Giông Bão - Tuổi Trẻ Online

Ub0Z3iRN.jpgPhóng to
TTO - Giông bão là một tai họa thiên nhiên thường thấy ở các nơi trên thế giới, nhất là các nước nằm ven biển vùng nhiệt đới. Hằng năm, bão thường xuất hiện ở miền Trung và miền Bắc nước ta nhiều lần.

Bão bắt đầu khi ánh nắng mặt trời vùng nhiệt đới khuấy đảo làm cho nước biển ấm lên bốc ra nhiều hơi nước, ngưng tụ thành những đám mây dày đặc, đó chính là nơi tập trung khởi đầu năng lượng của một cơn bão. Đám mây này không đứng yên một chỗ mà quay tròn liên tục với vận tốc càng lúc càng nhanh hình thành nên một khu vực trống rỗng ở trung tâm, được khoa học đặt tên là mắt bão. Không khí ở tâm (mắt) bão rất êm ả và trong sáng, còn áp suất thì rất thấp. Chính áp suất không khí giảm rất thấp ở mắt bão đã góp phần làm cho vùng bao quanh nó tích lũy thêm nhiều sức mạnh nguy hiểm, và cứ như thế năng lượng đã được dồn nén đến lúc cực đại để rồi sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào.

Giông bão lớn tàn phá còn kinh khủng hơn lốc xoáy, vì nó xuất hiện trên một diện tích rộng lớn và hoành hành trong một thời gian dài hơn lốc xoáy. Ngoài những cơn gió giật với tốc độ cao, nếu ở lục địa thì nó còn kèm theo sấm sét, mưa to kéo dài, gây ra lũ lụt, trượt đất... nếu ở vùng biển thì phát sinh thủy triều dâng cao cùng với sóng lớn, mang đến những tổn thất rất lớn về người và của.

Dự báo bão

Hiện nay khả năng dự báo bão của khoa học đã đạt được 5 ngày trước khi xảy ra. Đó là nói đến những cơn bão có sức gió trung bình là 150 km/giờ. Hiện tại, tất cả những dữ liệu cơ sở về thời tiết đang được cung cấp bởi các trạm quan trắc địa lý đặt trên tàu hoặc trên các phao nỗi ở bề mặt đại dương. Bên cạnh đó, các phi cơ chuyên dụng bay ngang qua cơn bão cũng là một phương tiện thu thập dữ liệu quen thuộc. Từ khu vực mắt bão, họ sẽ chuyển các thông tin về nhiệt độ, áp suất và độ ẩm cho những căn cứ khí tượng trên đất liền. Từ đó, các nhà chuyên môn sẽ tính toán và đưa ra dự báo về hướng phát triển của bão, đồng thời thông báo cho dân chúng biết. Nhờ có sự chuẩn bị trước, nên thiệt hại do cơn bão gây ra cũng được giảm bớt rất nhiều.

Đối đầu với cơn bão

Cũng như đối đầu với lốc xoáy, để đương đầu với những cơn bão (thường xảy ra từ mùa Hè đến mùa Thu), các bạn cũng cần phải chuẩn bị một kế hoạch cho sự sinh tồn của mình và của gia đình trước khi cơn bão ập đến. Tuy nhiên, khác với lốc xoáy, các cơn bão thường được dự báo trước một thời gian khá lâu, đủ để cho chúng ta chuẩn bị.

Theo dõi các thông báo về thời tiết trên radio, tivi, để theo dõi các biến chuyển về thời tiết, nhất là vào mùa có giông bão. Thường thì khi sắp có bão, người ta sẽ thông báo liên tục trên các thông tin đại chúng. Các bạn cần có một máy phát thanh (radio) sử dụng pin để theo dõi mọi diễn biến qua đài, vì có thể điện bị cúp trong khi có bão.

­Chỗ an toàn nhất đễ tránh bão cũng như lốc xoáy là tầng hầm trong nhà, nơi không có cửa sổ. Nếu nhà bạn không có tầng hầm, hãy đến bên trong một phòng nhỏ ở giữa nhà rồi núp dưới một vật nặng và chắc chắn.

