Giới Thiệu Khái Quát Thị Xã Buôn Hồ - Tỉnh Đắk Lắk
Có thể bạn quan tâm
Thị xã Buôn Hồ nằm về phía đông bắc tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 42 km. Có tọa độ địa lý: Từ 12046′ – 12055′ vĩ độ bắc, từ 10802′ – 108023′ kinh độ đông.
– Phía đông giáp huyện Krông Năng
– Phía tây giáp huyện Cư M’gar.
– Phía nam giáp huyện Krông Pắc.
– Phía bắc giáp huyện Krông Búk.
Với vị trí địa lý này tạo thuận lợi cho thị xã tiếp cận với trục hành lang kinh tế – đô thị – quốc gia – quốc tế thông qua Quốc lộ 14 và tuyến đường Phú Yên – Đắk Lắk (dự kiến đề nghị nâng thành Quốc lộ 29) nối cửa khẩu quốc gia (Đắk Ruê và Đắk Per) và các đường quốc lộ nối với cảng biển và với các đô thị, thành phố như thành phố Pleiku (150 km), Kon Tum (230 km), thành phố Đà Nẵng về phía bắc và với Đăk Nông, Bình Phước, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh (350 km) về phía nam thông qua Quốc lộ 14; dễ dàng kết nối với thành phố biển Nha Trang thông qua quốc lộ 26 (theo tuyến đường tỉnh lộ Buôn Hồ – Krông Năng và giao nhau với QL 26 tại thị trấn Ea Kar), tạo điều kiện thuận lợi để thị xã Buôn Hồ phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là giao lưu ngoại thương, công nghiệp, thương mại và du lịch…
Nằm cách sân bay quốc tế Buôn Ma Thuột khoảng 50 km tạo thuận lợi cho thị xã trong giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội với các thành phố trực thuộc Trung ương như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ…
Thị xã Buôn Hồ có tổng diện tích tự nhiên 28.252 ha chiếm hơn 2% diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Lắk, dân số 101.554 người, thị xã có 12 đơn vị hành chính (7 phường gồm: An Bình, Đạt Hiếu, Bình Tân, An Lạc, Đoàn Kết, Thiện An, Thống Nhất, và 5 xã: Ea Siên, Ea Blang, Ea Đrông, Bình Thuận, Cư Bao) với 149 thôn, buôn, tổ dân phố trong đó có 45 thôn, buôn, tổ dân phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, toàn thị xã có 22 dân tộc anh em cùng chung sống, dân tộc thiểu số chiếm 29,4% dân số.
– Địa hình
Thị xã Buôn Hồ nằm ở độ cao khoảng 650 – 700m, địa hình đồi dốc thoải, chia cắt nhẹ, thấp dần từ bắc xuống nam, có 2 dạng địa hình chính:
+ Địa hình đồng bằng: Tập trung dọc hai bên đường quốc lộ 14 có cao độ trung bình 600 – 700 m, thấp dần về phía đông.
+ Địa hình đồi dốc: Tập trung ở khu vực phía tây của thị xã, chia cắt nhẹ, cao độ trung bình 650 – 750m. Địa hình thấp dần về phía đông. Hiện nay phần lớn diện tích trồng cà phê, cao su, cây hàng năm.
Với hai loại địa hình khá rõ rệt tạo thuận lợi cho thị xã trong quy hoạch các vùng cho đô thị (công nghiệp, dịch vụ) và vùng sản xuất nông nghiệp.
– Thổ nhưỡng
Diện tích đất đỏ Bazan phì nhiêu, màu mỡ nằm trên địa hình cao từ 600 đến 800m. Ngoài ra, trên địa bàn còn có đất vàng đỏ trên phiến sét, đất vàng trên đá cát, đất nâu vàng trên đá Bazan và đất dốc tụ thung lũng.
