Giờ Lễ Nhà Thờ Giáo Xứ Xuân Ninh (Móng Cái)
Có thể bạn quan tâm
SƠ LƯỢC LỊCH SỬ GIÁO XỨ XUÂN NINH
Theo lời kể lại của một số các vị trưởng thượng thuộc làng Xuân Ninh còn sống cũng như đã qua đời, thì vào khoảng năm 1900, các Ông Cố thuộc các dòng họ: Hoàng, Trịnh, Nguyễn, Lý, Vũ, Lê, Trần, Đoàn, Thạch, Vương, Đặng, v.v… đã từ khắp các miền xa xôi như Quảng Tây, Quảng Đông… bên Tàu và các vùng phụ cận giáp ranh với Việt Nam như: Lao Phù, Trúc Sơn, Giang Bình, An Lang… lần lượt di cư đến cư-ngụ và lập nghiệp tại một vùng đất lấy tên là Xuân-Ninh, tọa lạc nằm giữa các làng như: phía Tây có Vạn-Xuân, Bắc có Xan-Lan và Xan-Lạn, Đông có Trà Cổ và tiếp giáp với vùng đất kéo dài ra tới tận núi Ngọc, Nam có Ninh-Dương và Vạn-Ninh (Đồng-Chùa). Danh từ “Xuân-Ninh” có lẽ được ghép lại bởi hai chữ: “Xuân” là chữ cuối của làng Vạn-Xuân và “Ninh” là chữ đầu của làng Ninh-Dương (hai làng này liền ranh với làng Xuân-Ninh hiện tại).
Làng được thành lập gồm cả đạo lẫn đời. Căn cứ vào sổ Rửa Tội hiện còn lưu giữ tại Giáo-Xứ Xuân-Ninh, Cam-Ranh, Khánh-Hòa (Do Ông Trịnh-Văn-Phấn, là thân phụ của Tác-Giả; được Thầy già Hòa, Xứ Họ Xuân-Ninh, giao cho trách-nhiệm mang theo;cùng với các vật-dụng Thánh của Nhà-Thờ; trong đêm trốn chạy Việt-Minh 02-09-1954); thì bà Maria Nguyễn-Thị-Nữ, con ông Phêrô Nguyễn-Văn-Cung và bà Anna Để; là người đầu tiên được Rửa Tội vào ngày 1/3/1907 (Bà Nữ là mẹ của bà Nguyễn-Thị-Năm, hiền-thê của ông Nguyễn-Văn-Soạn, con ông-cố Nguyễn-Văn-Hoành, là thân-phụ của LM. Nguyễn-Hoàng-Tâm, Sáng-Lập-Viên và cũng là Bề-Trân Dòng Thánh-Thể Việt-Nam tại Biên-Hòa, Tỉnh Đồng-Nai. ( Bà con Xuân-Ninh thường gọi là Ông Cố Chẫn. Ông Nguyễn-Văn-Chẩn là Trưởng-Nam của Ông Cố Hoành và là bào-huynh Cha Nguyễn-Hoàng-Tâm). Như vậy, có lẽ giáo xứ Xuân Ninh được hình thành vào khoảng năm 1900 như đã nói ở trên. Nhưng khi đó chưa có Linh-Mục quản xứ, và là một họ lẻ thuộc giáo xứ Trà Cổ, địa phận Hải Phòng. Cha xứ Trà Cổ hàng tuần vào dâng Thánh Lễ và ban các bí tích. Mãi về sau, tòa Giám mục Hải Phòng mới bổ nhiệm hai linh mục thừa sai người Pháp tên Việt-Nam là Cha-Minh (bị kẻ gian giết hại); kế nhiệm là Cha Tế làm chánh Xứ và Xứ Xuân Ninh mới được chính thức thành lập và nhận Thánh Giuse làm Quan Thầy.