­Trong cơn giông bão, hãy lắng nghe các thông tin về cơn bão (qua radio, tivi) để biết cường độ và hướng đi của bão. Từ đó, các bạn quyết định xem nên ở nhà để chờ cơn bão đi qua hay chạy đến một nơi trú ẩn chắc chắn hơn.

­Nếu một cơn bão đi theo sau một cơn lốc xoáy thì các bạn cần phải biết các hiện tượng báo trước để kịp thời đề phòng. Sau đây là những hiện tượng cảnh báo:

* Bầu trời như đặc quánh, có màu xanh hoặc xanh đen rất kỳ lạ

* Không khí đột nhiên có mùi khác thường, càng lúc càng ngột ngạt, ẩm thấp và khó thở

* Một sự im lặng rợn người sau tiếng sấm

* Những đám mây chuyển động nhanh hoặc quay vòng

* Một âm thanh mà lúc đầu nghe như tiếng thác đổ và dần dần như một đoàn tàu đang ầm ầm kéo đến.

* Nhiệt độ tụt xuống rất nhanh

* Từ trong đám mây mù, một “cái vòi” thò xuống đất. Một số vật thể quay chung quanh cái vòi đó

* Các vật thể và mãnh vỡ từ bầu trời rơi xuống

­Trong cơn bão đôi khi sẽ có một lúc gián đoạn, không mưa gió, đó là lúc Mắt Bão đi qua. Nên tận dụng thời gian này để dọn dẹp và gia cố nhà cửa, chạy nhanh về nhà (nếu đang ở ngoài)... Vì cơn bão sẽ nhanh chóng quay lại. Dừng lầm tưởng rằng cơn bão đã qua đi mà không đề phòng

­Nếu các bạn nghe thông báo một cơn bão đang tiến đến. Hãy chuẩn bị sẵn sàng

* Nếu đang ở nhà thì: neo dằn nhà cửa, mái tôn, mái ngói. Gia cố vách, cửa, cửa kính, cột nhà...

* Thu dọn các đồ phơi phóng, các bồn hoa hay những vật để trên lan can, bao lơn...

* Đóng các cửa sổ cũng như cửa ra vào, nhất là những cửa ở trên gió. Nếu gió thổi tung một cửa của nhà bạn, thì những cơn gió sẽ ùa vào nhà và sẽ hất tung mái nhà của bạn. Có thể dùng ván để đóng thêm bên ngoài các cửa sổ, nhất là các cửa kính, đề phòng những mãnh vật bị gió thổi tông vào.

* Khi giông bão kéo đến, nếu cần, có thể tạm ngắt điện để tránh những sự cố bất ngờ.

* Chuẫn bị sẵn đèn cầy, đèn bão, quẹt gas, đèn pin... đề phòng mất điện. Nếu có thể, tốt nhất là chuẩn bị một máy phát điện nhỏ.

* Kiểm tra đường cống thoát nước, khai thông mương rãnh. Chuẩn bị các vật liệu chống nước tràn vào nhà.

* Chuẩn bị chỗ trú ẩn, nếu thấy không an toàn hãy sơ tán ngay.

* Chuẩn bị lương thực đủ cho ít nhất là 72 giờ cho mỗi thành viên trong gia đình và vật nuôi.

Nếu sau khi nghe các thông tin về cường độ và hướng đi của cơn bão mà cảm thấy căn nhà của bạn không an toàn, hãy lập tức cho gia đình di tản đến nơi trú ẩn an toàn. Khi đi nhớ mang theo túi đựng dụng cụ thiết yếu (xin xem phần ĐỘNG ĐẤT). Vì có thể các bạn và gia đình sẽ vắng nhà một thời gian.

