Giới Thiệu Khái Quát Thành Phố Sóc Trăng

thành phố Sóc Trăng - Tỉnh Sóc Trăng

Giới thiệu khái quát thành phố Sóc Trăng

1. Vị trí địa lý:

Thành phố Sóc Trăng thuộc tỉnh Sóc Trăng, Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, nằm ở cuối lưu vực sông Mê Kông, giáp các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu và biển Đông… Sóc Trăng có bờ biển tự nhiên dài 72 km, 30.000ha bãi bồi với 02 cửa sông lớn là sông Hậu và sông Mỹ Thanh, có nguồn hải sản đáng kể bao gồm cá đáy, cá nổi và cá tôm. Ngành hải sản của tỉnh có điều kiện phát triển. Ngoài hải sản, với mặt biển thông thoáng, tỉnh có nhiều thuận lợi phát triển giao thông vận tải, du lịch cũng như phát triển tổng hợp kinh tế biển, đây là thế mạnh của tỉnh. Sản phẩm khai thác từ biển và ven biển là tiềm năng và nguồn lợi to lớn tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư.

Thành phố Sóc Trăng năm trong vùng ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất, nông nghiệp ĐBSCL làm nên phần lớn lúa gạo, cây trái và tôm cá cho cả nước.

Từ vị trí địa lý như vậy, thành phố Sóc Trăng có lợi thế ở vào vị trí có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Với vị trí là trung tâm của vùng lãnh thổ rộng lớn ĐBSCL, thành phố Sóc Trăng còn có điều kiện để phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, du lịch.

2. Khí hậu, thời tiết:

Thành phố Sóc Trăng nằm trong vùng có chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa mưa có gió mùa Tây Nam; mùa khô có gió mùa Đông Bắc.

Nhiệt độ trung bình hàng tháng: 27ºC – 28ºC

Số giờ nắng trong năm khoảng: 2.400 – 2.500 giờ

Mưa hàng năm: 2100-2200mm

Độ ẩm không khí trung bình: 84-85%

Khí hậu thời tiết trên địa bàn thành phố Sóc Trăng có nhiều thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển quanh năm, cho phép bố trí đa dạng hoá cây trồng vật nuôi, đặc biệt thích hợp với các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, thích hợp với làm việc, nghỉ ngơi của người dân. Nhìn chung các yếu tố khí hậu thời tiết cơ bản thuận lợi cho sản xuất và đời sống nhân dân.

2 - Giới thiệu khái quát thành phố Sóc Trăng

3. Tài nguyên đất đai:

Sóc Trăng là vùng đất trẻ được hình thành qua nhiều năm lấn biển nên địa hình bao gồm phần đất bằng, xen kẽ là những vùng trũng và các giồng cát với cao trình phổ biến ở mức 0,5 – 1,0 m so với mặt biển, nghiêng từ Tây bắc xuống Đông Nam và có hai tiểu vùng địa hành chính: Vùng ven sông Hậu với độ cao 1,0 – 1,2 m bao gồm vùng đất bằng và những giồng cát hình cánh cung tiếp nối nhau chạy sâu vào giữa tỉnh; vùng trũng phía nam tỉnh với độ cao 0 – 0,5 m thường bị ngập úng dài ngày trong mùa lũ.

Ngoài ra, Sóc trăng còn có những khu vực nằm giữa các giồng cát, không hình thành vùng tập trung với độ cao trung bình 0 – 0,5 m.

Thành phố Sóc Trăng nằm ở trung tâm tỉnh, Địa chất công trình ảnh hưởng tới phát triển các khu vực chức năng đô thị. Qua địa chất xây dựng một số công trình cho thấy cấu tạo nền đất có thành phần chủ yếu là sét, bùn sét, trộn lẫn nhiều tạp chất hữu cơ, thường có mầu đen, xám đen. Nền địa chất khá ổn định, sức chịu tải của nền đất thấp, nhỏ hơn 0,5 kg/cm2. Nền đất thích hợp với xây dụng các công trình có tải trọng không cao.

Đất đai thành phố có đủ điều kiện để phát triển công nghiệp, xây dựng đô thị các khu dân cư tập trung.