Khí hậu thị xã Buôn Hồ mang đặc tính của khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên. Trong năm có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ không khí trung bình năm 23,4oC (Nhiệt độ không khí trung bình cao nhất 26,5oC và thấp nhất là 20,8oC).
Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa chiếm 92% lượng mưa cả năm. Tháng có lượng mưa cao nhất là tháng 8 và tháng 9 (255mm/tháng). Lượng mưa trung bình năm 1518mm. Lượng mưa cao nhất là 1890mm, thấp nhất là 1191mm. Mùa mưa đảm bảo đủ nước cho các loại cây trồng phát triển, tuy nhiên ở những khu vực có độ dốc lớn dễ bị xói mòn và rửa trôi. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chiếm 8% lượng mưa cả năm, nhiều năm không có mưa. Độ ẩm không khí thấp, lượng bốc hơi lớn làm cho mức độ khô hạn càng trở nên khốc liệt.
Độ ẩm không khí trung bình năm 85% (Độ ẩm không khí trung bình năm cao nhất 95% và thấp nhất 70%). Hướng gió chủ đạo là gió mùa tây nam (mùa mưa) và đông bắc (mùa khô).
Nhìn chung, khí hậu Buôn Hồ mát mẻ và trong lành là điều kiện thuận lợi cho thị xã phát triển du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng.
– Thủy văn
Nguồn nước trên địa bàn nhìn chung khá ổn định, rất thuận lợi cho sự phát triển các loại cây công nghiệp và cây lương thực.
Về nguồn nước mặt: Thị xã Buôn Hồ có nhiều suối và hợp thủy tương đối đều giữa các khu vực, dòng chảy phân bố không đều. Nguồn nước phân thành hai mùa: mùa mưa từ tháng 8 -11, mùa cạn từ tháng 12 đến tháng 7 năm sau. Lượng dòng chảy mùa cạn chỉ chiếm 20-25% tổng lượng dòng chảy cả năm, nên khai thác phục vụ sản xuất rất hạn chế.
Các suối chính gồm: suối Krông Búk bắt nguồn từ độ cao 700-800m chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, lòng suối rộng khoảng 10m, hiện nay đã xây dựng đập thủy lợi Buôn Trinh tưới 150 ha cà phê. Ngoài ra có các suối nhỏ, ngắn, lưu lượng thấp, khai thác phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.
Về nước ngầm: Độ dày tầng chứa nước biến động từ 60-160m, trung bình 100m và giảm dần từ bắc xuống nam. Mực nước ngầm tương đối phong phú, có thể khai thác phục vụ sản xuất nông, công nghiệp và dân sinh, bổ sung cho nguồn nước mặt ở những vùng khó khăn.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
BUÔN HỒ – SÁNG MÃI TRANG SỬ VÀNG CÁCH MẠNG
Buôn Hồ là một trong 5 địa danh hành chính huyện hình thành sớm nhất của tỉnh Đắk Lắk. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Buôn Hồ là một trong những địa bàn trong tỉnh có phong trào cách mạng phát triển tương đối liên tục và mạnh mẽ. Với vị trí chiến lược quan trọng án ngữ phía Bắc của tỉnh, cùng thực lực cách mạng tại chỗ và truyền thống đấu tranh anh dũng của đồng bào, nên cả trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như chống Mỹ, phong trào cách mạng của Buôn Hồ mạnh hay yếu đều ảnh hưởng rất lớn đến toàn tỉnh. Chính vì thế đây luôn là nơi giằng co khốc liệt giữa ta và địch, nơi “đầu sóng, ngọn gió” của chiến trường Đắk Lắk.
Ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân lên Đăk Lăk, đồng bào các dân tộc Buôn Hồ đã anh dũng đứng lên chống Pháp, bảo vệ quyền tự chủ thiêng liêng của mình. Trên mảnh đất Buôn Hồ đã nổ ra liên tục các cuộc đấu tranh bất hợp tác và phản kháng quân đội thực dân, như là cuộc đấu tranh tiêu biểu của đồng bào Êđê Krung dưới sự lãnh đạo của tù trưởng Ama Kuăng và đồng bào Buôn Nhúc, Buôn Đinh, Buôn Prao dưới sự lãnh đạo của Ama Mai và sau này là phong trào Săm Brăm kéo dài nhiều năm chống lại chế độ thực dân Pháp. Những năm từ 1898-1935 các vị tù trưởng đã lãnh đạo hàng chục buôn tiến hành rào buôn hoặc dời vào rừng sâu, tổ chức thanh niên trai tráng tập luyện và thường xuyên đánh úp các toán quân Pháp khiến nhiều năm liền Pháp không bình định được. Tiêu biểu cho những cuộc đấu tranh này là của Ama Shao (1899-1905), Oi H’Mai (1903-1909), Săm Brăm (1935-1936).
Trước Cách mạng Tháng Tám, Buôn Hồ là nơi sớm chịu ảnh hưởng của Đảng và Mặt trận Việt Minh, đã từng nổ ra các cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền, công nhân lục lộ chống lại ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp. Rất nhiều trí thức, công chức, binh lính người dân tộc đã giác ngộ cách mạng và trở thành cán bộ của Đảng trong hai cuộc kháng chiến.
Trong 9 năm đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, Buôn Hồ thật sự là chiến trường tiêu biểu của tỉnh. Tuy có lúc phong trào phát triển sôi nổi, có lúc bị địch đánh phá quyết liệt, nhưng nhìn chung trong suốt 9 năm chống Pháp, Buôn Hồ tự hào là chiến trường địch hậu trọng yếu. Đây là nơi nhân dân các dân tộc sát cánh bên lực lượng vũ trang giữ vững chính quyền cách mạng và bảo vệ phòng tuyến Buôn Hồ dài ngày nhất so với cả tỉnh (300 ngày đêm). Cuộc đấu tranh bảo vệ phòng tuyến Buôn Hồ năm 1946 đã ghi dấu ấn không phai mờ trong lịch sử cách mạng tỉnh Đắk Lắk. Sau khi ta rút khỏi chiến trường để bảo toàn lực lượng, Buôn Hồ cũng là một trong những nơi đầu tiên trong tỉnh thực hiện chủ trương bám lại để xây cơ sở vùng địch hậu; nơi đã sáng tạo và thể nghiệm các phương thức xây dựng thực lực, xây dựng chiến khu và vùng căn cứ kháng chiến, làm đầu não để tổ chức và chỉ đạo phong trào cách mạng của cả tỉnh, từng bước tấn công tiêu diệt địch, phát triển chiến tranh du kích.
Sông Krông Búk
Năm 1948, Ban Cán sự Đảng Buôn Hồ được thành lập. Đây là tổ chức Đảng đầu tiên và là tiền thân của Đảng bộ Buôn Hồ. Trong suốt cuộc kháng chiến, công tác xây dựng cơ sở vùng địch hậu ở Buôn Hồ hết sức gian nan, nhưng cuối cùng đã giành thắng lợi to lớn. Thực lực của ta không ngừng lớn mạnh, nhiều buôn có đảng viên, có lực lượng du kích, có chính quyền đoàn thể nhân dân. Chính vì thế Buôn Hồ cũng là nơi đóng góp nhiều nhất về sức người, sức của, góp phần xứng đáng cùng với quân và dân trong tỉnh đánh bại thực dân Pháp trên chiến trường Đắk Lắk.
Trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai biết rõ Buôn Hồ là nơi có phong trào kháng chiến mạnh, nên ngay từ đầu chúng ra sức đàn áp cuộc đấu tranh của nhân dân. Qua từng giai đoạn, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đều tập trung nhiều tiềm lực quân sự và chính trị, nhằm xây dựng Buôn Hồ thành địa bàn chiến lược trọng yếu bảo vệ phía Bắc Buôn Ma Thuột. Song ngay từ sau Hiệp định Giơnevơ (1954), với một số ít cán bộ được Đảng bố trí ở lại bám chiến trường lãnh đạo quần chúng, ta đã dần dần xây dựng lại thực lực cách mạng, từng bước làm dấy lên nhiều phong trào đấu tranh sôi nổi. Mặc dù phải đương đầu với kẻ thù vô cùng tàn bạo, chúng dùng hết chiến lược này đến chiến lược khác, hết mưu đồ này đến mưu đồ khác, hòng đè bẹp ý chí cách mạng của nhân dân, nhưng thực tế phong trào cách mạng Buôn Hồ không những không bị tiêu diệt mà ngược lại đã phát triển liên tục và mạnh mẽ. Nhờ được tôi luyện cả về ý chí và thực lực cách mạng trong chống Pháp, nhân dân Buôn Hồ dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Đắk Lắk và Ban Cán sự Đảng Buôn Hồ đã không ngừng đấu tranh lần lượt làm thất bại chính sách tố cộng và diệt cộng của Mỹ Diệm (1955-1960), dấy lên cao trào Đồng khởi giành quyền làm chủ nông thôn, đỉnh cao là cao trào Đồng khởi phá kềm 1961-1962, tấn công và nổi dậy phá ấp, giải phóng dinh điền, mở rộng vùng nông thôn làm chủ 1964-1965.
Đài tưởng niệm các Liệt sĩ giao bưu – liên lạc Tây Nguyên
Mỹ – Ngụy đã thực hiện nhiều âm mưu và thủ đoạn thâm độc tàn bạo hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến của tỉnh và đè bẹp ý chí đấu tranh của nhân dân. Có những thời điểm khốc liệt, địch tập trung mọi tiềm lực và sức mạnh quân sự, chính trị để thực hiện âm mưu “bình định cấp tốc” “bình định nước rút”, “bình định đặc biệt”, hòng thực hiện “tát nước bắt cá”, đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi địa bàn, tạo nên những vành đai trắng để thẳng tay triệt hạ vùng ta và thẳng tay kiềm tỏa nhân dân trong các khu dồn và ấp chiến lược. Nhưng vượt lên trên mọi hy sinh, tổn thất to lớn và nặng nề, Đảng bộ và quân dân Buôn Hồ đã bền bỉ đấu tranh, làm nên những chiến công vang dội, xứng đáng ghi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh: Tham gia vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đánh bại chương trình bình định cấp tốc của Mỹ ngụy 1969-1972.
Cuối năm 1972, đầu năm 1973, thực hiện nhiệm vụ do Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao cho Trung Đoàn 25 Bộ binh – lực lượng chủ lực đứng chân trên địa bàn Đắk Lắk có nhiệm vụ phối hợp với quân và dân các dân tộc thị xã Buôn Hồ chiếm lĩnh đèo Hà Lan, cắt đường 14 đoạn giữa Buôn Hồ đi Buôn Ma Thuột, tiêu diệt sinh lực địch, tạo thời cơ cho phòng trào đấu tranh chính trị, diệt ác, phá kìm, giữ đất, giành dân, mở rộng vùng giải phóng. Trung đoàn 25 đã phối hợp hiệp đồng tác chiến nhịp nhàng, chặt chẽ với các lực lượng vũ trang địa phương, tổ chức chiến đấu, chiếm lĩnh trong suốt 28 ngày đêm (từ 25/1 đến ngày 23/2/1973) tại các chốt cao điểm 782, 696 (đèo Hà Lan) và bên dưới là các ấp Hà Lan 1, Hà Lan 2, Hà Lan 3, thông Cung Kiệm, Từ Cung, dinh điền Đạo Tế, dinh điền ROSSI, buôn Trinh, buôn Ea đê. Tuy có sự chênh lệch về lực lượng, hỏa lực giữa ta và địch, nhưng với tinh thần quả cảm, kiên cường của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn, quân và dân Buôn Hồ đã giữ vững được trận địa theo kế hoạch được giao, đã cắt và làm chủ đoạn đường dài 12 km, chia cắt Buôn Hồ với Buôn Ma Thuột, thu hút và giam chân địch với lực lượng tương đối lớn, tiêu diệt 225 tên địch, làm bị thương 483 tên, bắt 6 tù binh, diệt gọn 4 trung đội, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội, bắn cháy 5 máy bay, phá hủy 12 xe quân sự các loại … Trong trận đánh ác liệt này, rất nhiều cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 25, Tiểu đoàn 301 tỉnh đội Đắk Lắk, quan và dân các dân tộc Buôn Hồ đã anh dũng hy sinh. Thắng lợi trong trận này góp phần chặn đứng âm mưu lấn chiếm, tràn ngập lãnh thổ của địch, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy, làm bàn đạp thuận lợi cho quân và dân Đắk Lắk tiến lên trong những năm 1974-1975.
