Giới Thiệu Chung - Trang Thông Tin điện Tử Đảng Bộ Huyện Đạ Huoai

1. Điều kiện tự nhiên

1.1 Vị trí địa lý

Huyện Đạ Huoai nằm về phía Tây - Nam tỉnh Lâm Đồng, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Đà Lạt 155 km về phía Đông - Bắc, ranh giới hành chính của huyện như sau:

  • Phía Bắc giáp huyện Đạ Tẻh và Bảo Lâm.
  • Phía Nam giáp huyện Đức Linh tỉnh Bình Thuận.
  • Phía Đông giáp thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
  • Phía Tây giáp huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai.

Toàn huyện có 8 xã và 2 thị trấn gồm: Thị trấn Mađaguôi, thị trấn Đạ Mri, các xã Mađaguôi, Đạ Mri, Hà Lâm, Đạ Tồn, Đạ Oai, Đạ P’loa, Đoàn Kết và Phước Lộc. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 49.528,94 ha, tổng dân số là 34.289 người. Mật độ dân số trung bình là 69,23 người/km2, xếp thứ 10 so với 12 huyện của tỉnh Lâm Đồng.

Huyện Đạ Huoai nằm dọc quốc lộ 20, là trục giao thông huyết mạch của tỉnh Lâm Đồng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đường huyện Đạ Mri - Đoàn Kết nối với tỉnh lộ 721 đi Bình Thuận và tỉnh lộ 721 nối với các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên tạo điều kiện thuận lợi để trở thành đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội với các huyện trong tỉnh, khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

1.2. Địa hình,địa mạo

Huyện Đạ Huoai có độ cao trung bình 300 m, địa hình thấp dần từ phía tây bắc xuống giáp sông Đồng Nai, bị chia cắt bởi đồi núi cao huyện Di Linh - Bảo Lộc kéo xuống, đồng thời cũng tạo ra bậc thềm bằng phẳng. Địa hình bằng phẳng chủ yếu do bồi tụ phù sa của sông. Đây là địa hình mang tính chất chuyển tiếp giữa dạng địa hình vùng cao nguyên và địa hình vùng đồng bằng.

Do địa hình phức tạp, độ dốc lớn, nhiều đứt gãy sông, suối, vực sâu gây nhiều khó khăn tốn kém trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông và cũng hạn chế giao lưu phát triển kinh tế, chi phí xây dựng lớn.

1.3. Khí hậu

Đạ Huoai nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, phân ra hai mùa rõ rệt mùa mưa và mùa khô. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 kết thúc vào tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Do ảnh hưởng của địa hình phức tạp, núi đồi xen kẽ đặc biệt là bị ngăn cách bởi đèo Chuối - Hà Lâm nên chế độ khí hậy của huyện chia làm 2 vùng. Vùng phí Bắc có khí hậu cao nguyên gần giống kiểu khí hậu Bảo Lộc ôn hòa mát mẻ, lượng mưa lớn, phân bố tương đối đều.Vùng phía Nam chịu ảnh hưởng khí hậu của miền Đông Nam Bộ có nhiệt độ cao, mùa mưa đến sớm và cũng kết thúc sớm. Đặc trưng khí hậu thời tiết của huyện như sau:

Nhiệt độ:

- Phía Bắc huyện có địa hình cao, nhiệt động trung bình là 24 độ C

  • Thấp nhất tuyệt đối: 15-17 độ C (tháng 1)
  • Cao nhất tuyệt đối: 29-30 độ C (tháng 12)
  • Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm giao động từ 5-7 độ C.

- Phía Nam huyện có địa hình thấp hơn, nhiệt độ bình quân hàng năm là 27 độ C.

  • Thấp nhất tuyệt đối: 20 độ C (tháng 1)
  • Cao nhất tuyệt đối: 31 độ C (tháng 12)
  • Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm giao động từ 3-5 độ C

Lượng mưa:

Lượng mưa trung bình hàng năm giao động từ 1.800mm đến 2.800mm, phân bố không đều trong năm. Mưa tập trung chủ yếu từ cuối tháng 4 đến tháng 10 trong năm, chiếm tới 95% tổng lượng mưa. Các tháng còn lại mưa rất ít có tháng hầu như không có mưa (tháng 1 – 3). Lượng mưa lớn nhưng không đều, mùa mưa dư thừa nước, mùa khô thì hạn hán nên ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng - phát triển của cây trồng, vật nuôi cũng như đời sống của nhân dân.

