Giữa Sương Sa Giá Buốt - Báo Nhân Dân

Sương muối độc lắm, luồn qua áo xống, ngấm vào tận xương cốt, nhức buốt. Phải đợi mặt trời lên mới có thể xua bớt giá buốt. Nhưng có những người không thể chờ nắng lên, ấm lên, vẫn phải cặm cụi vạch màn sương, tìm đường kiếm sống, mưu sinh...

Khi mà chim chóc vẫn thiêm thiếp trong tổ ấm, chưa gọi nhau đi kiếm mồi, những bước chân đã rục rịch, gồng gánh, xe thồ, xe máy chồng chất su hào, bắp cải, rau cải, rau cần; cà chua, cà-rốt, khoai tây, khoai sọ; hành hẹ, rau thơm. Có cả gà, vịt, tôm, cá, lươn, ếch, ốc và cả hoa cúc, hoa hồng, thược dược, lay ơn, hoa ly, cẩm chướng... Tất cả chất lên xe ngồn ngộn, cao ngất che khuất cả người. Cứ thế, lặng loe, âm thầm, dòng người xe cộ từ mọi làng quê, góc đất, gần xa, mải miết gò lưng, thắt ruột đạp xe; ghì cứng hai tay lái chở cả "núi" nông sản về Thủ đô. Năm cửa ô, mọi ngả đường sương ngập trắng đục, lại thêm mưa mau hạt giá lạnh, khiến tay chân tê cóng, cứng đơ. Mặc bao áo, nhồi nhét khăn quàng, mũ len, vẫn cảm thấy cái rét bó sát người. Thở ra cả khói mờ mịt, mặt đường nhập nhoạng sáng tối. Không biết phía trước ra sao, cứ như nhắm mắt mà đi. Người nọ bám sau gót người kia, gần như câm lặng. Không nói, không cười. Còn hơi sức đâu mà trò chuyện, đùa bỡn. Nhanh nhanh chóng chóng đến sớm được chừng nào hay chừng ấy. Dòng người nối theo nhau dài nhất, đông đúc nhất là trên cầu Long Biên. Nhìn dòng người, phần lớn là đàn bà, thiếu phụ, thiếu nữ lùi lũi qua cầu, mới thấy sự mong manh, chênh vênh của phận người. Gió sông không có gì ngăn chắn, thổi thốc tháo hơn cả giữa đồng không. Cả xe và người nghiêng ngả, loạng choạng. Không chắc tay lái chỉ có nước ngã dúi dụi, đổ hết hàng họ. Đi thẳng, giơ mặt, giơ ngực hứng gió, hứng mưa quất mạnh, kể cả xe máy, xe thồ. Không chịu nổi. Chỉ đi xiên, đi chếch, lựa theo chiều gió, bám sát nhau, họ mới vượt qua được cây cầu ọp ẹp. Nhiều lúc ngỡ như nhịp cầu lắc lư trong gió cuồng phong.

