Giờ Lễ Nhà Thờ Giáo Xứ Thánh Martino De Porres

1. NGUỒN GỐC

Nhà Thờ Thánh Martinô de Porres hiện nay thuộc Giáo xứ Thị Nghè, được xây dựng từ năm 1876 do công lao của Mẹ Bengiamin, nữ tu Dòng Thánh Phaolô.

Từ buổi đầu, Nhà Nguyện nằm trong khuôn viên Viện Dưỡng lão Thị Nghè hay còn được gọi là “Nhà Thương Thị Nghè”, hay “Viện Dưỡng lão Phú Mỹ” với mục đích phục vụ cho các bệnh nhân, người già neo đơn và các nữ tu đang phục vụ tại Viện Dưỡng lão.

Từ năm 1858, những cuộc chiến tranh và những lần tàn sát người có đạo Công Giáo để trả thù của Triều đình Việt Nam đã làm nảy sinh số lượng đông đảo các trẻ mồ côi lang thang, đói khổ khắp noi.

Từng đoàn người chạy loạn tập trung về Sàigòn trong một điều kiện sống vô cùng tồi tệ. Thêm vào đó là dịch tả, bệnh tật hoành hành khắp nơi, nhiều người đói khổ, bị thương không ai chăm sóc.

Các Cha Thừa Sai cảm thấy cần có những nữ tu để chăm sóc lớp người khốn khổ đó. Lúc đó Giám Mục Đại Diện Tông Tòa của Giáo phận Tây Đàng Trong là Đức Cha Dominique Lefèbvre, Ngài là vị mục tử thánh thiện, nhân lành, sống chết vì đoàn chiên. Biết các Nữ tu Phaolô đang phục vụ tại Hồng Kông từ năm 1848, Ngài viết thư xin các Chị sang Sàigòn tiếp sức.

Ngày 20 – 05 – 1860, hai nữ tu tiên khởi Dòng Thánh Phaolô đã tới Sài gòn giữa cảnh nghèo đói, chiến tranh và bách hại đạo Công giáo.

Ngôi nhà sàn ở đầm lầy Borèse ( nay là Khu Trung Tâm Quận I ) mà Đức Cha cho các nữ tu ở đã bắt đầu tiếp nhận ngay những trẻ mồ côi và bệnh nhân. Các Soeurs phải đi xin hoặc tìm mua thức ăn để nuôi họ. Cô nhi viện đầu tiên được thành lập vào tháng 10 -1860

Số trẻ mồ côi ngày càng đông, không chỉ là con cái các Vị Tử đạo mà ngay cả những người thuộc mọi tín ngưỡng khác nhau. Nhiều giáo dân đến chia sẻ công việc với các nữ tu và một số thiếu nữ đó đã trở thành nữ tu Phaolô sau này. Rất nhiều người đã xin được Rửa tội trước khi chết.

Tháng 06 – 1861 Mẹ Bengiamin cùng với 5 nữ tu nữa đã đến Sàigòn. Mẹ được bổ nhiệm làm Bề trên Chính đầu tiên Miền Viễn Đông, đặt Trụ sở tại Sàigòn. Với người nữ tu nhiệt thành này công cuộc truyền giáo và phục vụ người nghèo mới thật sự khởi sắc.

Với lòng hăng say nhiệt thành vì phần rỗi các linh hồn và để xoa dịu nỗi khổ đau của những người bơ vơ, nghèo khổ, bị bắt bớ, Mẹ đáng kính Bengiamin đã liên tục thành lập rất nhiều cơ sở để săn sóc người bị thương và nuôi dưỡng các trẻ mồ côi.

Mẹ thiết lập các Cô nhi viện, Nhà nuôi người già, Ký túc xá, Phòng Nữ công, Trung tâm phục hồi cho các thiếu nữ lỡ lầm, Trường học, Trường cho trẻ khuyết tật, Trang trại cho trẻ mồ côi trưởng thành… với mục đích đem tình thương của Chúa Kitô đến cho những người xấu số trong xã hội. Ngoài ra Mẹ cũng gởi các nữ tu đến phục vụ tại các bệnh viện, trường học của các Giáo xứ.

2. THÀNH LẬP VIỆN DƯỠNG LÃO THỊ NGHÈ

Đến năm 1876, Mẹ có ý định thành lập tại Thị Nghè một Viện Dưỡng lão. Trước tiên Mẹ trình bày ý định với Đức Cha Isidore Colombert là Giám Mục Giáo Phận Tây Đàng Trong lúc bấy giờ. Ngài lắng nghe và tỏ vẻ ưng thuận, Ngài hướng dẫn Mẹ đi đến Chính quyền để xin giấy phép.

Thống Sứ Nam Kỳ lúc đó là Ông Amiral Barou Duperre đã ký Giấy phép vào ngày 10 tháng 06 năm 1876.

