Giới Thiệu Khái Quát Thị Xã Cửa Lò - Tỉnh Nghệ An

Diện tích 27,81 km² Dân số: 70.398 người (2010) Thị xã Cửa Lò gồm 7 phường: Nghi Thủy, Nghi Tân, Thu Thủy, Nghi Hòa, Nghi Hải, Nghi Hương, Nghi Thu. Tất cả các phường này đều tiếp giáp với biển. Hiện nay trung tâm du lịch vẫn tập trung ở phường Thu Thủy, Nghi Hương và Nghi Thu và đang mở rộng xuống khu vực Cửa Hội (Nghi Hòa và Nghi Hải).

Vị trí địa lý

Nằm ở phía Đông Nam tỉnh Nghệ An, cách Thành phố Vinh 16km về phía Đông, Sân bay Vinh 10km về phía Tây,Thủ đô Hà Nội gần 300km về phía Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh 1.400km về phía Nam, thủ đô Viên Chăn của Lào 400 km. Cửa Lò nằm giữa 2 con sông lớn là Sông Lam ở phía Nam và Sông Cấm ở phía Bắc.

Địa hình

Địa hình tương đối bằng phẳng. Trong thị xã có nhiều ngọi núi nhỏ, nhiều đảo và bán đảo tạo nên những cảnh quan kỳ thú. Cửa Lò được bao bọc bởi hai con sông là sông Cấm ở phía bắc và Sông Lam ở phía Nam. Nếu như ở phía Bắc là các ngọn núi nhô ra sát biển, tạo nên cảnh đẹp hùng vĩ thì ở phía Nam lại có rừng bần, có Sông Lam tạo nên cảnh hiền hòa, sâu lặng.

Lịch sử hình thành

Dựa vào những di chỉ và dấu vết cổ sử – khảo cổ học , các nhà sử học thuộc Viện sử học Việt Nam đã thống nhất rằng, từ xa xưa nơi đây là một trong nhiều địa điểm tụ cư của các nhóm dân có nguồn gốc Mã Lai – Đa Đảo. Cửa Lò thật ra là một địa danh Việt hóa từ Kuala ( tiếng Mã Lai) : Bãi bồi có nhiều cát sỏi).

Cửa Lò, là đô thị du lịch trọng điểm của tỉnh Nghệ An được thành lập ngày 29/8/1994 theo Nghị định 114/NĐ-CP của Chỉnh phủ. Tuy nhiên, cách đây hơn 105 năm, ngày 05/06/1907, toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định về việc xác định phương thức sở hữu đất ở bãi biển Cửa Lò. Ở đây, người Pháp đã xây dựng một số biệt thự để tổ chức các kỳ nghỉ cuối tuần. …Sở dĩ Cửa Lò được chọn làm nơi xây dựng khu nghỉ ngơi bởi đây là 1 trong số ít những bãi biển ở Đông Dương có điều kiện tự nhiên tốt nhất vào thời điểm đó…. Những căn cứ khoa học ngày nay cho thấy, luận điểm của người Pháp về những ưu việt của bãi biển Cửa Lò là có cơ sở.

Cửa Lò được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là một trong những bãi tắm lý tưởng nhất Việt Nam:Với chiều dài trên 10 km, được bao bọc bởi hai con sông ở hai đầu, độ dốc thoải đều, nước biển trong xanh, sóng vừa phải, độ mặn thích hợp là những đặc điểm mà không phải bãi tắm nào cũng có……

Nằm giữa 2 giòng sông lớn của Xứ Nghệ : Sông Lam và sông Cấm nên tính cách con người Cửa Lò đã được bồi đắp và thừa hưởng những giá trị truyền thống khoa bảng, yêu nước, cần cù, sáng tạo của các bậc hiền tài…. Con cháu vùng Cửa Lò ngày nay vẫn luôn tự hào về những chiến công trên biển của hạm đội thủy binh do Thái uý quận công Nguyễn Sư Hồi chỉ huy. Tiếp nối truyền thống oai hùng, quật khởi của cha ông, ngày nay Cửa Lò đang từng ngày lớn mạnh như 1 tiền đồn án ngữ trước biển Đông. Lớp lớp con cháu vùng Cửa Lò luôn nắm chắc tay súng, tay chèo, bám ngư trường, bám biển.

Đảo Mắt-Nhãn Sơn cùng với truyền thuyết nàng Tố Nương ngày đêm dõi mắt vào quê chồng mong ngóng thương yêu, là vị trí tiền tiêu quan trọng để bảo vệ sự bình yên cho đất liền.