Số giờ nắng:

Trung bình từ 6,0-7,0 giờ/ngày. Năng lượng bức xạ tổng cộng lớn: trung bình từ 150-160 kcal/cm2 năm.

Độ ẩm không khí, lượng bốc hơi:

Độ ẩm không khí trung bình năm là 78%, thấp nhất là ở các tháng 1, 2 độ ẩm chỉ đạt khoảng 60%; tháng 7 có độ ẩm cao nhất với 90-95%. Lượng bốc hơi trung bình cả năm là 1.255mm, chiếm 55-60% lượng mưa, tháng 2 có lượng bốc hơi cao nhất (130mm) và tháng 7 có lượng bốc hơi thấp nhất (88mm).

Gió, bão:

Hàng năm có 2 hướng gió chính là gió mùa Đông Bắc xuất hiện từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau và gió mùa Tây Nam xuất hiện từ 5 đến tháng 11 trong năm, vận tốc gió lớn nhất đạt 15-18m/s. Ngoài ra vào các tháng mùa mưa thường có dông kèm theo gió lốc. Huyện Đạ Huoai ít khi có bão, tần suất xuất hiện các cơn bão rất thấp khoảng 1%, đây là điều kiện rất lý tưởng đối với việc trồng cây lâu năm, tốc độ gió trung bình khoảng 2 – 3m/s, phù hợp với yêu cầu sinh trưởng ra hoa và đậu quả của các loại cây trồng hiện có trong vùng, đặc biệt là điều và cây ăn quả.

2. Lịch sử hình thành huyện Đạ Huoai

Địa bàn huyện Đạ Huoai ngày nay trước đây là vùng đất hoang vu, chỉ có một số ít đồng bào dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên sinh sống, trong đó chủ yếu là người Cơ Ho và Châu Mạ giàu truyền thống đoàn kết gắn bó chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đạ Huoai là vùng đất thuộc quận B’ Lao, tỉnh Đồng Nai Thượng. Năm 1950 hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng được sát nhập thành tỉnh Lâm Đồng, Đạ Huoai lúc này thuộc quận B’ Lao, tỉnh Lâm Đồng.

Trước năm 1975 vùng đất Đạ Huoai hiện nay chỉ có 3 xã: Bà Gia, Phước Lạc và Mađaguôi. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước vùng đất Đạ Huoai thuộc huyện Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng, gồm 4 xã: Lộc Phước, Lộc Thọ, Lộc Phú, Lộc Trung.

Ngày 14 tháng 3 năm 1979 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 116-CP chia huyện Bảo Lộc thành 2 huyện Bảo Lộc và Đạ Huoai. Huyện Đạ Huoai gồm có các xã: Mađaguôi, Đạ Oai, Đạ M’ri, Đạ P’Loa, Đạ Tẻh, Đạ Kộ, Đạ Lây; thị trấn Mađaguôi, thị trấn Nông trường Đạ Tẻh và thị trấn Nông trường Đạ M’ri.

Ngày 06 tháng 6 năm 1986 Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 68/HĐBT chia huyện Đạ Huoai cũ thành 3 huyện lấy tên huyện Đạ Huoai, huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên như ngày nay. Huyện Đạ Huoai lúc này có 9 đơn vị hành chính, gồm các xã Mađaguôi, Đạ Oai, Đạ Tồn, Hà Lâm, Đạ M’ri, Đạ P’Loa, Đoàn Kết; thị trấn Mađaguôi, thị trấn Đạ M’ri. Tuy nhiên trên thực tế đến năm 1996, xã Đoàn Kết mới được tách ra từ xã Đạ P’loa.

