Giới Thiệu Khái Quát Về Các Bậc “Khai Quốc Công Thần”

I. Các bậc “Khai quốc công thần”

1. Dương Đình Nghệ  

Dương Đình Nghệ sinh ngày 10 tháng 10 năm Giáp Ngọ (874) là con thứ hai của cụ Dương Đình Thiện thuộc gia đình hào phú ở Long Vĩ, Châu Cổ Pháp, Bắc Ninh. Khoảng năm 894 di cư về làng Giàng, Dương Xá Châu Ái nay thuộc phường Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa.

Vốn là một hào trưởng ở Châu Ái, giàu có, nhiều thế lực, lại có lòng yêu nước thương dân. Mùa thu năm 923 vua Nam Hán sai kiêu tướng Lý Khắc Chính đem quân đánh Giao Châu bắt được Khúc Thừa Mỹ đem về. Dương Đình Nghệ lấy tư cách là tướng cũ của Khúc Hạo tập hợp quân sĩ đánh bại Lý Khắc Chính. Lý Khắc Chính phải chạy về Nam Hán. Chúa Nam Hán muốn chiêu dụ tạm phong tước cho Dương Đình Nghệ.

Lợi dụng tước vị được tạm phong, Dương Đình Nghệ cai quản Ái Châu, ngày đêm quyết chí tiếp tục sự nghiệp khôi phục quyền tự chủ cho đất nước. Ông đã nuôi 3000 nghĩa sĩ, luyện tập võ nghệ chuẩn bị lực lượng tập hợp nhân tài về làng Giàng, Dương Xá, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, biến nơi này thành trung tâm kháng chiến, nơi tụ nghĩa của các anh hùng hào kiệt: Ngô Quyền từ Đường Lâm (Sơn Tây), Đinh Công Trứ từ Trường Châu (Ninh Bình), Phạm Bạch Hổ từ Đằng Giang (Hưng Yên). Tất cả đã đưa gia quyến và lực lượng của mình hợp lực với Dương Đình Nghệ chuẩn bị chống giặc suốt một thời gian dài 9 năm (từ năm 923 đến 931).

Tháng 12 năm Tân Mùi (931) mùa đông, Dương Đình Nghệ liền kéo đại quân vây đánh Lý Tiến chiếm thành Đại La, thủ phủ của quân Nam Hán. Thứ sử Lý Tiến vội cấp báo về Quảng Châu cầu cứu, chúa Nam Hán sai Thừa Chí Trần Bảo đem quân cứu viện. Viện binh địch chưa sang đến nơi, thành Đại La đã rơi vào tay Dương Đình Nghệ. Tướng giặc là Lý Khắc Chính bị giết tại trận, Thứ sử Lý Tiến vội vàng phá vòng vây đem tàn quân tháo chạy về nước. Khi viện binh địch ồ ạt kéo sang, Dương Đình Nghệ chủ động rời thành đem quân phục kích những nơi hiểm yếu và tấn công các doanh trại dã ngoại của địch. Trước sự tiến công vũ bão của quân ta, quân Nam Hán hoàn toàn tan rã, tướng Trần Bảo bị giết, lực lượng còn lại bị quân ta truy kích chạy tán loạn về nước. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Dương Đình Nghệ đã thắng lợi trọn vẹn.

          Sau khi chiến thắng quân Nam Hán, bờ cõi non sông đã yên bình, Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ cai quản đất nước, năm 931, Ngô Quyền - con rể của Dương Đình Nghệ được cử trôm nom Ái Châu, Đinh Công Trứ (Bố Đinh Bộ Lĩnh) được cử làm Thứ sử Châu Hoan. Với tầm nhìn chiến lược, sáng suốt trong 6 năm (931 – 937) ông đã tập trung sức lực xây dựng lực lượng kháng chiến về mọt mặt, tiếp tục thực hiện các cải cách dưới thời họ Khúc, tổ chức lại các cấp hành chính từ Trung ương xuống địa phương, vươn xuống tổ chức cơ sở của xã hội (giáp, xã) để tăng cường quyền lực của Nhà nước Trung ương, sửa lại chế độ điền tô, thuế má và lực dịch. Bộ mặt đất nước bước đầu đã có chuyển biến thuận lợi, đời sống nhân dân dễ chịu hơn trước.