Dù sao, so với những người phải lặn lội qua cầu, ở những cửa ô phía nam, phía tây hay phía đông, dân đi chợ sớm đỡ cực nhọc hơn. Chợ đầu mối cũng gần, tiện hơn nhiều. Người mua, kẻ bán không hẹn hò, cứ vào cữ giờ ấy là đủ mặt. Đèn đường không đủ sáng soi rõ mặt người, mặt hàng thì người ta dùng đèn pin. Loáng nhoáng, nhập nhoạng tối sáng. Xáo xác, láo nháo đủ mọi giọng nói, tiếng cười, người ta tin nhau mà mua bán, mặc cả. Cả một đám người tưởng là hỗn độn, nhộn nhạo, nhưng thật ra không hề thấy to tiếng, nặng lời với nhau. Gió rét, mưa sa dường như chẳng thể lọt vào, bởi hơi người tỏa ra đủ sưởi ấm nhau. Cùng cảnh ngộ thức khuya dậy sớm, đầu tắt mặt tối, nặng gánh mưu sinh, ai cũng hối hả tất bật kiếm tiền vào dịp năm hết, Tết đến. Chợ sáng cuối năm lạnh giá mà vẫn đủ gương mặt từ mọi làng quê. Đấy là những bộ mặt giống nhau, một mầu xanh xao, hốc hác, phờ phạc vì thiếu ngủ. Khi mà đèn đường tắt ngấm, tất cả mọi khuôn mặt đều bao phủ mầu tối om, thi thoảng lóe sáng ánh đèn pin hay màn hình điện thoại di động. Lúc này, chợ trở nên nhộn nhịp khác thường. Người ta tranh thủ mua, nhanh tay bán cho hết hàng. Hầu hết đều là bán buôn, bán mớ chứ không phải người nội trợ mua lẻ. Rau quả củ, các loại hoa hay tôm cua cá...mua về để bán lẻ ở những chợ tạm, chợ cóc, kiếm chút tiền chênh lệch, thế thôi!

Riêng ở chợ đầu mối Long Biên, sầm uất, đông đúc đến mức ngột ngạt. Xe tải vào ra chen chúc, ngồn ngộn đủ loại rau quả, thực phẩm ướp lạnh từ biên giới phía bắc đổ về. Có hẳn một đội quân bốc vác, chở hàng chầu chực từ quá nửa đêm. Tưởng là những cánh đàn ông, trai tráng "vai u thịt bắp", hóa ra vẫn là những người đàn bà "chân yếu, tay mềm". Họ ngủ vật vã trong những túp lều, nhà tạm thuê vài chục nghìn một đêm. Để gần sáng, quáng quàng vùng dậy khi có tiếng xe tải rú ga ngoài cổng chợ. Mắt nhắm mắt mở, lao ra tranh giành từng chiếc xe đầy ắp hàng. Không nhanh chân, nhanh tay, nhanh mắt là mất phần, mất miếng cơm, manh áo cho con cái. Có những người mẹ, người vợ làm "cửu vạn" cả chục năm trời. Lăn lộn, xốc vác và băm bổ chả kém gì đàn ông. Không thế thì làm sao giành giật được những chuyến hàng. Không cùng hội, cùng làng thì đừng mong tranh cướp được việc làm thường xuyên giữa cái chợ người tứ chiếng, thập phương đổ về. Vạ vật những phận người, "ăn cơm bụi, uống lề đường" quen rồi. Giơ mặt, giơ lưng gánh đủ nhọc nhằn, cay đắng, bụi bặm, nắng mưa mà nhặt nhạnh từng đồng tiền nhàu nát, giắt lưng. Tằn tiện bóp mồm, bóp miệng, tích cóp mang về quê. Không được phép... ốm, không được quyền...đau. Nhức đầu, cảm cúm thì đập gừng tươi cho vào nước nóng mà uống. Cùng lắm, uống vài viên thuốc nhì nhằng hay một bát cháo hành, tía tô, đắp chăn cho vã mồ hôi là xong. Là lại vùng dậy, nhào ra oằn lưng cõng vài bao tải, vác mấy thùng táo, lê. Bao nhiêu mệt mỏi, đau nhức xương cốt coi như tan biến hết. Trời nắng còn đỡ khổ, nóng mấy cũng chịu được, chống chọi được. Mọi chuyện ăn uống, sinh hoạt cũng đơn giản. Giá rét sương muối, cực đủ đường. Đắp cả bao tải, mặc cả áo mưa vẫn không tài nào ngủ nổi, bởi lạnh lưng, thiếu hơi ấm. Nhiều khi xin được viên than tổ ong cháy vạc để dưới gầm giường, ngay sát người, may ra chợp mắt nổi. Nhưng khi tỉnh giấc, trở dậy, người mệt mỏi rã rời như không còn hơi để thở...

