Giờ Lễ Nhà Thờ Chánh Toà Đà Lạt

Giờ lễ nhà thờ con gà (Chánh tòa Đà Lạt):

  • Chúa nhật: 05:30, 07:00, 08:30, 16:00, 18:00
  • Ngày thường: 05:15, 17:15

Lịch Sữ

✠ Nhà thờ chính tòa Ðà Lạt (tên chính thức: Nhà thờ chính tòa Thánh Nicôla Bari, còn có tên gọi khác là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh tháp chuông có hình con gà lớn) là một nhà thờ công giáo ở Việt Nam. Đây là nhà thờ chính tòa của vị giám mục Giáo phận Đà Lạt, cũng là nhà thờ lớn nhất Đà Lạt, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại. Nhà thờ nằm trên đường Trần Phú (gần khách sạn Novotel) thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam.

Lịch sử Nhà thờ chính tòa Đà Lạt gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt.

Cùng với bác sĩ Alexandre Yersin khám phá ra Đà Lạt, có linh mục Robert thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP) vào năm 1893. Đến 1917, linh mục quản lý của MEP tại Viễn Đông là Nicolas Couveur đã đến Đà Lạt với mục đích tìm nơi nghỉ dưỡng cho các giáo sĩ, và ông đã cho xây dựng một dưỡng viện giáo đồ nay là một phần của nhà xứ. Vào cuối tháng 4, 1920, Giám mục Quinton (Giám quản Tổng tòa tại Sài Gòn) ban quyết định thành lập Giáo phận Đà Lạt.[1]

Ngày 10 tháng 5, 1920, linh mục Frédéric Sidot là cha xứ đầu tiên của giáo sở Đà Lạt. Cha Sidot đã cho xây dựng ngôi thánh đường “HIC DOMUS EST DEI” dài 24m, rộng 7m và cao 5m. Nhà thờ này được gắn liền với cánh bên tả dưỡng viện giáo đồ mà cha Nicolas đã cho xây. Cửa chính của nó được cấu trúc theo hình vòng cung nhọn, riêng phần chạm trổ và sơn son thiếp vàng thì theo kiểu Á Đông. Trên vòng cung của cửa chính, có khắc dòng chữ tiếng la tinh “HIC DOMUS EST DEI” (đây là nhà của Thiên Chúa).[1]

Ngày 5 tháng 7, 1922, Giám mục Quiton ban quyết định cho phép Giáo phận Đà Lạt xây một nhà thờ mới: rộng 8m, dài 26m có một tháp chuông cao 16m. Công trình được khánh thành vào ngày 17 tháng 2, 1923. Trên tháp có treo 4 quả chuông do hãng Pacard thuộc tỉnh Savoie (Pháp) chế tạo. Công trình này hiện nay không còn tồn tại.

Nhà thờ chính tòa Đà Lạt hiện nay được chính thức khởi công vào 9 giờ sáng chủ nhật ngày 19 tháng 7, 1931 do Giám mục Colomban Dreyer (khâm sứ Toà Thánh tại Đông Dương và Thái Lan) đặt viên đá đầu tiên. Được xây theo đồ án của linh mục Céleste Nicolas, cha sở lúc bấy giờ.[1]

Công trình được xây dựng trong suốt 11 năm. Quá trình xây dựng được chia làm 3 đợt như sau:

  • Đợt 1: Xây dựng gian cung thánh, hậu tẩm, 2 gian cánh,hoàn tất vào ngày 30 tháng 3, 1932.
  • Đợt 2: Xây dựng 2 gian giữa và đặt chân móng cho các tháp chuông.
  • Đợt 3: Xây dựng tháp chuông chính, 2 tháp chuông phụ, cầu thang xoắn trôn ốc. Ngày 14 tháng 11, 1934, đặt thánh giá trên đỉnh tháp chuông chính. Ở đỉnh tháp có gắn một con gà bằng đồng dài 0,66m, cao 0,58m. Vào tháng 2, 1942, tổ chức nghi thức làm phép và đặt 14 chặng đàng thánh giá trong gian chính của tòa nhà.

Nhà thờ khánh thành ngày 25 tháng 1, 1942.

Kiến trúc

Nhà thờ Con gà được thiết kế theo “kiểu mẫu” của các nhà thờ Công giáo Rôma ở châu Âu, tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Roman.

Mặt bằng nhà thờ theo hình chữ thập (giống thánh giá) có chiều dài 65m, rộng 14m, tháp chuông cao 47m. Với độ cao đó, từ tháp chuông của nhà thờ có thể nhìn thấy mọi nơi của thành phố. Cửa chính của nhà thờ hướng về núi Langbiang.