Ngày 21/12/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2002/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính thành lập xã Phước Lộc thuộc huyện Đạ Huoai trên cơ sở 7.766 ha diện tích tự nhiên và 3.008 nhân khẩu của xã Hà Lâm. Từ đó đến nay, huyện Đạ Huoai giữ ổn định địa giới hành chính với 8 xã và 2 thị trấn.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã đoàn kết một lòng, bền bỉ đấu tranh, xây dựng căn cứ vững chắc nằm sâu trong lòng địch; tạo lập được hành lang an toàn, thông suốt nối liền giữa khu VI và các tỉnh duyên hải miền Trung; cung cấp nhiều lương thực, thực phẩm cho lực lượng cách mạng; tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch. Khi thời cơ đến nhân dân huyện nhà đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực giải phóng quê hương (ngày 27/3/1975), góp phần vào việc hoàn thành quá trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

3. Dân tộc - Dân cư

Đạ Huoai là huyện nằm ở phía Nam tỉnh Lâm Đồng, được thành lập từ tháng 6/1986. Địa hình thuộc vùng đồi núi, có độ cao trung bình hơn 500m, diện tích tự nhiên 49.529 ha, dân số trên 35.200 người; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có gần 7400 người chiếm hơn 20% dân số, gồm 16 dân tộc anh em cùng sinh sống đan xen, Đạ Huoai là nơi cư trú lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số Mạ, K’Ho (là dân tộc bản địa gốc tây nguyên); đồng bào dân tộc Mạ có 4.137 người chiếm 53,78%; dân tộc K’Ho có 2.202 người chiếm 28,62%; dân tộc Mường 727 người chiếm 9,45%; dân tộc Nùng 257 người chiếm 3,34%; các dân tộc Tày, Hoa, Chứt, Vân Kiều, Dao, Chơ ro, Sán Chay, Thái, Khơ me chiếm 6%.... các dân tộc thiểu số được phân bố sinh sống ở 8 xã, 2 thị trấn với 61 thôn, tổ dân phố.

Huyện hiện có 03 xã thuộc vùng sâu có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống.

4. Cơ sở hạ tầng

4.1. Giao thông

- Quốc lộ: Trên địa bàn có tuyến quốc lộ 20 là tuyến đường trục chính quan trong, nối huyện Đạ Huoai với các trung tâm huyện lỵ, thị trấn khác trong và ngoài tỉnh. Chiều dài đoạn chạy qua địa phận huyện 28,59 km, chạy xuyên suốt qua huyện theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, qua thị trấn Mađaguôi, xã Hà Lâm, thị trấn Đạ M’ri, toàn tuyến rải nhựa đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi, quy mô đường rộng 12 m với 2 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp; một số đoạn qua khu dân cư tập trung được gia cố thêm phần lề mặt đường đạt hơn 14 m; cầu cống đạt tải trọng H30-XB80, tuyến đường này hiện nay đã hoàn thành việc nâng cấp, đưa vào sử dụng.

- Tỉnh lộ: Trên địa bàn huyện có đường tỉnh 721 chạy qua với tổng chiều dài toàn tuyến là 22,7 km, gồm có 2 đoạn:

+ Đoạn 1 bắt đầu từ thị trấn Mađaguôi, chạy qua xã Mađaguôi, xã Đạ Oai vào huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên. Đoạn chạy qua huyện 12,2 km, hiện trạng đường trải nhựa, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, đoạn qua trung tâm thị trấn Ma đa guôi được phân thành 2 làn có giải phân cách cứng là bồn hoa.

+ Đoạn 2 (là tuyến đường B’sa – Đoàn Kết (ĐH 1 cũ): dài 10,5 km, từ Km94+800 của quốc lộ 20 đến giáp ranh tỉnh Bình Thuận (nối với đường tỉnh ĐT.713 tỉnh Bình Thuận), hiện trạng toàn tuyến là đường nhựa đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi, nền rộng 7,5 m mặt đường rộng 5,5 m, chất lượng đường tốt, cầu cống đạt tải trọng H30-XB80.

- Đường đô thị: Hệ thống đường đô thị gồm các tuyến đường thuộc 2 thị trấn Ma đa guôi và Đạ M’ri, trong đó thị trấn Ma đa guôi có 51 tuyến, cụm tuyến (kể cả đường hẻm) với tổng chiều dài là 37,1 km, trong đó có trên 64% là đường nhựa, bê tông hóa còn lại là đường đất, hiện tại các tuyến đường trong nội thị thị trấn Ma đa guôi đã được đặt tên. Đối với thị trấn Đạ M’ri, hiện có 25 tuyến, cụm tuyến (kể cả đường hẻm) với tổng chiều dài 20,9 km, trong đó có 71% là đường nhựa, bê tông xi măng, còn lại là đường đất. Nhìn chung hệ thống đường nội thị cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tuy nhiên trong giai đoạn quy hoạch để đảm bảo cảnh quan đô thị, cũng như tạo quỹ đất cho phát triển cần thiết phải quy hoạch điều chỉnh lại một số tuyến theo quy hoạch xây dựng thị trấn Ma đa guôi và thị trấn Đạ M’ri đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Hệ thống đường huyện, liên xã: Gồm 06 tuyến với tổng chiều dài 55,59 km. Đây là các trục giao thông chính nối trung tâm huyện đến các xã, do đó ngày càng được đầu tư nâng cấp, đi lại tương đối tốt, hiện trạng các tuyến là đường nhựa đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi.