Đặc biệt Ông đã chọn đúng các nhân tài và trao cho họ trọng trách xây dựng, cai quản Châu Ái, Châu Hoan để tạo thành lực lượng lớn mạnh, mưu việc lâu dài của đất nước. Nhưng Ông đã bị tên nha tướng Kiều Công Tiễn, người Châu Phong ám hại.  

2. Lê Lương

Lê Lương, không rõ năm sinh, năm mất, tên thụy là Hùng Vũ. Ông người Rỵ (tức Giáp Bối Lý – Trần) sau đổi thành Phủ Lý Nam, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Thanh Hóa.

Lê Lương là hào phủ nổi tiếng và trở thành một lực lượng bảo trợ cho cả vùng kẻ Rỵ xưa, họ Lê ở Bối Lý thời bấy giờ là một dòng họ lớn và nổi tiếng ở vùng Châu Ái. Lê gia chính phả ghi lại sinh hoạt của nhà hào phú Lê Lương “trong nhà chứa hàng trăm lẫm thóc, nuôi 300 môn khách, những năm mất mùa đói kém Lê Lương mở kho thóc chẩn tế cho dân trong vùng. Hàng ngày có hàng ngàn người đi lại trên mãnh đất này, điều đó càng chứng tỏ Lê Lương là người đức độ, giàu lòng nghĩa hiệp, là con người có tầm nhìn nhận mới. Ông luôn hướng về nềnđại thống nhất đất nước. Chính vì vậy sau khi Đinh tiên Hoàng lên ngôi (năm 968), biết ông là người có đạo nghĩa, xuống chiếu mời ông về kinh, phong tước Kim Tử Quang Lộc Đại Phu, cho làm Đô dịch sứ quẩn Cửu Chân – Châu Ái.

Đưới triều tiền Lê, ông là người giúp vua trong việc mở mang, tạo dựng nên làng mạc, ruộng đồng vùng châu quân, làng ra nhiều của cải đóng góp vào sự nghiệp chống Tống của Lê Hoàn. Nhà vua phong cho ông làm Trấn Quốc Bộc xạ Tướng công trông coi việc quân lương của triều đình. Ngoài việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Lê Lương còn là người luôn bỏ tiền của trong nhà cho việc mở mang phát triển Phật giáo, ông tìm thợ khéo trong vùng để xây dựng ở Kẻ Ryk 3 ngôi chùa lớn: Hương Nghiêm, Trinh Nghiêm, Minh Nghiêm. Hiện nay ông được hậu thế thờ trong đền thờ Lê Văn Hưu vốn xưa là nhà nhờ của họ Lê Lương.

3. Trần Lựu

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Hà, dẫn chứng từ thần phả Thanh Hà ngọc phả bi ký tại đền Thanh Hà (Hà Nội), thì rất có thể thông tin trong thần phả chính là chỉ về Trần Lựu. Theo đó, ông sinh ngày mùng 4 tháng Tư (âm lịch) và mất ngày 15 tháng Chín (âm lịch). Một số nhà nghiên cứu cho rằng ông là con của nghĩa sĩ Trần Lượng, đời Hậu Trần, quê ở làng Lỗ Tự, huyện Thượng Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