Các cấp độ bão

Những cơn bão được phân cấp theo tốc độ gió như sau:

- Cấp 1: Tốc độ gió từ 120 đến 150 km/giờ

- Cấp 2: Tốc độ gió từ 150 đến 175 km/giờ

- Cấp 3: Tốc độ gió từ 175 đến 210 km/giờ

- Cấp 4: Tốc độ gió từ 210 đến 250 km/giờ

- Cấp 5: Tốc độ gió từ 250 km/giờ trở lên

Nhìn vào bảng cấp độ bão trên, chúng ta thấy rằng giông bão và lốc xoáy có sự khác nhau:

Trước tiên, tốc độ gió của cơn bão không lớn bằng lốc xoáy, vì lốc xoáy có thể đạt tới tốc độ gió (trong vòng xoáy) 400 - 500 km/giờ. Nhưng hãy nhớ một điều là bão có thể phát sinh ra lốc xoáy

Thứ hai, chúng ta đã được thông báo trước các cơn bão, còn lốc xoáy thì gần như không có, nếu có thì cũng không đủ thời gian chuẩn bị.

Sau cơn giông bão

Giống như động đất, lốc xoáy, bão tố hoặc các tai nạn khác, khi tai họa qua đi thì việc trước tiên là cấp cứu các nạn nhân, dập tắt các đám cháy, xử lý các đầu mối nguy hiểm... như đã đề cập các phần trước.

Phóng chống giông bão trên biển

Mọi cơn bão thường phát xuất từ biển, cho nên những người đi biển là những người thường xuyên đối mặt với bão tố. Cho dù bạn có dạn dày sương gió đến đâu, thì khi phải đối mặt với một hung thần của biển cả, không một ai là không kinh sợ. Cho nên chính phủ đã cho phát hành một bản hướng dẫn phòng chống bão cho các người đi biển như sau:

Công tác chuẩn bị thường xuyên:

Các tàu hoạt động trong mùa mưa bão phải bảo đảm tuyệt đối các yêu cầu kỹ thuật về an toàn và tiêu chuẩn đăng kiểm, không đưa các tàu không đủ điều kiện an toàn ra khơi.

­Trang bị đầy đủ phao cứu sinh, cứu hỏa, chống thủng cũng như hệ thống thông tin, tín hiệu trên các tàu.

­Hệ thống neo: phải đủ neo mũi, neo lái, neo dự phòng và neo trôi. Dây neo phải để đúng vị trí và thường xuyên kiểm tra các dây này, dây cột tàu và dây dự phòng.

­Trang bị đầy đủ hệ thống bơm thoát nước (bơm máy, bơm lắc tay, xô múc nước...) vệ sinh làm thông thoáng các lỗ thoát nước và các van xả nước trên tàu.

­Kiểm tra độ kín nước của vỏ tàu, mặt boong, các cửa trên tàu, nắp hầm..., nếu hư hỏng phải sửa chữa ngay.

­Kiểm tra, xem xét cách bố trí két nước, két dầu, hầm lưới sao cho tàu có trọng tâm thấp nhất và luôn cân bằng.

­Kiểm tra độ an toàn và bền vững của hệ thống lái.

­Chuẩn bị sẵn sàng phương án cụ thể đối phó ngay khi có gió bão.

­Các công tác này phải được chuẩn bị và kiểm tra thường xuyên nhất là trước khi tàu rời bến

­Tập huấn phương pháp tránh bão và kỹ năng điều động tàu thuyền trong giông bão cho thuyền trưởng và thủy thủ đoàn.

Khi có gió bão:

Thuyền trưởng phải thường xuyên theo dõi tin bão và dự đoán tình hình diễn biến của bão.

­Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với trung tâm qua hệ thống vô tuyến điện được trang bị trên tàu cũng như giữa các tàu với nhau.

­Xác định chính xác vị trí tàu và so sánh vị trí tàu với đường đi của cơn bão để chủ động đưa tàu ra xa đường đi của tâm bão, hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Chú ý khi tàu trú bão tại các đảo cần phải áp dụng biện pháp đặc biệt để tránh va đập vào nhau, vào vách đảo, đá ngầm gây nguy hiểm, phải tính toán khoảng cách an toàn khi neo đậu, phòng khi gió giật hoặc đổi hướng.

