Giữ Gìn Và Phát Huy Nét đẹp Văn Hóa Truyền Thống Của đồng Bào Dân ...

Thiếu nữ Mông xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) học thêu thùa. Ảnh: Quang Minh

Nói đến văn hóa của dân tộc Mông, người ta thường nhớ đến đầu tiên là bộ trang phục, nhất là bộ trang phục của phụ nữ, với màu sắc rực rỡ, hoa văn phong phú, nổi bật. Trang phục của người Mông trước đây được làm bằng vải lanh, nay nghề trồng lanh dệt vải đã mai một, do đó, đồng bào dùng vải dệt công nghiệp nhưng cách tạo hoa văn, thêu, trang trí các hoạ tiết hoa văn vẫn theo lối truyền thống. Trong cuộc sống hiện đại, với sự du nhập của nhiều kiểu thời trang bắt nhịp xu hướng mới, thì những bộ váy áo dân tộc Mông vẫn luôn được yêu thích và được tìm đến nhiều nhất mỗi khi cần đến chất liệu dân tộc trong những sự kiện đặc biệt, hay cần sự sáng tạo nghệ thuật. Trang phục dân tộc Mông ngày nay có sự cải tiến rất nhiều so với truyền thống, và mỗi sự cách tân đều có chủ đích riêng để làm nổi bật thêm những nét độc đáo, riêng có của bộ trang phục này.

Đời sống tinh thần của đồng bào cũng hết sắc phong phú, được thể hiện qua các phong tục tập quán, quan niệm về trời đất và con người, vạn vật. Theo quan niệm của người Mông, việc thờ cúng tổ tiên là sự tưởng nhớ, báo đáp lại công sinh thành, nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ... vì vậy cứ vào dịp tết, ăn cơm mới, con cháu dâng bày lễ vật mời tổ tiên về hưởng cùng con cháu. Thờ cúng tổ tiên để cầu mong sự phù hộ của tổ tiên che chở cho con cháu luôn được mạnh khoẻ, cho vật nuôi phát triển.

Người Mông có kho tàng thơ ca bao gồm nhiều thể loại như thần thoại, truyện cổ tích, dân ca, tục ngữ, truyện thơ, sử thi... mỗi thể loại còn có nhiều loại hình khác nhau: Thần thoại có sự tích kể về nguồn gốc vũ trụ, con người, muôn loài...; truyện cổ tích có truyện cổ tích động vật, truyện cổ tích thần kỳ (truyện kể về anh chàng dũng sỹ tài ba, truyện mồ côi), truyện cổ tích sinh hoạt xã hội. Dân ca Mông cũng có nhiều loại như dân ca giao duyên, dân ca than thân, dân ca nghi lễ. Dân tộc Mông có kho tàng âm nhạc dân gian giàu bản sắc, có nhiều giá trị nhất. Người Mông rất yêu thích văn nghệ; kèn lá, đàn môi, khèn của người Mông luôn là người bạn thân thiết của nam, nữ thanh niên. Người con trai dân tộc Mông ngoài giỏi việc nương rẫy còn phải biết thổi khèn, thổi sáo, múa khèn. Trong tang lễ, ngày hội xuân, buổi chợ phiên, hoặc nam nữ tỏ tình đều phải biết múa khèn, thổi khèn. Khèn dân tộc tộc Mông là biểu tượng văn hóa của người Mông.

Âm nhạc dân gian của dân tộc Mông mang nhiều vẻ độc đáo, rất đặc trưng, khó lẫn với âm nhạc của dân tộc khác, đặc biệt âm nhạc hòa âm như trống, khèn, sáo nhị. Âm nhạc chủ đạo mang tính chất trữ tình, phong phú, khỏe khoắn. Âm nhạc Mông từ giai điệu, tiết tấu, đến âm sắc, âm khu… tất cả mọi yếu tố kết thành một thể thống nhất, truyền vào con người tinh thần yêu đời, đoàn kết, yêu thương nhau. Giai điệu âm nhạc Mông cũng thật đẹp, nó phản ánh đầy đủ cái đẹp của tâm hồn người Mông.

