Giới Thiệu Khái Quát Huyện Sơn Tịnh - Tỉnh Quảng Ngãi

huyện Sơn Tịnh - Tỉnh Quảng Ngãi

Giới thiệu khái quát huyện Sơn Tịnh

1. Vị trí địa lý, vai trò

– Vị trí địa lý, địa giới hành chính huyện Sơn Tịnh

Huyện Sơn Tịnh sau Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ đã có sự thay đổi lớn về vị thế địa lý, địa giới hành chính. Theo đó, 10.054,42 ha diện tích tự nhiên của thị trấn Sơn Tịnh và 9 xã phía Đông là Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ của huyện Sơn Tịnh (cũ) đã được chuyển giao về thành phố Quảng Ngãi quản lý.

Sau khi chia tách, huyện Sơn Tịnh (mới) còn lại 11 xã gồm Tịnh Hà, Tịnh Phong, Tịnh Thọ, Tịnh Sơn, Tịnh Trà, Tịnh Bình, Tịnh Bắc, Tịnh Hiệp, Tịnh Minh, Tịnh Đông và Tịnh Giang. Tổng diện tích tự nhiên của huyện Sơn Tịnh còn lại là 24.341,31 ha, bằng 70,8% diện tích trước khi chia tách, và bằng 4,72% diện tích tự nhiên tỉnh Quảng Ngãi. Vị thế địa lý ngày nay của huyện nằm hoàn toàn trong nội địa trên vùng đồng bằng sông Trà Khúc và sông Trà Bồng, phía Tây tiếp giáp với vùng núi cao của các huyện Trà Bồng, Sơn Hà, phía Đông tiếp giáp với thành phố Quảng Ngãi. Đến nay, huyện không còn vùng ven biển và hoàn toàn không tiếp giáp với biển.

Vị trí địa lý của huyện theo tọa độ địa lý như sau: theo trục Bắc Nam từ 15o7’34” đến 15o16’9” độ Vĩ bắc, theo trục Đông Tây từ 108o34’33” đến 108o49’53” độ Kinh đông (điểm cực đông thuộc xã Tịnh Phong, cực Bắc thuộc xã Tịnh Thọ, cực Tây và cực Nam thuộc xã Tịnh Giang). Địa giới hành chính của huyện: phía Bắc giáp với huyện Bình Sơn, phía Nam giáp thành phố Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa, phía Tây giáp huyện Sơn Hà và Trà Bồng, phía Đông giáp với các xã phía Đông Bắc của thành phố Quảng Ngãi. Sông Trà Khúc chảy dọc phía Nam huyện là địa giới tự nhiên giữa Sơn Tịnh với thành phố Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa.

Trên địa bàn huyện có các tuyến Quốc lộ 1, quốc lộ 24B, đường sắt Bắc – Nam đi qua, trên địa bàn huyện có ga đường sắt Đại Lộc, vì thế địa bàn huyện nằm ở vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao thương với cả nước, với các tỉnh Tây Nguyên, có thể kết nối giao thương xa hơn với nước láng giềng Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.

Khoảng cách từ xã Tịnh Hà (Trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh mới) đến cảng Sa Kỳ là 24 km, cách cảng biển nước sâu Dung Quất I khoảng 36 km. Từ trung tâm huyện đến thành phố Vạn Tường khoảng 30 km. Trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh mới cách thành phố Đà Nẵng, cảng Đà Nẵng khoảng 120 km, và cách thành phố Quy Nhơn 175 km.

Về vị thế địa kinh tế, Sơn Tịnh nằm trong vùng kinh tế Đông Bắc đang phát triển năng động của tỉnh: về hướng Bắc, huyện tiếp giáp với huyện Bình Sơn, gần KKT Dung Quất, thành phố mới Vạn Tường là địa bàn kinh tế đang tăng trưởng nhanh, có nhu cầu lớn về hàng hóa, dịch vụ, lao động; về phía Nam, Sơn Tịnh tiếp giáp với thành phố Quảng Ngãi là trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh. Địa bàn huyện cũng là nơi các tuyến quốc lộ 1A, 24B, đường sắt quốc gia đi qua. Trong tương lai các tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, đoạn tuyến kết nối đường bộ cao tốc-cảng quốc tế Dung Quất II cũng sẽ đi trên địa bàn huyện. Với vị trí như trên, Sơn Tịnh là địa bàn có điều kiện rất thuận lợi trong thu hút đầu tư, có điều kiện để trở thành một trung tâm sản xuất và cung ứng dịch vụ lớn của tỉnh.

