Giới Thiệu Phim Buộc Phải Im Lặng - CVD

Chào các bạn,

Mình giới thiệu với các bạn bộ phim Buộc phải im lặng (Chữ Hàn: 도가니; phiên âm: Dogani; tên tiếng Anh: The Crucible, cũng có tên khác là Silenced).

Sau khi bộ phim ra mắt, tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak (nhiệm kỳ 2008 – 2013) đã lên tiếng kêu gọi thay đổi luật pháp và thể chế với loại tội phạm tấn công tình dục. Một tháng sau đó, dưới sức ép của dư luận, quốc hội Hàn Quốc nhất trí thông qua dự luật sửa đổi về tội phạm tình dục hay còn được biết đến với tên gọi “Luật Dogani”. 

***

Vụ án tại trường khiếm thính Gwangju Inhwa (Chi tiết vụ án ở cuối bài)

Đây là phim tâm lý xã hội được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Kong Ji-young (xuất bản năm 2009). Cả phim và tiểu thuyết đều dựa vào câu chuyện có thật xảy ra từ năm 2000 đến 2005 tại trường Gwangju Inhwa, trường dành cho trẻ em khiếm thính.

Theo điều tra của cảnh sát, từ năm 2000 đã có ít nhất 10 giáo viên tham gia bạo hành và lạm dụng tình dục các học sinh khiếm thính của trường, trong đó có cả hiệu trưởng. Nhưng cuối cùng chỉ có 2 người bị tuyên án, đó là hiệu trưởng và một giáo viên khác, họ chỉ bị kết án từ 1 – 2 năm tù.

Bản án quá nhẹ đã gây bức xúc trong dư luận Hàn Quốc và nhà văn Gong Ji-young đã dựa vào câu chuyện trên sáng tác một cuốn tiểu thuyết về nạn tấn công tình dục bị bưng bít ở nước này và cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân. Cốt truyện trên là nội dung cơ bản của phim.

***

Khoảng khắc ấn tượng trong phim

Phim có ba khoảng khắc mình ấn tượng.

Khoảng khắc đầu tiên diễn ra trong tòa án, lúc luật sư và thẩm phán muốn kiểm tra khả năng nghe của Yeon-doo khi em ra dấu rằng em có thể nghe được nhạc. Yeon-doo, em gái, khiếm thính, cho biết có một bài hát vang lên khi thầy hiệu trưởng đang cưỡng bức bạn em. Khoảng khắc Yeon-doo đứng yên, nhắm mắt và khi giai điệu bài hát cất lên, em từ từ giơ tay lên (ra dấu rằng em đang nghe nhạc) là một khoảng khắc xúc động. Xúc động không chỉ vì ý nghĩa của hành động (em đã chứng minh được trước tòa rằng em có thể nghe được nhạc, đồng nghĩa với việc thầy hiệu trưởng phạm tội là có thật). Xúc động còn vì cách em ghi nhớ lời thầy Kang In-ho, người đưa vụ việc ra ánh sáng: “Những điều đẹp đẽ và kỳ diệu nhất trên thế giới này, không thể được nhìn hay được nghe, mà phải được cảm nhận bằng trái tim”.

Đó là khoảng khắc công lý hình như đang mỉm cười.

Khoảng khắc thứ hai cũng diễn ra trong tòa án, lúc thẩm phán tuyên án những bản án rất nhẹ cho các bị cáo. Khoảng khắc đó, thầy Kang In-ho lặng yên nhìn luật sư của mình nhưng người luật sư phản bội đã nhanh chóng quay đi. Thầy Kang In-ho đứng đó, không nói lời nào và nhìn khung cảnh xung quanh: Những mừng vui của bị cáo, những nụ cười chiến thắng của những người liên quan đến bị cáo, những phẫn uất của nguyên đơn, những giọt nước mắt của những đứa trẻ bị hại và cả sự vô tư của bé gái bị hại có vấn đề thần kinh…

Đó là khoảng khắc bất công dường như là điều hiển nhiên.