Trong sinh hoạt của người Mông trước đây, họ thường sử dụng các loại hình âm nhạc rất phong phú, như: hát đối đáp; hát ngâm; hát kể; hát đồng dao; điệu than; mời thần linh; gọi hồn. Ngoài ra người Mông còn có lối hát đối đáp “Phìa phá”: hát đối đáp rất phổ biến, là lối hát ví, hát đối đáp của nam nữ, thanh niên Mông trắng, được sáng tác tại chỗ theo kiểu ngẫu hứng, hoặc vận dụng những câu hát có sẵn cho hợp với cuộc đối đáp đang diễn ra.

Đồng bào dân tộc Mông có nhiều lễ hội, như Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Nào sồng (lễ ăn ước hay ăn hội), Lễ cúng thổ thần, Bàn bạc công việc của bản và bầu “hội đầu” mới. Trong đó Lễ Nào sồng rất có ý nghĩa đối với người Mông, các quy ước của bản đã được đề ra được coi là thước đo chuẩn mực đạo đức của mỗi thành viên, góp phần duy trì trật tự xã hội, củng cố tính đoàn kết cộng đồng trong phạm vi một bản, dòng họ, gia đình.

Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, những nét đẹp văn hóa của dân tộc Mông ở Tuyên Quang, rất cần những giải pháp đồng bộ, trong đó trước hết cần áp dụng các phương pháp bảo tồn tĩnh, như: Sưu tầm, tư liệu hóa, lưu giữ toàn bộ các giá trị văn hóa của các dân tộc bằng hình thức tư liệu hóa: ghi chép, ghi hình, ghi âm, chụp ảnh, sưu tầm hiện vật gốc… để bảo quản lâu dài trong Bảo tàng, Thư viện tỉnh. Khuyến khích việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại, lưu truyền, trao đổi, giao lưu văn hóa với các bạn trong khu vực và trong cả nước các di sản văn hóa thuộc các loại hình văn học, nghệ thuật của các dân tộc. Đồng thời tiến hành phương pháp bảo tồn động: Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trong cộng đồng, chú trọng khai thác chất liệu dân gian, khôi phục một số lễ hội truyền thống, các bài dân ca, các điệu dân vũ, các trò chơi dân gian, dân tộc; khôi phục các làng nghề truyền thống, các lễ hội của đồng bào Mông ở Tuyên Quang. Việc khôi phục lại các lễ hội dân gian truyền thống gắn với hoạt động văn hóa tại lễ hội, như: Thi múa khèn, các trò chơi dân gian, hát dân ca, dân vũ, thi người đẹp và trình diễn trang phục dân tộc; nét đẹp nghi lễ trong đám cưới; biểu diễn khèn Mông; ẩm thực Mông và giới thiệu món ăn đặc trưng của người Mông là việc làm cần thiết và có hiệu quả (Qua khảo sát 564 hộ gia đình, có 233/564 hộ người Mông có mong muốn khôi phục lại những bản sắc văn hóa truyền thống của người Mông, như múa khèn, chơi các trò chơi dân gian, hát dân ca, thổi kèn lá, đàn môi,...). Việc tổ chức các hoạt động trong lễ hội không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông mà còn giáo dục tinh thần đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đồng thời là dịp để các nghệ nhân, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống của dân tộc Mông.

Tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp, giá trị văn hóa, lịch sử của bộ trang phục truyền thống đến các tầng lớp nhân dân, thế hệ trẻ, con em đồng bào dân tộc Mông, trong đó, Hội viên phụ nữ đóng vai trò quan trọng vì họ là người tiếp nối các giá trị văn hóa đích thực của cộng đồng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc. Bảo tồn trang phục dân tộc Mông gắn với sựphát triển du lịch theo hướng khai thác điểm đến du lịch. Mở các lớp dạy nghề truyền thống về may, thêu trang phục cho đồng bào…

Phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng, như: trưởng bản, trưởng họ, thầy cúng để thuyết phục cá nhân, cộng đồng thấy rõ tác hại của những phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời, gây cản trở sự phát triển, như tục hôn nhân cận huyết thống, nạn tảo hôn, sinh đẻ không có kế hoạch,…để loại bỏ dần, góp phần thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc.

Đặng Quang

Từ khóa » Hình ảnh Người Dân Tộc Mông