Giới Thiệu Kỹ Thuật Ghép Na (Annona Squamosa)

Tổng hợp: ThS. Hoàng Thị Ái Duyên

Bộ môn Hệ thống Nông Lâm nghiệp

1. Đặt vấn đề

Na là cây ăn quả nhiệt đới có giá trị dinh dưỡng cao, giàu sinh tố và chất khoáng. Trong những năm gần đây cây na được xem như loài cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao đối với các vùng miền phía Bắc, Miền trung và các tỉnh Tây Nguyên. Vùng phân bố của cây na ở nước ta khá rộng, trừ những nơi có mùa đông lạnh hay sương muối là không trồng được còn hầu hết các tỉnh đều có thể trồng na. Ở nước ta na được trồng từ lâu nhưng mới được chú trọng, phát triển mạnh từ năm 1990 trở lại đây [2].

  

Na có tính thích ứng khá rộng, sớm cho quả, năng suất cao và ít sâu bệnh gây hại nghiêm trọng. Hiện nay na dai được coi là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, rất được ưa chuộng trên thị trường, nhiều hộ gia đình đã giàu có nhờ trồng na.

Cây na có khả năng thích ứng rộng, đã được trồng nhiều và rất hiệu quả tại nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau của Việt Nam. Ở Tây Nguyên, điều kiện sinh thái của nhiều vùng rất phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây na. Vì vậy, cây na đã sinh trưởng tốt, cho năng suất cũng như chất lượng cao khi được trồng tại Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng và Kon Tum.

2.Đặc điểm nông sinh học của cây na

Na thuộc nhóm cây ăn quả rụng lá một phần trong mùa đông, thân gỗ hoặc thân bụi cao từ 3 – 5m, có nhiều cành. Cành na nhỏ mềm, kiểu cành la. Lá mỏng hình thuẫn dài hoặc hình trứng, mặt lá màu xanh lục, lá non có lông thưa, lá già thì nhẵn, khi vò lá có mùi thơm. Cuống lá ngắn có lông ngắn, chiều dài từ 1,5 – 1,8cm, lá rụng xong trơ cuống và lúc đó mới mọc mầm mới.

Hoa mọc đơn hoặc mọc thành chùm từ 1 – 4 hoa trên nách lá hoặc ở đỉnh của các cành năm trước, hoặc trên đoạn dưới của các cành già. Chiều dài hoa từ 2 – 4cm màu xanh vàng mọc chúc ngược, cuống hoa ngắn 1,4 – 2,0cm. Cánh hoa xếp hai vòng, mỗi vòng có 3 cánh, đài hoa bé màu xanh. Nhị đực bé nhưng tạo thành một lớp bọc ở ngoài vòng của các nhị cái. Nhị cái rất nhiều xếp thành hình chóp tròn và nhọn.

Quả thuộc quả kép, do kết hợp nhiều quả nhỏ lại với nhau mà thành. Quả hình tim có cuống hơi lõm, có đường kính từ 80 – 90 mm, chiều cao từ 60 – 75mm, trọng lượng quả từ 100 – 250g, vỏ quả xù xì (mắt na), thịt quả mềm màu trắng sữa, khi chín ăn rất ngọt, có mùi thơm đặc biệt, bên trong có nhiều hạt cứng màu đen hoặc màu nâu đen.

Na thụ phấn chéo bởi hoa cái có khả năng tiếp nhận hạt phấn trước khi hoa đực nở (tung phấn) 1 – 2 ngày. Thời gian thụ phấn ngắn, cây thụ phấn tốt nhất vào khoảng 9 – 12 giờ và 14giờ30 – 17giờ30 trong ngày.

Kinh nghiệm trồng na của nhà vườn, nếu hoa nở gặp khô hạn, gió mùa đông bắc, hay gặp mưa thì việc thụ phấn sẽ gặp khó khăn, đậu quả ít. Nếu gặp ngày nắng, không mưa, gió đông nam thì việc thụ phấn thuận lợi, đậu quả sẽ tốt. Từ lúc có nụ đến lúc hoa nở khoảng 31 – 45 ngày tuỳ thuộc vào trạng thái sinh trưởng của cây và độ ẩm không khí, nếu có độ ẩm phù hợp thì hoa cái sẽ nở sớm [3], [4].