2. Điều kiện tự nhiên

a) Đặc điểm địa hình

Địa hình Sơn Tịnh chia thành 2 khu vực tương đối rõ ràng:

+ Vùng trung du, đồng bằng gồm các xã: Tịnh Trà, Tịnh Bình, Tịnh Thọ, Tịnh Sơn, Tịnh Minh, Tịnh Hà, Tịnh Bắc và Tịnh Phong. Đây là vùng chịu ảnh hưởng lớn của vùng núi với lượng mưa từ 2.300 – 2.500 mm/năm.

+ Vùng núi, gò, đồi ở phía Tây gồm các xã miền núi: Tịnh Giang, Tịnh Đông, Tịnh Hiệp.

b) Đặc điểm khí hậu

Sơn Tịnh nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có hai mùa rõ rệt (mùa mưa và mùa khô). Mùa mưa ngắn trong khi đó mùa khô kéo dài, độ ẩm ít biến động.

+ Nhiệt độ: Sơn Tịnh có nền nhiệt độ cao và phân bố tương đối đồng đều trên toàn diện tích của huyện (từ 25-260C), nhiệt độ trung bình vào mùa Đông là 21,50 C, lạnh nhất là vào tháng 1 với nhiệt độ trung bình là 210 C. Nhiệt độ mùa nóng trung bình khoảng 29-300 C, ánh sáng nhiều. Nhìn chung, nền nhiệt độ và chiếu sáng ở Sơn Tịnh thuận lợi cho cây trồng, nhất là cây lấy bột và cây có đường vùng nhiệt đới, và vật nuôi phát triển.

+ Lượng mưa: Sơn Tịnh là huyện có lượng mưa nhiều nhưng phân bố không đều, hạn hán về mùa khô và lũ lụt về mùa mưa. Do ảnh hưởng của dãy Trường Sơn nên vùng phía Tây huyện có lượng mưa rất lớn (2.300-2.500 mm/năm), càng xa về phía Đông lượng mưa càng giảm dần. Thời kì mưa lớn trên 265mm/tháng kéo dài từ tháng 8 năm trước đến tháng 1 năm sau, lượng mưa trong 6 tháng này chiếm 75% tổng lượng mưa cả năm. Về mùa Hạ, vào tháng 4, 5 và tháng 6, lượng mưa giảm nhiều (trung bình khoảng 50-100 mm/tháng ở vùng đồng bằngvà 100-150mm/tháng ở vùng đồi núi).

+ Bốc hơi – thoát nước: Lượng bốc hơi trung bình khoảng 820 mm/tháng, lượng bốc hơi cao nhất là 1.450 mm/tháng, lượng bốc hơi vào mùa hạ khoảng 150-180mm/tháng, đó là thời kỳ nắng nóng và thường có gió Tây Nam khô nóng. Mùa khô kéo dài có lượng mưa nhỏ, độ ẩm thấp, lượng bốc hơi cao nên ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây trồng.

+ Độ ẩm: Độ ẩm không khí ở Sơn Tịnh khá cao, độ ẩm trung bình năm từ 84-86%. Những tháng mùa Hạ lượng mưa ít nên độ ẩm giảm xuống chỉ còn khoảng 75%-80%. Độ ẩm có xu hướng tăng dần từ vùng đồng bằng đến vùng đồi núi.

c) Thuỷ văn và nguồn nước

Chế độ thủy văn của huyện chịu ảnh hưởng của sông Trà Khúc, đây là con sông chảy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, phần thượng nguồn và trung lưu con sông này chảy theo hướng Nam-Bắc, đến hạ lưu chảy theo hướng Tây-Đông. Sông có lưu lượng dòng chảy bình quân năm 176 m3/s, lưu lượng trung bình mùa khô 52,3 m3/s, lưu lượng trung bình mùa lũ 480 m3/s. Tổng lượng dòng chảy mùa mưa chiếm 70-80% tổng lượng dòng chảy trong năm. Vì vậy, chế độ thủy văn trên địa bàn huyện có sự chênh lệch lớn theo mùa, lượng mưa ẩm tập trung lớn trong mùa mưa từ tháng 8 năm trước đến tháng 1 năm sau.

Sơn Tịnh là huyện đầu nguồn của hệ thống thủy lợi Thạch Nham, ngay dưới hồ chứa Thạch Nham, kênh chính phục vụ tưới cho các huyện phía Bắc của tỉnh đi trên địa bàn huyện, vì vậy ngành nông nghiệp Sơn Tịnh có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, ngay cả trong mùa khô.