4. Đặc điểm kinh tế:

Thành phố Sóc Trăng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội và là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh Sóc Trăng;

Thành phố Sóc Trăng bao gồm 10 phường với 60 khóm, tổng diện tích tự nhiên là 7.616,21ha; dân số 136.348 người, bao gồm 03 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống; mật độ dân số 1.790 người/km2; về cơ cấu lao động: lao động nông nghiệp chiếm 11,73%; phi nông nghiệp chiếm 88,27%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn năm 2006- 2010 là 15,93%. Trong đó: khu vực I là 3,49%; khu vực II tăng 7,92%; khu vực III tăng 35,25%. Cơ cấu kinh tế khu vực I là 5,03%; khu vực II là 42,25%; khu vực III là 52,72%, cơ cấu kinh tế so với năm 2005 có sự chuyển dịch giảm 25,68% ở khu vực II và tăng 28,36% ở khu vực III, phù hợp với xu thế phát triển của đô thị.

3 - Giới thiệu khái quát thành phố Sóc Trăng

GDP bình quân đầu người tăng nhanh, từ 1.157USD tăng lên 1.863 USD. Kết cấu hạ tầng trong những năm qua đã được quan tâm đầu tư từng bước phục vụ cho phát triển kinh tế, đời sống nhân dân đã được cải thiện, quốc phòng và an ninh được giữ vũng ổn định.

THÀNH PHỐ SÓC TRĂNG

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Thị xã Sóc Trăng xưa (thành phố Sóc Trăng ngày nay) là một đô thị nhỏ nhưng nổi tiếng đẹp và thơ mộng bậc nhất khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, bởi vị trí khá lý tưởng, trục chính của thị xã nằm trên dòng cát được kênh đào Maspéro bồi đắp bao quanh, việc giao thương cả đường sông và đường bộ từ Cà Mau, Bạc Liêu đến thành phố Hồ Chí Minh và đến các tỉnh trong vùng lân cận rất thuận lợi nên dân cư đã sớm tập trung về đây để lập ấp, khẩn hoang khởi nghiệp, khơi dậy tiềm năng kinh tế và làm phong phú truyền thống văn hóa 3 dân tộc rất đặc sắc của vùng đất Sóc Trăng, là địa phương có nhiều chùa nhất nước với hơn 50 chùa Khmer, Kinh, Hoa trên tổng số 200 chùa trong toàn tỉnh, có 3 di tích cấp Quốc gia là Trường Teberd, Chùa Khléang và Chùa Mahatup (thường được gọi là Chùa Mã Tộc – Chùa Dơi), là nơi tổ chức lễ hội Óoc-Om-Bóc – Đua ghe Ngo có quy mô lớn, được Tổng cục Du lịch bình chọn là 1 trong 15 lễ hội tiêu biểu cấp Quốc gia.

Do vị trí trọng yếu của thị xã Sóc Trăng, trãi qua nhiều thời kỳ lịch sử với biết bao biến đổi, nơi đây luôn được chọn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng…làm nên lịch sử hình thành và phát triển của Thành phố Sóc Trăng:

– Năm 1698, Chúa Nguyễn sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đàng trong (Nam bộ) tiến hành xác lập địa giới hành chính, lập thành Phủ Gia Định, lấy đất Đồng Nai làm huyện Phước Long và đặt Dinh Trấn Biên, lưu mộ dân từ Quảng Bình trở vào đến ở, chia đặt thôn, ấp.

– Năm 1714, Chúa Nguyễn thành lập trấn Hà Tiên, gồm 6 đạo trong đó có Trấn Di ở vùng Sóc Trăng. Sóc Trăng thời Chúa Nguyễn thuộc Phủ Ba Thắc thuộc đạo Châu Đốc, đời Gia Long đổi thành Châu Đốc Tân Cương, đời Minh mạng đổi thành tỉnh An Giang.

– Năm 1830, khu vực Sóc Trăng được lập thành 1 tổng với 11 thôn.

– Năm 1834, Sóc Trăng thuộc tỉnh An Giang, Phủ Ba Xuyên.

– Năm 1859, Sóc Trăng thuộc quận An Hà, tỉnh An Giang, Phủ Ba Xuyên, gồm 3 huyện: Phong Nhiên, Vĩnh Định và Phong Thạnh, với 11 tổng, 140 xã thôn.

