Giữ Gìn, Phát Huy Truyền Thống Thờ Cúng Anh Hùng Dân Tộc Và Những ...
Có thể bạn quan tâm
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, các loại hình tín ngưỡng truyền thống đã chiếm một vị trí quan trọng và để lại dấu ấn không nhỏ trong đời sống xã hội và con người Việt Nam. Nó bảo lưu được các giá trị truyền thống của cha ông, gắn kết, củng cố tính cộng đồng và góp phần thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, nâng cao giá trị đạo đức, lối sống của người Việt. Trong các loại hình tín ngưỡng, thờ cúng anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước xuất hiện từ rất sớm, phản ánh quá trình dựng nước, giữ nước trong lịch sử, là truyền thống tốt đẹp được người dân gìn giữ cho đến ngày nay.
Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc là việc thờ cúng và linh thiêng hóa những nhân vật có công trạng lớn với đất nước và dân tộc. Khi họ qua đời, hậu thế nhớ ơn, tôn thờ là thần, thánh và được người dân thành tâm thờ cúng. Những người có công với đất nước thường được nhà nước phong kiến công nhận chính thức, sắc phong thần và có quy định cụ thể về thiết chế thờ cúng. Ở Việt Nam, rất nhiều anh hùng dân tộc được nhân dân tôn vinh, thờ phụng, họ là những người yêu nước, thương dân, đánh giặc cứu nước, chữa bệnh, tổ nghề… Tiêu biểu như: thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương (tên gọi chung của 18 đời Vua Hùng trong họ Hồng Bàng), Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Phù Đổng Thiên Vương, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Đức Thánh Trần, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Quang Trung, Hồ Chí Minh… Trong tâm thức của người dân, các anh hùng dân tộc thường hiển linh bảo vệ cho con người và cộng đồng dân tộc trên nhiều phương diện. Do đó, tín ngưỡng này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: lập đền thờ, lập miếu thờ, lập bia ghi công đức, xây dựng phần mộ, xây dựng đài tượng niệm, xây dựng nhà tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ… Việc thực hành tín ngưỡng vừa bày tỏ lòng biết ơn của hậu thế, vừa thành tâm mong muốn nhận được sự phù trợ của các ngài trong công cuộc bảo vệ đất nước. Thông qua tín ngưỡng này, hậu thế có thể hiểu rõ hơn về công lao to lớn của các vị anh hùng, đồng thời thế hệ sau còn ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, học tập và rèn luyện để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Tín ngưỡng truyền thống còn góp phần giúp người dân bảo lưu, giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Đó là đạo lý hiếu nghĩa, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “tôn sư trọng đạo”… Đây cũng là phương thức để người dân ý thức về nguồn cội dân tộc, thể hiện tinh thần yêu nước, tự hào, tự cường dân tộc. Nhiều đền thờ anh hùng dân tộc như đền Vua Lê, Vua Đinh, đền thờ các Vua Lý, đền thờ Vua Trần, đền thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Hai Bà Trưng… đã trở thành biểu tượng tâm linh không chỉ của cư dân trong vùng mà của nhân dân cả nước. Việc thực hành nghi lễ thờ cúng các anh hùng dân tộc và những người có công với nước được tiến hành quanh năm. Khi thực hiện nghi lễ thờ cúng và tham gia lễ hội, người dân có dịp ôn lại những sự kiện lịch sử của dân tộc, tưởng nhớ đến truyền thống hào hùng của cha ông và góp phần nhân lên lòng yêu nước, được tiếp thêm sức mạnh và ý thức tự cường dân tộc. Hằng năm, hàng triệu người dân trên khắp cả nước đã dâng lễ thờ cúng bày tỏ lòng thành kính và cầu cho bản thân, gia đình mạnh khỏe, cuộc sống no đủ, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Đồng thời, người dân cũng thực hành tín ngưỡng thờ cúng các vị Thành hoàng làng có nguồn gốc nhân thần là những nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo… Có những vị Thành hoàng làng là danh nhân văn hóa, tổ sư, tổ nghề hoặc là người có công khai phá, lập làng; những vị là người hiền sĩ có công mở mang dân trí… (1) thể hiện nhu cầu tâm linh và chứa đựng những giá trị đạo đức “uống nước nhờ nguồn”, biết ơn những người có công tạo dựng làng xã, bảo vệ đất nước.
Bên cạnh đó, để ghi nhớ công ơn của những người đã có công sáng tạo, truyền bá nghề, người dân đã lập các đền, miếu thờ cúng hoặc phối thờ trong đình, đền, chùa để thờ cúng các tổ sư, tổ nghề và danh nhân văn hóa. Nhiều vị tổ sư nghề là những con người xuất thân trong một làng quê, trải qua vất vả đã sáng tạo ra một nghề mới hoặc nắm vững bí quyết phát triển nghề, truyền lại cho con cháu trong gia đình, dòng họ, làng xã… Nhiều vị tổ sư nghề là những bậc đại quan, trong thời kỳ trị nhậm ở địa phương đã có công phát triển nghề và có những người là những bậc học giả tiêu biểu được tôn vinh như: Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông được tôn vinh là tổ sư nghề Y học Việt Nam… Những vị tổ nghề, danh nhân văn hóa đều được người dân dành tình cảm tôn kính và thờ phụng chu đáo, vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa hàm chứa giá trị đạo đức thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, ý thức học hỏi, trau dồi nghề nghiệp và tôn vinh tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của cha ông.
