Giới Thiệu “Hồi Ký Trả Ta Sông Núi” Của Ðại Tá Phạm Văn Liễu

Phạm Ðiền Như vào tối Thứ Bảy hằng tuần, tạp chí Văn Học Nghệ Thuật do Phạm Điền phụ trách lại đến với quý vị nghe đài. Trả Ta Sông Núi là tựa đề cuốn Hồi Ký của đại tá Phạm Văn Liễu, do nhà xuất bản Văn Hóa ở Houston, Texas ấn hành. Cuốn I và II đã được phổ biến, cuốn III trên đường đến nhà in. Tuần này tạp chí giới thiệu cuốn hồi ký Trả Ta Sông Núi của cựu đại tá Phạm Văn Liễu…

Trong tình trạng sách vở viết về Việt Nam còn thiếu thốn hiện nay, thêm một cuốn sách được một người trong cuộc, từng nằm trong cơn lốc và chứng nhân của các biến động lịch sử kéo dài từ năm 1945 cho đến 1975, tự nó có một giá trị đóng góp lớn cho việc tìm hiểu các sự kiện lịch sử quan trong trong giai đọan lịch sử này.

Tác giả viết hồi ký về cuộc đời mình nên không tránh khỏi những phê phán chủ quan. Độc giả, từ nhiều hướng nhìn khác nhau, có thể đồng ý hay không đồng ý đối với các phê phán lịch sử đó của tác giả. Tuy nhiên , các sự việc tác giả nêu ra với tư cách một người trong cuộc, tự nó cống hiến các sự kiện giá trị, giúp người đọc thấy được bối cảnh chính trị của nhiều thập niên qua, khi dân Việt bước vào giai đọan chiến đấu chống thực dân Pháp và sau đó là chủ nghĩa cộng sản.

Việc để lại cho thế hệ trẻ kinh nghiệm Việt Nam là chủ trương chính của tác giả Phạm Văn Liễu khi viết hồi ký chọn tựa đề cho các tập hồi ký này là “Trả Ta Sông Núi”. Ông Phạm Văn Liễu không xem viết hồi ký là một trò chơi văn chương. Ông muốn qua cuốn hồi ký, kể lại được các trạng huống, các cơn lốc lịch sử và trách nhiệm của thế hệ thanh niên lên đường thập niên 40, tham gia chính trị hay ở trong quân đội. Ông đề cập đến các nguyện ước, hòai bão từ thuở thiếu thời cho đến nay.

Tác giả Pham Văn Liễu thuộc thế hệ thanh niên sống lý tưởng và tham dự trực tiếp vào các cuộc chiến đấu ngay từ giữa thập niên 1940 , can dự trong nhiều vai trò khác nhau. Sau ngày miền Nam sụp đổ, sống lưu vong tại Hoa Kỳ, ông Phạm Văn Liễu tiếp tục theo đuổi cuộc đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Do sức khỏe bị suy yếu, sau thời gian bị kích tim , việc viết hồi ký là phương tiện để đại tá Phạm Văn Liễu kéo dài cuộc tranh đấu.

Trang bìa sau tập Hồi Ký Trả Ta Sông Núi, tác giả không đề cập đến sự thành công, mức độ thành đạt trên đường sự nghiệp mà chỉ cho hay, ông “ nghiền ngẫm viết lại những lỗi lầm đời mình dài theo dòng lịch sử quốc dân làm món quà cho người bạn trẻ”. Một đọan khác, ông viết nguyên văn “ biết đâu những kinh nghiệm máu và nước mắt đời tôi chẳng giúp cho vài ba bạn trẻ nào đó hằng tâm với đất nước, tránh được những vết xe đổ của người đi trước. Ông Phạm Văn Liễu cho biết đó là tâm nguyện duy nhất của người viết.

Tác giả Phạm Văn Liễu, 75 tuổi, sinh quán làng Thọ Vực, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Phần lớn thanh niên thế hệ ông sống có lý tường, yêu nước và tham gia các họat động đấu tranh giành độc lập từ sớm. Năm 1945, ông đã vào trường Quân Chính Vĩnh Yên ở Việt Trì, sau đó trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn ở Yên Bái. Sau khi trốn sang Tàu một thời gian vì bị ruồng nã, ông trở về nước và chọn binh nghiệp. Ông tốt nghiệp Võ Bị Liên Quân Đà Lạt khóa 5 vào năm 1952, sau đó là trường Hải Quân Nha Trang.