­Khi nghe tin bão, khẩn trương tiến hành các công việc:

* Kiểm tra kỹ hệ máy, hệ lái bởi vì hệ thống này quyết định sinh mạng của tàu trong giông bão.

* Kiểm tra và đóng chặt các hệ thống thông hơi, thông gió. Các cửa kín nước khi cần sử dụng mở ra và đóng lại ngay.

* Kiểm tra các rãnh thoát nước trên boong nơi nào tắc nghẽn phải thông ngay.

* Chuẩn bị hệ thống cứu sinh, cứu hỏa, chống thủng, các loại neo, dây neo, dây cột tàu. Hệ thống này phải ở trong tình trạng sẵn sàng hoạt động.

* Sắp sếp và buộc chặt tất cả các vật dụng trên tàu kể cả lưới chài, tránh khi sóng gió đồ vật dịch chuyển làm lệch tâm tàu.

*Tháo bỏ bạt che chắn trên boong nhằm hạn chế bớt tác dụng của gió.

* Căng dây an toàn trên các lối đi, chuẩn bị áo mưa, trang phục không thấm nước để làm việc.

* Phổ biến tình hình và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên.

­Khi đang có gió bão:

* Tất cả chỉ huy và thuyền viên phải có mặt ở vị trí phân công.

* Cấm sự đi lại không cần thiết trên mặt boong, nếu vì nhiệm vụ cần thiết phải có người theo dõi để xử lý khi gặp tai nạn.

* Tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của thuyền trưởng.

* Thường xuyên xác định vị trí tàu và thông báo vị trí tình trạng của tàu và các tàu trong đội, nhóm.

* Giữ vững liên lạc giữa tàu với trung tâm, giữa tàu với tàu. Trường hợp bất khả kháng không liên lạc được. Khi gặp nguy hiểm thuyền trưởng chuẩn bị sẵn can, vỏ chai (được sơn đỏ) bỏ giấy vào và bịt kín. Trong đó ghi các nội dung:

- Tên tàu, đơn vị chủ quản

- Danh sách thuyền viên, cán bộ trên tàu.

- Tọa độ tàu khi thả thư.

Các vị trí tránh bão

Các vị trí tránh bão dưới đây dành cho các tàu thuyền ở vùng biển miền Nam Việt Nam

­Khi có tin bão phải nhanh chóng xác định vùng ảnh hưởng, nếu nằm trong vùng đó tốt nhất nên quay trở về đất liền.

­Nếu không kịp, các bạn có thể chọn các vị trí sau để trú bão:

Các tàu ở phía Đông có thể chọn:

Côn Sơn: 8 độ 40 phút Vĩ độ Bắc

106 độ 35 phút Kinh độ Đông

Các tàu ở phía Tây có thể chọn:

Phú Quốc: 10 độ 10 phút Vĩ độ Bắc

104 độ Kinh độ Đông

Nam Du: 9 độ 40 phút Vĩ độ Bắc

104 độ 20 phút Kinh độ Đông

Thổ Chu: 9 độ 18 phút Vĩ độ Bắc

103 độ 28 phút Kinh độ Đông

­Một số điều cần lưu ý khi neo đậu tàu thuyền tránh bão:

* Chọn bãi trú ẩn của tàu là nơi khuất gió. Đáy là cát hoặc đất sét, không giáp với bờ đá dựng đứng, lởm chởm và không có đá ngầm.

* Nơi không có cầu tàu, neo tàu thuyền theo hướng thẳng góc với bờ, đuôi tàu quay vào trong bờ, cách xa nhau đủ rộng để tránh va đập vào nhau, không được neo đậu song song với bờ.

* Thả cả neo đáy và neo bờ để giữ cho tàu, thuyền ở nguyên một vị trí.

