Giới Thiệu Khái Quát Huyện Thanh Bình - Tỉnh Đồng Tháp
Có thể bạn quan tâm
Giới thiệu khái quát huyện Thanh Bình
Trước năm 1945 vùng đất mang tên huyện Thanh Bình ngày nay nằm trong tổng Phong Thạnh Thượng, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên. Qua các thời kỳ, tên gọi Thanh Bình và địa giới hành chính của huyện đã thay đổi nhiều lần.
Huyện Thanh Bình ngày nay phía Bắc giáp huyện Tam Nông, phía Đông giáp huyện Cao Lãnh, Tây và Nam giáp huyện Phú Tân, Chợ Mới của tỉnh An Giang. Sông Tiền như vòng tay ôm trọn phía Tây Nam của huyện với dãy Cù lao Tây rộng trên 90 km2 bao gồm 5 xã: Tân hòa, Tân Quới, Tân Huề, Tân Bình, Tân Long. Đây là vùng 1, vùng cù lao nổi giữa sông Tiền như một chiếc lá xanh mượt mà bởi đất đai màu mỡ thích hợp cho nhiều loại cây trồng. Vùng 2 là vùng ven sông Tiền gồm các xã An Phong, Tân Thạnh, Tân Phú, Bình Thành và thị trấn Thanh Bình; vì nằm ven sông nên đất giồng cao ráo, phì nhiêu bởi lượng phù sa bồi đắp hàng năm. Hậu bối của các xã ven sông Tiền là vùng 3 – vùng sâu gồm các xã Phú Lợi, Tân Mỹ, Bình Tấn mang sắc thái của vùng Đồng Tháp Mười.
Huyện Thanh Bình ngày nay (năm 2005) có diện tích tự nhiên 341 km2, dân số 161.166 người, mật độ 473 người/km2 ([1]). Sự phân bố cư dân chưa đều, các xã cù lao và ven sông Tiền đông đúc dân cư, các xã vùng sâu cư dân còn thưa thớt.
Theo điều tra khảo sát năm 1995, Thanh Bình là huyện có tỷ lệ đồng bào tín đồ tôn giáo cao nhất tỉnh (50,54% dân số). Toàn huyện có 74.328 tín đồ các tôn giáo; đông nhất là Phật giáo Hòa Hảo có 42.478 tín đồ; Thiên chúa giáo có 12.009 tín đồ; Phật giáo có 10.249 tín đồ; Cao Đài có 9.384 tín đồ; Tin Lành có 178 tín đồ.
*
Địa hình Thanh Bình mang cả 3 sắc thái; cù lao, ven sông Tiền và vùng Đồng Tháp Mười. Cũng thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nhưng gần như thiên nhiên ban tặng cho Thanh Bình nhiều sắc thái đa dạng, phong phú. Sông Tiền chảy qua đây từ lâu đã được mô tả là một trong những khúc sông đẹp nhất của miền Hồng – Cao (Hồng Ngự-Cao Lãnh). Cù lao Tây vừa xinh đẹp, vừa như chiếc nôi xanh của những lưu dân buổi đầu đi mở đất. Các con rạch đem nước từ Đồng Tháp Mười ra, đưa nước sông Tiền vô thau chua rửa phèn hàng trăm năm trước. Rạch Ba Răng, xưa gọi “Ba Lăng”, tức nơi thường có gió to sóng lớn, ngay từ buổi đầu nơi ấy lập thôn Tân An, rồi An Phong, đó chính là ước mong có cuộc sống an bình của những người dân đến đây lập nghiệp. Đốc Vàng Thượng, Đốc Vàng Hạ, hai con rạch hợp lại đổ ra sông Tiền; nơi vàm có Dinh Ông – đền thờ Thượng tướng quận công Trần Văn Năng, người có công lớn trong công cuộc mở đất phương Nam, đánh đuổi quân can thiệp, xâm lược Xiêm vào năm 1834, khi Ông mất được vua Minh Mạng truy phong Tân Thành Quận Công[2]. Còn rạch Trà Bông, từ giữa thế kỷ 19, ông Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An) đã “phân công” một nhóm đệ tử của mình đi theo con rạch này khai phá vùng ven Đồng Tháp Mười, lập nên những trại ruộng đầu tiên của xã Bình Thành…
Nhiều con rạch nhỏ và kinh đào chằng chịt mà tên của chúng gắn với nhân vật, sự kiện địa phương đáng nhớ; Về rạch, có rạch: Cái Gáo, Đường Gạo, Ruột Ngựa, Láng Chim, Bắc Dầu, Cái Gốc, Cái Tre, Cái Dầu…Về kinh, có: Hương Sư An, Thầy Ba Vỹ, Cả Trạch, Thầy Cai, kinh Kháng Chiến .v.v…
Tìm lại dấu vết người xưa trên bước đường khai phá, ta gặp trên các trang sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức những ghi chép từ trước năm 1820 về vùng đất có tên gọi Thanh Bình ngày nay:
“Sông Bạch Ngưu (trâu trắng), ở bờ phía Bắc Tiền Giang…từ cửa sông đi về hướng Bắc 40 dặm đến chằm lớn (nơi đầm lầy – tức Đồng Tháp Mười), dân cư thưa thớt. Đất ở đây phía trước giáp sông lớn (sông Tiền), nhiều gò đất cao để trồng bông vải, đậu, mè, bắp, bí đao, dưa hấu, khoai lang, thuốc lá, đậu nành, đậu trắng, đậu đen; phía sau (hậu bối) đất thấp ướt, cá chạch trong ao chằm rất nhiều. Có tre to lớn và các thứ cây tạp xanh rậm một khoảng dài thành một khu rừng, địa lợi còn nhiều chưa khai khẩn hết…Cách 19 dặm đến hạ giang Đốc Vàng, 3 dặm đến thượng giang Đốc Vàng, 20 dặm đến thủ sở cũ Hùng Ngự…”
Về sản vật, sách này còn chép: “…Ở sông Bạch Ngưu, Đốc Vàng và Hùng Ngự thì có rừng tre đều là vật có lợi cho nhân dân…”
Các thôn Tân Phú, Tân Thạnh, An Phong, Bình Thành… là những thôn hình thành từ thời Gia Long. Đến năm 1832, Minh Mạng cho thành lập 6 tỉnh Nam Kỳ, vùng đất bờ Bắc sông Tiền có lúc thuộc huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường; nhưng sắc Thần đình làng Bình Thành do vua Tự Đức phong cấp năm 1852 ghi thôn Bình Thành thuộc huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang. Nguồn gốc cư dân cổ đã đến sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất này phần lớn cũng là những “lưu dân” từ miền Bắc, miền Trung trải qua chiều dài hơn 300 năm lịch sử.
Từ năm 1928-1929, ở các xã Bình Thành, Tân Phú, Tân Thạnh, Tân Huề (nay thuộc huyện Thanh Bình) đã hình thành các chi hội (tiểu tổ) Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội[3] . Bình Thành cũng là nơi xuất phát cuộc biểu tình, đấu tranh ngày 1-5-1930 ở các nơi như Cao Lãnh, Chợ Mới, Tân Dương (Sa Đéc) buộc thực dân Pháp phải chấp nhận các yêu sách của nhân dân ta đòi dân sinh, dân chủ, hoãn thuế, giảm sưu..
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, cứu nước suốt 30 năm; nhân dân Thanh Bình đã đóng góp biết bao công của, xương máu cho sự nghiệp giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc .
Nhân dân Thanh bình đã sớm theo Đảng làm cuộc đấu tranh ngày 1-5-1930, mở đầu cho các cuộc đấu tranh trong tỉnh và quanh vùng. Kháng chiến 9 năm chống Pháp thắng lợi, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (7/1954), chưa đầy 5 tháng sau, địch đã làm cuộc thảm sát giết hại 42 chiến sỹ, đồng bào tại xã Bình Thành. Những cuộc đấu tranh lại liên tục diễn ra trên mảnh đất này. Trong kháng chiến chống Mỹ, Thanh Bình là một trong những chiến trường ác liệt, khắc nghiệt; nhiều cách đánh sáng tạo, mưu trí đã diễn ra: cắm ngù, lặn nước đánh đồn, dùng trấu làm công sự nổi trên ghe, đeo đọt tràm đánh trả bộ binh, đánh chìm tàu chiến, bắn rơi thuyền bay, bắn hạ máy bay… Những truyền thống cách mạng đã và đang được Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Bình phát huy trong xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.
Hơn 20 năm xây dựng, phát triển, Thanh Bình đã có những bước tiến đáng phấn khởi. Thành tựu về nông nghiệp là thành tựu lớn nhất; nếu trước năm 1975 sản lượng lúa toàn huyện cao nhất không vượt quá 25.000 tấn, thì cuối thập niên 1980 bước vào thập niên 1990 sản lượng lúa toàn huyện hàng năm tăng lên vượt bậc. Năm 1984 là 64.539 tấn, năm 1994 là 173.488 tấn, tức tăng 2,68 lần trong vòng 10 năm. Năng suất đạt đến 50,69 tạ/ha/năm, là năng suất lúa cao nhất trong tỉnh (chỉ sau huyện Hồng Ngự:51,71 tạ/ha/năm).