Khoảng khắc thứ ba diễn ra trước cổng tòa án, một đám đông phụ huynh và người dân biểu tình sau cái chết của một bé trai bị hại. Giữa những xung đột giữa người biểu tình và thẩm phán, giữa cảnh sát và người biểu tình, thầy Kang In-ho nhìn di ảnh bé trai bị hại, ôm di ảnh vào lòng, chầm chậm vào chốn xung đột và nghẹn ngào nói: “Đứa bé này, không nghe được cũng không nói được. Tên đứa bé này là Min-soo, là đứa bé không nghe được cũng không nói được. Thưa các vị, tên đứa bé này là Min-soo, không nghe được cũng không nói được…” Thầy lặp đi lặp lại những lời đó trong khi cảnh sát dùng vòi rồng liên tục tấn công thầy…

Đó là khoảng khắc tình yêu.

Khoảng khắc này ấn tượng với mình.

Cuộc chiến giữa thiện và ác, tưởng chừng rất rõ ràng là một cuộc chiến giữa người thiện và người ác trong thế giới này nhưng thật ra là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác trong trái tim mỗi chúng ta.

Hãy nhìn cách thầy Kang In-ho giải quyết. Thầy tập trung vào điều thiện, vào tình yêu và chỉ tập trung vào điều đó.

Thầy hành động vì cái thiện, vì tình yêu. Thầy dường như không hành động để chống cái ác.

Trong thế giới nhiều bất công này, khi người trí thức lên tiếng bảo vệ cho những người dễ tổn thương trong xã hội thì những hành động đó nên vì tình yêu. Tình yêu có đầy quyền năng. Tình yêu tự nó là ánh sáng chiếu rọi vào bóng tối và xua tan bóng tối. Điều quan trọng ta cần làm là tin tưởng vào tình yêu.

Mà Thượng đế là tình yêu.

Hãy tin tình yêu. Hãy tin Thượng đế.

Trong cuộc chiến giữa thiện và ác, cả trong tâm và ngoài tâm, phải có lòng tin Thượng đế mạnh mẽ để có thể đi qua vũng tối của sự chết và đón nắng ấm trong nước thiên đàng.

Chúc các bạn một ngày đầy lòng tin.

Thu Hương

***

Thông tin về phim

Link phim có phụ đề tiếng Việt: Buộc phải im lặng – The Crucible

Đạo diễn: Hwang Dong-Hyuk Ngày phát hành: 22/9/2011 Thời lượng:125 phút

Silenced (도가니) – Official Trailer w/ English Subtitles [HD]

Diễn viên:

  • Gong Yoo – Kang In-ho
  • Jung Yu-mi – Seo Yoo-jin
  • Kim Hyun-soo – Yeon-doo
  • Jung In-seo – Yoo-ri
  • Baek Seung-hwan – Min-soo

***

Vụ án tại trường khiếm thính Inhwa, thành phố Gwangju

Trong vụ án ở trường Inhwa, theo điều tra của cảnh sát, từ năm 2000 đã có ít nhất 10 giáo viên tham gia bạo hành và lạm dụng tình dục các học sinh khiếm thính của trường, trong đó có cả hiệu trưởng, giáo viên phụ trách khu ký túc xá, trưởng phòng hành chính. Hai anh em ông hiệu trưởng luôn có thói quen sử dụng các học sinh làm trò chơi tình dục. Riêng ông hiệu trưởng đã xâm hại tình dục 6 học sinh khiếm thính từ độ tuổi 7 đến 22, suốt từ năm 2000 – 2004.

Vụ việc chỉ được đưa ra ánh sáng vào năm 2005 sau khi một giáo viên trình báo vụ việc đến các nhóm nhân quyền, cũng như Trung tâm tư vấn bạo hành người tàn tật vào tháng 6/2005 và người này sau đó đã bị nhà trường sa thải. Đến tháng 7/2005, Ủy ban Chống bạo lực tình dục trường Inhwa đã được thành lập bởi 26 tổ chức xã hội dân sự, yêu cầu phải xử lý thật nghiêm những kẻ bạo hành. Ủy ban này đã dựng lều trước tòa nhà chính quyền thành phố Gwangju, liên tục biểu tình suốt 242 ngày, yêu cầu sa thải những giáo viên thoái hóa biến chất, đặc biệt là Useok – người đại diện pháp nhân của trường này.

Sinh viên khuyết tật hàn Quốc tuần hành phản đối tội phạm tấn công tình dục trước Tòa Thị chính Gwangju.

