Giữ Gìn, Phát Huy Và Tạo Nên Sức Sống Mới Cho Loại Hình Nghệ Thuật ...

Chương trình hát xẩm “Bình minh quê hương” có thời lượng 30 phút gồm các tiết mục “Ơn nghĩa sinh thành” (lời cổ), “Dạt nước cánh bèo” (lời cổ), “Hải Phòng xưa” (Hồng Minh), “Theo Đảng trọn đời” (lời Bùi Thiện Toại, lồng điệu Nghệ nhân, NSƯT Hà Thị Cầu), “Hải Phòng đổi mới” (Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh) với những cảm xúc tự hào về truyền thống và khát vọng đổi mới đi lên của thành phố được thể hiện qua loại hình hát Xẩm do các nghệ nhân, nghệ sĩ Câu lạc bộ Hát Xẩm Hải Phòng thực hiện.

Bà Đỗ Thị Khánh Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hải Phòng cho biết, hát xẩm là một loại hình dân ca truyền thống phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Sau bao thăng trầm và ít nhiều bị mai một, thất truyền, hát Xẩm đang dần được khôi phục bởi những tấm lòng nhiệt huyết và đam mê với nghệ thuật truyền thống. Hiện nay, tại thành phố Hải Phòng, hát xẩm đã được các nghệ nhân giữ gìn, phát huy và tạo nên sức sống mới cho loại hình nghệ thuật hát xẩm nói riêng và loại hình văn nghệ dân gian Hải Phòng nói chung.

Âm nhạc và lời ca của nghệ thuật hát xẩm hết sức mộc mạc chân thành nhưng chứa đựng những nội dung tư tưởng sâu sắc. Lời ca trong hát xẩm không chỉ phong phú về thể loại như ca dao, tục ngữ, thơ…, mà còn rất đa dạng về mặt nội dung. Những ca từ của xẩm hàm chứa những triết lý, những lời răn dạy đạo lý ở đời.

Các nghệ sĩ Câu lạc bộ Hát Xẩm Hải Phòng thể hiện trong chương trình hát xẩm “Bình minh quê hương”

Theo các Nghệ nhân hát xẩm tại Hải Phòng, hát xẩm là một thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật hát xẩm được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 14. Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ 20, hát xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo. Sức ảnh hưởng và lan tỏa mãnh liệt của xẩm trong đời sống dân gian thể hiện ở số lượng bài xẩm lên tới hàng trăm bài, đa dạng về nội dung, làn điệu cũng như môi trường diễn xướng.

Từ một loại hình diễn xướng dân gian phổ biến nơi đông người qua lại như bến sông, hè đường, góc chợ… và là phương tiện cho không ít người khiếm thị mưu sinh, Xẩm đã lên sân khấu trong các chương trình nghệ thuật, phục vụ khách du lịch.

Các nghệ sĩ Câu lạc bộ Hát Xẩm Hải Phòng thể hiện trong chương trình hát xẩm “Bình minh quê hương”

Hiện nay, đời sống phát triển, đô thị hóa nông thôn đang diễn ra nhanh chóng, chợ quê không còn đông đúc tấp nập như xưa. Do vậy, hát xẩm dần mai một, song vẫn tồn tại trong tâm thức của người con Bắc bộ nói chung và hải Phòng nói riêng. Vì hát xẩm đánh thức lòng người, vực dậy tâm hồn hướng về cái thiện, hướng về một nơi tăm tối của ngõ đời, nơi có những con người đang cầu mong ánh sáng và hạnh phúc. Hát xẩm ra đời để phục vụ nhu cầu con người và khi con người còn rung động, hát xẩm vẫn trường tồn.

Cùng trong dòng chảy âm nhạc dân gian, hát xẩm ở Hải Phòng chứa đựng nét đặc trưng trong các làn điệu riêng. Một bài hát xẩm trọn vẹn sẽ bao gồm các câu vỉa thường được ví như là phần dẫn dụ của câu chuyện. Nhạc cụ chủ yếu của hát xẩm là nhị, trống, sênh và những lời hát mộc mạc nhưng điệu hát không bi ai mà rất lạc quan, yêu đời, mang cái kết có hậu, viên mãn.

Ngay tại buổi tổng duyệt chương trình hát xẩm “Bình minh quê hương” vừa qua, khán giả không chỉ ngạc nhiên, vui mừng được nghe những làn điệu tưởng như đã mai một do các nghệ nhân dân gian và các nghệ sỹ hát xẩm của Câu lạc bộ Hát Xẩm Hải Phòng trình diễn trong một không gian sân khấu đặc sắc cho thấy sự tâm huyết của ác nghệ sĩ và ngành Văn hóa thành phố trong việc lưu giữ, duy trì hát Xẩm.

Theo Nghệ nhân Đào Bạch Linh, người dày công nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, thực hành, lan tỏa nghệ thuật hát xẩm suốt 20 năm qua, chủ nhiệm Câu lạc bộ hát xẩm Hải Phòng cho biết: Hiện nay, hát xẩm cũng thu hút nhiều lứa tuổi tìm hiểu và theo học một cách đầy say mê và nghiêm túc tại điểm sinh hoạt của Câu lạc bộ hát xẩm Hải Phòng (Chiếu xẩm Tam Bạc, trực thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố).

Với mong muốn đưa hát xẩm tới gần hơn với công chúng, trong 2 năm (2010- 2011), Nghệ nhân Đào Bạch Linh đã tích cực tham gia các hội, nhóm sinh hoạt văn hóa địa phương, từ đó có cơ hội thể hiện kỹ thuật hát xẩm để truyền bá đam mê xẩm tới nhiều người dân. Sau đó, tận dụng sức lan toả của mạng xã hội Facebook, anh đăng tải những bức ảnh, bài viết liên quan đến loại hình nghệ thuật dân gian này. Từ đó, nhiều người bắt đầu chú ý tới hát xẩm và liên hệ xin học. Từ năm 2012, khi các cụ lớn tuổi đi sinh hoạt câu lạc bộ hát xẩm rủ thêm con, cháu cùng tham gia, qua đó, nhiều tài năng nhí bộc lộ niềm yêu thích và khả năng hát xẩm.

Hiện, số học viên theo học nghệ nhân Đào Bạch Linh lên đến vài chục học viên, với độ tuổi chủ yếu dưới 50, việc học được miễn phí hoàn toàn. Ngoài việc dạy các lớp hát xẩm ở Hải Phòng, nghệ nhân Bạch Linh còn thường xuyên lên Hà Nội, về Ninh Bình phát triển câu lạc bộ hát xẩm ở các địa phương này.

VŨ DUYÊN

Từ khóa » Hát Xẩm Hải Dương