Giữ Chồng Là Một Nghệ Thuật - Báo Bà Rịa Vũng Tàu Online

  • Giữ tiền dùm chồng? Tốt quá đi chứ!

Đàn ông một khi đã có vợ, trong nhiều tình huống, trộm nghĩ, thân phận của họ cũng từa tựa như cánh diều ấy. Mà, không ai khác, cô vợ chính là người đang điều khiển sợi dây diều. Có người vụng về cắt béng, giấu biệt đi sợi dây đó; có người khôn khéo vẫn thả diều. Ối dào, ngẫm ra chơi diều cũng là một nghệ thuật đấy, chứ nào phải đùa. Khi bàn lấy chuyện này, tôi liên tưởng qua cách quản chồng của phụ nữ và thấy khó có thể liệt kê ra hết mọi tình huống, vì rằng, “cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh”.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Lúc này, tôi sực nhớ đến câu chuyện của A - người bạn là nghệ sĩ nổi tiếng với danh xưng “sát nữ đại hiệp”. Dù đã đùm đề vợ con nhưng vẫn quyết không bỏ thói ba lăng nhăng, hễ thấy gái đẹp chẳng khác gì mèo thấy mỡ và tất nhiên, anh ta không quên “thả thính” rồi “đốn ngã” cho bằng được. Thử hỏi, có người vợ nào tha thứ cho chồng cái thói trăng hoa phiền toái “phòng nhất, phòng nhì” đó không? Vì lẽ đó, sau một vài lần ly dị vợ, anh A vẫn tiếp tục có vợ nữa.

Đến một lần nọ, anh “lên xe hoa” với cô X, bạn bè ai cũng nghĩ chỉ là “trạm dừng chân” như những lần trước. Tưởng là thế nhưng kỳ lạ thay, lần này lại là lần sau chót giúp anh ổn định gia đình khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Không rõ cô X có chiêu gì mà người đàn ông đào hoa ấy đã “cải tà quy chính”, đã đi đâu thì đi, đã làm gì thì làm nhưng cuối cùng vẫn “tung cánh chim tìm về tổ ấm”?

Thay vì suy luận lằng nhằng mất thời gian, tôi đã trực tiếp hỏi “người trong cuộc”, cô X cho biết: “Em thừa biết tỏng thói xấu mèo mỡ, chim chuột của anh ấy nhưng bọn em quy ước, đại khái, anh ra khỏi nhà thì anh là người của công chúng, làm gì thì mặc, thích vẽ nhọ bôi hề thì tùy, thích mặt vằn mặt vện cũng không sao. Miễn là khi trở về nhà, anh không được vác theo “của nợ” nào và anh phải là người của riêng em. Nếu vi phạm thì… xong phim”. Tôi hiểu “của nợ” ở đây là cô X ám chỉ con rơi, con rớt gì đó.

Sau khi có quy ước này được “ký kết”, anh A cảm thấy hài lòng hết sức, vì mọi sự tự tung tự tác không bị bất kỳ ngăn cản, răn re, theo dõi gì sất. Ngược lại, cô X cũng vui vẻ, dành thời gian chăm con lo việc nhà. Nhiều người bảo, cô X xử sự như thế là dại, có ngày mất chồng như chơi.

Tôi biết có những trường hợp, do sợ chồng bị cô khác hớp hồn hớp vía, “cuỗm” mất nên họ đã quản lý bằng cách này: Hễ chồng đi đâu vợ theo đó. Cả hai dính nhau như sam. Ban đầu anh em bạn bè thấy cũng vui vui. Nhưng hễ mỗi lần gặp nhau bù khú tán phét, cà phê cà pháo, bia bọt lai rai cứ nhìn thấy đôi vợ chồng ấy “bổn cũ soạn lại” khiến ai nấy đâm ra… oải trời đậu. Vì rằng, với đàn ông thì họ cũng thuộc hạng “bà tám” không kém như một cách xả xì-trét, tâm sự vô thưởng vô phạt, thậm chí có lúc “khoe” cả chuyện cực kỳ tế nhị như “chiến đấu oanh liệt” hoặc cầu cứu vì sao dạo này “trên bảo dưới không nghe”? v.v… Vậy, những lúc ấy mà bạn mình lại kéo theo cái “rờ mọc” nữa thì chẳng khác gì “kỳ đà cản mũi”. Họ không hề thích, câu chuyện chung của đám đàn ông có người phụ nữ lại là vợ của bạn ngồi đó, làm sao có thể nói cho hả dạ hả lòng?

Chán lắm.

Điều gì đã hoặc sẽ xẩy ra? Anh chàng kia chắc chắn mất bạn. Đã thế, nào có ai biết nỗi khổ của người chồng lúc đã bị đưa vào “tầm ngắm” của cái sự quản chặt chẽ đó? Anh ta đâu có phải trẻ con mà lúc nào cũng có “bảo mẫu” cận kề, giám sát? Lại nữa, anh ta cũng cảm thấy bất cập là do luôn theo chồng thì cô vợ còn đâu thời gian lo cho con, vun vén cửa nhà? Thử hỏi quý bà, quý cô vốn thừa thông minh rằng, quản chồng như thế có nên chăng?

Trở lại với trường hợp của anh A, tôi nhận thấy, từ đó anh thay hẳn cách sống, không hề như trước nữa? Tại sao lạ lùng vậy ta? Không, phải nói kỳ diệu mới đúng.

Nói ra điều này, không hề suy diễn đâu. Tôi đã hỏi trăm người như một thì bọn đàn ông đều thú thật, một là, với người vợ, điều họ “sợ” nhất, không dám vượt qua “rào cản quy định” vẫn chính là sự gương mẫu, nết na, chu toàn việc nhà đâu ra đó; hai là, qua đó, họ tự điều chỉnh lấy nếp sống của mình để không phụ lòng của vợ. Nào có ai bắt buộc đâu. Họ tự nguyện. Họ tự giác. Đôi lúc (như… tôi đây, hehe), họ tặc lưỡi: “Cô vợ sống như thế, tốt quá. Mọi việc đâu ra đó nhưng rồi mình nào có bị mất tự do, vẫn cứ như thời… độc thân. Thế thì, dại gì phải đứng núi này trông núi nọ, thả mồi bắt bóng, không khéo mất cả chì lẫn chài mà nào có ai thèm thương hại. Chẳng dại”. Suy nghĩ này cũng là của anh bạn A với câu chuyện mà tôi đã kể.

Tóm lại, vấn đề quản lý chồng vốn thiên hình vạn trạng, trong phạm vi bài này, chỉ xin trao đổi ngắn qua dăm trường hợp cụ thể. Dù thế nào, tôi vẫn giữ suy nghĩ khi cho rằng, đã sở hữu cánh diều thì hãy cho nó bay trong tầm quản lý mà mình cảm thấy hài lòng nhất. Trong hôn nhân, với nguời đàn ông một khi sự tự do cá nhân bị đe dọa bởi sự kiểm soát chặt chẽ của vợ, họ chẳng khác gì cánh diều bị bỏ xó, nếu có dịp thì sẽ tìm cách bứt dây dẫu sau đó, thế nào thì cũng mặc…

LÊ MINH QUỐC

Từ khóa » Hình điều Khiển Vợ