Giờ Lễ Nhà Thờ Giáo Xứ Fatima Bình Triệu

Giờ lễ nhà thờ Fatima Bình Triệu:

  • Chúa nhật: 05:00, 07:30, 15:00, 17:00, 19:00
  • Thứ bảy: 17:00, 19:00
  • Ngày thường: 05:00, 17:00

Lược sử hình thành Trung tâm hành hương Fatima Bình Triệu

Trung tâm hành hương Fatima Bình Triệu, nằm trong địa bàn của giáo xứ Bình Triệu hạt Thủ Đức, tọa lạc tại số: 58 đường 5, khu phố 2, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Theo truyền thuyết, vào tháng Hoa năm 1962, phong trào Quốc tế Tông đồ Fatima tổ chức cung nghinh tượng Đức Mẹ Fatima đi khắp mọi miền đất nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam thân yêu của chúng ta. Trong cuộc cung nghinh tượng Mẹ, đến vùng đất hoang vu gần cầu Bình Triệu bây giờ, xe chở tượng Đức Mẹ bỗng chết máy. Các thợ giỏi được huy động đến sửa; sau hai tiếng đồng hồ coi máy, các toán sửa chữa đều bó tay, và nói: xe không hư gì cả, nhưng tại sao không chạy thì chúng tôi không biết. Cha Phaolô Võ Văn Bộ, người tổ chức cuộc rước kiệu xin mọi người lần chuỗi cầu nguyện để xin ý Mẹ. Sau chuỗi 50 kinh, xe nổ máy được. Ngài cầu nguyện: nếu Mẹ muốn, chúng con sẽ xây dựng một Trung tâm Hành hương Fatima tại đây kính dâng Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng con thực hiện ý muốn của Mẹ.

Sau đó, cha Bộ dò tìm xem ai là chủ khu đất này, một khu đất rất thích hợp cho một trung tâm hành hương: khu đất rộng mười hai mẫu rưỡi, một mặt sát quốc lộ 13 và ga xe lửa Bình Triệu, một mặt có sông bao quanh, trên bến, dưới thuyền. Chủ muốn bán trọn khu đất với giá là 25 triệu đồng, một số tiền rất lớn thời bấy giờ. Nhưng với trọn niềm tín thác vào Đức Mẹ, cha đã mua được miếng đất với sự giúp đỡ của rất nhiều người.

Tượng đài Đức Mẹ Fatima

Bước đầu, ngài xây dựng một đài để đặt tượng Đức Mẹ Fatima cao 3m. Vào ngày 15.08.1966, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đến làm phép tượng đài, và dâng Thánh lễ đầu tiên tại đây.

Kể từ đó, đặc biệt là ngày 13.10 hằng năm, hàng hàng lớp lớp người đến đây kính viếng Mẹ, tâm sự với Mẹ, khẩn cầu cùng Mẹ, và khi ra về, họ hân hoan vui sướng, như thể mình đã được Mẹ ấp ủ, yêu thương, nâng đỡ.

Thánh đường Chúa Kitô và Nhà Tĩnh tâm

Ngày 08.12.1966, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đến Trung tâm và cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi thánh đường dâng kính Chúa Kitô và khu nhà tĩnh tâm, cùng với kế hoạch xây một tháp chuông cao 30m.

Sau khi cha Phaolô xuất ngoại du học và trở về, ngài tiếp tục công việc xây cất nhà Tĩnh tâm tại khu vực nhà thủy tạ, gồm có 3 nhà lầu, một nhà trệt, nhà nguyện, giảng đường, phòng ăn, nhà bếp.

14 Chặng đàng Thánh Giá

Vào đầu tháng 6.1969, Đức Tổng Giám mục đến Trung tâm Đức Mẹ Fatima Bình Triệu và làm phép 14 Chặng đàng Thương khó Chúa Giêsu, được xây dựng hai bên con đường dẫn vào trung tâm.

Đền Đức Mẹ Fatima

Lúc đầu, tượng đài Đức Mẹ đứng ngoài trời mưa nắng, chỉ có mái che dựng lên cho dân chúng đến hành hương cầu nguyện. Khách hành hương mỗi ngày đến mỗi đông, mái che không đủ, nên rất nhiều người phải đứng chen chúc nhau giữa trời nắng gay gắt, hoặc dưới những cơn mưa tầm tã buốt lạnh…

Do đó công trình Đền Đức Mẹ đã được khởi công, và được xây dựng trong điều kiện thuận lợi: giáo dân khắp nơi đến kính viếng đều hưởng ứng nhiệt tình, người thì giúp đỡ tiền bạc, người thì phương tiện…

Đúng ngày 13.10.1970, Đức TGM đến làm phép khánh thành Đền Đức Mẹ và dâng Thánh lễ Tạ ơn, cầu bình an cho các ân nhân đã giúp công giúp của để hoàn thành công trình lớn lao này.