Năm 1996, huyện Thanh Bình có hơn 40.000 ha diện tích đất trồng lúa, sản lượng lúa đã đạt đến 219.471 tấn , bình quân cho mỗi người là 1.444 kg/năm. Đó là kết quả của chính sách đổi mới đúng đắn về phát triển nông nghiệp, của các công trình thủy lợi, cải tạo ruộng đồng, áp dụng các giống lúa mới năng suất cao và việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ…
Vùng cù lao và ven sông Tiền còn thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp, rau đậu, cây ăn trái và đặc biệt là trên 300 ha có thể trồng cây thuốc lá vàng cho sản lượng lên đến 900 tấn /năm. Ngoài ra còn có hơn 900 ha trồng màu, hàng năm cho sản lượng từ 5.000 đến 8.000 tấn rau, đậu…Với chủ trương cải tạo vườn tạp, từ chỗ diện tích trồng cây ăn trái không đáng kể đến năm 1995 toàn huyện đã có 1.100 ha trồng cam, quýt, bưởi, dừa, xoài, nhãn…cho hơn 1.000 tấn trái cây các loại.
Đến năm 2005, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt lên đến 46.892 ha, sản lượng đạt 277.471 tấn, trong đó 263.482 tấn lúa (xếp thứ 5 trong 11 huyện thị), bình quân 1.634 kg lúa/ người/ năm. Cây bắp (ngô) có 2.151 ha, cho sản lượng 13.989 tấn, là huyện có diện tích và sản lượng ngô đứng thứ nhì sau huyện Hồng Ngự. Rau đậu có 1.350 ha, sản lượng đạt 26.671 tấn; đứng thứ nhất toàn tỉnh. Cây mía từ năm 2000 đến 2005 giảm dần từ 149 ha xuống còn 24 ha, sản lượng từ hơn 9.000 tấn còn 1.678 tấn. Cây thuốc lá cũng tương tự, từ 80 ha còn 54 ha, sản lượng từ 257 tấn còn 176 tấn. Riêng cây đậu nành phát triển khá ổn định, năm 2005 có 605 ha, sản lượng 1.485 tấn.
Ngoài nghề nông, nghề cá cũng là một nghề truyền thống lâu đời. Công việc đánh bắt cá đồng, cá sông diễn ra quanh năm với nhiều dụng cụ và cách đánh bắt khác nhau. Ngày nay nguồn lợi thủy sản tự nhiên không còn phong phú như trước nữa nhưng người dân ở đây đã biết vận dụng các kinh nghiệm lâu đời kết hợp với khoa học kỹ thuật trong việc nuôi trồng thủy sản. “Nuôi tôm đăng quần” có kết quả đang được đúc kết và nhân rộng sẽ là một công việc khá hấp dẫn với nhiều bà con. Đến năm 1995, sản lượng thủy sản của huyện Thanh Bình hàng năm xấp xỉ gần 3.000 tấn, trong đó có từ 450 đến 500 tấn cá, tôm nuôi trên gần 120 ha diện tích mặt nước. Từ năm 2000 đến năm 2005, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản từ 103 ha lên 272 ha, sản lượng thủy sản tăng từ 3.842 tấn lên 17.041 tấn.
Trước năm 1990, sản xuất công nghiệp của huyện Thanh Bình còn nhỏ bé. Thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện, năm 1995 toàn huyện có 247 cơ sở sản xuất công nghiệp, thu hút gần 600 lao động và đến năm 1996 đã có 262 cơ sở, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động với tổng giá trị là 35.171 triệu đồng. Từ năm 2000 đến năm 2005, số cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Bình không ngừng tăng lên từ 265 cơ sở lên 420 cơ sở, chủ yếu là tư nhân, cá thể. Theo đó, lực lượng lao động công nghiệp từ 835 người lên 1.083 người, đạt giá trị sản xuất 75.858 triệu đồng (giá hiện hành).
Từ xưa giao thông đường thủy là chính, phương tiện đi lại chủ yếu là xuồng, ghe. Đường bộ mới được mở từ hơn nửa thế kỷ nay. Hiện nay quốc lộ 30 (trước là liên tỉnh lộ 30) chạy dọc qua các xã nằm ven sông Tiền của huyện Thanh Bình giữ vai trò quan trọng trong việc giao thông đường bộ từ Thanh Bình lên Hồng Ngự, xuống Cao Lãnh và đi các nơi. Tỉnh lộ 843 nối Thanh Bình với các huyện Tam Nông, Tân Hồng. Nhờ kết hợp giao thông và thủy lợi, đường ô-tô đã đến được hầu hết các xã, ngoài ra đã có gần 200 km đường nông thôn, liên xã ngày càng tiện lợi dễ dàng cho việc đi lại bằng xe hai bánh. Năm 2005, vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện lên đến 51.556 triệu đồng (giá hiện hành).
