Giới Thiệu Về Xúc Tác Của Quá Trình FCC - Hệ Tri Thức

Xúc tác của FCC chiếm khối lượng lớn trong tổng số xúc tác của nhà máy lọc dầu, gần 80% khối lượng xúc tác rắn và hơn 50% giá trị. Đường kính trung bình hạt xúc tác là từ 60-70 micron, phân bố kích thước hạt từ 20-100 micron.

1.Thành phần của xúc tác FCC

  • Zeolite.
  • Chất mang (Matrix).
  • Chất kết dính.

1.1.Zeolite

Zeolite là thành phần quan trọng nhất của FCC. Nó mang đến cho xúc tác :

Tính chọn lọc (Selectivity).

Hoạt tính (Activity).

Chất lượng của xúc tác phụ thuộc phần lớn vào bản chất và chất lượng của Zeolite.

Hiểu cấu trúc của Zeolite, kiểu Zeolite, cơ chế Cracking và các tính chất của nó sẽ giúp chọn được xúc tác tốt, đảm bảo được hiệu suất Cracking mong muốn

1.1.1.Cấu trúc của Zeolite :

Cấu trúc cơ bản của tinh thể Zeolite là tứ diện (tetrahedron) tạo bởi Al,Si,O

Tâm tứ diện là một nguyên tử Si hay Al, ở 4 đỉnh là 4 nguyên tử O.

Các tinh thể hợp lại thành mạng không gian. Mạng không gian Zeolite có các lỗ rỗng (pore) có kích thước khoảng 8.0 Angstroms.

Những lỗ rỗng làm cho diện tích bề mặt riêng của Zeolite rất lớn, khoảng 600m2/g.

Các tứ diện hợp thành cấu trúc lớn hơn, có tính lặp lại, gọi là các ô (unit cell). Kích thước của ô (Unit cell size : UCS) là khoảng cách giữa 2 ô gần nhất.

Ví dụ : USY Zeolite

7 nguyên tử Al

185 nguyên tử Si

ÞTỉ lệ SiO2/Al2O3 (SAR)=54

UCS là yếu tố quan trọng để đánh giá cấu trúc của Zeolite.

1.1.2.Tính chất hóa học của Zeolite :

Do trạng thái OXH của Si : +4 và Al : +3 nên các tứ diện có tâm là Si sẽ trung hòa điện, còn các tứ diện có tâm Al sẽ mang điện tích –. Điện tích âm này sẽ được trung hòa bởi 1 ion dương.

Dung dịch chứa NaOH thường được sử dụng trong tổng hợp Zeolite Þ Na trung hòa điện tích – của tứ diện Al. Loại Zeolite này được gọi là Soda Y hay NaY. Zeolite NaY không bền thủy nhiệt do chứa nhiều Na. Ion NH4+ được dùng để thay thế Na, sau khi sấy Zeolite, NH3 bay hơi để lại H+ trên Zeolite, do đó tâm acidvừa là kiểu Bronsted, vừa kiểu Lewis.

Tâm acid Bronsted sau đó có thể được trao đổi bằng kim loại đất hiếm, làm tăng độ mạnh của acid.

Các tâm acid này tạo nên hoạt tính của xúc tác.

1.1.3.Các kiểu Zeolite :

Zeolite dùng trong sản xuất xúc tác FCC được tổng hợp từ Zeolite tự nhiên (faujastite).

Có khoảng 40 loại Zeolite tự nhiên và 150 loại Zeolite tổng hợp đã được biết. Nhưng chỉ một số Zeolite tổng hợp là được ứng dụng.

Những kiểu Zeolite được ứng dụng trong xúc tác FCC là Kiểu X, Kiểu Y và ZSM-5. Zeolite X và Y có cùng cấu trúc tinh thể

Kiểu X có SAR thấp hơn kiểu Y.

Kiểu X có độ bền nhiệt và thủy nhiệt thấp hơn Y (do có nhiều Na hơn).

Hiện nay phần lớn xúc tác FCC sử dụng Zeolite kiểu Y.

ZSM-5 là 1 loại Zeolite đa năng, làm tăng hiệu suất thu Olefin và tăng chỉ số octane của xăng.

1.1.3.Các kiểu Zeolite :

Đến cuối những năm 1970, Zeolite được trao đổi ion với các ion đất hiếm. Các thành phần đất hiếm như Lathanum, Cerium được dùng để thay thế Na trong tinh thể. Quá trình này làm tăng hoạt tính và độ bền thủy nhiệt của xúc tác.

