Giới Thiệu Giống, Kỹ Thuật Trồng Ngô Sinh Khối
Có thể bạn quan tâm
Ngoài các giống chọn định hướng nêu trên thì nhiều giống ngô lấy hạt khác của Viện cũng có tiềm năng năng suất sinh khối cao, chất lượng tốt, có thể sử dụng làm giống ngô sinh khối: LCH9, LVN146, VN5885, LVN111, GL787, HQ2000,...
- Giới thiệu một số giống ngô sinh khối
1.1. Giống ngô VN172
- Thời gian sinh trưởng (đến thu hoạch sinh khối): 85 – 95 ngày
- Chiều cao cây: 210 – 250 cm
- Chống đổ, chịu hạn tốt, ít nhiễm sâu bệnh
- Trồng được mật độ cao (có thể đạt 8 – 9 vạn cây/ha)
- Thích hợp cho tất cả các vùng, các vụ trồng ngô ở các tỉnh phía Bắc
- Năng suất sinh khối trong điều kiện sản xuất thông thường (42 - 45 tấn/ha), trong điều kiện thâm canh có thể đạt 80 tấn/ha
1.2. Giống ngô ĐH 17-5
- Thời gian sinh trưởng (đến thu hoạch sinh khối): 95 - 105 ngày
- Chiều cao cây: 230 – 250 cm
- Chống đổ, chịu hạn tốt, ít nhiễm sâu bệnh, bộ lá xanh bền
- Trồng được mật độ cao (có thể đạt 7 – 9 vạn cây/ha)
- Thích hợp cho tất cả các vùng, các vụ trồng ngô ở các tỉnh phía bắc
- Năng suất sinh khối trong điều kiện sản xuất thông thường (45 - 48 tấn/ha), trong điều kiện thâm canh có thể đạt trên 80 tấn/ha
1.3. Giống ngô LCH9
- Thời gian sinh trưởng (đến thu hoạch sinh khối): 90 - 100 ngày
- Chiều cao cây: 230 – 260 cm
- Chống đổ khá, chịu hạn tốt, ít nhiễm sâu bệnh, bộ lá xanh bền
- Trồng được mật độ trung bình (có thể đạt 6 – 7 vạn cây/ha)
- Thích hợp cho tất cả các vùng, các vụ trồng ngô ở các tỉnh phía bắc
- Năng suất sinh khối trong điều kiện sản xuất thông thường (42 - 45 tấn/ha), trong điều kiện thâm canh có thể đạt trên 60 tấn/ha
1.4. Giống ngô VN5885
- Thời gian sinh trưởng (đến thu hoạch sinh khối): 90 - 95 ngày
- Chiều cao cây: 220 – 240 cm
- Chống đổ khá, chịu hạn tốt, ít nhiễm sâu bệnh, bộ lá xanh bền
- Trồng được mật độ trung bình (có thể đạt 6 – 7 vạn cây/ha)
- Thích hợp cho tất cả các vùng, các vụ trồng ngô trong cả nước
- Năng suất sinh khối trong điều kiện sản xuất thông thường (40 - 45 tấn/ha), trong điều kiện thâm canh có thể đạt trên 60 tấn/ha
- 2. Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất ngô sinh khối
2.1. Thời vụ trồng: Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và hệ thống luân canh cây trồng từng địa phương để lựa chọn khung thời vụ thích hợp nhất. Ở một số vùng có điều kiện thuận lợi (đất bằng, chủ động tưới,..) thì thu hoạch xong vụ này là có thể trồng vụ khác.
2.2. Giống: Sử dụng giống ngô có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu nhiễm sâu bệnh, năng suất sinh khối cao, có khả năng trồng được mật độ cao, chịu hạn như: VN172, ĐH 17-5, LCH9, LVN146, PSC747, VN5885, NK7328,...
3.3. Kỹ thuật
Làm đất và gieo trồng: Làm đất sạch cỏ dại, cày rạch hàng, lên luống hoặc không tùy điều kiện đất và thời vụ; Ở vùng trung du, miền núi hoặc vụ đông sau 2 vụ lúa nên làm đất tối thiểu; Nên áp dụng cơ giới trong khâu làm đất để tiết kiệm công lao động.