Nội thất thánh đường gồm 3 gian: 1 gian lớn ở giữa và 2 gian nhỏ ở hai bên. Mặt cắt công trình thể hiện rõ hệ cuốn theo dạng cung nguyên với dãy cuốn và hệ vòm nôi. Các cột trong nội thất có hệ đầu cột mô phỏng dạng cổ điển kết hợp với tự phát. Cả mặt bằng và mặt đứng đều được thiết kế đối xứng nghiêm ngặt theo lối cổ điển.[1]

Mặt đứng với phần tháp chuông vươn cao. Những đường nét, chi tiết trên mặt đứng hoàn toàn phỏng theo nguyên gốc của các kiểu mẫu châu Âu. Cửa sổ có vòm cung tròn, các đường nét mạnh mẽ, dứt khoát, tổ chức theo phân vị đứng, mái lợp ngói thạch bản, đặc biệt là tỷ lệ giữa các mảng khối rất hài hoà và chặt chẽ.

Phần áp mái trang trí bằng 70 tấm kính màu do xưởng Louis Balmet ở Grenoble (Pháp) chế tạo, làm cho khung cảnh thánh đường thêm phần huyền ảo.

Tường chịu lực xây dựng bằng gạch đá dày khoảng 30 – 40 cm. Trên tường trong nội thất được gắn các bức phù điêu với kích thước 1m x 0,8m, làm bằng vật liệu xi măng và sắt (do nhà điêu khắc Xuân Thi thể hiện). Riêng phần tường ngoài luôn được quét sơn màu hồng, càng tôn thêm sự trang nghiêm của một công trình kiến trúc tôn giáo.

Trên thánh giá có tượng một con gà (cách mặt đất 27m) bằng hợp kim nhẹ rỗng bên trong được tráng phủ một lớp hoá chất đặc biệt đồng dài 0,66m, cao 0,58m quay quanh một trục bạc đạn để chỉ hướng gió. Con gà có thể là biểu tượng của nước Pháp (Coq gaulois: gà trống xứ Gaulle),có thể là biểu tượng của sự sám hối, theo đoạn Tân Ước kể lại việc Chúa Giê-su quở trách Phê-rô (một trong 12 tông đồ của Người): “Ðêm nay gà chưa gáy, con sẽ chối Ta ba lần…”.

Cột thu lôi, đế bầu tròn đỡ con gà và chữ thập chỉ bốn hướng đông-tây-nam-bắc được sửa chữa, thay mới vài lần. Con gà xoay theo hướng gió trên một vòng bạc rất nhẹ. Người dân bản xứ kháo nhau rằng con gà là đài dự báo thời tiết rất hiện đại, con gà quay chiều nào là gió mưa, là nắng tạnh. Thực ra vì con gà ở trên cao, để phòng gió tạt gãy đổ người ta đã thiết kế cho nó quay hướng theo chiều gió, và thế là con gà quay hướng nào, gió hướng ấy.

Vào dịp Lễ Giáng sinh hàng năm, nơi đây thu hút rất nhiều người cả trong và ngoài đạo đến dự lễ tham quan. Ngoài ra, ở Đà Lạt còn rất nhiều nhà thờ nhỏ hơn trong đó Domaine de Marie (Lãnh địa Đức Bà) và nhà thờ Cam Ly mang những nét đặc trưng riêng.

Theo Wikipedia

  1. Giáo điểm truyền giáo Đà-lạt :

– Ngày 21.6.1893, bác sĩ Yersin, cùng đoàn thám hiểm của ông (trong đó có Cha Robert, quản lý của Hội Truyền Giáo Paris – MEP – trụ sở đặt tại Singapore) khám phá ra Đà-lạt trên cao nguyên Langbian (Lâm-viên).

– Đầu năm 1900, Đà-lạt được người Pháp chọn làm nơi xây dựng một trung tâm nghỉ mát, sau đó phát triển thành thành phố.