Từ các chi phí mà Mẹ đã chuẩn bị sẵn, tháng 07 năm 1876, công trình được khởi công trên một khu đất rộng lớn ( 70.500 m2 ) và đến cuối năm 1876 Viện Dưỡng Lão ra đời với địa chỉ: 93 Đường Hùng Vương – Thị Nghè – Gia Định, gồm:

  • Nhà Nguyện chung cho các Nữ tu và bệnh nhân.
  • Căn nhà cho Chị em Nữ tu ( hiện nay là ngôi nhà 01 tầng nằm ngay cổng chính )
  • 5 Trại miễn phí cho bệnh nhân.
  • 3 Trại có thu phí cho các công chức neo đơn về hưu.
  • 1 Trại trẻ mồ côi, sơ sinh
  • 2 Trại Bệnh lao
  • 1 Trại chăn nuôi
  • 1 Nghĩa Trang

3. SINH HOẠT CỦA NHÀ NGUYỆN VIỆN DƯỠNG LÃO THỊ NGHÈ

* Thời sơ khai:

Ngay từ buổi đầu, sinh hoạt của Nhà Nguyện Viện Dưỡng Lão Thị Nghè được đặt dưới sự quản nhiệm của Cha Sở Họ Thị Nghè. Cha Tuyên Uý ở tại chỗ để ban các Bí tích cho những bệnh nhân và các nữ tu đang phục vụ tại đây. Các Cha Tuyên úy sử dụng con dấu riêng.

Tại Viện dưỡng lão, rất nhiều người đã xin được Rửa tội hoặc xin trở lại đạo sau thời gian bỏ đạo . Đáng tiếc là vào thời chiến tranh từ 1942 – 1945, Sổ Rửa tội và các giấy tờ quan trọng của Viện bị thiêu rụi do bom đạn làm cháy nhà hoặc do bị Việt Minh lục soát và phá hủy. Hiện nay chỉ còn lại một Số Sổ Rửa tội từ năm 1939 đến 1949 và từ năm 1957 đến 1979 với 4.264 tên người được Rửa tội. Con số này chắc chắn còn nhiều hơn gấp bội.

Số lượng ban đầu có khoảng 800 bệnh nhân và 20 nữ tu điều hành Viện Dưỡng lão. Số bệnh nhân, người già tàn tật và trẻ mồ côi ngày càng gia tăng, Viện luôn tiếp nhận hàng ngàn người tuôn đến để được nâng đỡ phần xác cũng như phần hồn. Họ được chăm sóc nuôi dưỡng theo khả năng của các nữ tu Dòng Thánh Phaolô.

Viện Dưỡng lão đã trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc như chiến tranh loạn lạc, bắt đạo, di cư, … nhưng chị em nữ tu của Dòng luôn cầu nguyện và sống phó thác trong bàn tay của Chúa Quan phòng.

Sinh hoạt Mục vụ là Trung Tâm của mọi hoạt động tại Viện, nhờ sự hỗ trợ của các Giám Mục, các Cha Tuyên Uý liên tục hiện diện và không quảng ngại để cùng với Chị em Nữ tu tiếp nối nhau sống tận tụy hy sinh, an ủi nâng đỡ những chi thể đau khổ của Chúa Kitô. Căn cứ vào Sổ Rửa tội còn giữ lại được , chúng ta có được danh tính của các Cha Tuyên Uý như sau:

  1. Cha Phaolô Đậu : Từ tháng 10/1939 đến tháng 03/1941
  2. Cha Phaolô Hạnh : Từ tháng 04/1941 đến tháng 10/1944
  3. Cha Dominique Hiệu : Từ tháng 10/1944 đến tháng 02/1947
  4. Cha Phêrô Thông : Từ tháng 03/1947 đến tháng 10/1948
  5. Cha Alosio Nẫm : Tháng 09/1949
  6. Cha Giacôbê Nguyễn Trọng Trí : Từ tháng 03/1956 đến tháng 01/1970
  7. Cha Levrey : Từ tháng 01/1971 đến tháng 05/1975
  8. Cha Arsène Nguyễn Văn Long (Dòng Biển Đức) : Từ tháng 05/1975 đến tháng 06/2007

* Giai đoạn thầm lặng

Hai tháng sau ngày Giải phóng Sàigòn, tháng 06/1975, Chính quyền Xã Hội Chủ Nghĩa yêu cầu Nhà Dòng bàn giao Viện Dưỡng lão. Mặc dù rất đau xót vì công lao của bao Chị em từ 100 năm qua, nhưng cũng không thể làm khác đi được ! Đại diện Sở Thương Binh Xã Hội đến tiếp quản tất cả tài sản vật chất và nhân sự chỉ trừ Ngôi Nhà Nguyện và căn nhà Chị em đang ở.