* Cột vỏ xe hơi cũ ở mũi, mạn tàu để giảm sự va đập.

Những điều cần biết để phòng tránh và chống bão trên biển

­Mức độ nguy hiểm trong các phần khác nhau của cơn bão: Nửa nằm bên phải hướng di chuyển của bão (nữa phía bắc của cơn bão) thường nguy hiểm hơn nữa nằm bên trái vì có phạm vi gió mạnh rộng hơn, tốc độ gió, cường độ mưa và sóng biển lớn hơn, hướng gió lại thuận chiều với hướng di chuyển của bão nên tàu thuyền dễ bị cuốn vào vùng tâm bão.

­Cách xác định vị trí tàu thuyền trong vùng bão: Khi nghe tin có bão đang tiến về phía bờ biển nước ta, nếu quan sát thấy có gió hướng Đông Nam, Đông Đông Bắc hoặc các hướng nằm giữa chúng thì tàu, thuyền đang nằm ở nửa bên phải của bão. Khi thấy có gió hướng Tây Bắc, Tây Tây Nam, hoặc các hướng nằm giữa chúng thì tàu, thuyền đang nằm ở nửa bên trái bão.

Trong trường hợp không xác định được hướng gió nên dừng tàu thuyền lại để quan sát trong vài chục phút. Nếu thấy gió đổi hướng từ trái qua phải theo hướng thuận chiều kim đồng hồ thì tàu, thuyền đang nằm ở vùng bên phải của bão. Nếu thấy gió đổi hướng từ phải sang trái theo hướng ngược chiều kim đồng hồ thì tàu, thuyền đang nằm ở nửa bên trái của bão.

Nếu quan sát thấy hướng gió hầu như không thay đổi mà tốc độ gió tăng dần thì đó là dấu hiệu cho thấy tàu thuyền đang nằm ngay trên đường đi tới của bão.

Cách điều khiển tàu thuyền tránh xa vùng bão: khi đang nằm ở nửa bên phải của bão, phải điều khiển tàu chạy ngược gió sao cho gió thổi vào mũi tàu lệch mạn phải một góc khoảng 30 - 45 độ. Trong trường hợp đang nằm ở nửa bên trái hoặc ngay trên đường bão đang đi tới, phải nhanh chóng cho tàu chạy xuôi theo chiều gió sao cho gió thổi vào đuôi tàu lệch mạn phải một góc 30 - 45 độ.

Một số điều cần lưu ý điều khiển tàu trong vùng bão:

* Thả dầu nhờn xuống biển, vứt bỏ hàng hóa thiết bị nặng, cồng kềnh trên boong để tăng độ cân bằng cho tàu.

* Điều khiển tàu, thuyền chạy ngược sóng hoặc chạy theo hướng sao cho gió thổi chếch mũi đến chếch mạn phải một góc thích hợp.

* Thả trôi: dùng tất cả máy chính, cố định ở vị trí số không. có thể thả trôi xuôi sóng, sử dụng neo chống bão hoặc nới cho neo trượt trên đáy để giữ tàu thuyền cố định ở một vị trí so với sóng.

* Chỉ thả neo khi không thể áp dụng được một phương pháp chống đỡ nào khác.

Các tín hiệu báo bão và áp thấp nhiệt đới

Dành cho các trạm tín hiệu và trên các tàu, thuyền hoạt động trên sông, trên biển

Tín hiệu báo bão và áp thấp nhiệt đới trên tàu

Treo cờ đuôi nheo

Giờ phát tin báo bão và áp thấp nhiệt đới

Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương và Địa phương phát tin báo bão vào các giờ: 03h30, 05h30, 09h30, 11h30, 14h30, 17h30, 21h30 và 23h30

Chế độ bắn pháo hiệu từ đất liền:

Khi có tin bão xa:

Bắn pháo hiệu số 1: Gồm 9 phát pháo hiệu xanh, chia làm 3 lần. Mỗi lần bắn liền 3 phát, lần bắn trước cách lần bắn sao 3 phút.