Nhà hưu dưỡng

Nhớ lời căn dặn của Đức Khâm Mạng Tòa Thánh Giuse Caprio trước đây, cha Phaolô vận động anh em trong ban chấp hành góp công sức và tiền của để xây dựng 6 căn nhà chính và nhà sinh hoạt phụ cùng nhà bếp cho những người giúp việc để chăm sóc các linh mục già yếu đến tuổi về hưu.

Khánh thành Thánh đường Chúa Kitô và nhà tĩnh tâm thứ hai

Hằng tháng số người đến xin tĩnh tâm quá đông, nên ngôi nhà tĩnh tâm thứ nhất không đủ chỗ tiếp đón, nhất là các đoàn thể Công Giáo đến hội họp, học hỏi liên tục. Cha Phaolô quyết định xây dựng ngôi nhà tĩnh tâm thứ hai lớn hơn , đồng thời ngài vẫn tiếp tục công trình xây dựng thánh đường dâng kính Chúa Kitô.

Ngày 06.01.1973: khánh thành thánh đường Chúa Kitô và nhà tĩnh tâm thứ hai. Tu Hội Bác Ái Fatima Bình Triệu đã hiện diện tại đây từ lúc đầu để cộng tác xây dựng và phục vụ tĩnh tâm.

Những cơ sở tôn giáo chung quanh:

  Trụ sở Hội Bạn Người CùiNhà Dòng Kín Cát MinhNhà Dòng Mến Thánh Giá Kim ĐôiTu Hội Thánh GioanNhà nuôi dưỡng trẻ em tàn tậtNhà Dòng Đấng Chăn Chiên LànhDòng nữ tu Thánh PhaolôDòng Phước SơnDòng Anh Em Đức Mẹ Người NghèoDòng Nữ tu ĐaminhTu hội Nữ tử Bác Ái Thánh Vinh SơnDòng Mến Thánh Giá Huế

Những cơ sở này khiến khách thập phương đến hành hương Fatima Bình Triệu đều có cảm tưởng đây là một trung tâm đạo đức, một linh địa rất thánh thiêng của Đức Mẹ

Giáo xứ Bình Triệu

Trung tâm hành hương Fatima Bình Triệu là một cơ sở nằm trong giáo xứ Bình Triệu, một giáo xứ có lược sử và sinh hoạt như sau:

– Ngày 02.08.1977, cha Phaolô Võ Văn Bộ phải đi học tập cải tạo. Ngày 30.01.1986, ngài được trả tự do. Cha Simon Nguyễn Văn Lập thay cha Phaolô Võ Văn Bộ. Cùng năm này, khu vực chung quanh Trung tâm được nâng lên hàng giáo xứ, chọn ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15-8 là ngày lễ bổn mạng.

– Cha xứ hiện nay: linh mục Aloysio Lê Văn Liêu, được bổ nhiệm chánh xứ Fatima ngày 11.01.2000. Ngài cũng là hạt trưởng hạt Thủ Đức và là linh phụ của Tu Hội Bác Ái.

– Cha phó hiện nay: Giuse Nguyễn Trí Dũng.

– Giáo xứ được chia làm 15 xóm giáo.

– Trong những ngày đại lễ, giáo xứ thành lập ban trật tự khá hùng hậu để giữ an ninh cho khách hành hương.

– Về phụng vụ: các tu sĩ nam nữ phụ trách.

– Giáo xứ hiện có hơn 700 em thiếu nhi đang theo học giáo lý từ lớp Khai tâm đến lớp Trưởng thành, các em được học ngay sau Thánh lễ Chúa nhật từ 9 giờ đến 10 giờ 15; gồm có 17 lớp dưới sự hướng dẫn của 57 anh chị giáo lý viên, các tu sĩ nam nữ.

– Lớp giáo lý Hôn nhân và Dự tòng do cha phó phụ trách.

Nỗi trăn trở của cá linh mục ở đây: phụ huynh vì quá lo cho các em về văn hóa nên rất nhiều khi quên lo cho các em học giáo lý.

Cha chánh xứ Aloysio tâm tình: “Mọi sự, mọi việc tôi xin phó thác hết cho Thiên Chúa và Mẹ Fatima.”

Nguồn: tgpsaigon.net

Từ khóa » Giờ Lễ Dòng Kín Cát Minh Sài Gòn 2020