– Năm 1867, thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, thành lập hạt Sóc Trăng, tương đương cấp tỉnh, thị xã Sóc Trăng là trung tâm chính trị của hạt.

– Năm 1876, thực dân Pháp chia Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính và các tiểu khu, tiểu khu Sóc Trăng thuộc khu vực Bát Sắc. Ngày 27/12/1892 tiếp tục chia Nam bộ thành 20 khu trong đó có khu Sóc Trăng.

– Từ ngày 01/01/1900, tất cả các khu ở Nam bộ đều gọi là tỉnh. Tỉnh Sóc Trăng gồm 3 quận: Châu Thành, Kế Sách và Bang Long (Nay là Long Phú).

– Từ năm 1900 – 1955, thị xã Sóc Trăng là tỉnh lỵ tỉnh Sóc Trăng.

– Năm 1955, tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu sát nhập thành tỉnh Ba Xuyên, tỉnh lỵ là xã Khánh Hưng.

– Ngày 25/10/1957, tỉnh Sóc Trăng sát nhập với tỉnh Bạc Liêu thành tỉnh Ba Xuyên gồm 8 quận: Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai và Phước Long. Xã Khánh Hưng thuộc quận Mỹ Xuyên.

– Đến năm 1975, tỉnh Sóc Trăng có 8 quận, 50 xã, diện tích 283.000ha và quy mô dân số trên 401.000 người.

– Sau năm 1976, tỉnh Ba Xuyên nhập với Cần Thơ, một phần tỉnh Chương Thiện và Vĩnh Châu của Bạc Liêu thành tỉnh Hậu Giang. Thị xã Sóc Trăng là trung tâm kinh tế, văn hóa và dịch vụ của vùng, phía Đông của tỉnh Hậu Giang với 6 đơn vị hành chính cấp phường.

– Ngày 26/11/1991 Quốc hội Khóa VIII đã quyết định tái lập tỉnh Sóc Trăng, thị xã Sóc Trăng được quyết định là tỉnh lỵ của tỉnh Sóc Trăng.

– Ngày 30/10/1995, thị xã Sóc Trăng thành lập thêm 4 phường mới, nâng lên thành 10 đơn vị hành chính, diện tích tự nhiện là 7.615,22ha với dân số hơn 173.922 người, trong đó người kinh chiếm trên 60%, người Hoa chiếm 16,4% và người Khmer chiếm 13,4%.

Từ khi tái lập tỉnh Sóc Trăng đến nay, được sự quan tâm của Trung ương và của Tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sóc Trăng đã ra sức phát huy mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng đô thị và kiến thiết thị chính, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội theo quy hoạch tổng thể chung, tương xứng với vị trí là trung tâm kinh tế chính trị văn hóa của tỉnh Sóc Trăng và của vùng.

– Tháng 10/2005, thị xã Sóc Trăng được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại 3.

– Ngày 08/2/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2007/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Sóc Trăng trực thuộc tỉnh trên cơ sở giữ nguyên diện tích, dân số của thị xã Sóc Trăng, phía Đông giáp huyện Long Phú, phía Tây giáp huyện Mỹ Tú và Châu Thành, phía Nam giáp huyện Mỹ Xuyên và Trần Đề.

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền cùng các tầng lớp nhân dân thành phố Sóc Trăng tiếp tục vượt qua khó khăn thử thách, từng bước đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh…đặc biệt qua hơn 20 năm đổi mới đất nước, thành phố đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân trên 18%, các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp và thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch nhà nước. Bên cạnh đó, hàng năm thành phố đã huy động hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi công cộng, kiến thiết thị chính, xây dựng các khu dân cư, chỉnh trang đô thị, các chợ, siêu thị…..đổi mới bộ mặt phố phường, đến nay 100% hẽm được bê tông hóa, hơn 98% hộ gia đình có điện thắp sáng, trên 95% hộ có nước sạch sử dụng, hơn 1000 hộ chính sách được tặng nhà tình nghĩa và có mức sống từ trung bình trở lên, huy động trên 8 tỷ đồng đóng góp vào quỹ Vì người nghèo, trên 3000 hộ nghèo được nhận nhà tình thương, hàng chục ngàn lao động được giúp vốn, hướng nghiệp, tạo việc làm ổn định, góp phần tăng hộ khá giàu, cơ bản xóa hộ nghèo theo tiêu chí cũ và nhà tre lá lụp xụp. Hàng năm thành phố huy động 100% trẻ trong độ tuổi đến trường, 3 trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều năm liền thành phố được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, 100% phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, chất lượng khám chữa bệnh và kế hoạch hóa gia đình được nâng lên, hàng năm thành phố có trên 18 ngàn hộ đạt gia đình văn hóa, trên 300 tổ dân cư an toàn, hàng chục khu dân cư tiên tiến, khu dân cư văn hóa và cơ quan văn hóa.