Giờ bắn pháo hiệu:

Từ 19h30 - 20h00

04h00 - 05h00 sáng

Khi có tin bão gần:

Bắn pháo hiệu số 2: Gồm 9 phát, chia làm 3 lần. Mỗi lần bắn liền 3 phát (2 phát pháo hiệu màu đỏ, 1 phát pháo hiệu màu xanh) lần bắn trước cách lần bắn sau 3 phút

Giờ bắn pháo hiệu:

Từ 19h30 - 20h00

22h30 - 23h00

0h30 - 1h

04h30 - 05h00 sáng

Khi có tin bão khẩn cấp hoặc tin Áp thấp nhiệt đới gần bờ

Bắn pháo hiệu số 3: gồm 9 phát pháo hiệu màu đỏ, chia làm 3 lần. Mỗi lần bắn liền 3 phát, lần bắn trước cách lần bắn sau 3 phút.

Giờ bắn pháo hiệu:

Từ 19h30 - 20h

22h30 - 23h

0h30 - 1h

4h30 - 5h sáng

Chế độ bắn pháo hiệu từ hải đảo, trên máy bay và tàu tuần tiễu:

Khi xuất hiện khả năng trong khoảng từ 12 đến 24 giờ tới bão hoặc Áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến các hải đảo nước ta hoặc vùng có các hoạt động an ninh, kinh tế trên biển Đông hoặc Vịnh Thái Lan, thì bắn pháo hiệu số 3 như khi có Tin bão khẩn cấp

Trận Bão năm Thìn 1904 tại Sài gòn

Đây là trận sóng thần do động đất từ đáy biển khơi dậy lên, địa bàn ảnh hưởng của nó là hầu như khắp Nam Bộ lan sang tận Campuchia. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang nay), Tân An, Chợ Lớn (Long An nay), Gia Định (TP. Hồ Chí Minh nay) và dọc theo vùng duyên hải. Nhiều làng gần bờ biển đã bị một hải lưu có nơi cao đến 3,50m lôi cuốn đi mất. Đợt hải lưu tiến vào các sông ngòi và có ảnh hưởng đến tận Bến Lức (Long An).

Nam kỳ tuần báo số 85, ra ngày 8-6-1904, có bài Trận bão năm Thìn của Mỹ Xuân tường thuật khá chi tiết về cơn bão này trên đất Sài Gòn. Bài viết gồm hai kỳ, nhưng thật đáng tiếc đây lại là số báo cuối cùng của tờ báo do Hồ Văn Trung (tức Hồ Biểu Chánh) làm giám đốc.

Cơn bão diễn ra đúng vào ngày chủ nhật 1-5-1904, tức ngày 16-3 năm Giáp Thìn. Hôm ấy cũng đúng vào ngày bầu cử Hội đồng thành phố. Chiều hôm trước là ngày khánh thành tuyến xe lửa Sài Gòn – Gò Vấp. Trong bài diễn văn của mình, một quan chức dõng dạc tuyên bố: “Nam kỳ vốn là Phật địa, không bao giờ có bão lụt tàn phá như các xứ thuộc địa khác. Ấy là sự bảo đảm của nền thịnh vượng chung cho xứ sở, cho mọi người, mà cũng là một hạnh phúc riêng cho các công ty xe lửa...”

Buổi sáng 1-5-1904, từ 7 giờ 55 cho đến 12 giờ tại Sài Gòn mưa cứ lâm râm. Đến 1 giờ gió bắt đầu thổi mạnh và đến 3 giờ chiều gió càng dữ dội. Lúc đầu, trời chỉ có dông, lần hồi vừa dông vừa mưa đến mức như cầm chĩnh đổ. Người dân Sài Gòn cứ ngỡ là trời dông lớn chứ không ai nghĩ đến bão lụt. Xe ngựa, xe kéo, khách bộ hành kiếm chỗ trú ẩn hoặc chạy về nhà, đường sá vắng tanh. Mới 4 giờ chiều mà trời đã tối sầm, lại bị cúp điện. Ở các nhà hàng, quán cơm, người ta phải đốt đèn cầy hoặc đèn dầu, gió mạnh cứ thổi tắt hoài.