Cũng trong cái rét tê tái, buốt giá, nứt nẻ da thịt, xót như xát muối, dọc hành lang hun hút gió lùa khu giường bệnh kín đặc người nằm, người ngồi vạ vật. Được thế còn là may. Những gốc cây khuất gió là nơi trú ngụ của người nhà bệnh nhân. Màn trời chiếu đất, có tán cây che bớt sương giá, có gầm ghế đá làm chỗ để đồ dùng vặt vãnh. Mưu sinh không bằng mưu sống. Người bệnh nằm ghép hai, ba người một giường còn phải chịu, huống chi người nhà chăm người ốm. Được nằm ngay dưới gầm giường là "diễm phúc" lớn. Manh chiếu đơn, tấm ni-lông lót trên đá hoa lạnh loeo nằm mãi cũng quen, cũng ấm dần lên vì hơi người. Còn thì phần lớn nằm ngoài hành lang, mới đầu còn mất ngủ vì rét, vì muỗi. Đêm thứ hai, đặt lưng là ngủ say như chết. Chẳng còn biết giá rét, muỗi dĩn là gì. Không ngủ thì lấy sức đâu mà chăm sóc người nhà bệnh nặng. Mùa đông, dù sao cũng có cái may là người nọ truyền hơi ấm cho người kia. Người thập phương đổ về những bệnh viện đa khoa, chuyên khoa lớn, bỗng dưng thành thân thiết, nương tựa, trông cậy vào nhau. Họ truyền cho nhau kinh nghiệm, chỉ bảo cách ứng xử với từng bác sĩ, y tá, hộ lý. Đêm khuya, có người phải cấp cứu hay mệnh hệ gì, thì còn biết trông cậy vào ai, nếu không phải là những người cùng cảnh ngộ. Mà đâu chỉ người nhà, ngay người bệnh còn phải chen chúc nằm ngay hành lang, nhất là những đợt rét đậm, rét hại đổ ập xuống. Người nhà nằm lẫn người bệnh, ống dịch truyền treo trên tường. Thiếu giường, người ốm được ưu tiên nằm ghế gấp, giường bạt. Người khỏe co quắp trên manh chiếu, tấm áo mưa trải giữa lối đi. Cứ tạm bợ, vất vưởng phục dịch người thân như thế, người khỏe cũng ốm theo. Nhiều khi, một người bệnh phải "cõng" theo hai người thay nhau chăm sóc. Chung quanh các bệnh viện Hà Nội mọc lên san sát khu trọ nhếch nhác, tồi tàn. Mỗi phòng cấp bốn bốc mùi mồ hôi, ẩm mốc, lèn chặt khoảng chục giường một. Giá thuê trọ đêm mỗi giường ngang bằng một suất cơm bụi. Có chỗ chui ra, rúc vào là tốt rồi. Người ta thường thay ca nhau ra đây ngủ để lấy sức cầm cự, chăm sóc vợ hoặc chồng, cha hoặc mẹ hay con cháu. Những phận đời, phận người ngày và đêm chống chọi với bệnh tật, với cái chết không biết đến khi nào "giảm tải", để giảm bớt nỗi cơ cực cho những người sống vật vờ dưới gốc cây, ghế đá, hành lang?

Ngỡ là giữa sương sa giá buốt sẽ che phủ, mờ nhòe những gương mặt, những phận người mà ngược lại, chỉ thấy rõ hơn, đậm nét hơn, khắc sâu hơn. Mùa sương muối cuối năm đâu chỉ làm héo quăn, cháy táp như lửa ngọn rau, lá cỏ, lá cây. Thứ "lửa lạnh" như băng giá, như muối mặn xót xa, chà xát mặt người. Cứ bảo rằng Trái đất nóng lên mỗi năm một độ, mà sao giá rét, sương muối vẫn không "buông tha" những người lao động, người thất cơ lỡ vận?

Từ khóa » Gió Rét Sương Sa