Song song đó, thành phố luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao quân hàng năm, công tác tấn công truy quét các loại tội phạm được tiến hành liên tục, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Hệ thống chính trị từng bước được củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng với hơn 87.000 lượt người tham gia vào các đoàn thể. Nhiều năm liền, Đảng bộ thành phố Sóc Trăng được công nhận trong sạch vững mạnh, nhiều tập thể và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Bằng khen, cờ thi đua, danh hiệu thi đua các cấp.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và thành phố Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2010 – 2015, thành phố Sóc Trăng đang xúc tiến mở rộng địa giới, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến trình phát triển, kiến thiết thị chính và xây dựng đô thị văn minh nhằm phấn đấu đạt tiêu chí thành phố loại 2 trực thuộc tỉnh vào năm 2015.

Thành phố Sóc Trăng cảnh đẹp, món ngon

Ngày 8/2/2007, Chính phủ ban hành Nghị định thành lập thành phố Sóc Trăng trực thuộc tỉnh Sóc Trăng với 10 đơn vị hành chính (từ phường 1 đến phường 10). thành phố có số lượng chùa Phật nhiều nhất cả nước với 54 đình, chùa. Diện tích tự nhiên là 7.649ha, dân số trên 173.900 người, trong đó có trên 60% người kinh, người khmer chiếm 23,4% và người Hoa chiếm 16,4%. Những năm gần Thành phố đã thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch bởi có nét đặc trưng rất đặc sắc xuất phát từ truyền thống đoàn kết, gắn bó, sự hòa quyện giao thoa văn hóa tuyệt vời của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer.

Chùa Dơi ở khóm 9 phường 3, có khuôn viên rộng trên 7ha, được xây dựng vào thế kỷ 16. Mỗi ngày tại đây có khoảng 200 – 300 lượt khách đến hành hương, tham quan. Ngoài tham quan ngôi chánh điện (mới phục dựng sau hỏa hoạn), du khách còn tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, ngoạn cảnh trong không gian thanh tịnh, ngắm nhìn những kiến trúc, hoa văn đặc trưng của đồng bào khmer Nam Bộ, đặc biệt là tận mắt nhìn đàn dơi tự nhiên hàng ngàn con ngụ cư trong khuôn viên chùa.

1 - Giới thiệu khái quát thành phố Sóc Trăng

Chùa Khaléang ở phường 6 được xây dựng vào thế kỷ 15 trên diện tích rộng gần 4ha. Chùa có giá trị về mặt kiến trúc, được trang trí bởi những đường nét hoa văn hài hòa, chạm khắc tinh vi, thể hiện sự giao thoa về nghệ thuật độc đáo của 3 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer. Cửa vào chính điện được mạ son thiếp vàng, bộ kinh Phật được viết trên lá thốt nốt… đã làm nổi bật ngôi chùa cổ được công nhận di tích cấp quốc gia.

2 - Giới thiệu khái quát thành phố Sóc Trăng

Chùa Đất sét tại phường 5 được nhiều người tìm đến bởi những tượng được tạo từ đất sét như tháp Đa Bảo 13 tầng, cao 4,5m, tháp Bảo Tòa cao 2m, Lục Long đăng với sáu con rồng quay đầu ra chung quanh, đuôi chụm vào nhau, phía dưới là bông sen được phủ ngoài bằng nước sơn, kim nhũ. Bên cạnh những vật phẩm được làm bằng đất sét, trong chùa còn trưng bày 8 cây đèn cầy nặng khoảng 1,4 tấn, trong đó có 6 cây với trọng lượng 200kg/cây.