Thế nhưng phần lớn những nỗ lực này không đạt được hiệu quả. Cảnh sát chỉ bắt đầu vào cuộc điều tra vụ án trường Inhwa vào 4 tháng sau, khi một nhóm cựu học sinh lên tiếng trên Đài Truyền hình quốc gia. Và khi chính quyền thành phố Gwangju và Ban giám hiệu Trường Inhwa muốn lấp liếm vụ việc, một đám đông học sinh và phụ huynh buộc phải biểu tình ngồi suốt 8 tháng trước Tòa thị chính Gwangju để đòi công lý.

Ser In-whan, Tổng thư ký Liên đoàn các tổ chức người khuyết tật Hàn Quốc (KFOD), khẳng định vấn đề không chỉ xảy ra ở Trường Inhwa mà tình trạng vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ đang lan tràn ở nước này.

Đến tháng 11/2005 cảnh sát bắt giam 4 giáo viên và nhân viên bị buộc tội cưỡng bức hay quấy rối tình dục, nhưng cuối cùng chỉ có 2 người bị tuyên án đó là hiệu trưởng và một giáo viên khác, họ chỉ bị kết án từ 1 – 2 năm tù. Trong khi đó, các thẩm phán, luật sư biện hộ và sĩ quan cảnh sát liên quan trong vụ án trường học Inhwa không thừa nhận họ xử lý yếu kém. Đạo diễn phim Hwang Dong-hyeok cho biết, mặc dù phát triển song đất nước Hàn Quốc vẫn tồn tại nhiều vấn đề đạo đức đáng tranh cãi.

Do phần lớn phụ huynh có con bị xâm hại đều thuộc diện nhà nghèo, thậm chí cả bố mẹ cũng là người khiếm thính nên không có đủ sức khỏe, tiền bạc và kiên nhẫn để theo đuổi kháng án tới cùng. Chỉ có 4 giáo viên bị kết án với mức án rất nhẹ, thậm chí được phóng thích trước thời hạn với lý do cải tạo tốt, không có tiền án, và có người vẫn quay về trường cũ làm việc. Vụ án này tưởng chừng chìm vào quên lãng cho tới khi bộ phim Sự im lặng được tung ra.

Bộ phim Sự im lặng ra đời sau một loạt vụ việc cho thấy hệ thống tư pháp Hàn Quốc đã không bảo vệ các nạn nhân, trong khi những người giàu có và thành viên của những gia đình gọi là “chaebol” – tức những người kiểm soát các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung, LG và Lotte – luôn cư xử như đứng trên luật pháp. [Tham khảo]

***

Sau khi bộ phim ra mắt, dưới sức ép của dư luận, vụ án được lật lại. Hai tháng sau đó, trường Gwangju Inwha chính thức phải đóng cửa vào ngày 1/11/2011. Vào tháng 7/2012, một số giáo viên ở trường Gwangju Inwha từng bị xét xử đã tiếp tục bị kết án bởi Toà án quận Gwangju và họ phải chịu mức án 12 năm tù.

Hàng chục trẻ em khiếm thính bị lạm dụng: Từ vụ án bị lãng quên đến bộ phim khiến luật pháp phải sửa đổi - Ảnh 6.
Ngôi trường dính vào vụ bê bối đã phải đóng cửa vào ngày 1/11/2011
Hàng chục trẻ em khiếm thính bị lạm dụng: Từ vụ án bị lãng quên đến bộ phim khiến luật pháp phải sửa đổi - Ảnh 8.
Trước làn sóng biểu tình của người dân, chính phủ Hàn Quốc quyết định sửa đổi và ban hành luật mới.

Một tháng sau khi bộ phim ra mắt, vào tháng 10/2011, quốc hội Hàn Quốc nhất trí thông qua dự luật sửa đổi về tội phạm tình dục hay còn được biết đến với tên gọi “Luật Dogani”. Theo luật mới, thời hiệu đối với tội phạm tình dục trẻ em dưới 13 tuổi và người khuyết tật được loại bỏ. Trước đây án tù cho tội phạm hiếp dâm người tàn tật chỉ từ 7 – 10 năm thì nay lên đến mức án chung thân và còn nhiều điều luật được thay đổi để bảo vệ những nạn nhân là trẻ em và người khuyết tật. [Tham khảo]

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Liên quan

Từ khóa » Buộc Phải Im Lặng Diễn Viên