 Ông là người tham gia vào nghĩa quân Lam Sơn từ khá sớm, Trần Lựu là một tướng lĩnh tài ba lão luyện trong việc cầm quân, nên Lê Lợi mới giao cùng tướng Lê Bôi đánh đồn Khâu Ôn, một thành có vị trí quan trọng trong việc trung chuyển tiếp quân lương của quân Minh từ phía Quảng Tây (Trung Quốc) sang trong thời gian đánh thành Khâu Ôn, Trần Lựu đã được Lê Lợi phong chức Nhập nội Thiếu bảo, tổng tri coi việc quân dân Lạng Sơn và An Bang, cho quyền tiền trảm hậu tấu, toàn quyền huy động quân dân ngăn chống quân Minh ở vùng biên giới Đông Bắc. Ngày 13 tháng Giêng (âm lịch) năm 1427, trước sức vây ép của quân Lam Sơn do Trần Lựu và Phạm Bôi chỉ huy, quân Minh tự lượng chống đỡ không nổi, đang đêm bỏ thành chạy trốn,

Năm Đinh Mùi (1427), ngày 10 tháng 6 tướng Minh là Trấn Viễn Hầu đem năm vạn quân và một nghìn ngựa từ Quảng Tây sang cứu viện các thành. Đến cửa Pha Lũy, ông cùng Lê Bôi phá tan quân giặc, chém hơn ba nghìn đầu, bắt năm trăm ngựa, rồi rút về. Nhằm cứu vãn tình thế, vào ngày 10 tháng 6 năm 1427, Cố Hưng Tổ nhà Minh đem theo 5 vạn quân cùng 5 ngàn cỗ ngựa từ Quảng Tây sang cứu viện các thành. Đến cửa ải Pha Lũy (tức cửa Nam Quan hay còn gọi là Hữu Nghị Quan), đã bị tướng Trần Lựu, Lê Bôi đón ngay tại cửa ải, phá tan quân giặc, chém trên 3000 thủ cấp, bắt được hơn 500 ngựa, Hưng Tổ thua to phải chạy về nước, ông cùng với các tướng nghĩa quân Lam Sơm đánh lùi quân Minh và chém đầu tướng giặc nhà Minh là Liễu Thăng tại ải Chi Lăng.

Năm Bính Thìn [Thuận Bình] năm thứ 3 (1436), mùa thu, tháng 7, Tuyên úy đại sứ trấn Tuyên Quang là Trần Lựu làm Kim ngô vệ đồng Tổng quản kiêm Đô tổng quản lộ Thanh Hóa. Không biết ông đảm nhận chức này trong thời gian bao lâu, chỉ biết rằng 20 năm sau (1456) Trần Lựu giữ chức quan trông coi việc an ninh trong kinh thành. Quốc sử còn ghi: tháng 2 năm Bính Tý (1456): "Ra lệnh cho bọn Nhập nội Tư đồ Bình chương sự Lê Hiệu, Nhập nội Đô đốc Bình chương sự Lê Lựu trông coi việc giữ thành trì, ngày đêm nghiêm ngặt tuần phòng trong ngoài theo đúng phép. Và sự kiện cuối cùng viết về ông trong Đại Việt sử kí toàn thư là việc ông đi đánh giặc ở Bồn Man vùng Tây Bắc: "Tháng 12 năm 1460, sai Thái phó Lê Lựu, Thái bảo Lê Lăng dẫn các quân chia đường đi đánh họ Cầm (Tức họ Lai Cầm, tù trưởng Bồn Man)(23).

Có thể nói rằng, Trần Lựu là một người từng trải, cả cuộc đời ông gắn với binh nghiệp. Ông đã có công lao lớn, một vị tướng có tài trong cuộc kháng chiến chống quân Minh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc những năm hòa bình độc lập. Cuộc đời của ông trải qua những năm tháng kháng chiến chống quân xâm lược Minh gian khổ và tiếp đó ít nhất là bốn đời vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông với những đóng góp nổi bật. Hiện nay đền thờ Trần Lựu, tại xã Thiệu Quang đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

4. Đinh Lễ

Đinh Lễ (Không rõ năm sinh - mất năm 1427) là công thần khai quốc nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông tham gia nghĩa quân Lam Sơn dưới cờ Lê Lợi từ buổi ban đầu, lập nhiều chiến thắng, tiêu biểu là trận Tốt Động - Chúc Động khi ông và Lý Triện, Nguyễn Xí phá tan quân Minh do tổng binh Vương Thông chỉ huy trên đất Bắc. Sử gia Ngô Sĩ Liên cho rằng ông cùng với Lý Triện là những vị tướng giỏi nhất của nghĩa quân Lam Sơn.