3 - Giới thiệu khái quát thành phố Sóc Trăng

Thành phố Sóc Trăng còn có nhiều di tích thắng cảnh nổi tiếng như Nhà lưu niệm Bác Tôn ở phường 6, nơi tiếp đón đoàn tù chính trị từ Côn Đảo về đất liền ngày 23/9/1945, chùa Trà Tiêm ở phường 10, chùa Ông Bổn ở phường 1, Chùa La Hán ở Phường 8, Chùa Phước Nghiêm ở Phường 5 đặc trưng Phật giáo người Hoa, Nhà truyền thống văn hóa Khmer trên đường Nguyễn Chí Thanh, khu văn hóa hồ nước ngọt ở phường 6, khu du lịch Bình An ở phường 2. Trong hành trình đến với Sóc Trăng du khách còn có thể tham quan du ngọan phong cảnh và thưởng thức ẩm thực sông nước miệt vườn Kế Sách, đến với vườn cò Tân Long – Ngã Năm, thưởng thức hương vị biển Vĩnh Châu, đi thăm đình làng Hòa Tú, quê hưởng của Nam Kỳ Khởi nghĩa hoăc đến với Rừng Tràm Mỹ phước – Khu căn cứ tỉnh ủy Sóc Trăng. Đặc biệt, thành phố Sóc Trăng còn là nơi tổ chức Lễ hội Óoc om boc – Hội đua ghe ngo truyển thống vào dịp rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, là 1 trong 15 lễ hội lớn cả nước, thu hút hàng chục ghe ngo các tỉnh đồng bằng Nam Bộ cùng hàng trăm ngàn du khách trong nước và quốc tế về Sóc Trăng trẩy hội.

4 - Giới thiệu khái quát thành phố Sóc Trăng 5 - Giới thiệu khái quát thành phố Sóc Trăng

Đến với TP. Sóc Trăng, du khách còn được thưởng thức những món ngon đặc sản nổi tiếng không đâu bằng như : bún nước lèo, bún gỏi dà, lẩu mắm (đồng quê – hải sản), bánh cống Đại tâm, mắm cá sặt không xương Ngã Năm, mắm cá lóc Lịch Hội Thượng, khô trâu Thạnh Trị, xá bấu Vĩnh Châu …, và rau sạch dân dã không đâu có như năn, bồn bồn… và có dịp thưởng thức những đặc sản nổi tiếng của cộng đồng người Hoa Sóc Trăng như lạp xưởng, bánh pía, mè láo với những thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như: Tân Huê Viên, Tân Hưng, Lập Hưng, Công Lập Thành, Quảng Hưng …

6 - Giới thiệu khái quát thành phố Sóc Trăng 7 - Giới thiệu khái quát thành phố Sóc Trăng

Đến với TP Sóc Trăng, du khách còn được thưởng thức những làn điệu đờn ca tài tử dìu dặt, mượt mà, sâu lắng của làng quê Nam Bộ, văng vẳng đạu đây tiếng nhạc ngũ âm thôi thúc đầy sức sống cùng điệu múa lâm vong cuốn hút trong những ngôi chùa Khmer cổ kính, đó đây trên phố còn rộn vang tiếng trống vui, thúc giục của các đội lân sư rồng người Hoa… Tất cả đều hòa quyện cùng nhau trong những ngày Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Chol chnăm thmây, Lễ hội Oóc om bok , khắp thành phố đâu đâu cũng đông vui không khí ngày hội rộn rã tiếng trống, tiếng cười vui bên dòng sông Maspero hiền hòa, thơ mộng.

8 - Giới thiệu khái quát thành phố Sóc Trăng 9 - Giới thiệu khái quát thành phố Sóc Trăng
Hãy một lần đến với thành phố Sóc Trăng, du khách sẽ có dịp cảm nhận về truyền thống đoàn kết gắn bó sắt son của 3 dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer trong quá trình chiến thắng thiên nhiên, chống xâm lược và dựng xây cuộc sống mới, đồng thời để lại ấn tượng đẹp về mảnh đất Sóc Trăng đầy nụ cười vui bởi sự thân thiện, cởi mở, chân tình và lòng hiếu khách của người dân nơi đây.

Từ khóa » Sóc Trăng Là Người Miền Nào