3.Phân loại giống na

Việc phân định các giống na thường dựa vào màu vỏ và độ bở của cùi quả. Dựa vào độ bở và cấu trúc thịt quả, cây na (Annona squamosa) thường phân ra thành hai loại: Na dai và na bở.

+ Na dai: Vỏ mỏng dễ bóc khỏi thịt quả. Thịt dày, chắc, ngọt đậm và thơm ngon. Hạt nhỏ, ít và dễ tách khỏi thịt quả. Xu hướng hiện nay của nhà vườn là thích trồng loại na dai vì bán được giá cao, quả sau hái cất giữ được lâu hơn so với na bở.

+ Na bở: Vỏ màu xanh, thịt bở, khó bóc vỏ hơn so với na dai, quả thường hay nứt, ăn ngọt song thịt quả không chắc [2]

4.Kỹ thuật ghép nhân giống cây na

* Ở trong nước:

 Với họ na, khi huyết thống gần có thể ghép loài này lên loài kia. Ở châu Mỹ La tinh có tới 9, 10 loại na có thể kết hợp tốt với nhau thành từng cặp còn ở Việt Nam chỉ có 4 loại : Na dai, na xiêm, bình bát, nê. Từ các tài liệu và thực tế sản xuất cho biết: Các loài thuộc chi na đều có thể ghép lên nhau được nhưng nếu muốn có hiệu quả kinh tế phải chọn cặp ghép tiếp hợp tốt với nhau.

Na dai ghép lên bình bát hay na xiêm thì tuy có thể sống nhưng sau đó tiếp hợp không tốt do đường kính gốc ghép và cành ghép khác nhau nhiều, trao đổi nhựa giữa cành ghép và gốc ghép khó sau một thời gian thì cành ghép chết dần.

Na dai ghép lên nê thì tiếp hợp, sinh trưởng phát dục rất tốt nhờ nê có tính thích ứng tốt nhưng chỉ có thể trồng ở đất cao, không úng nước.

Na dai ghép cùng loài là hiệu quả nhất; ghép cành na lên gốc thực sinh của nó.

Hiện nay trong sản xuất phương pháp ghép na phổ biến nhất là ghép cành. Thời vụ ghép là trong mùa mưa, với các kỹ thuật ghép thường được áp dụng như sau:

Ghép áp: Gốc ghép trồng trong bầu, kê hay treo lên gần cành ghép. Cắt vát vỏ để lộ tượng tầng rồi buộc áp cành ghép và gốc ghép vào nhau. Khoảng 2 tháng sau khi ghép thì cắt và đưa cây ghép vào vườn ươm chăm sóc tới khi đủ tiêu chuẩn xuất vườn.

Ở miền Nam, một số nhà vườn cải tiến ghép áp bằng cách cắt cụt ngọn gốc ghép rồi cắt vát chéo nhau thành hình nêm, ở cành ghép chỉ cắt một nhát, xiên từ dưới lên sau đó lùa gốc ghép vào và buộc chặt [5]

Ghép chẻ bên: Là cách ghép tốt nhất, còn gọi là “ghép bên vào gốc ghép cắt ngọn”.

Gốc ghép: Lát cắt vào gỗ dài khoảng 2,5cm, vát với độ nghiêng 45o.

Cành ghép: Cắt chéo dài khoảg 3 – 4cm, vát nghiêng góc 45o. Điều quan trọng là sao cho khi đặt cành ghép vào thì phải khớp với gốc ghép. Sau đó dùng dây buộc chắc, che kín để nước mưa không thấm vào được, sau 3 tuần mới được mở dây. Nếu cành ghép nhú chồi thì cắt ngọn gốc ghép và chờ cho ra lá ổn định mới đem đi trồng.

   Ghép luồn dưới vỏ:

Gốc ghép: Có đường kính từ 1,0 – 3,0cm, cắt vỏ theo kiểu chữ U lộn ngược, dài 3,75cm, rộng gần bằng đường kính gốc ghép.