– Cuối năm 1917, Đức Cha Lucien Mossard (Mão), Giám mục địa phận Tây Đàng Trong (Sài-gòn), có Cha Nicolas Couvreur (người kế nhiệm cha Robert) tháp tùng, từ Sài-gòn lên Đà-lạt, tìm địa điểm xây dựng một nhà nghỉ dưỡng cho các giáo sĩ. Năm 1918, Dưỡng Viện Giáo Sĩ được xây dựng, gồm một Nhà Nghỉ Dưỡng (nay là Nhà Xứ) được nối dài về phía cánh trái bằng một phòng lớn dùng làm Nhà Nguyện(nay là Phòng Truyền thống). Công trình hoàn tất vào đầu năm 1919. Với công trình này, Giáo Điểm Truyền Giáo Đà-lạt được thiết lập, đời Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XV (1914-1922). Vào thời điểm đó, ngôi Nhà Nguyện của Dưỡng Viện Giáo Sĩ là nơi thờ phượng duy nhất trên toàn miền Nam Tây Nguyên, trong đó có phần đất nay là giáo phận Đà-lạt. Tại đây, ngày 25.01.1919, Đức Cha Mão đã cử hành nghi thức ban Bí tích Thánh Tẩy đầu tiên cho một em bé người Việt nguy tử, tên thánh là Phê-rô (Sổ Rửa Tội quyển I, số 1) và ngày 13.6.1919, nghi thức ban Bí tích Hôn phối đầu tiên được cử hành cho đôi vợ chồng Mác-ti-nô Tri và An-na Kéc (Sổ Hôn Phối quyển I, số 1).

  1. Họ đạo Đà-lạt :
  • Cuối tháng 4 năm 1920, Đức Cha Victor Quinton (Tôn), người kế nhiệm Đức Cha Mão, đã ký quyết định thành lập Họ Đạo Đà-lạt, và bổ nhiệm Cha Frédéric SIDOT (Cố Kính) làm Cha sở đầu tiên. Cha Sidot đến nhận xứ ngày 10.5.1920. Ngày này được coi là ngày thành lập giáo xứ.
  • Cha Sidot rời Đà-lạt ngày 11.7.1921.
  • Thay thế cha Sidot là cha Céleste NICOLAS (Cố Vinh), Cha sở thứ hai, từ 11.7.1920 đến cuối năm 1946.
  • Ngày 05.7.1922 khởi công xây dựng, và ngày 14.02.1924 làm phép khánh thành (do Đức Cha Quinton) ngôi nhà thờ đầu tiên của họ đạo, dâng kính Thánh Giám mục Nicolas (nhà thờ này nay không còn nữa).
  • Ngày 19.7.1931 khởi công xây dựng (Đức Cha Isidore Dumortier [Đượm], người kế vị Đức Cha Quinton, đã ban quyết định cho phép), và ngày 25.01.1942 làm phép khánh thành ngôi nhà thờ thứ hai của họ đạo, cũng dâng kính Thánh Nicolas, nay là Nhà Thờ Chánh Toà (xem số 4 dưới đây).
  • Cha sở thứ ba là Cha Jean PERRIN, 1947 – 1948.
  • Cha sở thứ bốn là Cha Fernand PARREL (Cố Du), 22.4.1948 – 21.5.1961.
  1. Giáo xứ chánh toà :
  • Ngày 24/27.11.1960, Đức GH GIOAN XXIII (1958-1963) ban Sắc Chỉ thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt-nam – Giáo phận Đà-lạt được thành lập với nhà thờ Thánh Nicolas được nâng lên thành Nhà Thờ Chánh Toà (Họ đạo Đà-lạt thành Giáo xứ Chánh Toà). Cha Parrel trở thành Cha sở tiên khởi của giáo xứ chánh toà Đà-lạt.
  • Cha sở thứ hai của giáo xứ chánh toà (thứ năm của họ đạo) là Cha Giu-se PHÙNG THANH QUANG, 21.5.1961 – 28.9.1962.
  • Cha sở thứ ba của giáo xứ chánh toà (thứ sáu của họ đạo) là Cha Giu-se NGUYỄN NGÀ, 28.9.1962 – 30.3.1975.
  • Cha sở thứ bốn của giáo xứ chánh toà (thứ bảy của họ đạo) là Cha Phê-rô NGUYỄN VĂN NHƠN, 01.4.1975 – 20.6.1991.
  • Cha sở thứ năm của giáo xứ chánh toà (thứ tám của họ đạo) là Cha Giu-se VÕ ĐỨC MINH, 20.6.1991 – 27.11.2005.
  • Cha sở thứ sáu của giáo xứ chánh toà (thứ chín của họ đạo) là Cha Phao-lô LÊ ĐỨC HUÂN từ 28.11.2005 đến nay.
  1. Nhà thờ chánh toà Đà-lạt :
  • 19.7.1931 – đời Đức Giáo Hoàng PI-Ô XI (1922-1939): Lễ đặt viên đá đầu tiên, do Đức Cha Colomban Dreyer, Khâm mạng Toà Thánh tại Việt-nam, chủ sự.
  • 25.01.1942 – đời Đức Giáo Hoàng PI-Ô XII (1939-1958) : Lễ làm phép và khánh thành, do Đức Cha Antonin Drapier, người kế nhiệm Đức Cha Colomban Dreyer, và Đức Cha Gioan Cassaigne, GM Sài-gòn, đồng chủ sự.
  • Tước hiệu : Thánh Ni-cô-la Ba-ri (cuối năm 1965, Đức Cha Ximong-Hoà Nguyễn Văn Hiền đã chọn tước hiệu mới là Đức Ma-ri-a Mẹ Thiên Chúa),
  • Đặc điểm :
  • nhà thờ có 70 cửa kính màu, trong đó 38 tấm có ảnh Chúa, Đức Mẹ và các Thánh,
  • dài 65 thước, rộng 14 thước, tháp cao 47 thước (50 thước kể cả thánh giá và con gà cồ bên trên),- con gà cồ (dùng để chỉ hướng gió, cũng là biểu tượng của sự thống hối, theo Mt 26, 34.27, 75 – Mc 14, 30.72 – Lc 22, 34.23, 61-62 – Ga 13, 38.18,27), cao 0,58m, dài 0,66m, đã được đặt trên đỉnh thánh giá ngày 14.11.41 – 4 quả chuông trên tháp nhà thờ (quả lớn nhất nặng 415 kg, đánh nốt DO, quả thứ hai nặng 185 kg, đánh nốt MI, quả thứ ba nặng 120 kg, đánh nốt SOL, quả thứ tư nặng 117 kg, đánh nốt FA) đã được đưa từ nhà thờ cũ lên đặt ở độ cao 25m trên tháp nhà thờ mới, ngày 15.01.1942.
  • 4.1983 : Lễ xức dầu cung hiến, do Đức Cha Ba-tô-lô-mê-ô chủ sự.
  • Từ đường PS : tầng hầm của nhà thờ được cải tạo thành Nhà Hài Cốt – khởi công : cuối năm 2001; làm phép và khánh thành (do Đức Cha Phê-rô) : 16 giờ 30, thứ Bảy, 16.02.2002.
  1. Thánh Giám Mục NI-CÔ-LA, Bổn mạng giáo xứ :