Ngày 12-3-1975, Buôn Hồ được giải phóng, cùng với quân dân cả tỉnh, cả nước giành thắng lợi cuối cùng trong đại thắng Mùa xuân năm 1975: giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Nghĩa trang Liệt sĩ Thị xã Buôn Hồ
Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Buôn Hồ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng và tinh thần chủ động, sáng tạo trong đấu tranh cách mạng, đem hết sức lực, trí tuệ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; vừa khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh; đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO; thực hiện định canh, định cư cho đồng bào các dân tộc; từng bước đẩy lùi cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội; vừa xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng chính quyền nhân dân, nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển của tỉnh và của đất nước.
Đặc biệt, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ đã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết thống nhất thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Từ khi thị xã Buôn Hồ thành lập (12-2008), bên cạnh những thuận lợi cơ bản, thị xã Buôn Hồ còn không ít khó khăn. Song, Đảng bộ, quân và dân thị xã đã nỗ lực phấn đấu vươn lên giành được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế liên tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt gần 10%; nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả, giá trị trên một đơn vị sản xuất; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng có bước phát triển khá; văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, công tác xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội đạt kết quả tốt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc thị xã ổn định và được cải thiện về nhiều mặt; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hoàn thành xuất sắc công tác quân sự quốc phòng địa phương; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và ngày càng vững mạnh.
Vững vàng đi theo con đường của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu đã chọn, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Buôn Hồ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phát huy truyền thống anh hùng, hăng hái tiến lên lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.
Từ khóa » Cầu Rosi Buôn Hồ
-
Sập Cầu Rosi Nối Buôn Hồ Và KRong... - Mạng Xã Hội Giao Thông
-
Tổng Quan Thị Xã Buôn Hồ - Trang Chủ
-
Huyện Krông Búk Thành Lập 10 Chốt Kiểm Soát Phòng, Chống Dịch
-
Buôn Hồ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Buôn Hồ - Wikipedia
-
Buôn Hồ Về đêm - Cầu Rosy - YouTube
-
Cây Thủy Tùng Cổ Thụ, độc Nhất Vô Nhị Nằm Trong Vườn, Chủ Nhà Ngay ...
-
Uẩn Khúc... đường Tránh đô Thị Buôn Hồ - Báo Lao Động
-
Cửa Hàng Thị Xã Buôn Hồ - Mobifone
-
[PDF] Giá đất Thị Xã Buôn Hồ Năm 2011
-
Bản đồ Quy Hoạch Thị Xã Buôn Hồ, Đắk Lắk Mới Nhất 2022
-
Hệ Thống Nhà Thuốc FPT Long Châu Tại Thị Xã Buôn Hồ, Tỉnh Đắk Lắk
-
Sập Cầu Rosi Nối Buôn Hồ Và KRong... - Mạng Xã Hội Giao Thông