Giới Thiệu Về 6 điệu Xoè Cổ Của Dân Tộc Thái

Thực hiện Nghị quyết TW 5 – Khoá VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", sáu điệu xòe cổ của đồng bào Thái đã được thị xã Nghĩa Lộ đã khai thác, lưu giữ và phổ biến đến toàn thể đồng bào các dân tộc trên địa bàn, xòe đã được đưa vào các trường học và điệu xòe không bao giờ thiếu trong các cuộc vui. Sáu điệu xòe cổ là khởi nguồn cho rất nhiều điệu xòe và các điệu dân vũ  khác.

Điệu “Khắm khen” (cầm tay nhau)

Trong điệu xoè, đội hình xếp trên vòng tròn, mọi người nắm tay nhau. Chân phải bước tiến một bước, chân trái bước theo ký sát vào chân phải, đồng thời nắm tay nhau đưa lên cao ngang đầu theo nhịp trống, nhịp thứ 2 chân trái lùi về vị trí ban đầu, chân phải bước về theo, tay hạ xuống cùng nhịp chân trở về, cứ như thế các bước tiếp theo lại trở về từ động tác bước chân phải…

Điệu xòe khắm khen có nghĩa là nắm tay cùng xòe. Đây là điệu xòe cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái, điệu xòe này được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai. Khi săn được con thú, mỗi khi có niềm vui trong gia đình, cộng đồng mọi người nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa. Đây cũng là những động tác cơ bản đầu tiên làm tiền đề để phát triển thành những điệu xòe tiếp theo và phát triển thành những tác phẩm múa dân gian đặc sắc. Đồng thời có ý nghĩa là biểu hiện sự gắn kết cộng đồng mỗi khi có niềm vui cùng nhau nhảy múa và cả khi gặp khó khăn hoạn nạn, cộng đồng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.

Điệu xoè “Nhôm khăn” (Tung Khăn)

Ở điệu xoè này động tác chân bước và tay vung lên cao như điệu xoè khắm khen, chỉ thêm có khăn quàng trên cổ, khi tay tung cao theo nhịp bước chân thì đồng thời hai tay cầm hai đầu khăn tung lên cao theo nhịp trống xoè.

Điệu xòe này được ra đời cùng với sự phát triển của nghề trồng bông dệt vải. Điệu xòe Nhôm khăn có ý nghĩa biểu hiện niềm vui của con người trước những thành qua lao động của mình, đồng thời thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay các thiếu nữ dân tộc Thái bằng những nét hoa văn tinh tế trên các sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

 

Điệu xoè Đổn hôn (Xòe bước tiến lùi)

Với điệu xoè này, trong vòng tròn, cứ một người bước tiến, một người sát cạnh bước lùi, động tác bước chân, tay cầm khăn tung cao như điệu xoè nhôm khăn, nhưng bước theo nhịp kép, hết một nhịp 4/4 mới tung khăn lên cao, và ký chân, sau đó người vừa có bước tiến thì bước lùi lại và người vừa bước lùi thì bước tiến lên, cứ như vậy theo nhịp trống. 

Điệu xòe đổn hôn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cho dù cuộc sống có lúc buồn, lúc vui, có khi chao đảo trước sóng gió, khó khăn. Song mọi người vẫn chung lòng hướng tới một niềm tin son sắt, cho dù vật đổi sao dời nhưng lòng người không bao giờ thay đổi.

Điệu xoè Phá xí (Bổ bốn)

Trong điệu xòe này, từng tốp, từng tốp 4 người thể hiện các động tác xòe theo nhịp bước chân cơ bản, động tác tay đan chặt giằng nhau áp sát từng người rồi lần lượt tách ra, từ người đầu tiên đến người thứ 4.

Điệu xòe này có ý nghĩa biểu hiện tình cảm của mỗi cá nhân trong cộng đồng, dù có đi 4 phương trời nhưng không bao giờ quên được nguồn cội.

Điệu xoè Khắm khăn mơi lảu (Nâng khăn mời rượu)

Chân bước theo nhịp xoè cơ bản, hai tay nâng khăn ngang trước ngực đung đưa theo nhịp chân bước, khi chân dừng ở phách mạnh của nhịp 4/4, tay nâng và đưa khăn sang ngang theo nhịp chân bước sang phải, sang trái.

Đây là điệu xòe thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp ứng xử của đồng bào dân tộc Thái. Theo quan niệm của người Thái thì bất cứ ai đến chơi nhà đều được đón tiếp rất trân trọng và hết sức chân tình. Với những động tác mềm mại uyển chuyển, chén rượu mời khách được người thiếu nữ Mường Lò nâng trên đôi tay cùng với chiếc khăn xòe và câu khắp mời rượu, thể hiện sự trân trọng đối với khách. Đây là nét văn hóa riêng có của người Mường Lò (Rượu đây em mời, uống từ đầu làng cuối bản vẫn còn thơm. Rượu ngon, một chén như là ngàn chén, uống đã bao năm, miệng vẫn còn thơm, thơm tình em…)

Điệu xoè “Ỏm lọm tốp mư” (Đi vòng tròn vỗ tay)

Trong điệu xoè mọi người đi vòng tròn, chân bước tiến đều theo nhịp 4/4, tay vung theo nhịp bước chân, mỗi khi kết thúc một nhịp thì dừng chân nhún theo nhịp và đưa tay lên cao ngang đầu vỗ tay vào phách mạnh của nhịp 4/4. Lần lượt bước chân phải trước thì nhịp vỗ tay đầu tiên là phía bên phải và chân phải làm trụ, chân trái ký sát chân phải. Nhịp tiếp theo bước chân trái, tay vỗ bên trái, chân phải ký sát chân trái.

Đây là điệu xòe kết thúc mỗi cuộc vui, khi mọi người đã trao nhau những tình cảm chân thành, thì điệu xòe này biểu hiện niềm hân hoan, sự thỏa mãn, đó cũng là những bước chân chếnh choáng men say của rượu nồng và tình người ngây ngất, tiếng vỗ tay cũng nhỏ dần, thưa dần cùng ánh lửa le lói báo hiệu đêm sắp tàn, mọi người chia tay và chào đón một ngày mới.

Người Thái có câu “Không xòe không tốt lúa; Không xòe thóc cạn bồ; Không xòe hoa sẽ tàn héo;Không xòe trai gái không thành đôi"… Đến với Nghĩa Lộ, đắm say trong vòng xoè, để cảm nhận tình ngưòi hiếu khách,cảm nhận nét đẹp văn hoá rất riêng của vùng đất đậm đà bản sắc dân tộc và cùng góp sức để lưu giữ 6 điệu xoè cổ và những nét văn hoá đặc sắc riêng có nơi Nghĩa Lộ miền tây.

Từ khóa » điệu Xoè Có Từ Bao Giờ