Ngoài ra, những người học hành đỗ đạt và có công truyền bá kiến thức, mở mang dân trí đều được nhân dân kính trọng nên khi mất được lập đền thờ hoặc thờ cúng ở đình làng, trở thành biểu tượng của văn hiến, truyền thống tôn sư trọng đạo, có sức lan tỏa lớn trong đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng và cả nước, như: đền thờ Chu Văn An, Nguyễn Trãi… Việc thờ cúng anh hùng dân tộc, người có công với làng xã, đất nước đã góp phần gìn giữ và phát huy tinh thần đoàn kết, giáo dục những đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc và xây dựng ý thức cộng đồng dân tộc.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, cùng với quá trình đặt trọng tâm vào đổi mới về kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã xác định nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tư tưởng này tiếp tục được bổ sung, phát triển đầy đủ và phong phú trong các văn kiện qua các kỳ đại hội của Đảng. Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tiếp tục khẳng định mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” (2). Trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam, Đảng ta luôn nhấn mạnh nhiệm vụ kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc: “Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể” (3). Để xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo cơ bản đối với từng lĩnh vực của đời sống. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn có quan điểm, thái độ rõ ràng về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo, Đảng ta đã nhấn mạnh quan điểm: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 Khóa XI nhấn mạnh: “Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng; khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, “tốt đời, đẹp đạo”. Khuyến khích các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, “uống nước nhớ nguồn”, từ thiện, nhân đạo”. Đây được coi là định hướng vừa lâu dài, vừa cấp bách để các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo.
Những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp trong tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước phù hợp với định hướng xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam… xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” (4). Trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta xác định, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với những đức tính: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; Có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực (5). Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI khẳng định quan điểm: “Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Đồng thời đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng và phát huy lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển… Tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc” (6).
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là truyền thống thờ anh hùng dân tộc, người có công với đất nước và nhân dân, các danh nhân văn hóa. Vì vậy, trong những năm gần đây, các loại hình tín ngưỡng truyền thống được phục hồi khá mạnh mẽ và sự phục hồi mạnh mẽ các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội thờ anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước đã góp phần đề cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” và những giá trị đạo đức mang đậm nét nhân văn của dân tộc. Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, anh hùng dân tộc là những vị có công lao to lớn trong chiến đấu vì độc lập, tự do và hạnh phúc của người dân, là những vị tổ sư, tổ nghề và danh nhân văn hóa giúp người dân lập nghiệp, mở mang tri thức… Những đóng góp của họ được ghi nhớ muôn đời, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Có thể nói, tín ngưỡng truyền thống là thành tố văn hóa lưu giữ vững bền các giá trị mang tính cốt lõi, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, là chỗ dựa tinh thần để cha ông ta khẳng định bản sắc văn hóa, đồng thời là một trong những “bàn lọc” để tiếp thu cái mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, để nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, việc bảo tồn và phát huy truyền thống thờ cúng anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước góp phần tạo lập môi trường văn hóa để các giá trị đạo đức mới lan tỏa trong đời sống của người dân, “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường dân tộc và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (7).
________________
1. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, tr.91-111.
2, 4, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.115-116, 143, 215.
3, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.63.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.126-127.
PGS, TS LÊ VĂN LỢI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022
Từ khóa » Các Anh Hùng Dân Tộc Trên Thế Giới
-
Những Anh Hùng Dân Tộc Châu Á Từng được Time Giới Thiệu
-
Anh Hùng Dân Tộc – Wikipedia Tiếng Việt
-
Các Vị Anh Hùng Dân Tộc Của Thế Giới - Tài Liệu Text - 123doc
-
Các Vị Anh Hùng Dân Tộc Của Thế Giới - 123doc
-
14 Anh Hùng Dân Tộc Tiêu Biểu Nhất Trong Lịch Sử Việt Nam Gồm ...
-
15 Danh Nhân Anh Hùng Dân Tộc Việt Nam Xưa Nay - PLO
-
Những Anh Hùng Trẻ Tuổi - Nhà Văn Hóa Thanh Niên
-
Tìm Hiểu Truyền Thống Giữ Nước: 14 Vị Anh Hùng Dân Tộc Tiêu Biểu ...
-
Bạn Có Biết 14 Anh Hùng Tiêu Biểu Của Dân Tộc Việt Nam? - Zing
-
Anh Hùng Giải Phóng Dân Tộc - Ủy Ban MTTQ Tỉnh Tuyên Quang
-
Để Khán Giả Việt Tự Hào Về Những Anh Hùng Của Nước Nhà
-
Những Người Anh Hùng Trẻ Tuổi Trên Tem Bưu Chính - VNPost
-
Những Giá Trị đạo đức Truyền Thống Của Dân Tộc Việt Nam Và Truyền ...