Cho đến khoảng năm 1924-1925, nhà thờ (ngày nay) mới được xây cất và khánh thành vào năm 1926. Theo lời các cụ kể lại: việc xây nhà thờ được dòng Giuse mà một giáo xứ nhận Thánh Giuse làm quan thầy ở bên Pháp tích cực giúp đỡ tài trợ; cùng với sự góp sức của một gia đình thiện chí cũng người Pháp và toàn thể giáo dân Xuân Ninh thời đó.
Ngôi thánh đường thật khang trang, nguy nga và lộng lẫy với những hàng cột gỗ lim to lớn, đen bóng láng, đứng trơ với thời gian. Với cái tháp chuông cao chót vót, sừng sững, trông rất đẹp và uy-nghi, được thiết kế hai quả chuông có đường kính 1m2 (do người Pháp biếu tặng). Vì thế, mỗi khi tiếng chuông nhà thờ đổ vào buổi ban mai, trưa hay chiều, thì tiếng ngân vang vẳng xa đến hai, ba chục cây số vẫn còn nghe thấy.
Trãi qua thời-gian, Nhà Thờ có phần hư hại vì phong ba, bão táp hàng năm, nhất là sau trận bão đêm 02/09/1954, một số các trụ tháp phụ đã bị gẫy đổ và hư hại. Sau này, bà con giáo dân còn lại tại miền Bắc đã bắt đầu tu bổ lại từng phần; nhất là tháp chuông, để làm di tích lịch sử cho các thế hệ con cháu sau này.
Việc tu bổ gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Tuy nhiên, với sự hưởng ứng nhiệt thành đóng góp của toàn thể giáo dân Xuân Ninh miền Bắc với sự trợ giúp của giáo dân Xuân Ninh tại Cam Ranh cũng như khắp nơi tại hải ngoại, như Úc-Châu, Mỹ-Châu và các nơi khác… Nhà-Thờ và tháp chuông đã được khởi công sửa chữa, tân-trang lại từ tháng 02/2001, đến nay đã hoàn tất. Nhưng phần bên trong vẫn còn đang tiếp tục tu bổ lại. Vị trùm chánh đương nhiệm là ông Nguyễn Văn Ninh, thay ông Hoàng Văn Du mới qua đời, và cha chính xứ là LM. J. Bùi Quang Cường. Với khoảng trên 300 giáo dân Xuân Ninh (gồm nhiều thế hệ con cháu) hiện đang sống tại quê nhà miền Bắc.
Nhìn lại khoảng 100 năm qua, các cụ kẻ khuất người còn, cùng với đoàn con cháu qua nhiều thế hệ, mặc dù ly tán khắp nơi, nhưng bất cứ ở đâu cũng vẫn tiếp tục ghi nhớ và mừng kính trọng thể ngày lễ Quan Thầy Thánh Giuse 19/03 hằng năm, để cảm tạ ơn Ngài, vì đã được Ngài bao bọc, chở che bình an mặc dù phải trải qua nhiều biến cố sóng gió lịch sử như:
Năm 1945, khi Đại chiến thứ II bùng nổ, quân đội Nhật đánh nhau với quân đội Pháp đồn trú tại các vùng phụ cận Xuân-Ninh. Bà con Xuân Ninh đã bồng bế nhau chạy qua Trà Cổ để tránh nạn bom đạn, chém giết. Mặc dù gặp nhiều gian nan, đói khổ; nhưng nhờ sự bảo trợ của Thánh Giuse, hầu hết đã được bình an vô sự; ngoại trừ một người chết là bà mẹ ông Trịnh-Văn-An, bị đạn bắn vào xương bạnh chè…và đã được gia-đình cải táng và an-táng tại nghiã-trang Xứ Họ ngoài Đền Thánh Vicenté; trên đồi Bến-Núi; trước khi di-cư vào Nam, năm 1954.
