Giới Tỷ Phú Toàn Cầu Mất 1.400 Tỷ USD Từ đầu Năm - VnEconomy

Theo thống kê của Bloomberg, từ đầu năm 2022 đến nay, tổng tài sản 500 tỷ phú giàu nhất thế giới đã giảm 1.400 tỷ USD. Chỉ riêng trong ngày 13/6, tài sản của nhóm này đã “bốc hơi” 206 tỷ USD khi thị trường chứng khoán và tiền ảo đồng loạt lao dốc.

Trong số này, ông Changpeng Zhao - nhà sáng lập sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới Binance - là người thiệt hại nhiều nhất khi tài sản giảm từ 85,6 tỷ USD hồi đầu năm xuống chỉ còn hơn 10 tỷ USD hiện tại.

Theo sau là tỷ phú Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla. Hiện ông sở hữu tài sản trị giá 197,1 tỷ USD, giảm 73,2 tỷ USD so với hồi đầu năm. Dù vậy, Musk vẫn là người giàu nhất thế giới và tài sản vượt xa Jeff Bezos – người đồng sáng lập Amazon. Từng là người giàu nhất hành tinh trong nhiều năm, ông Bezos hiện sở hữu tài sản 127 tỷ USD, giảm 65,3 tỷ USD so với 6 tháng trước.

Ngày 10/5, giá cổ phiếu Amazon giảm hơn 40% so với mức cao nhất 52 tuần thiết lập vào ngày 13/7/2021. Trước đó, ngày 29/4, mã này đã giảm 11% sau khi hãng thương mại điện tử khổng lồ báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 gây thất vọng, trong đó ghi nhận khoản lỗ đầu tiên trong 7 năm.

Cũng nằm trong nhóm tỷ phú có tài sản giảm mạnh từ đầu năm nay đến nay, Mark Zuckerberg – CEO Meta (công ty mẹ Facebook, Instagram) và Bernard Arnault – ông “trùm” thời trang xa xỉ Pháp, mất lần lượt 64,4 tỷ USD và 56,8 tỷ USD.

Giới tỷ phú toàn cầu mất 1.400 tỷ USD từ đầu năm - Ảnh 1

Theo Bloomberg, lạm phát leo thang là một trong những tác nhân làm đảo ngược xu hướng của năm 2021 - năm giới giàu càng trở nên giàu hơn nhờ thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng bùng nổ.

Đầu năm nay, Bloomberg cho biết 10 người giàu nhất thế giới đã “bỏ túi” 402 tỷ USD trong năm 2021. Đơn cử trường hợp của ông Musk, tỷ phú này bắt đầu năm 2021 với tài sản 156 tỷ USD và bước sang năm nay với tài sản lên tới 277 tỷ USD.

Dẫn báo cáo từ hãng dịch vụ tài chính Capgemini Investors, Bloomberg cho biết giới nhà giàu đã được hưởng lợi lớn từ dòng tiền bơm vào nền kinh tế trong suốt đại dịch Covid-19.

Năm 2021, số lượng người giàu toàn cầu tăng khoảng 8%, trong đó nhóm người này ở Bắc Mỹ tăng 13%. Trong khi đó, lượng người giàu ở châu Á Thái Bình Dương chỉ tăng 4,2% - theo sau khu vực châu Âu và thấp hơn nhiều so với mức tăng ở Bắc Mỹ - dù luôn dẫn đầu trong thập kỷ qua.

Nguyên nhân một phần bắt nguồn từ chiến dịch siết quản lý của Chính phủ Trung Quốc đối với lĩnh vực công nghệ và việc thị trường bất động sản nước này hạ nhiệt. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh sự tăng trưởng bùng nổ của thị trường chứng khoán Mỹ, kéo theo các lĩnh vực khác như tiền ảo. Xu hướng tăng trưởng này hiện đảo ngược hoàn toàn khi lạm phát leo thang và đi liền với đó những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất mạnh như thế nào.

Từ khóa » Giàu Nhờ Tiền