Giới Thiệu Chung - Huyện Đông Hải - UBND Tỉnh Bạc Liêu

I. Vị trí địa lý:

Đông Hải nằm ở phía Nam của tỉnh Bạc Liêu; cách trung tâm tỉnh lỵ là thành phố Bạc Liêu 60 km, là huyện xa nhất tỉnh. Bắc giáp huyện Giá Rai; Tây giáp huyện Đầm Dơi và thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, ranh giới là sông Gành Hào; Đông giáp huyện Hoà Bình; Nam giáp biển Đông.

Về hành chánh, huyện bao gồm 11 xã, thị trấn là: thị trấn Gành Hào, xã Long Điền, Long Điền A, Long Điền Đông, Long Điền Tây, Điền Hải, An Trạch, An Trạch A, An Phúc, Định Thành, Định Thành A.

Huyện có diện tích lớn nhất tỉnh Bạc Liêu, địa hình bằng phẳng thấp trũng ở phía Tây, đất phèn, nhiễm mặn. Quốc lộ 1A chạy cắt ngang huyện. Sông Gành Hào, kênh Cà Mau - Bạc Liêu là những tuyến giao thông thủy quan trọng của huyện. Huyện có 23 km bờ biển với 2 cửa sông lớn: cửa Cống Cái Cùng, cửa Gành Hào, có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch và kinh tế biển, đặc biệt là nghề làm muối và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay, Đông Hải vẫn là huyện nghèo, phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.

II. Lịch sử hình thành:

Huyện Đông Hải được thành lập theo Nghị định số 98/2001/NĐ-CP ngày 24/12/2001 của Chính phủ Việt Nam, trên cơ sở chia tách huyện Giá Rai thành hai huyện Đông Hải và Giá Rai. Lúc mới chia tách, huyện Đông Hải có 52.786,36 ha diện tích tự nhiên và 123.440 nhân khẩu, gồm 8 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã: An Trạch, An Phúc, Định Thành, Long Điền, Long Điền Tây, Long Điền Đông, Long Điền Đông A và thị trấn Gành Hào.

Ngày 24/12/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 166/2003/NĐ-CP, về việc thành lập xã, phường thuộc các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai, Đông Hải và thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, chia tách xã Định Thành thành 02 xã: Định Thành và Định Thành A.

Ngày 01/8/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2008/NĐ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc huyện Đông Hải, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, chia tách xã An Trạch thành 02 xã: An Trạch và An Trạch A; chia tách xã Long Điền Tây thành 02 xã: Điền Hải và Long Điền Tây.

Như vậy, đến nay huyện Đông Hải có 57.008,74 ha diện tích tự nhiên và 145.434 nhân khẩu, mật độ 255 người/km2, có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: thị trấn Gành Hào và các xã: Long Điền, Long Điền Đông, Long Điền Đông A, Long Điền Tây, Điền Hải, An Phúc, An Trạch, An Trạch A, Định Thành và Định Thành A. Trong đó, xã có diện tích tự nhiên lớn nhất là xã Long Điền, xã có diện tích nhỏ nhất là xã Định Thành A.

III. Kinh tế:

Cơ cấu kinh tế của huyện là Nông – lâm – ngư nghiệp: 62%, Công nghiệp và xây dựng: 16%, Thương mại - Dịch vụ: 22%, tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân hằng năm tăng trên 10%.

Đông Hải là huyện có chiều dài bờ biển lớn nhất tỉnh Bạc Liêu, kinh tế của huyện cũng chủ yếu dựa vào biển. Người dân Đông Hải có truyền thống làm muối và nuôi trồng, khai thác thủy sản. Năm 2011, toàn huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu có 573 phương tiện khai thác thủy hải sản, trong đó 232 chiếc đủ khả năng đánh bắt xa bờ, với sản lượng hàng năm trung bình trên 40.000 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện 38.457 ha, chiếm 67,5% diện tích tự nhiên. Với sản lượng trung bình hằng năm trên 40.000 tấn.