Yêu cầu giảm Pb trong xăng từ năm 1986 đặt ra vấn đề tăng chỉ số octane của xăng FCC. Xúc tác mới yêu cầu tách bớt Al ra khỏi mạng Zeolite. Điều này làm tăng SAR, giảm UCS, và cũng làm giảm hàm lượng Na trong Zeolite. Những thay đổi này làm tăng khả năng tạo olefin. Loại Zeolite thiếu Al này gọi là Zeolite siêu bền(UltraStable Y : USY). Bởi độ bền cao hơn nhiều so với Zeolite Y truyền thống.

1.1.4. Tính chất Zeolite :

Tính chất của Zeolite đóng vai trò đáng kể trong tính chất chung của xúc tác. Hiểu những tính chất này giúp tăng khả năng tiên đoán sự thay đổi của xúc tác khi sự hoạt động của TB thay đổi.

Trong thiết bị phản ứng và thiết bị tái sinh, Zeolite hoạt động ở điều kiện rất khắc nghiệt, có thể dẫn đến sự thay đổi về thành phần hóa học và cấu trúc của Zeolite. Vd : Ở thiết bị tái sinh, zeolite chịu quá trình nhiệt và thủy nhiệt. Còn trong thiết bị phản ứng, Zeolite bị nhiễm bẩn V, Na, v.v…

Zeolite được đánh giá thông qua nhiều tính chất như : độ mạnh, kiểu, số lượng và sự phân bố của các tâm acid; bề mặt riêng, phân bố kích thước lỗ rỗng, v.v… Nhưng 3 thông số quan trong nhất là :

UCS

Hàm lượng KL đất hiếm

Hàm lượng Na

1.1.4.1.UCS

Định nghĩa UCS : UCS là khoảng cách lặp lại giữa 2 ô tinh thể.

UCS là đại lượng đặc trưng cho số tâm nhôm*, hay số tâm acid của 1 ô cơ bản.

NAl=111*(UCS-24.215)

NSi=192-NAl

Khi UCS giảm thì số nguyên tử Al càng thấp, các tâm acid càng ở xa nhau.

Độ mạnh của tâm acid được xác định bằng khoảng không gian riêng để hoạt động của một tâm acid.

Nếu các tâm acid ở quá gần nhau sẽ giảm độ bền của cấu trúc Zeolite.

Sự phân bố các tâm acid là một yếu tố ảnh hưởng cơ bản đến hoạt tính và tính chọn lọc của Zeolite.

Ví dụ : Một Zeolite có UCS thấp Þ ít tâm acid trên 1 ô. Các tâm acid đã ít, lại cách xa nhau nên tránh được phản ứng Chuyển hydro, do đó làm tăng chỉ số Octane của xăng cũng như tăng hiệu suất thu sản phẩm C3 vàcác sản phẩm nhẹ hơn.(Sự tăng chỉ số Octane này là do nồng độ cao của Olefin trong xăng).

Zeolite USY có UCS thấp có hoạt tính kém hơn loại REY truyền thống. Tuy nhiên, Zeolitecó UCS thấp có khả năng giữ được hoạt tính dưới điều kiện hoạt động khắc nghiệt của quá trình, do đó còn được gọi là UltraStable Y

Zeolite mới sản xuất có UCS khá cao trong khoảng 24.5 đến 24.75 A. Môi trường nhiệt và thủy nhiệt trong thiết bị tái sinh đã rút các nhóm alumina (AlO2) làm giảm UCS.

1.1.4.2.Hàm lượng KL đất hiếm

KL đất hiếm (Rare earth) đóng vai trò cầu nối để bền các nguyên tử Al trong cấu trúc Zeolite. Nó ngăn không cho các nguyên tử Al bị tách ra khi xúc tác gặp hơi nước nhiệt độ cao trong thiết bị tái sinh.

Zeolite đã được trao đổi ion đất hiếm hoàn toàn, khi hoạt động ổn định có UCS cao, trong khi loại không trao đổi đất hiếm có UCS rất nhỏ.

RE làm tăng hoạt tính của Zeolite và độ chọn lọc sản phẩm xăng, nhưng làm giảm octane. Nguyên nhân là sự liên kết của RE giúp giữ vững các tâm acid ở gần nhau, làm tăng phản ứng chuyển Hydro. Hơn nữa, RE làm tăng tính bền nhiệt và thủy nhiệt của Zeolite. Để tăng hoạt tính của Zeolite USY, các nhà sản xuất xúc tác thường thêm 1 ít RE vào Zeolite.