Đinh Lễ là cháu Lê Lợi, ông gọi Lê Lợi bằng cậu. Ông là người dũng cảm, nhiều mưu lược, võ nghệ hơn người, khi còn trẻ thường làm cận vệ cho Lê Lợi. Những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn ông theo Lê Lợi chiến đấu vùng núi Chí Linh trải qua nhiều gian khổ.

Ngày Canh Thân, tháng Giêng, năm Mậu Tuất (Tức ngày 7 tháng 2 năm 1418), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương. Đinh Lễ là một trong 50 tướng văn, tướng võ được Lê Lợi sai đốc suất quân Thiết đột ra đối địch với quân Minh.

Ngày 16, tháng 4 năm 1418, nghĩa quân có bầy tôi tên Ái làm phản, dẫn lối theo đường tắt cho quân Minh đánh úp nghĩa quân. Quân Minh bắt được vợ, con cùng rất nhiều người thân của Lê Lợi. Tinh thần quân sĩ chán nản, nhiều người bỏ đi, tình thế ngặt nghèo. May nhờ Lê Lễ, Lê Vấn, Lê Bí, Lê Xí, Lê Đạp theo Lê Lợi lên núi Chí Linh. Tuyệt lương hơn hai tháng trời, chỉ dùng cỏ và măng tre ăn cho khỏi đói. Sau khi quân Minh lui binh, Lê Lợi mới trở về, thu thập tàn quân chừng trăm người, dựng trại sách ở xứ Mường Khao.

Ngày 12 tháng 4 năm Kỷ Hợi (1419). Vua sai ông Đinh Lễ đánh giặc đóng quân ở Lạc Thủy, đã đại phá quân giặc, chém hơn 3 nghìn đầu giặc, khí giới, lương thực không kể xiết, lại đại thắng phá quân giặc ở xứ Mường Một.

Tháng 7 năm Canh Tý (1420) Vua sai ông Đinh Lễ phục binh ở xứ Bồ Mộng, đại phá quân giặc chém hơn ba nghìn bảy trăm đầu giặc; Lại đặt phục binh xứ Bồ Thi , chém hơn một nghìn đầu giặc, quân phục khí giới đều đốt cháy hết.

Bình Định Vương ( Lê Lợi) phong ông Đinh Lễ làm Tướng quân tiên phong, lại phong làm Tư Không ( Tư Không, Tư Mã, Tư Đồ, là chức tam công là chức đứng đầu của Triều Lê).

Ngày 20 tháng 11 năm Tân Sửu (1421), Vua sai ông Đinh Lễ đặt phục binh ở xứ Úng Ải, đã bắn thẳng vào quân giặc từ giờ Tý đến giờ Mão và đại phá quân giạc, chém hơn một vạn đầu giặc, thu 14 thớt voi, của cải khí giới kể hàng vạn, tiến thẳng vào sào huyệt quân giặc. Vua cười và nói rằng :" Công thần của ta, có mấy ai như Đinh Lễ, đã dũng cảm lại mưu trí", rồi thăng chức tước.

Tháng chạp năm Nhâm Dần ( 1422), quân giặc cùng Quốc Vương nước Ai Lao(Lào) hợp mưu vào cướp phá, Vua họp chư tướng để răn bảo động viên ở sách Quan Da. Ông Đinh Lễ tự xông lên trước trận chém được tướng giặc là Phùng Quý, quân gặc chạy toán loạn, tướng giặc là Trần Trí, Mã Kỳ đểu chạy trốn.