Khoảng tháng 9/1954, sau khi hiệp định Genever 20/07/1954 được ký kết, nước Việt Nam bị cắt chia làm hai phần. Bắc vĩ tuyến 17 thuộc cộng sản (khi đó còn gọi là Việt Minh). Nam vĩ tuyến 17 thuộc về bên Quốc Gia tự do. Bà con Xuân Ninh đã được cha xứ Trần Đức Mẫn (Cha Mai) thuộc dòng Đaminh, hướng dẫn di cư vào Nam và tạm cư tại Rạch Kiến thuộc Dầu Tiếng, Tây Ninh. Sau đó, phá rừng lập ấp tại Kiến An. Nơi đây, giáo dân Xuân Ninh lại dựng nên một ngôi Thánh Đường thật rộng lớn để thờ phượng. Nhưng thời gian cư ngụ chỉ được hơn một năm. Sau đó lại di dời ra Cam Ranh lập nghiệp kể từ tháng 06 năm 1956 đến nay; mang theo ngôi Giáo Đường với tất cả vật liệu.
Ngày nay ngôi Thánh Đường Xuân Ninh tại Cam Ranh cũng đã được xây cất lại và đã được Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Nha Trang đặt viên đá đầu tiên vào ngày 28/7/1992 và cũng chính Ngài cắt băng khánh thành vào ngày 20/5/1993. Ngôi Thánh Đường rất khang-trang và rộng lớn với chiều dài 46m, rộng 24m và tháp chuông cũng cao 24m với 3 quả chuông, tuy không to lắm, nhưng cũng đủ hiên ngang và khi chiều buông, chuông nhà thờ đổ làm rạo- rực lòng mọi người. Nhà xứ cũng đã được xây dựng lại rất khang trang và đẹp đẽ. Ngoài ra, giáo xứ còn xây thêm một căn nhà dưỡng lão dành cho cha cố Giuse Lê Quang Ngọc đã về hưu. Cha chính xứ kế nhiệm là LM. Phêrô Nguyễn Thời Bá và vị Chủ Tịch là ông Giuse Trịnh Văn Chương. (Hiện nay là LM. Và Chủ-Tịch Hội-Đồng Giáo-Xứ đương nhiệm là ông Giuse Hoàng-Văn-Cậy).
Trong biến cố đau thương 30/4/1975, miền Nam bị rơi vào tay cộng sản. Khắp nơi đổ nát và người chết như rạ, trên rừng, dưới biển… Nhưng nhờ ơn Thánh Giuse quan thầy, làng Xuân Ninh vẫn được bình an, không chết chóc một ai, ngoại trừ anh Nguyễn Văn Thía, lính Thủy quân Lục chiến và anh Lý Văn Thạo, lính nhảy dù bị mất tích.
Khoảng năm 1979-1980, anh Trịnh Văn Chưởng (con ông Trịnh Văn Chiêu và bà Mến, mẹ ông Nguyễn Văn Tru hiện cư ngụ tại Campbelltown, Úc Châu), là người Xuân Ninh đầu tiên vượt biển bằng thuyền buồm được bình an, mở ra một cao trào dùng thuyền buồm vượt biển những năm sau đó và hầu hết người Xuân Ninh đều đã đến được các trại tỵ nạn Đông Nam Á an bình, vô sự; ngoại trừ ghe ông Đặng-Văn-Mục, người Xuân-Ninh và ghe Ông Rớt, người xóm Sông-Cầu; trong đó có con Ông Trịnh-Văn-Ký, người Xuân-Ninh đi theo; bị mất tích. Ngoài ra còn có bà Hoàng-Thị-Lành (con ông Hoàng-Văn-Đỗ và là hiền thê của ông Quyển (hiện ở Melbourn, Australia) cũng bị mất tích. Còn lại tất cả “Người Xuân Ninh” đã được định cư tại khắp các quốc gia tự do trên thế giới như Úc, Mỹ, canada, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Na Uy, Nhật, Do Thái, v.v…
Anh Trần-Văn-Khánh (Khánh-Liên) là người Xuân Ninh đầu tiên đến Úc vào ngày 27/7/1979 và cư ngụ tại Adelaide. Sau đó, anh Khánh di chuyển lên Sydney vào tháng 7/1980. Năm sau, có thêm gia đình ông Hoàng-Văn-Chấp, đến Úc vào ngày 05/06/1981 và gia đình ông Trịnh-Văn-Xiết, đến Úc vào ngày 11/07/1981. Kể từ thời gian đó trở đi, người Xuân Ninh đến Úc ngày càng đông, và đã hợp thành gia đình Xuân Ninh Úc Châu, để nâng đỡ, chia sẻ với nhau những vui, buồn trong cuộc sống tha hương nơi xứ lạ, quê người. Gia Đình Xuân Ninh Úc Châu được chính thức thành lập và dâng thánh lễ tạ ơn đầu tiên vào khoảng năm 1985-1986 tại nhà thờ Berkley, Wollongong. Từ đó, hàng năm Gia Đình Xuân Ninh Úc Châu có hai dịp gặp mặt nhau vào dịp Tất Niên và mừng kính Thánh Quan Thầy Giuse vào thời gian 19-03 hằng năm, để tạ ơn Chúa, Mẹ và Thánh Cả.