1.1.4.3.Hàm lượng Na:

Na đến từ quá trình sản xuất Zeolite cũng như từ nguyên liệu FCC mang vào. Xúc tác mới phải có hàm lượng Na càng thấp càng tốt.

Na làm giảm độ bền thủy nhiệt của Zeolite. Nó cũng phản ứng với các tâm acid của Zeolite, làm giảm hoạt tính của xúc tác. Trong thiết bị tái sinh, ion Na có khả năng di chuyển cơ động, nó sẽ trung hòa các tâm acid mạnh nhất.

Đối với loại Zeolite đã tách bớt Al có UCS thấp, Na có thể gây hiệu ứng bất lợi lên chỉ số Octane của xăng. Octane giảm do xúc tác bị mất các tâm acid.

Các nhà sản xuất xúc tác FCC có thể sản xuất xúc tác với hàm lượng Na thấp hơn 0.2%KL.

Hàm lượng của Na thường được ghi dưới dạng %Na/toàn bộ xúc tác. Muốn chính xác phải so sánh hàm lượng Na/Zeolite. Vì các xúc tác FCC có hàm lượng Zeolite khác nhau.

1.2.Chất mang (Matrix):

Chất mang được sử dụng là oxyt nhôm. Chất mang cũng có hoạt tính, tuy nhiên không có tính chọn lọc cao như Zeolite.

Chất mang đóng vai trò đáng kể trong chất lượng của xúc tác. Các lỗ rỗng của Zeolite quá nhỏ, không thể cho các phẩn tử HC lớn khuếch tán vào. Một chất mang hiệu quả phải có khả năng cho phép khuếch tán HC vào và ra khỏi xúc tác.

Các phản ứng cracking sơ cấp xảy ra trên chất mang. Tâm acid trên chất mang không có tính lựa chọn cao như Zeolite, nhưng có khả năng Crack các phân tử lớn, những phân tử không có khả năng thâm nhập vào các lỗ rỗng của Zeolite. Sản phẩm là các phân tử nhỏ hơn sẽ có khả năng chui vào các lỗ rỗng của Zeolite.

Chất mang có thể đóng vai trò bẫy các nguyên tử V và các phân tử mang N có tính kiềm. Những chất này có khả năng làm ngộ độc Zeolite. Như vậy một trong những ưu điểm của chất mang là làm giữ cho Zeolite không bị mất hoạt tính sớm do những tạp chất.

1.3.Chất độn và chất kết dính :

Chất độn là loại đất sét thểm vào xúc tác để làm loãng hoạt tính của nó. Cao lanh thường được sử dụng làm chất độn của xúc tác FCC. Ngoài ra, cao lanh còn được sử dụng làm bộ khung để phát triển các tinh thể Zeolite ở trên nó.

Chất kết dính giúp gắn kết Zeolite, chất mang và chất độn với nhau.

Chức năng của chất độn và chất kết dính là đảm bảo tính bền vật lý của xúc tác, đảm bảo môi trường khuếch tán nhiệt

1.4.Tóm lại :

Zeolite ảnh hưởng đến hoạt tính, độ chọn lọc và chất lượng sản phẩm.

Chất mang làm tăng khả năng Cracking phân đoạn nặng, chống ngộ độc V và N base. Nhưng nếu chất mang chứa các lỗ có kích thước quá nhỏ có thể làm giảm tác dụng của quá trình Stripping và tăng sản phẩm H2 do có mặt Nickel.

Chất độn và chất kết dính giúp bảo đảm ổn định vật lý và độ bền cơ học.

2.Kỹ thuật sản xuất chất xúc tác :

Quá trình sản xuất CXT FCC hiện đại được chia thành 2 nhóm:

Quá trình “incorporation”: là quá trình đòi hỏi sản xuất zeolit và chất mang độc lập và sử dụng một chất để gắn kết chúng lại với nhau.

Quá trình “in – situ”: là quá trình mà trong đó thành phần zeolit được lớn lên ngay bên trong bộ khung đất sét đã được tạo ra trước đó.

2.1.Zeolit truyền thống (REY, REHY, HY ) :

Zeolit NaY được sản xuất bởi sự nấu hỗn hợp của SiO2, Al2O3 và NaOH trong vài giờ ở nhiệt độ qui định, đến khi xuất hiện sự kết tinh.