- Đường nông thôn: Tổng số có 115 tuyến với tổng chiều dài 135,34 km, trong đó có 84,25 km đường được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng đạt chuẩn giao thông nông thôn mới, chiếm 62,3%.

- Bến xe: Trược đây huyện Đạ Huoai có 01 bến xe trung tâm huyện gần chợ TT Ma đa guôi, sau khi xây dựng chợ mới không bố trí bến xe ở khu vực này, hiện tại huyện đang quy hoạch bến xe gần khu vưc điểm dừng chân của công ty Thành Bưới (tổ dân phố 10). Ngoài ra trên địa bàn có 01 bến xe, điểm dừng chân của công ty vận tải Phương Trang tại khu vực Suối Tiên – TT Ma đa guôi và các điểm dừng chân kết hợp với phát triển du lịch trên tuyến quốc lộ 20 tại TT Ma đa guôi và TT Đạ M’ri còn có.

4.2. Thuỷ lợi

Các công trình thuỷ lợi trên huyện Đạ Huoai gồm có 05 hồ chứa là hồ Đạ Li Ông, hồ khu phố 4 - TT Ma đa guôi, hồ Đạ Nar - xã Đạ Oai; hồ Đạ Đăk - xã Phước Lộc và hồ Đạ Kon Boss - xã Đạ P’loa; 02 đập dâng là đập dâng đập dâng Mađaguôi - xã Ma đa guôi và đập dâng Pu đa ga - xã Đoàn Kết và 01 trạm bơm là trạm bơm Đạ Gùi - xã Đạ Oai, tổng diện tích thiết kế tưới cho khoảng 1.196 ha và cấp nước cho 200 hộ dân trên địa bàn. Ngoài hệ thống thuỷ lợi nêu trên, trên địa bàn còn có một số công trình nhỏ (đập dâng, giếng đào, giếng khoan) do nhân dân tự xây dựng tưới cho khoảng 1.600 ha cây trồng các loại. So với số công trình thủy lợi theo quy hoạch tổng thể được phê duyệt (QĐ 621/QĐ-UBND ngày 18/3/2010), đến nay đã thực hiện được 4 công trình/15 công trình.

Hệ thống kênh mương có tổng chiều dài khoảng trên 30 km, tỷ lệ kênh được bê tông hóa đạt 70%; đến nay có 5/8 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về thủy lợi.

4.3. Điện

- Đạ Huoai được cấp điện từ hệ thống mạng lưới điện của công trình thuỷ điện Đa Nhim, Hàm Thuận - Đa Mi, Đạm B’ri (hòa lưới điện quốc gia năm 2014) thông qua trạm 220 kV Bảo Lộc công suất (125 + 63) MVA theo tuyến 471 trạm 110/220 kV Bảo Lộc, phân phối phụ tải cho khu vực thị xã Bảo Lộc, các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Hiện tại trên địa bàn được cấp điện từ 2 trạm là trạm trung thế 35/220kV đặt tại thị trấn Mađaguôi và trạm 110/220 kV Đạ Tẻh cung cấp điện cho toàn huyện, bao gồm các tuyến như sau:

- Tuyến 472: Cấp điện cho thị trấn Mađaguôi, xã Ma đa guôi, xã Đạ Tồn và xã Đạ Oai. Đoạn đầu dùng dây 3xAC70 + AC50 dài 13,3 km; đoạn còn lại dùng dây 3xAC120 + AC70 dài 0,73km.

- Tuyến 476: Cấp điện cho thị trấn Ma đa guôi, xã Hà Lâm, Phước Lộc, thị trấn Đạ MRi, xã Đạ Mri, Đạ P’loa, Đoàn Kết và liên kết với lưới điện Bình Thuận. Đoàn đầu dùng dây 3xAC70 + AC50 dài 8,9 km; đoạn còn lại dùng dây 3xAC95 + AC50 dài 9,34km.