Cành ghép: Chọn cành bánh tẻ có màu xanh hơi nâu, nhiều mắt, tròn cạnh, cắt cành có chiều dài 7,5cm trên đó có ít nhất là 2 mắt, mặt lát cắt có chiều dài 2,0 – 2,5cm, mặt cắt đối diện vát với độ nghiêng 45o. Khi ghép, cho phía có lát cắt dài áp vào phần gỗ của gốc ghép. Ghép xong dùng dây nilon buộc chặt. Sau 3 tuần mở dây thấy mắt sống mới cắt ngọn gốc ghép [5].

* Ở nước ngoài:

Ở Cu Ba – nơi có nghề trồng na từ lâu đời và rất được coi trọng, na được nhân bằng phương pháp ghép cành hay ghép mắt, sử dụng gốc ghép đã cứng cáp, đường kính từ 12 – 15mm hoặc hơn, 12 – 24 tháng tuổi để có cây ghép to, khoẻ trồng chóng phục hồi, ra hoa quả nhanh, vườn đồng đều. Chỉ ghép khi na đang trong thời gian nghỉ. Thực tế cho thấy ghép cành được ưa chuộng hơn ghép mắt vì cây ghép khoẻ hơn. Cành ghép là cành 12 tháng tuổi, đường kính từ 5 – 10 mm, dài 15 cm, cắt ở chỗ lá đã rụng rồi ngâm 1-  2 phút để khử trùng trong dung dịch CuSO4 3000 ppm (60g CuSO4 trong 20 lít nước). Gốc ghép đường kính 15 mm trở lên (gốc ghép 18 – 24 tháng tuổi) và cũng có thể ghép trên cây lớn đường kính gốc 15 cm và dài hơn, khi đốn đi để đổi giống. Với nhân giống vô tính thì chỉ có phương pháp ghép, ghép cành và ghép mắt là hay được sử dụng phổ biến, vì giâm cành còn đang nghiên cứu; theo các tác giả Ấn Độ chiết cành ít có triển vọng thực hiện rộng rãi trong sản xuất [1]

5.Kết luận và đề nghị

* Kết luận

Cây na có khả năng thích ứng rộng, cây na đã sinh trưởng tốt, cho năng suất chất lượng cao khi được trồng tại Tây Nguyên.

Hiệu quả nhất là ghép cành na (giống chọn lọc) lên gốc thực sinh của nó. Thời vụ ghép là trong mùa mưa, với các kỹ thuật ghép thường được áp dụng là: ghép áp, ghép chẻ bên, ghép luồn dưới vỏ.

* Đề nghị                                                         

– Nghiên cứu sâu về chọn tạo giống có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với nhu cầu nội tiêu và hướng xuất khẩu.

– Nghiên cứu thực hành sản xuất tốt theo hướng an toàn thực phẩm, Viet Gap,….

– Nghiên cứu chuỗi giá trị cây na tại các tỉnh Tây Nguyên cùng với xây dựng chỉ dẫn địa lý xác định được xuất xứ hàng hóa làm cơ sở cho xây dựng thương hiệu na tại những vùng sinh thái thích hợp.

– Nghiên cứu kỹ thuật bảo quản làm tăng thời gian tồn trữ sau thu hái đối với các giống na đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Đoàn văn Lư (2010), Bình tuyển một số cây na ưu tú tại Lục Nam, Bắc Giang, Tạp chí khoa học phát triển, ĐHNN1
  2. GS, Trần Thế Tục, Kỹ thuật trồng và chăm sóc Na – Thanh long, Nhà xuất bản nông Nghiệp – Hà Nội, 2008
  3. Nguyễn Xuân Thuỷ, Kỹ thuật trồng, chăm sóc thâm canh, thụ phấn nhân tạo cây na dai cho hội nông dân, 2008.
  4. FAO, ProdSTAT, FAOSTAT, từ                                             http://vi,wikipedia,org/wiki/C%C3%A2y_%C4%83n_qu%E1%BA%A3
  5. http://vi,wikipedia,org/wiki/H%E1%BB%8D_Na

HÌNH ẢNH CÂY NA GHÉP ĐANG ĐƯỢC PHÁT TRIỂN TRỒNG XEN HIỆU QUẢ Ở ĐĂK LĂK

Từ khóa » Ghép Na đài Loan