Cùng với phát triển kinh tế, các mặt văn hóa-xã hội cũng ngày càng nâng cao. Về giáo dục: đến năm học 1996-1997, toàn huyện đã có 5 trường mẫu giáo với hơn 3.000 cháu. Có 43 trường phổ thông, trong đó 30 trường tiểu học phân bố đều các địa bàn trong huyện với gần 21.000 học sinh; 11 trường trung học cơ sở với hơn 8.000 học sinh và 2 trường trung học phổ thông với hơn 1.800 học sinh. Từ năm 2000-2005, số trường lớp mẫu giáo tăng từ 10 trường, 136 lớp (3.507 cháu) lên 14 trường, 176 lớp (4.390 cháu). Mạng lưới trường phổ thông phân bổ đều khắp trên địa bàn huyện; năm 2005 toàn huyện có 48 trường phổ thông, trong đó có 32 trường tiểu học, 13 trường trung học cơ sở, 3 trường phổ thông trung học (có 1 trường bán công). Số học sinh phổ thông có 28.480 (giảm ở tiểu học, tăng ở trung học cơ sở và trung học phổ thông). Cùng với việc hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, mặt bằng dân trì từng bước được nâng lên.
Về y tế, năm 1996, trên địa bàn huyện Thanh Bình có 14 cơ sở y tế với 112 giường bệnh gồm một bệnh viện đa khoa và 13 trạm y tế xã. Hơn 130 cán bộ y tế gồm 24 bác sỹ, 64 y sỹ, kỹ thuật viên, 24 y tá hộ lý, 5 dược sỹ trung cấp… Đến năm 2005, toàn huyện có 14 cơ sở y tế; gồm 1 bệnh viện huyện với 80 giường; 13 trạm y tế xã với tổng số 52 giường. Đội ngũ của mạng lưới y tế huyện có 180 cán bộ ngành y (trong đó có 38 bác sĩ), 14 cán bộ ngành dược, hàng năm thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, thường xuyên chăm sóc chăm lo sức khỏe cho nhân dân địa phương.
Đến năm 1996, tất cả các xã, từ các xã cù lao cho đến các xã vùng sâu đều có lưới điện quốc gia., hơn 1.300 máy điện thoại đã được lắp đặt từ thị trấn cho đến các xã. Từ năm 2000 đến 2005, số máy điện thoại không ngừng tăng lên từ 1.595 máy lên 6.951 máy cố định và 1.342 máy di động.
Nhìn chung sau hơn 20 năm xây dựng, phát triển, đời sống nhân dân trong huyện Thanh Bình đã được cải thiện, nâng cao khá rõ, mức thu nhập đã khá hơn , kể cả nhân dân các xã vùng sâu. Những năm 1990, toàn huyện vẫn còn hơn 3.000 hộ thuộc diện đói nghèo; đến năm 2000 không còn xã thuộc diện nghèo đói
Trong tương lai, với mục tiêu: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; nâng cao mức sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới theo phương châm sống chung với lũ…, chắc chắn Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Bình sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.
Từ khóa » Dân Số Huyện Thanh Bình
-
Thanh Bình – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thanh Bình (thị Trấn), Thanh Bình – Wikipedia Tiếng Việt
-
Huyện Thanh Bình - Đồng Tháp - Trang Cá Nhân Của Trịnh Đình Linh
-
Bản đồ, Dân Số, Zip Code Huyện Thanh Bình - Đồng Tháp Mới Nhất
-
Trang Thông Tin Huyện Thanh Bình
-
điều Kiện, Tự Nhiên Của Huyện Thanh Bình
-
Huyện Thanh Bình, Tỉnh Đồng Tháp
-
Dân Số Kế Hoạch Hóa Gia đình - Cổng Thông Tin điện Tử Sở Y Tế Hà Nội
-
Bản đồ Quy Hoạch Sử Dụng đất Huyện Thanh Bình, Tỉnh Đồng Tháp
-
Thanh Bình Từng Bước Nâng Cao Chất Lượng Dân Số
-
Bản đồ, Dân Số, Zip Code Huyện Thanh Bình - Cửu Long Real
-
Thanh Bình Là Gì? Chi Tiết Về Thanh Bình Mới Nhất 2021
-
GIỚI THIỆU CHUNG - UBND Huyện Chơn Thành