Ngày 10 tháng 4 năm Quý Mão (1423) , Vua trở lại Lam Sơn theo kỳ hạn hàng năm ân thưởng tướng sĩ, tặng tước có thứ bậc trên dưới. Ông Đinh Lễ được tặng tước Hiệp Quốc Công, ông Tiền tổ (Đinh Bồ) được tặng tước Mậu quốc công.

Năm 1424, quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An, đánh nhau to với quân Minh ở Khả Lưu. Đinh Lễ cùng Lê Sát xông lên phía trước, các tướng sĩ thấy vậy cũng tiến theo, đánh bại quân Minh, thuyền vứt ngổn ngang, xác chết nghẹn cả khúc sông, khí giới vứt đầy rừng núi, Đô ty Chu Kiệt bị bắt sống, tướng tiên phong Đô ty Hoàng Thành bị chém. Nghĩa quân đuổi theo tận 3 ngày, tới tận thành Nghệ An, Trần Trí, Phương Chính rút vào thành cố thủ. Sau trận đó ông được Lê Lợi phong chức Tư không..

Năm 1425, quân Lam Sơn vây Lý An, Phương Chính ở Nghệ An, Đinh Lễ được sai đi tuần ở Diễn châu. Ông đặt phục binh ngoài thành, đón đánh tướng Minh là Đô ty Trương Hùng vận 300 thuyền lương từ Đông Quan (Hà Nội) tới, quân Minh trong thành mừng rỡ mở cửa thành ra đón. Quân mai phục đổ ra đánh, Thiên hộ họ Tưởng bị chém và hơn 300 quân, Hùng bỏ chạy, Đinh Lễ cướp được thuyền lương, thừa thế đuổi đánh quân Minh đến tận Tây Đô (Thanh Hoá).

Giữa mùa thu năm Bính Ngọ (1426) , vào ngcày 20 tháng 8 âm lịch nghĩa quân bắt đầu chuyển hướng tiến quân ra bắc. Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ được lệnh nhận 3.000 quân và 2 thớt voi ra đóng ở vùng Thanh Đàm ( thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay) để phối hợp với các cánh quân khác áp sát địch quanh thành Đông Quan. Tháng 10 năm ấy Vương Thông theo lệnhvua nhà Minh dẫn 50.000 quân sang tăng viện cho thành Đông Quan. Mới tới được 5 ngày. Vương Thông đã vội lấy thêm số quân còn sung sức ở Đông Quan, mở cuộc hành quân lớn ra vùng Chương Mỹ ( thuộc, tỉnh Hcà Tây ngày nay) hòng bao vây tiêu diệt cánh quân của tướng Lý Triện. Được cấp báo, Nguyễn Xí cùng tướng Đinh Lễ kịp thời dẫn quân đến phối hợp với các cánh quân khác gảy bất ngờ và thần tốc đánh tan quân địch ở Chúc Động- Tốt Động ( còn gọi là Ninh Kiều thuộc Chương Mỹ - Hà Tây ngày nay). Tiêu diệt trên 6 vạn tên giặc; trong đó khoảng 5 vạn bị giết chết tại trận, hơn 1 vạn bị bắt sống làm tù binh chém chết tại trận.

Ông Đinh Lễ (Thuỷ Tổ) là'người chí dũng hơn người, thường đi đánh giặc phá thành đều lập được chiến công. Chỉ vì quen thắng coi thường địch nên bị địch vây hãm ở trận My Động (Hoàng Mai - Hà Nội ngày nay), bị bắt đã cắn lưỡi mà chết. Vua đã ưu ái thưởng cho bậc Công thần

II. Một số “Danh nhân khoa bảng” tiêu biểu

1. Nhà sử học Lê Văn Hưu. Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) tại giáp Thần Hậu (nay là làng Nam hoặc Phủ Lý Nam) Kẻ Rỵ (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa). Thân phụ là Lê Văn Minh, cháu sáu đời Trấn Quốc Bộc xạ Lê Lương.