Ngày 17 tháng 02 năm 1924, khi làm phép khánh thành ngôi nhà thờ đầu tiên của họ đạo Đà-lạt (xem số 2 trên đây), Đức Cha Tôn (Victor Quinton) chấp thuận đề nghị của Cha sở Nicolas, nhận Thánh Giám Mục Ni-cô-la làm Bổn Mạng của nhà thờ và họ đạo mới Đà-lạt. Ngày 19 tháng 7 năm 1931, khi làm phép và đặt viên đá đầu tiên của ngôi nhà thờ thứ hai (nay là nhà thờ chánh toà), các vị chủ chăn cũng tái dâng hiến nhà thờ và họ đạo cho Thánh Giám Mục Ni-cô-la. Sau đây là đôi nét về Ngài :

Sinh tại thành Myra trong nước Thổ-nhĩ-kỳ, năm 270, thánh Ni-cô-la được Đức GM Myra là cậu của ngài phong chức LM ở tuổi 33. Khi vị GM này qua đời, các GM vùng Tiểu Á đã bầu ngài lên kế vị…Ngài qua đời năm 343, thọ 73 tuổi, và được mai táng trong nhà thờ chánh toà Myra. Năm 1063, thành Myra cũng như toàn vùng Tiểu Á bị người Hồi giáo xâm chiếm. Hơn 50 năm sau, các thuỷ thủ người đảo Sicile (Ý) lấy được hài cốt của ngài và rước về thành phố Ba-ri, một thành phố cảng biển ờ mạn đông nam nước Ý, ngày 09.5.1087. Do đó mới có tên gọi là Thánh GM Ni-cô-la Ba-ri. Năm 1670, ngài được Đức GH Clê-men-tê X (1670-1676) tôn phong Hiển Thánh; lễ nhớ : ngày 06.12… Thánh Ni-cô-la đã được Chúa ban cho làm nhiều phép lạ giúp đỡ người nghèo khó bất hạnh. Ngài đặc biệt yêu thương thiếu nhi. Bởi đó có truyền thuyết về Ông Già No-en, được đồng hoá với Thánh Ni-cô-la.

