Giới Thiệu Chung Về ẩm Thực Cà Mau.

Ốc len xào dừa Ảnh: Thanh Dũng

Cà Mau – vùng đất Phương Nam không chỉ giàu có, trù phú về rừng và biển, mà nơi đây còn được mệnh danh là vùng đất có “Cá bạc, tôm vàng”. Chính sự phong phú về động thực vật trên rừng, dưới biển đã góp phần tạo nên những món ăn ngon, dân dã, mang đậm hương vị quê hương.

Các thức ăn thời kỳ khẩn hoang mang cái hồn quê mộc mạc của người nông dân. Trong ẩm thực hàng ngày, người Cà Mau thường có một câu nói cửa miệng “Nhất nướng, nhì chiên, tam xào, tứ luộc”. Chúng ta dễ dàng nghe nhắc đến câu nói này ở khắp vùng sông nước Cà Mau, bởi lẽ trong bữa ăn hàng ngày của người Cà Mau thông thường chỉ là các món: canh, kho, luộc, xào, chiên, nướng. Sau khi ăn và cảm nhận hương vị, nhiều người có cùng ý kiến và cho rằng những món “nướng, chiên, xào, luộc” là những món ngon được xếp hàng đầu.

Cua gạch luộc Ảnh: Thanh Dũng

Ngày xưa, các món ăn hàng ngày của người Cà Mau, nhất là vùng nông thôn được chế biến rất đơn giản, không cầu kỳ, tỷ mỷ, công phu trong cách trang trí nhưng lại rất hấp dẫn bởi nguyên liệu tươi sống, hương vị quyến rũ, cách chế biến theo kiểu truyền thống qua bàn tay khéo léo, giỏi giang của các bà nội trợ.

Cùng với thời gian, nếp sống sinh hoạt ăn uống của người Cà Mau cũng dần dần thay đổi. Tuy các sản vật trong đời sống hàng ngày vẫn vậy nhưng cách chế biến đã khác, ngày càng cầu kỳ hơn, phong phú hơn, hấp dẫn, lạ lẫm hơn. Trong các món ăn, người ta còn chú trọng đến gia vị, màu sắc và sự cân bằng giữa mát – lạnh, ấm – nóng, chưa nói là trong ăn uống còn có tính chất cộng cảm, trọng tình, trọng thị.

Những món ăn tiêu biểu trong những dịp lễ, Tết, ma chay, cưới xin và khi nhà có khách thể hiện nét bình dị, cởi mở, khoáng đạt. Lễ nghi, cơ cấu bữa ăn, kỹ thuật nấu nướng, sắp đặt, bày trí mâm cơm cho thẩm mỹ cũng được người dân coi trọng và nâng dần lên thành chuẩn mực trong nghệ thuật ẩm thực Cà Mau.

Là vùng đất có sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, có rừng, có biển, sông, ao, đìa nên Cà Mau có nhiều loại động thực vật nước mặn, nước ngọt và nước lợ, có cả những loài sống trên trời, dưới đất và dưới nước, như: cá lóc, cá trê, cá rô, cá dứa, cá nâu, cá kèo, tôm, cua, ghẹ, sò huyết, hàu, nghêu, vọp, rùa, rắn, le le, dơi, chim, chuột...và thậm chí người ta còn ăn cả một số loài côn trùng như: đuông chà là, nhộng ong, dế, sâm đất…Hầu như loại nào cũng có thể chế biến thành thức ăn ngon. Ngoài những loại tươi sống, ở Cà Mau còn nổi tiếng với các loại dưa, mắm như: mắm lóc, mắm tép, dưa bồn bồn, ba khía muối, cá khô, tôm khô…

Chuối khô Ảnh: Thanh Dũng

Ngoài ra, nhiều loại cây cỏ là thức ăn dân dã “trời cho” cũng có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon, lạ miệng; trong đó, bông hoa là phần cốt lõi, tinh túy từ cây cỏ cũng là thực phẩm. Thực phẩm bông hoa là “đặc sản” của vùng sông nước Cà Mau, như: bắp chuối, bông điên điển, bông súng, bông lục bình, đọt choại…

Ngày nay, nhìn vào những quyển thực đơn tại các nhà hàng, quán ăn gia đình, thực khách dễ dàng bắt gặp cụm từ “Đặc sản Cà Mau” và các món ăn như: cá lóc nướng trui, ba khía muối, cá rô chiên xù, gỏi ong non, ốc len xào dừa, tôm nướng, nghêu hấp gừng, hàu nướng mở hành, lẩu mắm, lẩu cá thòi lòi nấu mẻ…đến các món: bồn bồn xào vọp, đọt choại luộc, rắn bông súng xào rau ngổ…là những món ăn quen thuộc mà du khách nào khi đến Cà Mau cũng có thể thưởng thức qua ở các điểm du lịch Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Hòn Đá Bạc hoặc các quán ăn gia đình trên địa bàn thành phố Cà Mau.

Từ khóa » Con Bắp Chuối Cà Mau