Tương truyền, cậu bé Lê Văn Hưu sớm biết nói, mẹ cậu là người sinh ra trong gia đình Nho học, vốn biết ít nhiều chữ nghĩa, nên thường dạy truyền miệng cho cậu chữ nghĩa sách Nho để cậu thấm dần, mong con về sau hay chữ.

Không lâu sau đó, chàng trai Lê Văn Hưu khăn gói lên kinh kỳ dự thi Thái học sinh do vua Trần Thái Tông mở vào đầu mùa xuân năm Đinh Mùi (hiệu Thiên ứng Chính Bình thứ 16, tức năm 1247). Lê Văn Hưu đã dậu Tam khôi, bậc Bảng nhãn (chỉ xếp sau Trạng nguyên Nguyễn Hiền và xếp trước Thám hoa Đặng Ma La). Lê Văn Hưu trở thành vị tiến sĩ đầu tiên của huyện Đông Sơn và xứ Thanh, mở đầu con đường khoa cử (thi Nho học, đáp ứng tài năng tuyên chọn quan chức của triều đình). Dĩ nhiên Lê Văn Hưu là Tiến sĩ đầu tiên của Bối Lý (Kẻ Rỵ) làm rạng rỡ quê hương, gia đình.

Sau khi về quê vinh quy bái tổ, trở lại kinh đô, Lê Văn Hưu được vua Trần Thái Tông, chọn làm thầy học của các Hoàng tử . Năm 24 tuổi (1253), Lê Văn Hưu được giữ chức Hàn lâm viện thị độc giữ việc giảng kinh sách cho Vua. Vào năm Tân Mùi niên hiệu Thiệu Long thứ 14 (1271) Lê Văn Hưu được cử làm Phó quan giúp việc Thái úy. Không lâu, Lê Văn Hưu được thăng chức Kiểm pháp quan của Viện Đăng Văn, là chức quan giữ việc tra xét hình ngục. Đến năm 1274 (45 tuối), Văn Hưu được thăng lên chức Thượng thư bộ Binh (như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay). Trước đó, ông giữ chức Hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc Sử giám tu, là chức quan đứng đầu.

Trong thời gian ở cương Viện Quốc Sử, ông được giao nhiệm vụ soạn Quốc sử. Mùa xuân năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long thứ 15 (1272), ông dâng lên vua Trần Thánh Tông bộ “Đại Việt Sử ký” gồm 30 quyển, ghi chép lịch sử nước ta từ thời Triệu Vũ đế (207 - 136 TCN) đến Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225). Đây là bộ Quốc sử đầu tiên của nước ta. Lê Văn Hưu được các sử quan đời sau đánh giá là “Đại thủ bút đời Trần”.

Năm 1274, Lê Văn Hưu đã từ quan sau một thời gian giữ chức Thượng thư bộ Binh, về nhà, ông mở trường dạy học và đi xem phong thủy bốn phương. Ông Lê Văn Hưu mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1322) ông thọ 93 tuổi, án táng tại làng Nam xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa ngày nay.

2. Tể tướng Nguyễn Quán Nho

Nguyễn Quán Nho (1637 - 1708) là người làng Vạn Hà, huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Thiên, xứ Thanh Hoa thời Lê Trung Hưng (nay là thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa). Tương truyền ông sinh ra trong một gia đình không có ruộng đất cày cấy gieo trồng, cha mẹ chỉ buôn bán vặt ở chợ Vạn để sinh nhai nên bữa cơm bữa cháo thất thường. Tuổi thiếu niên, thấy bạn đồng lứa được đi học chữ, ông cũng đòi cha mẹ cho đến nhà thầy đồ, nhưng vì không có tiền bạc, cha mẹ ông chỉ nhìn con mà khóc. Thấy ông nằn nì nhiều lần, người cha bèn dẫn ông đến nhà thày đồ ở làng Phủ Lý gần đó (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa), ở phía nam sông Chu, cách nhà ông ở bắc sông Chu vài ba dặm. Nghe người cha kể gia cảnh và sở nguyện của đứa con nhỏ, thầy đồ vui vẻ nhận ông làm học trò mà không thu khoản tiền nào cả. Cha con Quán Nho cúi lạy thầy đồ và từ đó, hàng ngày cậu Quán Nho cùng các bạn sang đò sông Chu (đò Vạn) đến nhà thầy học