Cuộc bầu cử hôm ấy vắng mặt tới trên 400 cử tri do thời tiết xấu, kết quả kiểm phiếu bị hủy bỏ và phải dời lại chủ nhật tuần sau.

Theo bài báo mô tả thì: “Đến 5 giờ chiều, trận dông mưa mới thật kịch liệt cực điểm. Dông gió tung rớt mái nhà, đốn ngã cây cối, đứt mất dây điện và dây thép, nhận chìm tàu ghe, cột đèn hay cột dây thép xiêu ngã liệt địa. Đường sá vắng teo không người lai vãng, tiếng dông mưa thổi ào ào như trời than đất thở”.

Mưa to gió lớn làm nhiều con ngựa đang kéo xe hoảng sợ bứt dây cương, quăng xe chạy tháo thân. Có xe bị lật nhào kéo theo cả con ngựa nằm té sải cẳng. Hầu hết các xe đều gãy gọng, bay mui, phu xe bỏ chạy tán loạn.

Dọc theo sông Sài Gòn, tàu, xà lan, ghe tam bản, ghe chài, ghe lồng đứt dây, trôi ra giữa sông bị sóng gió đánh ập, va đập nhau mà chìm.

Đến 7 giờ tối, các chiếc tàu lớn Canebière, Adour và Hop Sang bị sóng đẩy lên bờ nằm ngả nghiêng. Chiếc Patroclus đang đậu ở Thủ Thiêm, đứt dây neo, chạy ra giữa sông đụng chìm bốn chiếc ghe chở đá của bà Roussel, đâm thủng một chiếc ghe chài chở lúa, nhận chìm khoảng một chục chiếc tam bản trước khi chìm xuống bến Nhà Rồng. Chỉ riêng các ghe chở lúa, chở dầu, chở hàng hóa có đến 43 chiếc bị chìm trong đêm hôm đó.

Từ 10 giờ đêm, trời đã bớt dông nhưng mưa vẫn ào ào như trút cho tới sáng hôm sau mới bớt hạt.

Hừng sáng hôm sau (2-5-1904), mọi người mới kéo nhau đi xem mức độ tàn phá của cơn bão. Có đến 900 trăm cây lớn trốc gốc nằm ngổn ngang trên các con đường, lá cây rụng lấp cả đường đi. Nhà lá thì trốc lá bay tứ tung khắp nơi, phủ dầy mặt đường có chỗ lên đến 2 mét. Trong chợ, các thớt thịt ngã đổ chất đống lên nhau.

Sau đó báo L’Opinion và Le Courrier de Saigon có bài tường trình về trận bão này: “Dọc theo đường xe lửa chạy dựa theo mé sông từ Sài Gòn vô Chợ Lớn, có một cái vòi rộng trên trời thò xuống làm đổ ngã một toa xe, giựt đứt mái nhà ở đề-pô xe lửa và đè nhẹp cả một cái nhà lá. Cách đó lối mươi thước, cái vòi rồng ấy hốt một người nam đem tuốt lên không trung rồi khiêng đại xuống mặt đất. Khi thiên hạ chạy đến toan cứu kẻ vô phước thì người ta thấy thân hình anh ta đã dẹp đép như tờ giấy, và lại dài nhằn ra đo đến được 3 thước. Bấy giờ muốn khiêng kẻ bạc mạng đến nhà xác, người ta cứ xấp anh lại làm hai!...”.

Tính chung thiệt hại về tài sản do cơn bão gây ra tại Sài Gòn năm 1904 đã lên đến 40 triệu đồng, nghĩa là tương đương với khoảng 1.000 tỉ đồng ngày nay. Số người chết cũng đã lên đến hơn 3.000 người!

Từ khóa » Giông Bão Nghĩa Là Gì