3. Tài nguyên thiên nhiên

a) Tài nguyên đất

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, diện tích đất Sơn Tịnh hiện nay là 24.341,31 ha (bằng 70,8% so với trước khi chia tách là 34.395,7 ha). Tổng diện tích đất đang sử dụng cho mục đích nông nghiệp là 17.561,9 ha (bằng 71,3% so với huyện cũ là 24.627,7 ha), trong đó đất sản xuất nông nghiệp còn lại 12.468,7 ha (bằng 73,7% diện tích trước khi chia tách), đất lâm nghiệp và trồng cây lâu năm lần lượt là 6.104,3 ha (bằng 82% so với trước khi đièu chỉnh) và 2.345,2 ha (bằng 83,2% so với trước khi chia tách). Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản khoảng 33,2 ha (so với 231 ha trước khi chia tách), đến nay huyện không còn diện tích đất ven biển. Sơn Tịnh ở đầu nguồn của hệ thống thủy lợi Thạch Nham nên phần lớn diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã chủ động được nước tưới quanh năm, cho phép người dân chủ động trong phát triển nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu nước cho các ngành kinh tế khác. Hiện huyện vẫn còn 847,75 ha đất chưa sử dụng, trong đó có 211,22 ha đất bằng chưa sử dụng và khoảng 636,4 ha đất đồi núi và núi đá chưa chưa sử dụng.

b) Tài nguyên khoáng sản

Sơn Tịnh là huyện có nhiều loại khoáng sản, theo kết quả điều tra khảo sát sơ bộ, Sơn Tịnh có một số mỏ đã được đánh giá có trữ lượng đáng kể phục vụ cho công nghiệp: Cao lanh có hàm lượng AL2O3 (26%) Fe2O3 (2%) trữ lượng khoảng 4,1 triệu tấn; xilimanít khoảng 1,6 triệu tấn; đá xây dựng ở Tịnh Phong. Graphit có trữ lượng khoảng 2,5 triệu tấn đang được khai thác trên địa bàn Sơn Tịnh có hàm lượng Cacbon khoảng 27%, tuy Graphit có trữ lượng lớn nhưng cần nâng cao hiệu quả khai thác đối với loại khoáng sản này. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn được phát hiện thêm kim loại quí hiếm là vàng.

Nguồn khoáng sản vật liệu xây dựng có tiềm năng khai thác khá lớn bao gồm: các điểm có khả năng khai thác cát, sỏi lòng sông dọc sông Trà Khúc, đá dùng cho sản xuất vật liệu xây dựng thông thường, đất đồi dùng san lấp mặt bằng, nền đường, các mỏ đất sét nguyên liệu sản xuất gạch.

c) Tài nguyên rừng

Sau khi tách huyện, diện tích đất lâm nghiệp của huyện còn lại là 6.104,3ha, bằng 82,6% so với trước. Do diện tích đất có rừng ở phía Tây lớn hơn phía Đông nên sau khi chia tách, tỷ lệ che phủ rừng của huyện tăng từ 29,1% lên 36,5%. Đến năm 2014, diện tích đất có rừng khoảng 8.817,5 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên có 84,24 ha, diện tích rừng trồng khoảng 8.533,25 ha, đất rừng phòng hộ 149 ha. Trong năm 2014, diện tích trồng rừng tập trung đạt 260 ha; trồng thêm 420 ngàn cây phân tán; chăm sóc khoảng 5.283 ha rừng, khai thác 30.000 m3 gỗ; 103.000 Ster củi và 133 ngàn cây tre.

d) Tài nguyên du lịch

Sau khi tách huyện, một số di tích lịch sử, điểm tham quan du lịch thuộc các xã phía Đông đã được huyện chuyển cho thành phố Quảng Ngãi quản lý như khu du lịch núi Ấn sông Trà, thành cổ Châu Sa, khu chứng tích Mỹ Sơn, bãi biển Mỹ Khê.

Đến nay, các điểm du lịch có tiềm năng của huyện tập trung dọc quốc lộ 1A và quốc lộ 24B và tỉnh lộ 622C. Các điểm danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện có thể kể đến như: công trình đập dâng Thạch Nham, thắng cảnh Núi Tròn, Núi Đồi, Núi Ngang. Các điểm có tiềm năng du lịch của huyện nằm dọc theo Quốc lộ 24B, sông Trà Khúc và tỉnh lộ 622C, vì thế thuận tiện cho việc đi lại và tổ chức tour, tuyến du lịch theo cụm và kết nối với nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Tuy huyện có tiềm năng du lịch nhưng các điểm có tiềm năng du lịch hiện chưa được đầu tư nhiều, tính chuyên nghiệp trong các hoạt động dịch vụ chưa cao nên tiềm năng du lịch vẫn chưa được khai thác tốt.