Sau khi đỗ tứ trường (Hương cống) kỳ thi Hương năm Bính Ngọ (1666), năm sau (Đinh Mùi, 1667) Quán Nho lều chõng lên kinh kỳ Thăng Long để dự kỳ thi Hội. Kỳ thi năm Đinh Mùi (1667) này các sĩ tử ứng thí không đông vì đất nước mới trải qua chiến tranh Đàng Ngoài - Đàng Trong (1655 - 1660). Tháng 3 thi Hội chỉ chọn được ba người ưu tú là Nguyễn Hữu Đăng, Nguyễn Quang Trạch và Nguyễn Quán Nho. Tháng 4 thi Đình, vua Lê Huyền Tông (1662 - 1671) trực tiếp ra đề. Vua và các khảo quan cân nhắc cho ba người đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, xếp thứ tự theo bài làm điện thí là

Vậy là nhờ vượt qua đói khổ và dùi mài sách đèn, Nguyễn Quán Nho đã đỗ đầu khoa thi Tiến sĩ năm Đinh Mùi niên hiệu Cảnh Trị 5 (1667). Sau khi đỗ tiến sĩ, Nguyễn Quán Nho được chúa Trịnh Tạc (1657 - 1682) xin vua bổ chức Tả hiến tư giảng ở phủ chúa Trịnh để dạy các vương tử (con chúa Trịnh). Trịnh Tạc qua đời, con là Trịnh Căn nối ngôi chúa (1682 - 1709), ông vẫn được giữ lại phủ chúa làm quan cho đến chức Tham tụng (quan đứng đầu các quan trong phủ chúa, quyền như Tể tướng trong triều đình nhà Lê nên dân gian vẫn gọi là Tể tướng). Tuy làm quan cao chức trọng, Nguyễn Quán Nho vẫn sống thanh bần, giản dị, khoan dung và làm hết chức phận, giúp chúa, giúp vua. Ông luôn quan tâm đến việc khuyến nông, đê điều, phòng lụt bão, miễn giảm thuế khóa cho dân. Do vậy, mùa màng của nông dân luôn lúa tốt ngô vàng, nhân dân từ thôn quê đến thị thành được yên binh no ấm, nhất là sau khi Trịnh - Nguyễn đình chiến (sau năm 1672). Nhân dân các trấn xung quanh kinh thành cho rằng, đời thái bình lúc ấy nhờ quan Tể tướng người Vạn Hà. Ông được nhân dân Bắc Hà yêu quý như cha mẹ.

Khi làm quan ở phủ chúa Trịnh, trước khi năm quyền Tham tụng, Nguyễn Quán Nho giữ chức Tri lục phiên (trông coi công việc của 6 phiên, 6 cơ quan tham vấn cho 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công ở triều đình nhà Lê). Khi giữ chức Tham tụng, ông lại được chúa Trịnh Căn cho kiêm chức Tả hiến tư giảng. Ông là người hết lòng phò vua giúp chúa, là người thầy tận tâm đúng mực, được nhà chúa và các vương tử rất quý trọng.