Nguồn SiO2 và Al2O3 tiêu biểu là Na2SiO3 và NaAlO2.

Sự kết tinh của zeolit loại Y mất 10h tại khoảng 210oF (100oC)

Việc sản xuất 1 zeolit chất lượng đòi hỏi sự kiểm soát chính xác về nhiệt độ, thời gian và độ pH của dung dịch kết tinh.

Zeolit NaY được tách rời sau khi lọc và rửa nước dung dịch kết tinh.

Một loại zeolit NaY tiêu biểu chứa xấp xỉ 13% khối lượng Na2O. Để tăng cường hoạt tính và độ bền nhiệt và thuỷ nhiệt của NaY, hàm lượng Na phải được giảm bớt. Việc này thường được thực hiện bởi sự trao đổi ion của NaY với dung dịch chưa cation đất hiếm và/hoặc ion H+. Dung dịch (NH4)2SO4 thường được sử dụng như một nguồn cung cấp ion H+.

2.2.Zeolit USY:

Zeolit siêu bền (USY) hoặc zeolit đã tách nhôm được sản xuất bởi sự tách một vài ion Al3+ trong khung với Si.

Kỹ thuật truyền thống sử dụng nhiệt độ cao 1300oF đến 1500oF (704oC đến 816oC) dùng hơi để nung zeolit HY

Lọc bằng axit, trích li hoá học và thay thế hoá học là tất cả các dạng của tách nhôm, dạng phổ biến trong những năm gần đây.

Ưu điểm chính của những quá trình này so với tách nhôm truyền thống là việc loại bỏ của zeolit không có nhôm trong khung hay là hút giữ Al2O3trong lòng cấu trúc zeolit.

Trong công đoạn sản xuất chất xúc tác USY thì zeolit, đất sét và chất gắn tạo thành được trộn để tạo hỗn hợp bùn.

Hỗn hợp đã được trộn đều sau đó được cho sấy phun. Nhiệm vụ của máy sấy phun là tạo các hạt xúc tác hình cầu, sấy bay hơi nước với sự có mặt của không khí nóng.

Dạng của máy sấy phun và điều kiện làm khô xác định rõ kích thước và phân phối kích thước của phân tử chất xúc tác.

2.3.Quá trình Engelhard

Kỹ thuật sản xuất CXT FCC “in – situ” của Engelhard dựa trên cơ sở sự lớn lên của zeolit trong các hạt cao lanh gốc.

Dung dịch của của các cao lanh khác nhau được sấy phun tạo dạng cầu. Dạng cầu được làm cứng ở nhiệt độ cao1300oF (704oC).

Zeolit NaY được sản xuất bằng cách nấu hỗn hợp hạt cao lanh, quặng mullite và Na2SiO3 với NaOH hay Na2SiO3.

Các hạt cầu được lọc và rửa trước khi trao đổi ion và hoàn thành công đoạn xử lí cuối.

3.Tính chất lý hóa của xúc tác mới :

Đơn giao hàng CXT sạch thường kèm theo bảng dữ liệu về tính chất lí và hoá của CXT, dữ liệu này rất có giá trị và được giám sát chặt chẽ bằng cách phân tích ngẫu nhiên chất lượng mẫu.

Một vài thông số trong bảng dữ liệu có ý nghĩa quan trọng nhất : PSD, Na, RE và SA.

3.1.Sự phân phối kích thước phân tử (PSD) :

PSD liên quan tính chất tầng sôi của xúc tác. Nói chung tính chất tầng sôi được cải thiện khi thành phần cỡ hạt 0 – 40 mm tăng. Tuy nhiên, nó sẽ làm tăng sự mất mát CXT.

Trạng thái tầng sôi của một CXT FCC phụ thuộc nhiều vào hình dạng cơ học của thiết bị. Cỡ hạt càng mịn càng yêu cầu sự hoạt động hiệu quả của Cyclone. Để tăng tính kinh tế, nên giảm bớt thành phần cỡ hạt nhỏ hơn 40 mm vì sau một vài vòng tuần hoàn,hầu hết các hạt có kích thước 0 – 40 mm bị thoát khỏi thiết bị qua Cyclone.

Nhà sản xuất CXT điều chỉnh PSD của CXT mới bằng thiết bịsấy phun.