Ông Phạm Văn Liễu từng sang Mỹ tham dự các khóa tu nghiệp quân sự ở Fort Benning , tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ trong hai năm 1956-1957.

Cuộc đời của ông là một chuỗi thăng trầm. Danh sách các chức vụ ông được giao phó trong quân đội cũng như chính quyền dân sự khá dài, chúng tôi chỉ nêu một vài trách nhiệm được nhiều người biết hơn cả trong đó có Sáng lập và Chỉ Huy Trưởng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam 1955, Tham Mưu Trưởng trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt năm 1957, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung Năm 1964. Thứ trưởng Bộ Thanh Niên Nội Các Phan Huy Quát 1965, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia năm 1965-66. Về họat động xã hội và chính trị, năm 1945, tác giả tham gia đòan Thanh Niên Khất Thực để cứu đói 1945; Đại Việt Quốc Dân Đảng 1945. Từng lưu vong qua Trung Hoa 1946 đến 49, lưu vong qua Kampuchia từ 1960 đến 1965 vì liên hệ đến vụ đảo chánh bất thành và từ sau tháng Tư năm 1975, sống lưu vong tại Mỹ.

Trong cuộc đời họat động kéo dài từ giữa thập niên 1940 đến nay, ông Phạm Văn Liễu trực tiếp hay gián tiếp đã có mặt trong các biến động và có cơ hội tiếp xúc, liên hệ đến các nhân vật thời cuộc. Ngay chính ông cũng là một nhân vật có nhiều huyền thọai, như tham dự cuộc đảo chính hụt Tổng Thống Ngô Đình Diệm 1960, và chính biến nhằm lật đổ tướng Nguyễn Khánh.

* * *

Phạm Ðiền Như vào tối Thứ Bảy hằng tuần, tạp chí Văn Học Nghệ Thuật lại đến với quý thính giả. Tuần này tạp chí tiếp tục đề cập đến hồi ký Trả Ta Sông Núi qua cuộc nói chuyện với tác giả Phạm Văn Liễu. Đây cũng là kỳ chót về đề tài này…

Đại tá Phạm Văn Liễu tham dự cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm 11 tháng 11 năm 1960. Khi nỗ lực này thất bại ông cùng với Đại tá Nguyễn Chánh Thi và một số nhân vật khác chạy sang sống lưu vong ở Cambodia. Mãi cho đến năm 1963, khi cuộc đảo chính lật đổ ông Diệm thành công, Hội Đồng Tướng Lãnh đã cho nhóm lưu vong ở Cambodia về nước.

Tiếp sau năm 1963 , miền nam Việt Nam bị xáo trôn mạnh vì những cuộc lên đường, xuống đường của sinh viên, giáo phái, của xung đột chính trị nội bộ. Các cuộc chỉnh lý, chính biến, triệt hạ quyền lực giữa các tướng lãnh đã xảy ra. Sự lên xuống hay thay bậc đổi ngôi của các nhân sự lãnh đạo đã khiến miền nam liên tục bị bất ổn. Ngòai xáo trộn nội bộ, đây cũng là giai đọan cộng sản Miền Bắc khai thác các kẽ hở, và sự suy yếu của miền Nam để gia tăng các họat động của họ. Tập II của Hồi Ký Trả Ta Sông Núi đưa ra rất nhiều chi tiết phong phú mô tả giai đọan tao lọan này.

Cuốn hồi ký Trả Ta Sông Núi cống hiến nhiều dữ kiện lịch sử rất đáng chú ý. Vì thời lượng, tạp chí chỉ nêu một điểm đại cương tác giả đã tâm sự. Mời quý thính giả theo dõi…

© 2004 Radio Free Asia, 2003-04-03 : phần I ; phần II

indomemoires

More Posts

OpenEdition vous propose de citer ce billet de la manière suivante :indomemoires (27 octobre 2012). Giới thiệu “Hồi Ký Trả Ta Sông Núi” của Ðại tá Phạm Văn Liễu. Mémoires d'Indochine. Consulté le 27 novembre 2024 à l’adresse https://doi.org/10.58079/q4rx

Từ khóa » Hồi Ký Trả Ta Sông Núi