Nên gieo hạt bằng máy gieo với chức năng rạch hàng, rải phân, gieo và lấp hạt hoặc máy gieo hạt đẩy tay. Đất vụ đông nên gieo hạt nứt mầm hoặc làm bầu để đảm bảo mật độ và tiết kiện công lao động.
Giống và mật độ gieo trồng
- Giống: 27 – 30 kg/ha
- Mật độ: 7,7 – 8,3 vạn cây/ha
- Khoảng cách gieo: 60 - 65 cm x 20 cm/cây
Phân bón
- Phân hữu cơ: 8 – 10 tấn/ha phân chuồng (Tùy điều kiện) hoặc 2500 kg hữu cơ vi sinh. Bón lót toàn bộ trước khi gieo hạt
- Phân vô cơ cho 1 ha: 160N:100P2O5:100 K2O
Phân đơn: Đạm ure: 340 - 350 kg, Supe lân: 600 - 650 kg, Kali chlorua: 165 - 170 kg
Cách bón: Lần 1, khi ngô 5-7 lá, bón 1/3 lượng đạm và ½ lượng kali; Lần 2, khi ngô 9-10 lá, bón 1/3 lượng đạm + 1/2 lượng kali; Lần 3, trước khi trỗ khoảng 10 ngày, bón lượng phân còn lại
dụng phân bón tổng hợp NPK
+ Bón lót: Nên sử dụng các công thức phân bón có hàm lượng Kali thấp, N và P cao hơn. Có thể dùng NPK 10:7:3 hoặc 5:10:3 với lượng 270 – 300 kg/ha; hoặc NPK.S: 8.8.4 + 8S với lượng 600 - 650 kg/ha.
+ Bón thúc: Nên bón các loại phân có hàm lượng N và K cao hơn. Có thể dùng NPK 13:3:10 hoặc 12:5:10 với lượng 800 – 900 kg/ha; Chia làm 3 lần bón: Khi ngô có 3 - 4 lá bón 200 – 250 kg; Khi ngô 7 - 8 lá bón 350 – 400 kg; Khi ngô bắt đầu xoáy nõn bón 250 kg. Có thể kết hợp lần bón thứ 2 và thứ 3 với nhau trong điều kiện khó khăn (đất dốc, ướt,..); Hoặc sử dụng phân NPK.S 12.10 +TE với lượng bón 650 - 670 kg/ha, chia làm 2 lần bón (khi 3 – 4 lá và 9 – 10 lá)
Chú ý: Lấp kín phân sau khi bón; Tùy điều kiện đất đai, thời vụ và vùng có thể sử dụng mức và loại phân bón khác để đạt hiệu quả cao nhất
Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh
Trong quá trình này cần lưu ý một số điểm sau:
- Chăm sóc sớm để tạo lực cho cây; Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh sớm, đặc biệt là sâu đục thân, bệnh khô vằn và đốm lá;
- Tưới nước đảm bảo đủ ẩm; đối với vùng trung du, miền núi, cần bố trí thời vụ đảm bảo không xảy ra hạn, đặc biệt ở các giai đoạn trước, trong và sau khi trổ cờ, tung phấn, phun râu.
Thu hoạch: Thời điểm lý tưởng cắt cây ngô xanh để ủ chua là khi 50% số bắp trên cây ở giai đoạn chín sáp. Thu hoạch toàn bộ thân cây bao gồm cả bắp, cắt thành các lát từ 3 – 5 cm.
Phương pháp ủ chua cây ngô
Tỷ lệ nguyên liệu phối trộn để ủ chua ngô tươi như sau:
TT | Tên nguyên liệu | Tỷ lệ thành phần |
1 | Cây ngô tươi (thân, lá, bắp xanh) đã phơi héo | 100 kg |
2 | Rỉ mật (hoặc Ure) | 5 lít (hoặc 2 kg ure) |
3 | Muối ăn | 0,5 kg |
Có thể thay thế rỉ mật (hoặc ure) bằng một số loại men vi sinh sau:
- Vi khuẩn lên men hỗn hợp (Homo Fermentative Lactic Acid Bacteria): Liều dùng 0,25 kg dạng hạt hoặc 1 lít dạng lỏng/tấn ngô nguyên liệu.