Trong cuộc đời 40 năm làm quan, trải qua 4 đời vua Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông, Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông, Nguyễn Quán Nho luôn thể hiện là một vị quan thanh liêm, hết lòng phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước. Từ con người, cuộc đời ông, chúng ta thấy được sự đồng điệu với những giá trị tốt đẹp của dân tộc đang hiện diện, được lưu giữ và phát huy tại chính di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi ông đã từng là Tri Quốc Tử Giám. Đó là truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, coi trọng hiền tài của dân tộc Việt Nam. Sự ảnh hưởng của ông, sức sống của những di sản ông để lại không ai có thể đánh giá khách quan và công tâm như DÂN. Và trong dân, Nguyễn Quán Nho là : “Tể tướng Vãn Hà, Thiên hạ âu ca ”, điều mà đối với nhiều người làm quan, không dễ làm được.

3. Lê Quát 

Lê Quát có tên thường gọi là Lê Bá Quát, tự Bá Đạt, hiệu Mai Phong. Quê hương ông thuộc làng Ryk, sau đổi thành Phủ Lý Nam, huyện Đông Sơn (nay là làng Phủ Lý Nam, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa)

Tài liệu địa phương và giân gian truyền kể: Bá Quát lúc còn nhỏ là cậu bé mồ côi cha, cuộc sống gia đình vất vả, khốn đốn, mẹ bán hàng nước ở chợ Rỵ, hay giúp mẹ trông bán bán hàng, quét chợ. Bở vậy nhân dân trong vùng thường gọi là “cu Quét”. Tuy nghèo khổ nhưng “cu Quét” rất thông minh và ham học.

Khi bấy giờ ở làng Phúc Thọ (Kẻ Bôn), nay là xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn có một vị hưu quan rất yêu mến  “cu Quét” nên đã gã con gái út của mình cho cậu Quát. Từ đó Quát được mẹ và vợ nuôi ăn học, được một thời gian Quát lên kinh theo học với thầy Chu Văn An.

Do tu chí học hành, Lê Quát thi đậu Thái học sinh, đời vua Trần Minh Tông (1314-1329). Năm Đại khánh thứ 10 (1323), ông được chiều đình bổ dụng làm quan với chức bộ xã, đến năm Ất Dậu, đời Trần Dụ Tông (1345), Lê Quát dự kỳ thi lớn đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ, Đệ nhất danh (Trạng nguyên).

Năm Đại trị thứ 9 (1366), vua Trần Dụ Tông sai ông định duyệt sổ Trướng tịch (tức sổ hộ tịch) ở Thanh Hóa, ông được thăng Thượng thư Hữu bật,nhập nội hành khiển.

Tấm gương thông minh hiếu học, đức hiếu trung của Lê Quát được người đời sau kính phục. Sau khi ông mất, dân làng Rỵ lập đền thờ ông tại quê nhà.

          4. Lê Giốc

          Lê Giốc - người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa. Ông là con trai Lê Quát, đỗ Hoàng Giáp đời vua Trần Dụ Tông (1363). Lê Giốc được bổ dụng làm quan ở gần miền biên ải phía Nam cũng là lúc vương triều nhà Trần đang dần trên đường suy vong, vùng biên ải kẻ thù thường xuyên cướp phá.

Tháng 6 năm Mậu Ngọ, năm Xương Phù thứ 2 (1378), giặc đánh vào sông Đại Hoành, An phỉ sứ Lê Giốc bị giặc bắt, giặc buộc Lê Giốc phải lạy, Lê Giốc trả lời chúng: Ta là quan của nước lớn, sao lại phải lạy chúng mày ! chúng nổi giận, giết ông. Việc này được tâu lên nhà Vua, Lê Giốc được truy phong là “Mạ tặc Trung vũ hầu”, cho con ông là Nhuế làm Chánh trưởng bốn cục Cận Thị Chi Hậu.

Trong sách Lịch chiều hiến chương Phan Huy Chú đã xếp Lê Giốc vào hạng “Bề tôi tiết nghĩa” bên cạnh những nhân vật nổi tiếng như Trần Bình Trọng, Lê Cảnh Tuân, Đặng Dung…

Từ khóa » Cấp Bậc Vua Chúa