  1. Di cốt 9 Thánh Tử Đạo Việt-nam –“những người gìn giữ”nhà thờ Chánh tòa Đàlạt:

Nơi cung thánh, dưới bàn thờ, có một khảm bạc lưu giữ thánh cốt của 9 Thánh Tử Đạo Việt-nam. Qua năm tháng, cùng với Thánh GM Ni-cô-la, các ngài như là “những người gìn giữ”, bảo vệ ngôi nhà thờ và gia đình giáo xứ qua mọi gian nan thử thách. Danh sách các ngài xếp theo ngày kính nhớ như sau:

  • Thánh Phao-lô Lê Văn Lộc, Linh mục, Giám đốc Chủng viện Thị Nghè Sài Gòn. Bị trảm quyết (tức chém đầu)
  • ngày 13-2-1859 tại Trường Thi, hưởng dương 29 tuổi, 2 năm linh mục. ĐGH Piô X phong Chân Phước ngày 2-5-1909. ĐGH Gioan Phaolô II phong Thánh ngày 19-6-1988.
  • Thánh Phê-rô Nguyễn Văn Lựu, Linh mục, Cha xứ Mặc Bắc, Sa Đéc, Mỹ Tho. Bị trảm quyết ngày 7-4-1861, hưởng dương 49 tuổi. ĐGH Piô X phong Chân Phước ngày 2-5-1909, ĐGH Gioan Phaolô II phong Thánh ngày 19-6-1988.
  • Thánh Giu-se Nguyễn Văn Lựu, Trùm họ, ông Trùm họ Mặc Bắc, bị bắt ngày 28-2-1853, ông bị chết trong tù vì tuổi già sức yếu, hưởng thọ 64 tuổi. ĐGH Piô X phong Chân Phước ngày 2-5-1909, ĐGH Gioan Phaolô II phong Thánh ngày 19-6-1988.
  • Thánh Mát-thêu Lê Văn Gẫm, thương gia, ông bị bắt và trảm quyết ngày 11-5-1847 tại Sài Gòn, hưởng dương 34 tuổi. ĐGH Piô X phong Chân Phước ngày 2-5-1909, ĐGH Gioan Phaolô II phong Thánh ngày 19-6-1988.
  • Thánh Phi-líp-phê Phan Văn Minh, Linh mục, linh mục rao giảng nhiều nơi ở vùng Tiền Giang, Hậu Giang. Ngày 26-2-1853 bị bắt khi ở nhà ông Trùm Giuse Lựu, tử đạo ngày 3-7-1853 tại Cái Sơn Bé, hưởng dương 38 tuổi, 13 năm linh mục. ĐGH Lêô XIII phong Chân Phước ngày 27-5-1900, ĐGH Gioan Phaolô II phong Thánh ngày 19-6-1988.
  • Thánh An-rê Nguyễn Kim Thông (Năm Thuông), Trùm họ, ông giúp Đức cha Thể và nhiều linh mục ẩn trú tại nhà, bị tố cáo và bị bắt. Ông bị chết trên đường áp giải xuống Mỹ Tho ngày 17-7-1805, hưởng dương 55 tuổi. ĐGH Piô X phong Chân Phước ngày 2-5-1909, ĐGH Gioan Phaolô II phong Thánh ngày 19-6-1988.
  • Thánh Phê-rô Đoàn Công Quý, Linh mục, phụ trách Giáo họ Bầu Nước ở Cù Lao Giêng, An Giang. Cha bị trảm quyết tại Xóm Chà, cùng với Thánh Lê Văn Phụng ngày 31-7-1859, hưởng dương 33 tuổi, 1 năm linh mục. ĐGH Piô X phong Chân Phước ngày 2-5-1909, ĐGH Gioan Phaolô II phong Thánh ngày 19-6-1988.
  • Thánh Tô-ma Trần Văn Thiện, Chủng sinh, Chủng sinh chủng viện Di Loan, Quảng Trị. Bị xử giáo thắt cổ ngày 21-9-1838 tại làng Nhan Biểu, Quảng Trị. Hưởng dương 18 tuổi. ĐGH Lêô XIII phong Chân Phước ngày 27-5-1900, ĐGH Gioan Phaolô II phong Thánh ngày 19-6-1988.
  • Thánh Si-mon Phan Đắc Hoà, Y sĩ, ông cho các linh mục Thừa Sai trú ẩn tại nhà mình. Bị bắt ngày 13-4-1840 trên thuyền Đức cha Motte. Bị áp giải về Huế và bị trảm quyết ngày 12-12-1840. Hưởng thọ 66 tuổi. ĐGH Lêô XIII phong Chân Phước ngày 27-5-1900, ĐGH Gioan Phaolô II phong Thánh ngày 19-6-1988.
Nguồn: simonhoadalat.com

Từ khóa » địa Chỉ Nhà Thờ Con Gà đà Lạt