Giáo xứ Xuân Ninh cũng đã đóng góp cho Giáo Hội Chúa:
- 7 vị linh mục. Đã về nhà Chúa 4, hiện còn 2 là LM. Phêrô Nguyễn Văn Tiến. Ngài là Chánh Xứ đầu tiên tại Abion Park, thuộc Giáo phận Wollongong, Úc Châu sau ngày thụ phong Linh Mục. Vị Linh Mục thứ 2 là Cha Phêrô Hoàng Minh Tân, thuộc dòng Augustinô tại Sydney, Úc Châu. Vị Linh Mục thứ 3 là tân Linh Mục Đa Minh Trịnh Đình Vũ..là cháu Nội của Ông Chính Trịnh ( Anh ruột của Trịnh Quế Lâm, và là Em ruột của Ông Trịnh Tiến-Đoàn); chịu chức vào ngày 28-05-192016.
- 2 thầy dòng Đaminh đã chết là Thầy Học (Là Bào Huynh Thầy Vinh) và Thầy Vinh (là bào đệ Thầy Học).
- 12 nữ tu; đã chết 2 là Siter Tê và Siter Công. còn 10; 7 tại Việt Nam, 2 tại Mỹ và 1 tại Úc là Sơ Bình, dòng Trinh Vương.
Trên đây chỉ mới là những nét đại-cương về sự hình thành Làng và Giáo Xứ Xuân-Ninh, trãi qua hơn một thế-kỷ (116 năm = 1900-2016). Tác Giả sẽ tiếp-tục sưu-tâm và bổ túc thêm những khiếm-khuyết sau này.
Nguồn: Joseph Duy-Tâm
Từ khóa » Nhà Thờ Xuân Ninh Móng Cái
-
Lược Sử Giáo Xứ Xuân Ninh - Giaoxugiaohovietnam
-
Giáo Phận Nha Trang Nhà Thờ Giáo Xứ Xuân Ninh
-
Móng Cái News - Ảnh Nhà Thờ Xuân Ninh Nhìn Từ Trên Cao. | Facebook
-
Nhà Thờ Xuân Ninh | 0378 766 093 | Móng Cái - Việt-Biz
-
Lịch Giờ Lễ Nhà Thờ Giáo Xứ Xuân Ninh Năm 2022
-
Nhà Thờ Xuân Ninh | Community & Government | Móng Cái
-
Nhà Thờ Xuân Ninh, Hải Xuân, Móng Cái, Quảng Ninh
-
Nhà Thờ Xuân Ninh Móng Cái - Wikimapia
-
Nhà Thờ Xuân Ninh Móng Cái Quảng Ninh - Свеча Иерусалима
-
Nhà Thờ Xuân Ninh 2.48 - Móng Cái - Locanfy
-
Nhà Thờ Giáo Xứ Xuân Ninh Cam Ranh - Nét đẹp Việt Nam
-
Lịch Sử Giáo Xứ Xuân Ninh
-
Hình ảnh Đức Giám Mục Giáo Phận Thăm Mục Vụ Các Xứ Họ Thuộc ...