3.2.Diện tích bề mặt SA, m2/g :

Diện tích bề mặt được thường được thể hiện là tổng diện tích bề mặt zeolit và chất mang. Phép đo SA của zeolit được dùng để kiểm tra chất lượng. SA thường được xác định bởi lượng nitrogen bị hấp phụ bởi CXT.

SA có sự liên quan với hoạt tính với hoạt tính của CXT mới.

Theo yêu cầu, nhà cung cấp xúc tác cũng có thể gửi thông số về bề mặt riêng của Zeolite. Thông tin này cũng hữu ích vì nó tỉ lệ với thành phần zeolite của xúc tác.

3.3. Hàm lượng Na (% khối lượng):

Sự có mặt của Na trong việc sản xuất CXT FCC là không thể tránh. Nó giảm hoạt tính zeolit và làm giảm chỉ số octan của xăng. Lượng Na trong xúc tác mới càng ít càng tốt.

Nhà cung cấp CXT thể hiện % khối lượng Na hoặc Na2O so với CXT.

Khi so sánh chất lượng của CXT, nên so sánh hàm lượng của Na/Zeolite.

3.4. Hàm lượng Kim loại đất hiếm RE :

RE thường được cung cấp dưới dạng một hỗn hợp của oxit tách từ quặng bastnaesite hay monazite. RE cải thiện hoạt tính CXT và tính bền thuỷ nhiệt.

Tương tự Na, hàm lượng RE thường được thể hiện dưới dạng %KL(Re2O3) hay %RE/CXT. Khi so sánh các loại xúc tác khác nhau, nên dùng %RE/zeolite.

4.Phụ gia :

  • CO promoter.
  • SOx reduction.
  • ZSM-5.
  • Antimony.

4.1.CO promoter :

CO promoter được thêm vào xúc tác để trợ giúp cho phản ứng cháy CO thành CO2 trong thiết bị tái sinh.

CO promoter giúp tăng tốc phản ứng cháy CO trong pha nặng, giúp giảm nhiệt độ cao của thiết bị do phản ứng cháy sau ở pha loãng.

CO promoter cho phép cháy đều cốc, đặc biệt nếu có sự phân phối không đồng đều giữa xúc tác và không khí đốt cháy.

Thêm CO promoter có xu hướng làm tăng nhiệt độ của TB tái sinh và thải khí NOx.

Thành phần hoạt động của promoter là các KL nhóm Plantinum. Pt nồng độ 300-800ppm khuyếch tán trong chất mang. Promoter thường được thêm vào TB tái sinh 2 đến 3 lần/ngày, thường khoảng 1-2.3kg/tấn xúc tác mới. Nếu dung dịch antimony được dùng để thụ động Ni thì lưu lượng promoter sẽ nhiều hơn. Sử dụng promoter, đặc biệt trong quá trình khởi động TB sẽ tăng sự ổn định trong hoạt động.

Tuy nhiên khi sử dụng phải xem xét các yếu tố sau :

Cân bằng nhiệt.

Không khí dùng để đốt.

Phát thải NOx.

Giới hạn chịu nhiệt của thiết bị.

Sự hiện diện của thiết bị CO boiler.

Phản ứng đốt cháy CO cũng làm tăng phát thải NOx, do sự OXH các hơp chất trung gian như NH3.

4.2.Phụ gia SOx:

Hiệu quả của quá trình phụ thuộc :

O2 phải thừa để chuyển SO2 thành SO3.

Nhiệt độ TB tái sinh thấp.

Các Oxyt KL sử dụng phải tương hợp với xúc tác và dễ được tái sinh ở Riser.

CO promoter cũng có tác dụng chuyển SO2 à SO3.

Hoạt động của Riser và Stripper phải hiệu quả.

4.3.ZSM-5:

ZSM-5 là một loại Zeolite có cấu trúc xốp khác với Y-Zeolite. Kích thước lỗ rỗng của ZSM-5 nhỏ hơn so với Y-Zeolite (5.1-5.6 so với 8-9).

Thêm vào đó, sự sắp xếp lỗ rỗng của ZSM-5 khác so với Y-zeolite.

Khả năng lựa chọn hình dạng của ZSM-5 cho phépưu tiên cracking paraffin mạch thẳng, dài, olefin.

ZSM-5 làm tăng octane và hiệu suất thu olefin nhẹ.