Đảo Song Ngư nằm cách đất liền hơn 4 km. Đảo gồm hai hòn lớn nhỏ. Trên Đảo Ngư có Chùa Ngư được xây dựng ở thế kỷ thứ XIII, được Thị xã Cửa Lò cho phục dựng năm 2005 rất đẹp. Đây là nơi thờ đức Phật và Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn, vị tướng thủy quân quê ở Nghệ An đã có công lao đánh giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII. Người dân và du khách thập phương xem chùa Ngư là nơi linh thiêng ở xứ Nghệ và thường xuyên đến đây thắp hương, vãn cảnh. Đặc biệt, ngư dân quanh vùng khi khi ra khơi, vào lộng thì luôn xem Chùa Ngư, Đảo Ngư là nơi che chắn, bảo vệ cho họ trước thiên tai, bão tố..Trước chùa có 2 hai cây lộc vừng tương truyền đã 700 trăm năm tuổi, cành lá um tùm sum suê mọc trên hai gốc khổng lồ. Chính giữa chùa là giếng Ngọc, có nguồn nước ngọt mát, dùng để nấu lên loại rượu Song Ngư ngon nức tiếng.. Nhiều loài chim quý đã tìm về đảo trú ngụ, cùng với những loài thú khác khiến cho đảo Ngư trở thành một vườn Bách thú tự nhiên.

So với nhiều khu đô thị cùng loại của cả nước, Cửa Lò có 1 hệ thống cơ sở hạ tầng khá phát triển. Hệ thống giao thông của Cửa Lò khá đồng bộ và hiện đại được nối liền với giao thông của cả nước và nước bạn Lào. Từ 2 đầu đất nước đều có thể đến với Cửa Lò qua quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt, đường hàng không hoặc đường thuỷ. Cửa Lò chỉ cách Hà Nội 290Km, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.400 Km và cách nước bạn Lào chỉ 80 Km. Từ Hà Nội theo đường bộ qua quốc lộ 1A chạy thẳng về Cửa Lò chỉ sau 1 buổi. Từ cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ, khách từ Lào, Thái Lan đến Cửa Lò chỉ hơn 1h đồng hồ. Đặc biệt, hiện nay du khách về với Cửa Lò đã rất thuận tiện vì đã có các tuyến bay thẳng nối đến Vinh từ các thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nặng, Đà Lạt, Buôn mê thuột. Riêng tuyến hàng không Vinh-Viêng Chăn vừa được mở đã tạo cho du khách từ Lào, Thái Lan sang Cửa Lò 1 cách nhanh chóng hơn.

Hiện nay Cửa Lò có khoảng 300 cơ sở lưu trú, trong đó có nhiều cơ sở lưu trú, khách sạn đáp ứng hoạt động và tổ chức được các sự kiện mang tầm quốc tế như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội, Khách sạn Mường Thanh Cửa Lò, Khách sạn Sài Gòn-Kim Liên, Summer, Khách sạn Xanh, Thái Bình Dương, Hòn Ngư…

Đến với Cửa Lò là đến với 1 không gian sống của 1 cộng đồng có nhiều đặc điểm trong sản xuất và sinh hoạt

Dân cư Cửa Lò xưa sống chủ yếu dựa vào 2 nghề : Sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp. Với lịch sử tồn tại lâu đời của vùng đất, những khung cảnh nông thôn xưa Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn nét đẹp..

Đến Cửa Lò du khách có dịp tận mắt chứng kiến công nghệ làm nước mắm của người xưa tuy thô sơ nhưng kỳ công để chắt ra những giọt nước mắm ngon có tiếng. Nước mắm Cửa Lò sánh ngang với nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc

Chợ hải sản Cửa Lò phong phú về chủng loại. Con tôm, con cá, con mực, con cua biển Cửa Lò vào hàng ngon nhất nước. Do đặc điểm vùng thuỷ sinh mà hải sản Cửa Lò ngon có tiếng từ xưa

Đến Cửa Lò bạn có thể vào tận nhà dân chứng kiến cảnh nướng cá thu và mua quà cho gia đình sau 1 kỳ nghỉ. Độc đáo nhất, Cửa Lò có món đầu cá thu nướng vừa ngon vừa rẻ. Cái ngon mang hương vị dân dã nhưng thực ra lại là của hiếm của thời nay. Thưởng thức hải sản kiểu dân dã và độc đáo này không phải ở đâu và lúc nào cũng có thể

Cũng là hải sản nhưng những món ăn được chế biến từ con nghêu, con mực ở Cửa Lò có hương vị đặc trưng riêng. Cha ông nói” miếng ngon nhớ lâu”. Đến với Cửa Lò du khách sẽ mãi không quên vì ở đây có rất nhiều món đặc như: Mọc cua bể, Ghẹ hấp me, Cá giò bảy món, Mực nhảy nướng, Mực rim, Mực trộn tép bưởi, Mực luộc, Mực nhồi thịt rán, Chả mực..Nhiều du khách khi về du lịch nơi đây đã truyền tai nhau thưởng thức món cháo nghêu hay món đầu đuôi cá thu nướng để rồi ấn tượng mãi với hương vị không lẫn với bất cứ nơi đâu.