4. Dân số, nguồn nhân lực

4.1. Dân số

Sau khi chuyển giao 1 thị trấn và 9 xã cho thành phố quản lý, đến hết năm 2013, dân số Sơn Tịnh còn lại 96.307 bằng 51,1% tổng dân số so với trước khi chia tách (trước khi chia tách, dân số Sơn Tịnh là 188.503 người). Tổng số lao động trên địa bàn 11 xã còn lại là 60.462 người, bằng 51,02% so với trước khi chia tách (năm 2012, lực lượng lao động của huyện là 118.503 người). So với dự báo theo Quy hoạch 2011, tình hình dân số Sơn Tịnh mới đã có sự thay đổi lớn được tóm tắt trong bảng sau đây:

Bảng 1: Dân số huyện Sơn Tịnh

trước và sau khi chia tách so với Quy hoạch 2011

Đơn vị: Người

Một số chỉ tiêu chung Trước khi tách huyệnnăm 2012 Sau khi tách huyện năm 2013 Sau/

Trước (%)

Dân số năm 2015 thực tế Dự báo dân số 2015 theo QH 2011
1. Dân số 188.550 96.307 51,1 96.887 204.890
2. Lực lượng lao động 113.738 59.845 52,6 60.874 108.830

Năm 2015, dân số trung bình của huyện là 96.887 người, nguồn lao động ước 60.874 người. Như vậy sau khi chia tách tình hình dân số huyện đã thay đổi nhiều theo hướng thu hẹp so với dự báo cũ. Đến nay, Sơn tịnh mới có 11 xã, chưa có thị trấn nên trên danh nghĩa cũng chưa có dân số đô thị. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giai đoạn 2011-2012 trung bình 8,56‰, giai đoạn 2013-2015 trung bình 8,17‰. Tính chung cả giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng dân số tự nhiên của huyện thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 9‰, đã đạt được mục tiêu duy trì tỷ lệ tăng tự nhiên theo Quy hoạch năm 2011. Tỷ lệ giới tính khi sinh ở mức tự nhiên, cân bằng giới trong cấu trúc dân số huyện tương đối ổn định.

Dân số khu vực các xã Tịnh Hà, Tịnh Bắc, Tịnh Sơn có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011 đến 2015, một bộ phận dân cư sẽ chuyển từ hoạt động kinh tế nông, lâm nghiệp sang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

4.2. Nguồn nhân lực

Năm 2015 số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện khoảng 60.874 người, chiếm 62,5% dân số. Tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế khoảng 53.495 người, trong đó 48.940 người trong độ tuổi lao động và khoảng 4.555 người ngoài độ tuổi lao động vẫn đang làm việc. Năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt khoảng 23,6%, trong đó có 6,2% có trình độ cao đẳng trở lên, tỷ lệ lao động chưa được đào tạo chiếm đến 76,4% nguồn lao động. Tỷ lệ đạt được hiện nay còn rất thấp so với mục tiêu 60% lao động qua đào tạo trong giai đoạn 2016-2020 theo Quy hoạch 2011.

Lực lượng lao động hiện nay tập trung phần lớn trong ngành nông lâm nghiệp khoảng 38,1 nghìn người chiếm 71,2% tổng số lao động; lao động hoạt động trong các ngành phi nông nghiệp như công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp khoảng 9,1 nghìn người (chiếm khoảng 17% số lao động); lao động thương mại, dịch vụ y tế, văn hóa giáo dục, du lịch…có khoảng 6,3 nghìn người, chiếm khoảng 11,8% số lao động.Theo thống kê, lực lượng lao động của Sơn Tịnh khá dồi dào, song một bộ phận lực lượng lao động đã di chuyển khỏi địa bàn làm việc tại các thành phố lớn hiện chưa thể thống kê hết.

Về tạo thêm việc làm cho người lao động trong những năm gần đây: năm 2013 huyện tạo việc làm cho 1.450 lao động, 2014 tạo thêm khoảng 1.500 việc làm, năm 2015 tạo thêm khoảng 1.520 việc làm mới cho người lao động.

Từ khóa » Tịnh Sơn