Cơ chế :

Nâng cấp thành phần octane thấp có nhiệt độ sôi từ C7 đến C10 thành Olefin nhẹ (C3,C4,C5)

Isome hóa olefin mạch thẳng octane thấp thành olefin mạnh nhánh có octane cao.

Hiệu quả của ZSM-5 phụ thuộc :

Nguyên liệu có nhiều parafin và octane thấp sẽ thu được hiệu quả cao.

Nguyên liệu có nhiều naphthen sẽ có ít hiệu quả.

Khi dùng ZSM-5 sẽ có ảnh hưởng qua lại giữa chỉ số Octane và lượng xăng thu được. Octane tăng thì xăng giảm, LPG tăng.

Việc bổ sung ZSM-5 phụ thuộc vào mục tiêu và yêu cầu của phân xưởng.

Ngoài ra, ZSM-5 còn đóng vai trò quan trọng trong SX butylene, dùng làm nguyên liệu cho SX MTBE.

4.4.Chất thụ động hóa KL.

Ni, V, Na là những KL có mặt trong nguyên liệu, làm ngộ độc xúc tác.

Các KL thường sử dụng là thiếc, và nhiều nhất là Antimony

Trong trường hợp ngộ độc Ni thì sử dụng Antimony là hiệu quả nhất.

Tuy nhiên các hợp chất Antimony không bền nên sử dụng các hợp chất dựa trên Bimuth tốt hơn.

4.4.1.Antimony:

Ra đời năm 1976, dùng để thụ động hóa hợp chất Ni. Antimony được phun vào nguyên liệu, thường ở sau quá trình đun nóng sơ bộ để tránh phân hủy..

Cơ chế : Tạo hợp kim với Ni, phản ứng deHydro hóa do Ni gây ra sẽ được giảm từ 40-60%.

5.Lựa chọn xúc tác :

Việc lựa chọn xúc tác phải tính đến nguồn nguyên liệu, mục tiêu của nhà máy lọc dầu :

Sản xuất tối thiểu thành phần 350oC+.

Tối đa các sản phẩm lỏng.

Tối đa sản phẩm xăng.

Đạt chỉ số octane của xăng cao nhất.

Tối đa olefine trong gaz.

Xúc tác NaphtaMax

Ưu điểm : Năng cao hiệu suất thu sản phẩm lỏng, chuyển hóa rất sâu các sản phẩm đáy mà không kéo theo sự tạo thêm coke và sản phẩm khí.

Xúc tác của hãng EngelHard, dựa trên nền công nghệ FACT(Fuel Active Catalyst Technology), thiết kế cho quá trình Cracking SCT (Short Contact Time).

Kết hợp công nghệ với về Matrix : DMS (Distribution Matrix Structure) với Zeolite PyroChem-Plus để đạt được độ rỗng xốp tối ưu và hoạt tính cao cho hệ thống SCT.

Tăng hàm lượng Zeolite.

Tăng hoạt tính của Matrix.

Tăng hàm lượng của RE.

Nhưng công nghệ mới về Matrix đóng vai trò quan trọng nhất để tăng khả năng Cracking sản phẩm đáy nhanh, có chọn lọc.

Trong công nghệ SCT, thời gian tiếp xúc ngắn nên công đoạn khuyếch tán chất phản ứng váo lỗ rỗng đóng vai trò quan trọng. Tối ưu hóa cấu trúc xốp của xúc tác chủ yếu giải quyết vấn đề này.

Vai trò của Matrix như đã nói ở trên để cracking các phân tử lớn. Công nghệ truyền thống thiết kế để các phân tử lớn bị bẽ gãy ở Matrix, sau đó tiếp tục bẽ gãy ở Zeolite. Tuy nhiên, phản ứng bẽ gãy ở Matrix sinh ra nhiều sản phẩm khí và coke.

Công nghệ DMS cho phép phân tán đều các tinh thể Zeolite ngay trên bề mặt xúc tác.

Các phân tử nguyên liệu được phân tán đều trên các tâm Pre-cracking phía bên ngoài của Zeolite.

Phản ứng precracking xảy ra ngay trên Zeolite. Tính chọn lọc sản phẩm lỏng của Zeolite tốt hơn.

Sản phẩm sau Precracking sẽ không tốn nhiều thời gian để khuyếch tán vào lỗ xốp của Zeolite vì nó ở ngay cạnh đó. Do đó giảm thời gian khuếch tán.

Từ khóa » Thành Phần Của Xúc Tác Fcc