Gió Trời Vẫn Bao La - Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Gió trời tự nhiên là những nhu cầu tối cần cho con người, nhất là ở thời điểm trái đất đang nóng lên từng giờ. Con người đã làm cho trái đất nóng lên thì sự ý thức hạ nhiệt trái đất phải là trách nhiệm của mỗi người. 

ĐBSCL không có núi cao che chắn, lại được biển bao bọc ba phía nên quanh năm gió mát. Ông lão Ngọc Sao ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng (Cần Thơ) đã quen nghề sông nước đó đây cho biết: “Mùa này, từ tháng Tư, gió nồm, gió nam từ biển Tây, Tây Nam bắt đầu thổi mạnh những tháng mưa; nhưng đến khoảng tháng Mười (âm lịch) gió chướng từ biển Đông thổi rao rao và mạnh những tháng giáp Tết đến hết tháng Hai, tháng Ba…”. Những tháng cuối năm, còn có gió bấc (gió bắc) mang hơi lạnh về làm cho không khí Xuân thêm dễ chịu.

Do điều kiện phong phú gió trời, gần đây đã có 2 tỉnh ĐBSCL là Bạc Liêu và Sóc Trăng đầu tư vào dự án năng lượng gió. Nhà máy này vận hành sẽ tạo được năng lượng sạch cho người dân trong vùng. Nhưng quan trọng hơn, nó khuyến khích những dự án thân thiện môi trường mà con người nên hướng tới. Thật ra, việc tận dụng thiên nhiên gần như bốn mùa có gió mát đã được người dân trong vùng chú ý. Trước đây, đất đai dư dả, người dân nông thôn trồng cây xanh chung quanh nhà; cất nhà chữ đinh, quay theo hướng gió chính hằng năm thổi về mà hứng lấy được không khí mát mẻ, trong lành gần như xuyên suốt.

Hiện nay, điều kiện đất hẹp người đông, việc cất nhà không theo ý muốn và cũng không được rộng rãi, nên không khí trong nhà có phần oi bức. Tuy nhiên, ở vùng ĐBSCL, người dân có thể tận dụng gió trời làm mát trong nhà. Trước đây, trên mái nhà, người ta thường gắn những “con cá gió”. Thực ra đó là con cá hô, một thiết bị được làm thủ công có hình con cá với miệng mở rộng để lấy gió tự nhiên. Gió hướng nào thì đuôi cá lái miệng về hướng ấy và gió thổi qua bụng cá xuống nhà. Rất dễ chịu. Ngày nay, còn thêm thiết bị có hình như “trái bí rợ” (bí ngô) với nhiều khe hở. Khi có sự đối lưu không khí, thiết bị sẽ quay tròn và chuyển gió xuống hoặc chuyển khí nóng thoát ra.

Ông Nguyễn Quốc Thông, giảng viên đại học, ngụ ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều cho biết: “Nhà tôi nhỏ, nhưng có cả 2 thiết bị con cá hô và trái bí để tận dụng gió trời. Có thể nói, hai thiết bị làm mát không khí trong nhà được vận hành theo hai hướng: “Con cá gió” lấy gió trời vào nhà nên tôi lắp đặt đường dẫn khí xuống vị trí thấp trong nhà để đẩy khí nóng lên trên. Còn “Trái bí quay” có tác dụng đưa khí nóng ra ngoài nên tôi đặt trên đỉnh nhà và tạo những khoảng không qua hệ thống cửa quanh nhà để có được đối lưu không khí cần cho thiết bị quay. Thiết bị này nếu chịu khó quan sát sẽ thấy chúng quay mạnh và đẩy khí nóng trong nhà thoát ra. Còn buổi sáng trời mát nên chúng ít quay hơn”.

Thiết bị lấy gió nói chung thân thiện với môi trường, hoàn toàn không tốn điện năng mà lại cho gió tự nhiên. Chúng mát hơn quạt máy đặt trong nhà là điều chắc chắn. Trong chừng mực, có thể nói còn ưu việt hơn máy điều hòa, vì không khí trong phòng gắn máy lạnh đôi khi tù túng, không được sự thông thoáng, trong lành tự nhiên. Ở thành phố, nội ô, trừ những nhà thấp bị những nhà cao che chắn chung quanh còn nói chung, nhiều nhà có vị trí gió thổi đều có thể gắn được thiết bị con cá gió. Riêng trái bí quay, nhà nào cũng có thể gắn được. Những cơ xưởng lớn, nhà kho rất cần hai loại thiết bị này.

PGS.TS. Dương Văn Chín: “Biến đổi khí hậu với các biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, chủ yếu là do các hoạt động kinh tế - xã hội của con người gây phát thải quá mức vào khí quyển các khí gây hiệu ứng nhà kính”.

Bà Huỳnh Sương, nguyên giám đốc Công ty Xây dựng Tây Đô cho biết: “Tôi làm nghề xây dựng gần 20 năm, gắn thiết bị trái bí cho nhiều gia đình và cơ xưởng. Cái khó là làm sao gắn nó không bị dột khi mưa gió. Tất nhiên, có một số nhà người ta ngại gắn vì còn sợ ăn trộm xuống nhà bằng con đường đó, nhưng không dễ. Còn ở cơ xưởng, do nhà cao nên có thể người ta không ngại điều này. Vả lại, một cơ xưởng người ta gắn cả chục cái nên không khí dưới nhà dễ chịu hơn dùng quạt máy rất nhiều. Còn một điều mà tôi nghĩ nó là sẽ tốn kém rất lớn lượng điện tiêu thụ, nếu không tận dụng thiết bị này để giải nhiệt”. Tất nhiên, việc sử dụng thiết bị này trong những lúc có thể, còn góp phần hạn chế được nhiệt năng thải ra trong không khí đang rất cần sự ý thức giải nhiệt từ mỗi con người và xã hội.

Nhiều nhà ở nông thôn, do chạy theo “xu hướng thời đại” đã gắn cửa kính khi làm nhà. Thật tiếc cho những chiếc “cửa lá sách” (cửa có những thanh mỏng lắp ngang, nghiêng, song song để tránh mưa, nhưng lấy được gió), vì chúng có khả năng thông gió. Những chiếc cửa lá sách góp phần làm giảm nhiệt lượng thời tiết trong nhà, tránh được nhiều thời điểm phải tiêu thụ điện năng vì phải sử dụng các thiết bị làm mát. Như vậy, thay vì góp phần hạ nhiệt thời tiết thì một số nhà vô tình lại góp phần nung nóng thêm lên. Hỏi ông Năm Thi, xã An Khánh, huyện Châu Thành (Bến Tre) về căn nhà tôn mà ông mới cất, sao lại chọn cửa kính. Ông cho biết: “Con cái nó cất cho mình, nó thấy thiên hạ gắn cửa kính, nó cũng bắt chước. Chớ tui thì rất ghét cái cửa này. Tối ngủ phải đóng cửa lại là chịu không nổi. Mà dùng quạt thì tốn điện, tui cũng không thích”.

Từ khóa » Gió Trời