Đông Hải là huyện sản xuất muối lớn nhất tỉnh Bạc Liêu, là nơi cung cấp muối nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất trong và ngoài tỉnh. Toàn huyện có hơn 2.188 ha diện tích sản xuất muối, chiếm 3,8% diện tích tự nhiên. Tổng diện tích rừng trong toàn huyện là 2.308 ha, chiếm 4,1% diện tích tự nhiên. Rừng Đông Hải ít có giá trị về khai thác gỗ song có vai trò quan trọng là chức năng phòng hộ vì đây là rừng ven biển, ở vùng biển bị xói lở, chắn sóng... và bảo vệ môi trường sinh thái, có vai trò trong kết hợp nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài thế mạnh là khai thác và nuôi trồng thủy sản, huyện có khu vực trồng lúa tập trung tại 02 xã Long Điền Đông và Long Điền Đông A, với diện tích 948 ha.

Về thương mại – dịch vụ: Toàn huyện hiện có 4.086 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ; 11 hợp tác xã với 1.933 xã viên, tổng vốn điều lệ khoảng 3,6 tỷ đồng với các ngành nghề kinh doanh chủ yếu: nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ...

Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: có 1.291 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề chính như: sản xuất nước đá, sửa chữa cơ khí, chế biến các mặt hàng thủy sản, chế biến lương thực - thực phẩm, sản xuất muối, gia công cơ khí, hầu hết các cơ sở này sản xuất kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên về quy mô và mức độ đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chủ yếu là gia công và chế biến thô sơ, chưa có nền công nghiệp hiện đại.

IV. Văn hóa – Xã hội:

Đông Hải là huyện nghèo, mới thành lập, cơ sở hạ tầng chưa thật sự đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn năm 2011 là 25,08%, hộ cận nghèo 7,74%. Tuy nhiên được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, đến nay, huyện đã cơ bản xóa được nhà ở tạm bợ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, chất lượng giáo dục, y tế có những chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt 97,3%. Xây dựng đường giao thông ấp liền lấp 84/84 đạt 100%, 10/11 xã, thị trấn có đường ôtô đến trung tâm; có 52 điểm trường với tất cả các cấp học (có 03 trường THCS đạt chuẩn quốc gia), 100% phòng học đều được đầu tư xây dựng cơ bản và bán cơ bản, hàng năm vận động trẻ em trong độ tuổi lớp 1 đến trường đạt 99%; có 8/11 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, chiếm tỷ lệ 73%; có 27.032 hộ gia đình văn hoá, chiếm 84,3%, 68/84 ấp văn hoá đạt 81%.

Huyện Đông Hải có 03 thành phần dân tộc chính là Kinh chiếm tỷ lệ 97,28%, dân tộc Khmer chiếm 2,55%, dân tộc Hoa 0,15%. Do đó, hằng năm luôn có nhiều Lễ hội gắn liến với đời sống tâm linh của các dân tộc, tôn giáo như Lễ hội Kỳ yên ở Đình thần Long Điền, xã Long Điền và Đình Nguyễn Trung Trực, xã An Trạch A. Đặc biệt, do là vùng đất ven biển, hằng năm tại cửa biển Gành Hào, cư dân biển đều tổ chức Lễ hội Nghinh Ông với nhiều hoạt động sôi nổi như: tổ chức cho hàng trăm tàu tuyền đánh bắt hải sản đồng loạt diễu hành ra biển; lễ thỉnh Ông Nam Hải; thả tôm giống ra biển; Hội chợ thương mại....cùng nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ, các trò chơi dân gian, giao lưu ẩm thực. Ngoài giỗ tổ truyền thống của ngư dân còn là dịp để Đông Hải, Bạc Liêu quảng bá hình ảnh, giới thiệu phong tục, tập quán của ngư dân miền biển đến người dân trong và ngoài nước, khách du lịch phương xa.

Từ khóa » Thị Trấn Gành Hào Huyện đông Hải Bạc Liêu