Về Cửa Lò, nhiều du khách đã không thể bỏ qua cơ hội được tận hưởng không khí trong lành ở bãi biển vào mỗi buổi sáng. Tại không gian này, du khách cùng tham gia kéo lưới với những ngư phủ thuần phác. Nếu muốn, du khách cũng có thể ngồi xe điện- 1 phương tiện giao thông nội thị có nhiều ở Cửa Lò để tham quan bến cá và hoà mình vào không khí sống động của 1 làng chài vào mỗi sáng mai khi thuyền cập bến.

Trên địa bàn thị xã Cửa Lò và vùng phụ cận hiện nay cũng có gần 20 điểm di tích, điểm tham quan, vãn cảnh gắn với các lễ hội nổi tiếng xứ Nghệ như: Lễ hội Đền Nguyễn Xí, Lễ hội Đền Vạn Lộc, Lễ hội cầu Ngư gắn với tục thờ cá ông ở Đền Làng Hiếu, Lễ hội Đền Mai Bảng, Yên Lương ở phường Nghi Thủy. Các điểm di tích Đền Diên Nhất, Đền Bàu Lối, Chùa Lô Sơn, Nhà thờ họ Hoàng Thế, họ Hoàng Văn, nhờ thờ Phùng Phúc Kiều…cũng chính là những điểm tham quan hấp dẫn….

Hiện nay, ngành du lịch Nghệ An đã liên kết với hàng chục đơn vị lữ hành và nhiều tour tuyến để hình thành các điểm kết nối với Cửa Lò. Đến Cửa Lò tắm biển bạn có thể tham gia các tua du lịch quanh vùng như: Cửa Lò-Thành phố Vinh với Phượng Hoàng- Trung Đô, đền thờ Quang Trung- Nguyễn Huệ, Đền Hồng Sơn, thành cổ Vinh, bảo tàng Xô Viết- Nghệ Tĩnh. Tuyến Cửa Lò – Kim Liên – Nam Đàn với cụm di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, khu mộ bà Hoàng Thị Loan – Thân mẫu Bác Hồ trên núi Đại Huệ, di tích Núi Chung và gắn kết với các di tích tiêu biểu khác của Nam Đàn như khu miếu mộ, đền thờ Vua Mai, khu tưởng niệm chí sĩ Phan Bội Châu. Tuyến Cửa Lò – Đền Cuông – Cửa Hiền với đền thờ Thục An Dương Vương, ghi dấu giờ khắc nghiệt ngã của lịch sử, đánh mất Loa Thành và câu chuyện tình bi thương Mị Châu-Trọng Thủy.Cách đền Cuông không xa là bãi biển Cửa Hiền với non nước giao hòa, nơi tương truyền rùa thần đưa nhà vua mất nước ra đi mãi mãi…

Tuyến Cửa Lò – Rừng Quốc gia Pù Mát với khu bảo tồn tự nhiên nổi tiếng, có hệ gen động thực vật phong phú và diện tích lớn nhất cả nước.Đến đây, du khách được tắm mình trong không gian của thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ như bơi thuyền trên sông Giăng, thăm đập Phả Lài, thác Khe Kèm…, thưởng thức các món ăn dân giã như cơm lam, cá mát sông Giăng… của dân tộc Đan Lai. Tuyến Cửa Lò – Tiên Điền – Đền Củi – Ngã Ba Đồng Lộc với quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du.

Trong chiến lược phát triển của mình, Cửa Lò xác định dành toàn bộ không gian dọc chiều dài bãi tắm để xây dựng hệ thống công viên xanh.

Nắm bắt nhu cầu của du khách, ở Cửa Lò cũng đã có những dịch vụ giải trí tạo cảm giác mạnh cho người tham gia. Cưỡi diều lượn lơ lửng trên không trung hay lướt ca nô cao tốc …đã được nhiều khách ưa mạo hiểm rất thích…..Đặc biệt, Cửa Lò cũng rất quan tâm đến việc phát triển các khu vui chơi, giải trí dành cho thiếu nhi…Cở sở, vật chất dành cho các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cũng được Cửa Lò xây dựng khá đồng bộ và quy chuẩn. Hiện nay, Cửa Lò đã có 1 hệ thống sân chơi, bãi tập, nhà thi đấu thể dục-thể thao đáp ứng cở bản được nhu cầu của du khách và nhân dân.

Được Bộ chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh: Xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học- công nghệ, thông tin, công nghiệp, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục- đào tạo cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh Nghệ An.

Khắc Giang

Từ khóa » đền Diên Nhất Cửa Lò