Viện Dưỡng lão được tách ra làm hai phần, các trại người già đổi tên là “ Nhà nuôi người già và tàn tật số 1”. Trại trẻ mồ côi bại liệt được đổi tên là “Nhà nuôi trẻ Mầm Non 6”

Bàn giao về nhân sự gồm:

  • 133 trẻ mồ côi bình thường
  • 1.368 người già và tàn tật
  • 53 trẻ mồ côi bại liệt
  • 63 người hưu trí Việt và Hoa
  • 27 người hưu trí quốc tịch Pháp

Về vật chất gồm:

  • 09 trại miễn phí
  • 04 trại có thu phí
  • 02 trại bệnh lao
  • 01 trại trẻ mồ côi bình thường
  • 01 trại trẻ mồ côi bại liệt
  • 01 trại chăn nuôi
  • 01 vườn cây ăn trái ( khoảng 3 mẫu tây)
  • 03 kho lương thực
  • 01 kho vải
  • 01 kho gỗ làm nhà
  • 01 nhà bếp
  • 01 nghĩa trang
  • 01 hộp nữ trang vòng vàng, đá quí

Bước vào giai đoạn mới, Chị em nữ tu Phaolô không còn làm chủ Cơ sở nơi mà biết bao công sức của Chị em các thế hệ trước đã gây dựng. Chị em sinh sống với đồng lương hằng tháng. Chị em thực sự sống khó nghèo, phó thác, vâng phục Thánh ý Chúa và tiếp tục phục vụ những người già yếu bệnh hoạn, trẻ mồ côi tàn tật.

Nhà nguyện bị hạn chế phần nào về sinh hoạt mục vụ nhưng Cha Arsène Nguyễn văn Long vẫn được tiếp tục làm mục vụ. Chị em nữ tu vừa phục vụ như những công nhân viên khác vừa cố gắng chăm lo đời sống đức tin cho các trại viên.

Với hoàn cảnh mới, vào tháng 01/1976 Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình có ủy quyền cho Cha Arsène Long ban Phép Thêm Sức cho các em tại Viện Dưỡng lão.

Đến năm 1983, Sở Thương Binh xã Hội yêu cầu Chị em bàn giao luôn ngôi nhà đang ở và thu dọn ra khỏi Nhà Nuôi Người già và tàn tật. Ngày 01/06/1983, một ngày lịch sử, chị em vô cùng xúc động phải rời bỏ nơi mà các Chị em đi trước đã khởi công xây dựng và tiếp nối nhau phục vụ hơn một thế kỷ qua.

Cha Arsène Long được ở lại tại ngôi nhà của các Cha Tuyên úy bên cạnh Nhà Nguyện và mặc dù điều kiện sinh hoạt cũng như phương tiện sinh sống khó khăn nhưng Cha đã kiên trì hiện diện để gìn giữ ngôi Nhà Nguyện cho đến năm 2007.

Trong thời gian này Cộng đoàn Nữ tu đang phục vụ tại Nhà Nuôi trẻ Mầm Non 6 đã cùng với Cha duy trì những sinh hoạt tôn giáo khi có thể như cử hành Thánh lễ vào ngày Chúa nhật hoặc các dịp Lễ lớn trong năm. Thỉnh thoảng Nhà Nguyện được tu bổ để tránh tình trạng xuống cấp ngày càng nhiều. Những lần tu bổ Nhà Nguyện là năm 1983 và 1998.

Nhà Nguyện được tu bổ và làm hàng rào năm 1998 Nhà ở của Cha Tuyên uý

Vào thời điểm 2003 đến 2007, nhà ở của Cha Tuyên úy xuống cấp trầm trọng, nền nhà bị ngập khi trời mưa, điện nước cũng không có nên Cha Long phải vào ở ngay trong Nhà Nguyện để giữ nhà thờ.

* Giai đoạn hồi sinh

Vào dịp Lễ Phục Sinh, tháng 04/2007, Cha Phêrô Vũ Minh Hùng được Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẩn và Cha Sở Thị Nghè giao nhiệm vụ sửa sang và bắt đầu những sinh hoạt Mục vụ cho Khu 5 của Giáo xứ Thị Nghè.

Nhà Nguyện được đổi tên là Nhà Thờ Thánh Martinô de Porres và chọn Ngài làm bổn mạng.

Sau hơn 3 tháng miệt mài sữa chữa, xây dựng lại bàn thờ và mua sắm bàn ghế cũng như vật dụng cần thiết để xứng đáng cho những sinh hoạt của một Nhà Thờ, ngày 29 / 08 / 2007 Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẩn và đông đảo Linh Mục trong Giáo hạt đã đến cử hành Thánh lễ Tạ ơn và Thánh Hiến Bàn thờ.

Khi có Cha Phêrô Hùng phụ trách Nhà Nguyện, Cha Arsène Long an lòng trở về Nhà Dòng tại Đan Viện Thiên Phước – Thủ Đức.

Sau niềm vui Nhà thờ được hoạt động và cử hành Phụng vụ thường xuyên, Nhà thờ Martinô còn là niềm vui lớn lao cho những người khuyết tật. Vào mỗi sáng Chúa nhật, sau Thánh lễ lúc 7g cũng như những dịp Lễ Tết, Cha Đặc trách Phêrô Vũ Minh Hùng luôn chuẩn bị bữa ăn sáng cho những anh chị em khuyết tật từ khắp nơi tựu về.

Các Lớp giáo lý cũng dần dần thành hình và sử dụng ngay khuôn viên chật hẹp của Nhà thờ để tổ chức các lớp cho thiếu nhi và các Anh chị em khuyết tật.

Nguồn : VietCatholic

Từ khóa » Giờ Lễ đền Thánh Martino Hố Nai 2021