tộc. Đồng thời, việc đưa trò chơi dân gian vào những dịp lễ hội vừa là dịp để giáo dục quốc dân ở các mặt đức dục, trí dục, mỹ dục, lại vừa tạo cơ hội cho ngành du lịch của các vùng miền trong nước phát triển.
Thứ ba, để trò chơi dân gian không bị mai một theo thời gian, công tác tập huấn hướng dẫn các cán bộ văn hóa xã, phường biết cách thức tổ chức chơi những trò chơi dân gian cũng hết sức quan trọng. Bởi khi địa phương có hoạt động văn hóa gì thì thường các cán bộ văn hóa xã, phường phải đứng ra đảm đương, tổ chức những trò chơi dân gian phục vụ người dân đến vui chơi.
Thứ tư, việc giữ gìn những trò chơi dân gian bổ ích là công việc của tất cả mọi người mà trước tiên ở đây là những người làm công tác bảo tồn các giá trị văn hoá. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, các Bảo tàng có vai trò vô cùng to lớn trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Vì vậy, cần phải xây dựng một kế hoạch tổng thể để đưa một số trò chơi dân gian tiêu biểu vào trong hoạt động của Bảo tàng các tỉnh trên toàn quốc. Bảo tồn các giá trị văn hóa không phải là lưu giữ trong tủ kính mà cần phải đánh thức, đưa giá trị văn hóa ấy trở về với cuộc sống thường ngày tại nơi sản sinh ra nó bằng cách lôi cuốn các em nhỏ, các bậc phụ huynh đến với Bảo tàng và tham gia vào các trò chơi dân gian. Muốn làm được điều đó, trước hết, cán bộ các Bảo tàng cần phải đầu tư, sưu tầm, nghiên cứu trò chơi dân gian tại các làng quê, mời các nghệ nhân về trình diễn, dạy lại những trò chơi dân gian này.
Thứ năm, cần có biện pháp, tổ chức tìm hiểu và khôi phục những trò chơi dân gian để đưa vào trong các chương trình thi đấu trò chơi dân gian như thi đấu các môn thể thao để biến các giá trị di sản văn hóa ấy thành hành trang tinh thần của thế hệ hôm nay để đi tới tương lai.
Để thực hiện được các biện pháp trên, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của trò chơi dân gian, trọng đãi nghệ nhân, có chiến lược bảo tồn, khôi phục và phát triển trò chơi dân gian trong chiến lược phát triển du lịch của từng vùng, miền trong cả nước.
Chúng ta tin rằng với những chính sách và sự nhất trí cao của các lực lượng xã hội về tầm quan trọng của trò chơi dân gian trong việc giáo dục con người, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tạo sự phát triển bền vững của đất nước thì trò chơi dân gian sẽ dần khôi phục lại vị trí, vai trò của nó trong đời sống hàng ngày nói riêng, trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung./.
Lê Thị Thuý Hằng
Từ khóa » Trò Chơi Nhảy Dây Ngày Xưa
-
Trò Chơi Dân Gian: Nhảy Dây - Special Kid
-
Trò Chơi Dân Gian: Nhảy Dây Cao Su | Special Kid
-
Top 13 Trò Chơi Dân Gian Gắn Liền Với Ký ức Tuổi Thơ Nhất - Tikibook
-
Nhảy Dây - Trò Chơi Dân Gian Mẹ Ỉn Bông - YouTube
-
Ai Nhảy Dây Hơn Cô áo Trắng - Săn Bắt Nấu Nướng - YouTube
-
Thuyết Minh Về Trò Chơi Dân Gian Nhảy Dây - Bài Văn Mẫu Lớp 8
-
Cách Chơi Nhảy Dây Thun – Những Trò Chơi Tuổi Thơ Dữ Dội Lứa ...
-
[TỔNG HỢP] 30+ Trò Chơi Tuổi Thơ Dữ Dội Ngày Xưa Bạn Còn Nhớ?
-
Những Trò Chơi Tuổi Thơ Dữ Dội Dân Gian Của Bạn - Sahara
-
Các Kiểu Nhảy Dây Thun - Học Tốt
-
Tổng Hợp 50 Trò Chơi Dân Gian Việt Nam Hay Và Phổ Biến Nhất - Du Lịch
-
Cuộc Chiến Nhảy Dây • Trò Chơi Tuổi Thơ Lộc TiVi - YouTube
-
Tổng Hợp 50 Trò Chơi Dân Gian Việt Nam Hay Và Phổ Biến Nhất.