- Tuyến 474: Cấp điện cho huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai.

Tính đến cuối năm 2016, toàn huyện có 99,5% số hộ dùng điện, việc phủ lưới điện trên khắp địa bàn huyện đã tạo điều kiện nâng cao đời sống của người dân địa phương, nhiều hộ đã sử dụng điện để phục vụ sản xuất như bơm tưới vườn, chế biến nông lâm sản,...

4.4. Nước sạch nông thôn

Nước sinh hoạt trên địa bàn được cấp từ các nguồn là nước sông, suối, nước giếng (khoan, đào), nước mưa (lu, bể chứa), nước máy (cấp nước tập trung). Thực trạng cấp nước trên địa bàn như sau:

- Đối với thị trấn Ma đa guôi: Được cấp nước từ nhà máy nước Đạ Huoai có công suất 1.500 m3/ngày đêm cấp nước cung cấp nước sinh hoạt cho 12 tổ dân phố trên địa bàn và khu vực xã Ma đa guôi, trong đó có 89% số hộ sử dụng nước máy từ nhà máy nước, số hộ còn lại sử dụng nước giếng và các nguồn khác.

- Đối với thị trấn Đạ M’ri: Được cấp nước từ nhà máy nước Đạ M’ri xây dựng năm 2011 với tổng vốn đầu tư trên 14,3 tỷ đồng, công suất 1.000 m3/ngày đêm cấp phục vụ hơn 570 hộ dân

- Đối với khu vực nông thôn: Hiện tại trên địa bàn có 13 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn phục vụ cho hàng ngàn hộ dân; trong đó, có 6 công trình nước tự chảy và 7 công trình giếng khoan, giếng khơi. Riêng, tại 3 xã nghèo Đạ P’Loa, Đoàn Kết và Phước Lộc được đầu tư xây dựng 4 công trình nước tự chảy cấp nước cho khoảng trên 2.000 hộ vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc tại chỗ. Ngoài ra các hộ dân còn khai thác nước giếng để sinh hoạt và tưới cây. Đến nay tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn đạt 95% (đạt chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2015).

4.5. Bưu chính - viễn thông

Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu công tác quản lý và nhu cầu thông tin của nhân dân. Toàn huyện hiện có 1 bưu điện huyện và 1 bưu cục tại TT Đạ M’ri; 7/8 xã có bưu điện văn hóa. 100% xã thị trấn đã hòa mạng điện thoại di động. Thông qua hệ thống điện thoại hữu tuyến mạng lưới internets cũng được cung cấp đến tận xã; tính đến năm 2015, toàn huyện có 2.244 thuê bao internets. Hệ thống truyền hình đã được phủ sóng trên toàn địa bàn, đồng một số khu vực đã có truyền hình số mặt đất và truyền hình cáp. Hệ thống truyền thanh không dây đã được lắp đặt 100% số xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

4.6. Hệ thống các cơ sở dịch vụ thương mại:

Hạ tầng thương mại trên địa bàn bước đầu đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên còn thiếu và chưa thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu của địa phương. Theo kết quả điều tra cho thấy, đến cuối năm 2015 toàn huyện có 03 chợ các loại trong đó có 02 chợ hoạt động (chợ Đạ P’loa không hoạt động) gồm: có 01 chợ hạng II là chợ thị trấn Ma đa guôi (đưa vào sử dụng năm 2011), 01 chợ hạng 3 là chợ thị trấn Đạ M’ri dự kiến sẽ xây dựng.

Hiện nay, trên địa bàn chưa có các trung tâm thương mại, siêu thị, mà chỉ có các cửa hàng thương mại của doanh nghiệp, hộ kinh doanh được hình thành, phát triển và chủ yếu tập trung ở dọc các tuyến đường chính (quốc lộ 20 và tỉnh lộ 721), trung tâm huyện. Nhìn chung, mạng lưới bán lẻ trên địa bàn vẫn phổ biến là loại hình bán lẻ truyền thống; Các loại hình bán lẻ hiện đại chưa xuất hiện hoặc có thì quy mô nhỏ và trình độ kinh doanh còn thấp.

Hệ thống các cửa hàng xăng dầu gồm có 11 cửa hàng, được phân bố ở các tuyến đường trục chính, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Từ khóa » Thị Trấn Madagui đạ Huoai Lâm đồng