- BIO-PT1, NN1 (Men vi sinh hoạt tính): 1 kg chế phẩm BIO-PT1(hoặc NN1), 6 kg cám gạo (bột ngô nghiền), 1,5 kg muối ăn sử dụng cho 600 – 1000 kg nguyên liệu ngô sinh khối.
Có thể sử dụng một số loại men vi sinh khác theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Bước 1: Thân ngô sinh khối sau khi thu hoạch được cắt thành lát nhỏ từ 3 – 5 cm, phơi tái dưới nắng khoảng nửa ngày để làm mất nước và héo. Đảm bảo độ ẩm khoảng 65%.
Bước 2: Cho nguyên liệu vào hố ủ (hoặc túi ủ) và nén chặt. Nếu sử dụng hố ủ, cần rải một lớp rơm hoặc cỏ khô xuống đáy hố, sau đó chất từng lớp thức ăn có độ dầy từ 40–60 cm. Sau mỗi lớp thức ăn cần nén chặt và đều. Hố ủ nên làm nơi khô ráo, thoát nước, nếu sử dụng quy mô lớn và lâu dài thì nên xây hố bằng gạch, xi – măng.
Bước 3: Cho thêm rỉ mật (ure, men vi sinh): Dùng một ô-doa có dung tích 10 lít, lấy 5 lít rỉ mật (hoặc ure) hòa vào 5 lít nước sạch, tưới đều cho mỗi lớp ngô đã chất vào trong hố ủ trước khi nén. Cần định liệu rỉ mật đều cho tất cả các lớp thức ăn trong hố ủ theo tỷ lệ nêu trong bảng trên (hoặc rải 1 lớp men trộng với bột ngô lên trên mỗi lớp cây ngô xanh)
Bước 4: Đóng hố ủ: Kỹ thuật đóng hố ủ cũng thay đổi tùy theo từng loại hố. Trường hợp hố ủ lớn, có hai vách ngăn song song, sau khi đã nén kỹ lớp thức ăn trên cùng, phủ một lớp rơm (độ dày 5 cm) lên đỉnh hố, sau đó đổ một lớp đất dày (30 cm) lên trên và bao phủ toàn bộ bề mặt hố ủ. Cần che hố ủ bằng bạt, bằng tôn hoặc tấm lợp.
Sau từ 6 -7 tuần ủ, thức ăn có thể sử dụng./.
Viện Nghiên cứu Ngô
Từ khóa » Trồng Bắp Cao Sản
-
Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây Ngô Vụ đông áp Dụng Làm đất Tối Thiểu
-
Kỹ Thuật Trồng Bắp (ngô) Cho Năng Suất Cao - YouTube
-
KINH NGHIỆM TRỒNG NGÔ ĐẠT HIỆU QUẢ CAO - Nextfarm
-
Kỹ Thuật Trồng Ngô Năng Suất Cao - NPK Đình Vũ
-
Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Bắp Ngô Cho Năng Suất Cao - Nông Phu
-
Kỹ Thuật Trồng Ngô Cao Sản - VUSTA
-
KỸ THUẬT TRỒNG BẮP TRÊN NỀN ĐẤT LÚA
-
Kỹ Thuật Trồng Ngô Năng Suất Cao | Cổng TTĐT Tài Năng Trẻ Quốc Gia
-
Bật Mí 9 Kỹ Thuật Trồng Ngô Lai Cho Vụ Mùa Bội Thu
-
Kỹ Thuật Trồng Bắp Non Theo Hướng Rau An Toàn
-
Giải Pháp Trên Cây Ngô (bắp)
-
Ngô Vụ Xuân ở Vũ Quang Cho Năng Suất Cao, Hơn 6 Tấn/ha
-
Kỹ Thuật Trồng Bắp Nếp Lai - Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn
-
Trồng Bắp Tránh Hạn - Báo Đồng Nai điện Tử